Đau Thần Kinh Tọa Uống Thuốc Gì
Đau thần kinh tọa nên uống thuốc gì là vấn đề được bệnh nhân quan tâm. Bởi cơn đau do bệnh lý này thường kéo dài âm ỉ gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Hiện tại, có khá nhiều loại thuốc được sử dụng nhưng bệnh nhân cần dùng đúng thuốc và liều lượng để đạt hiệu quả tốt nhất.
Bị đau thần kinh tọa nên uống thuốc gì?
Đau thần kinh tọa còn được gọi là đau dây thần kinh hông to. Đây là một trong những bệnh cơ xương khớp thường gặp, đặc trưng bởi cơn đau xuất hiện ở lưng dưới sau đó lan xuống dưới chân và bàn chân do dây thần kinh bị chèn ép, nhiễm trùng hoặc chấn thương.
Cơn đau thần kinh tọa có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ, mức độ đau thường âm ỉ và tăng lên khi ho, hắt hơi, vận động mạnh và thay đổi tư thế đột ngột. Ngoài cảm giác đau, vùng lưng dưới và chân còn có cảm giác rát bỏng, kiến bò và tê nóng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Để điều trị đau thần kinh tọa dứt điểm, cần phải cải thiện từ nguyên nhân. Tuy nhiên, thuốc vẫn sẽ được chỉ định để đẩy lùi cơn đau, giảm cảm giác khó chịu, rát bỏng do chứng bệnh này gây ra. Mặc dù mang lại hiệu quả tốt nhưng lạm dụng thuốc trong thời gian gây ra không ít tác dụng phụ. Chính vì vậy, bệnh nhân cần sử dụng đúng loại thuốc và dùng với liều lượng thích hợp.
Nếu đang băn khoăn “Bị đau thần kinh uống thuốc gì?”, bệnh nhân có thể tham khảo một số nhóm thuốc thông dụng sau để có thêm kinh nghiệm khi sử dụng:
1. Thuốc giảm đau Paracetamol
Paracetamol là thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Loại thuốc này có tác dụng giảm cơn đau nhẹ do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả đau thần kinh tọa. Ở liều điều trị, Paracetamol tương đối an toàn và hiếm khi gây ra tác dụng phụ. Do đó, Paracetamol là loại thuốc được sử dụng ưu tiên khi điều trị đau thần kinh tọa và các bệnh cơ xương khớp khác.
Cơ chế của thuốc là giảm tổng hợp cyclooxygenase và prostaglandin ở hệ thần kinh trung ương, qua đó giúp giảm cơn đau đáng kể. Tuy nhiên, thuốc chống chỉ định cho người có tiền sử nghiện rượu, thiếu hụt men G6PD, thiếu máu nhiều lần, suy gan, suy thận và có các vấn đề về tim, phổi. Ngoài ra, những trường hợp có tiền sử dị ứng với Paracetamol nên tránh sử dụng loại thuốc này.
Liều dùng thuốc Paracetamol trong điều trị đau thần kinh tọa:
- Sử dụng 325 – 650mg/ lần mỗi 4 – 6 giờ
- Ngày dùng tối đa 4g
Một số người có thể gặp phải các tác dụng ngoại ý có mức độ nhẹ khi dùng Paracetamol như buồn nôn, nôn mửa và nổi mề đay.
2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Ngoài Paracetamol, thuốc chống viêm không steroid cũng là nhóm thuốc điều trị đau thần kinh tọa thông dụng. Thuốc có tác dụng ức chế enzyme cyclooxygenase 1 và 2, từ đó giảm sinh tổng hợp chất trung gian gây viêm prostaglandin. Thông qua cơ chế này, thuốc chống viêm không steroid có khả năng giảm đau và kháng viêm tốt.
So với Paracetamol, NSAID mang lại hiệu quả tốt hơn. Chính vì vậy, trường hợp không có đáp ứng sẽ được dùng một số loại thuốc chống viêm không steroid. Tuy nhiên, do cơ chế ức chế prostaglandin nên NSAID có thể gây đau dạ dày và thậm chí là loét dạ dày – tá tràng. Vì vậy, những người có vấn đề về dạ dày nên dùng kèm với thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày hoặc thuốc ức chế tiết dịch vị.
