Gai Cột Sống Nên Ăn Gì
Nắm rõ “Gai cột sống nên ăn gì, kiêng gì?” sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp. Đây được đánh giá là một phần quan trọng giúp cải thiện triệu chứng và hỗ trợ kiểm soát bệnh. Ngoài ra, ăn uống lành mạnh còn mang lại vô vàn lợi ích cho sức khỏe tổng thể.
Ảnh hưởng của chế độ ăn uống với bệnh gai cột sống
Gai cột sống là hệ quả của quá trình thoái hóa cột sống tiến triển nặng. Căn bệnh này xảy ra do lắng đọng và tích tụ canxi một cách bất thường. Kết quả là tạo các mỏm gai xương ở hai bên cột sống. Gai xương phát triển có thể gây chèn ép đĩa đệm, dây chằng và rễ thần kinh. Từ đó gây đau đớn, khó chịu, mệt mỏi và hạn chế khả năng vận động.
Đối với bệnh gai cột sống thì việc điều trị y tế là rất cần thiết để kiểm soát cơn đau, hạn chế sự phát triển của các gai xương và cải thiện chức năng vận động. Song song với đó, người bệnh được khuyên là cần kết hợp ăn uống lành mạnh để hỗ trợ quá trình điều trị.
Dưới đây là một số lợi ích từ việc ăn uống lành mạnh đối với bệnh gai cột sống:
– Giảm viêm:
Chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp ngăn ngừa các tổn thương ở khớp xương và cột sống. Điều này cũng sẽ hỗ trợ ngăn ngừa các rủi ro có liên quan tới tình trạng gai cột sống.
Các chuyên gia cho biết, thường xuyên tiêu thụ các thực phẩm chống viêm có thể giúp làm giảm triệu chứng gai cột sống. Ngoài ra, việc bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và các vitamin A, C, E còn hỗ trợ ngăn ngừa tổn thương tồi tệ thêm.
– Giảm cholesterol:
Nghiên cứu cho thấy, người bị gai cột sống thường có nồng độ cholesterol trong máu ở mức cao. Do đó, việc giảm cholesterol thực sự có thể giúp cải thiện triệu chứng bệnh. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và phụ hợp sẽ hỗ trợ cải thiện nồng độ cholesterol hiệu quả hơn.
– Duy trì cân nặng phù hợp:
Thừa cân – béo phì có thể làm gia tăng áp lực lên vùng cột sống. Từ đó khiến cho các gai xương tăng cường chèn ép lên mô mềm và rễ thần kinh gây đau đớn dữ dội. Duy trì cân nặng hợp lý sẽ có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng gai cột sống. Trong khi đó, việc ăn uống lành mạnh được cho là một phần quan trọng của quá trình kiểm soát cân nặng.
Có thể thấy rằng, chế độ ăn uống phù hợp bao gồm các thực phẩm tươi sạch, lành mạnh sẽ giúp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của bệnh gai cột sống. Đồng thời giúp nâng đỡ hệ thống cơ xương và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Bị gai cột sống nên ăn gì hỗ trợ điều trị?
Gai cột sống nên ăn gì cho tốt là thắc mắc thường gặp. Bởi trên thực tế, việc bổ sung các thực phẩm lành mạnh có thể giúp hỗ trợ giảm đau, chống viêm và tăng cường sức khỏe xương khớp. Đồng thời làm chậm tốc độ lão hóa và hạn chế hình thành gai xương.
Dưới đây là một số thực phẩm tốt cho bệnh nhân gai cột sống:
1. Rau xanh
Rau xanh là nhóm thực phẩm rất lành mạnh không thể thiếu đối với mọi chế độ ăn kiêng. Với chế độ ăn uống của người mắc bệnh gai cột sống thì đây cũng là một thực phẩm cần thiết, nên bổ sung.