Hoặc cũng có thể sử dụng thuốc ức chế chọn lọc COX-2 (nhóm nhỏ của NSAID). Nhóm thuốc này bao gồm Celecoxib, Piroxicam và Meloxicam. Thuốc ức chế chọn lọc COX-2 ít gây tác dụng phụ lên hệ tiêu hóa nhưng có thể tăng nguy cơ đột quỵ. Do đó, thuốc chủ yếu được dùng cho người trẻ và hạn chế sử dụng cho người cao tuổi có các vấn đề tim mạch.
Liều lượng sử dụng:
- Liều dùng phụ thuộc vào loại thuốc cụ thể
- Có thể dùng thuốc uống hoặc thuốc bôi ngoài
Chống chỉ định NSAID cho người đang bị viêm loét dạ dày tá tràng tiến triển, rối loạn đông máu, tiền sử xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận nặng, trẻ em dưới 12 tuổi,… Người từng có tiền sử nổi mề đay, phù mạch và bùng phát cơn hen cấp khi dùng các loại thuốc chống viêm không steroid cần tránh sử dụng nhóm thuốc này.
3. Thuốc giảm đau gây nghiện
Đau thần kinh tọa thường gây ra cơn đau âm ỉ và kéo dài. Trong trường hợp đau nhiều và cơn đau không có đáp ứng với các loại thuốc giảm đau kể trên, bác sĩ sẽ chỉ định dùng Paracetamol với một số loại thuốc giảm đau gây nghiện (opioids). Do thuốc có thể gây nghiện nên bác sĩ thường chỉ định dùng liều thấp kết hợp với Paracetamol để hạn chế tác dụng phụ.
Cơ chế của thuốc là liên kết với các thụ thể opioid ở thần kinh trung ương để tăng ngưỡng chịu đau, qua đó làm giảm cơn đau có mức độ từ trung bình đến nặng. Các loại thuốc giảm đau gây nghiện được dùng trong điều trị đau thần kinh tọa bao gồm Tramadol, Pethidin, Morphin,…
Thuốc giảm đau gây nghiện có cơ chế trung ương nên cần tránh sử dụng cho người bị ngộ độc rượu cấp tính, động kinh chưa được kiểm soát, sử dụng thuốc ức chế monoamine oxidase trong vòng 14 ngày, suy gan nặng, phụ nữ mang thai, cho con bú và tiền sử ngộ độc thuốc có cơ chế thần kinh.
Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc giảm đau gây nghiện:
- Buồn nôn, nôn mửa
- Sốt
- Kích động
- Nhịp tim nhanh
- Nổi mề đay
- Nhịp yếu
- Tiêu chảy
4. Thuốc giãn cơ
Thuốc giãn cơ được sử dụng để điều trị đau vai gáy, đau dây thần kinh liên sườn, đau dây thần kinh tọa và nhiều bệnh lý cơ xương khớp khác. Tình trạng co cứng cơ có thể là nguyên nhân gây ra cơn đau ở vùng thắt lưng và chi dưới. Do đó, nhóm thuốc này sẽ được sử dụng trong một số trường hợp.
Eperisone và Tolperisone là hai loại thuốc giãn cơ được sử dụng phổ biến nhất cho bệnh nhân đau thần kinh tọa. Trong đó, Eperisone có tác dụng thư giãn cơ trơn mạch máu và giãn cơ vân. Tolperisone mang lại hiệu quả nhanh hơn thông qua tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương.
Sử dụng thuốc giãn cơ có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn mửa, hạ huyết áp, nhược cơ, đau đầu,… Ngoài ra, nên thận trọng khi dùng thuốc cho phụ nữ mang thai – nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Liều dùng thông thường:
- Eperisone thường được sử dụng liều 50mg, dùng 2 – 3 lần/ ngày
- Tolperisone được dùng với liều 150mg/ lần, ngày dùng từ 2 – 3 lần/ ngày
5. Thuốc chống co giật
Thuốc chống co giật thường được dùng để điều trị các rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, hoang tưởng, động kinh,… Tuy nhiên, một số loại thuốc cũng có thể được dùng cho bệnh nhân đau dây thần kinh tọa. Trong đó, Gabapentin là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất.
Cơ chế thuốc chưa được biết rõ nhưng nhận thấy có hiệu quả trong giảm đau thần kinh như bệnh zona, đau thần kinh liên sườn, đau thần kinh tọa và đau dây thần kinh do bệnh tiểu đường. Do đó, những trường hợp bị đau thần kinh tọa dai dẳng có thể được sử dụng Gabapentin.
Cách dùng – liều dùng Gabapentin:
- Sử dụng đường uống
- Thường dùng với liều 300mg/ lần/ ngày
- Sau đó, tăng dần liều theo chỉ định của bác sĩ
Thuốc chống co giật mang lại hiệu quả khá tốt trong việc kiểm soát cơn đau và các triệu chứng do đau thần kinh tọa gây ra. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như liệt dương, giảm thị lực, nhìn đôi, mẩn ngứa, viêm miệng, rối loạn vị giác,…
6. Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng để điều trị trầm cảm, rối loạn lo âu và các bệnh rối loạn tâm thần thường gặp. Tuy nhiên, thuốc cũng được sử dụng để giảm đau mãn tính. Nhờ có tác dụng xoa dịu cảm xúc, thuốc giúp ích rất nhiều trong việc giải tỏa căng thẳng, lo âu ở bệnh nhân bị đau mãn tính.
Amitriptylin là loại thuốc chống trầm cảm thường được dùng để điều trị đau dây thần kinh. Cơ chế của thuốc là ức chế tái hấp thu các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, norepinephrine, monoamin và một số chất khác. Tuy nhiên, cần tránh dùng thuốc nếu bị suy gan nặng, dị ứng với thành phần trong thuốc và giai đoạn hồi phục sau nhồi máu cơ tim.
Liều dùng Amitriptylin trong điều trị đau thần kinh tọa:
- Liều khởi đầu: 10mg vào buổi tối, sau đó tăng lên khoảng 75mg/ ngày
- Liều lượng sẽ được điều chỉnh tùy theo mức độ đáp ứng
Thuốc Amitriptylin có tác dụng an thần nên sẽ gây mất tỉnh táo và buồn ngủ khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân cần tránh điều khiển phương tiện giao thông nếu cảm thấy buồn ngủ quá mức. Ngoài ra, thuốc cũng gây ra một số tác dụng ngoại ý khác như táo bón, khô miệng, giảm ham muốn tình dục, liệt dương, tăng huyết áp và tăng nhịp tim.
7. Thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại vi
Galantamine thường được sử dụng để điều trị các chứng sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, thuốc cũng có thể được dùng cho bệnh nhân đau dây thần kinh tọa trong một số trường hợp cần thiết. Cơ chế của thuốc là làm tăng acetylcholine nhằm giảm cơn đau và cải thiện các triệu chứng đi kèm.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng Mecobalamin – một loại coenzyme vitamin B12 nội sinh. Thuốc có tác dụng phục hồi tổn thương và cải thiện tốc độ dẫn truyền của dây thần kinh tọa. Bởi tình trạng chèn ép dây thần kinh trong một thời gian dài có thể gây thoái hóa và suy giảm chức năng của cơ quan này.
Các loại thuốc tăng dẫn truyền dây thần kinh ngoại vi chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và cần phải theo dõi chặt chẽ. Tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc này là khó tiêu, sụt cân, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa,…
8. Các vitamin nhóm B
Vitamin nhóm B có vai trò quan trọng đối với hệ thần kinh trung ương và ngoại vi. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kết hợp vitamin nhóm B để phục hồi và bình thường hóa hoạt động chuyển hóa của dây thần kinh tọa.
Bệnh nhân bị đau thần kinh tọa thường được chỉ định dùng vitamin B1, B6 và B12. Ngoài tác dụng phục hồi tổn thương ở dây thần kinh, viên uống bổ sung vitamin B còn có chức năng tăng cường cơ bắp. Tuy nhiên, sử dụng vitamin B gây ra nhiều tác dụng phụ nên bắt buộc phải có sự hướng dẫn của thầy thuốc. Tuyệt đối không tự ý sử dụng như các loại vitamin và khoáng chất thông thường.
9. Thuốc tăng tái tạo bao myelin
Myelin là chất bao quanh các sợi dây thần kinh vận động. Ở những dây thần kinh bị chèn ép, bao myelin sẽ có hiện tượng tổn thương khiến cho dây thần kinh bị thoái hóa, liệt, thậm chí là mất hoàn toàn chức năng. Trong trường hợp bị đau thần kinh tọa do các bệnh mãn tính như thoát vị đĩa đệm, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc tăng tái tạo bao myelin bên cạnh các loại thuốc điều trị triệu chứng.
Thuốc có tác dụng tái tạo bao myelin, từ đó giúp bảo vệ dây thần kinh và đảm bảo hoạt động dẫn truyền thần kinh. Với cơ chế này, thuốc giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ chức năng của dây thần kinh tọa và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh.
Có khá nhiều loại thuốc có tác dụng tái tạo bao myelin, trong đó thường dùng nhất là Uridine và Cytidine. Ngoài ra, dùng vitamin B1, B6 và B12 liều cao cũng giúp tái tạo bao myelin và bảo vệ dây thần kinh tọa.
10. Thuốc gây tê
Thuốc gây tê cũng có thể được dùng để điều trị đau thần kinh tọa. Với cơn đau nhẹ, nên ưu tiên dùng thuốc dạng bôi ngoài hoặc dạng miếng dán. Thông qua cơ chế phong bế thần kinh, thuốc giúp giảm cơn đau do bệnh đau thần kinh tọa gây ra.
Trường hợp đau nhiều sẽ được dùng thuốc tiêm cạnh cột sống thắt lưng. Bên cạnh hiệu quả giảm đau, thuốc còn giúp giảm tình trạng rát bỏng, tê bì, kiến bò và rối loạn cảm giác. Thuốc thường được sử dụng với các loại thuốc tái tạo, phục hồi tổn thương thần kinh để tránh thoái hóa dây thần kinh tọa. Các loại thuốc gây tê thông dụng bao gồm Novocain, Lidocaine.
Lưu ý khi dùng thuốc trị đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa là bệnh cơ xương khớp thường gặp với nguyên nhân đa dạng. Các triệu chứng do bệnh lý này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc đúng cách và đúng liều lượng, bệnh nhân có thể kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tiến triển bệnh hiệu quả.
Dùng thuốc chỉ giúp giảm triệu chứng bệnh, hoàn toàn không điều trị được căn nguyên. Do đó, phải kết hợp với các biện pháp điều trị và hỗ trợ khác để kiểm soát bệnh hiệu quả. Đồng thời giảm nguy cơ lạm dụng thuốc và tránh gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Khi sử dụng thuốc điều trị đau thần kinh tọa, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Chỉ sử dụng thuốc khi đã tham khảo ý kiến dược sĩ và bác sĩ. Đối với các loại thuốc kê toa, nên trao đổi kỹ với bác sĩ về tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng,… để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
- Chú ý các biểu hiện bất thường khi dùng thuốc và thông báo với bác sĩ khi gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Tuân thủ liều lượng được chỉ định, không tự ý ngưng thuốc hay điều chỉnh liều – đặc biệt là khi dùng các loại thuốc có tác dụng trung ương như thuốc giảm đau gây nghiện, thuốc chống trầm cảm, chống co giật,…
- Điều chỉnh tư thế xấu và các thói quen ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống xương khớp như ít vận động, lao động quá sức, mang vác vật nặng, cồng kềnh,…
- Tập thể dục thường xuyên giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện đau thần kinh tọa và các bệnh cơ xương khớp thường gặp. Trường hợp thừa cân nên tích cực luyện tập để điều chỉnh cân nặng bởi béo phì là yếu tố gia tăng nguy cơ đau thần kinh tọa.
- Hạn chế thay đổi tư thế đột ngột để tránh cơn đau bùng phát.
- Bổ sung thực phẩm lành mạnh, đặc biệt là nhóm thực phẩm giàu kẽm, magie, vitamin B, C,… để cải thiện và phục hồi dây thần kinh.
- Bên cạnh sử dụng thuốc, nên tuân thủ các phương pháp điều trị được bác sĩ chỉ định như sử dụng sóng cao tần, phẫu thuật, vật lý trị liệu,… Ngoài ra, nên áp dụng thêm các cách chữa đau thần kinh tọa tại nhà để hỗ trợ hiệu quả của các phương pháp kể trên.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Bị đau thần kinh tọa uống thuốc gì tốt?” và những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng. Ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân nên kết hợp với điều chỉnh lối sống và tập vật lý trị liệu để kiểm soát bệnh hiệu quả.
Tham khảo thêm:
- 5 Bài Thuốc + Cách Chữa Đau Thần Kinh Toạ Bằng Đông Y
- TOP 7 Bài Tập Giảm Đau Thần Kinh Toạ Hiệu Quả Nhất