Đa phần các loại rau xanh đều giàu vitamin, khoáng chất, nước và chất xơ. Đây là các thành phần quan trọng có tác dụng thanh lọc cơ thể và thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
Hơn nữa một số loại rau xanh còn có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ. Từ đó làm chậm quá trình lão hóa xương khớp, ngăn ngừa hình thành gai xương. Tăng cường bổ sung rau xanh còn giúp cải thiện sức đề kháng, chống lại các phản ứng viêm.
Người bệnh gai cột sống có thể bổ sung một số loại sau xanh dưới đây:
- Bông cải xanh
- Cải bẹ xanh
- Rau ngót
- Rau bina
- Hành, tỏi
- Cà rốt
- Ớt chuông
- Củ cải
2. Trái cây tươi
Rất nhiều loại trái cây tươi có chứa lượng lớn các hợp chất thực vật như flavonoid và polyphenol. Các hợp chất này có khả năng chống viêm, giảm đau và chống oxy hóa. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, polyphenol trong trái cây có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp và viêm khớp.
Đặc biệt, các loại quả mọng còn chứa lượng lớn quercetin và rutin với tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ. Từ đó ngăn ngừa quá trình thoái hóa và hạn chế hình thành thêm các gai xương mới ở cột sống. Các hoạt chất này còn giúp chống viêm, giảm tổn thương và giảm sự chèn ép lên rễ thần kinh do bệnh gai cột sóng gây ra.
Trong khi đó, các loại trái cây có múi cũng mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh gai cột sống. Chúng giàu quercetin, flavonoid và anthocyanins. Các hoạt chất này có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng gai cột sống và làm tăng sức mạnh cho cột sống, thúc đẩy chữa lành các tổn thương.
Một số loại trái cây tươi tốt cho người bị gai cột sống bao gồm:
- Việt quất
- Dâu tây
- Anh đào
- Cam
- Bưởi
- Táo
- Lựu
- Nho
- Mâm xôi
3. Ngũ cốc nguyên hạt
Khi đề cập đến vấn đề bị gai cột sống nên ăn gì thì ngũ cốc nguyên hạt cũng là một gợi ý tốt cho người bệnh. Nhóm thực phẩm này là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào có tác dụng chống lại các phản ứng viêm tại cột sống. Nhờ đó sẽ giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh.
Bên cạnh đó, ngũ cốc nguyên hạt còn chứa nhiều thành phần có tác dụng thúc đẩy quá trình sản xuất dịch khớp. Từ đó giúp cho các đốt sống hạn chế ma sát vào nhau khi vận động. Đồng thời làm giảm mức độ chèn ép của gai xương lên mô mềm và rễ thần kinh.
Các loại ngũ cốc nguyên hạt tốt cho người bệnh gai cột sống bao gồm:
- Yến mạch
- Kiều mạnh
- Hạt kê
- Gạo lứt
- Lúa mạch
- Cao lương
4. Các loại hạt và đậu
Các loại hạt chính là nguồn cung cấp lượng lớn chất béo lành mạnh cho cơ thể. Đặc biệt là chất béo Omega 3 có tác dụng chống viêm và thúc đẩy tốc độ chữa lành tổn thương hiệu quả. Ngoài ra, các loại hạt còn là nguồn cung cấp protein thực vật và chất xơ dồi dào.
Thường xuyên bổ sung các loại hạt vào chế độ ăn có thể giúp tăng cường sức mạnh xương khớp và làm giảm nguy cơ thoái hóa. Một số loại hạt tốt cho những người bị gai cột sống bao gồm:
- Hạnh nhân
- Quả óc chó
- Hạt lanh
- Hạt dẻ cười
- Hạt chia
Ngoài bổ sung các loại hạt thì các loại đậu cũng là nhóm thực phẩm hữu ích. Đây là nguồn cung cấp sắt, folate, kali, magie, protein thực vật và chất xơ dồi dào. Người bệnh có thể bổ sung các loại đậu như:
- Đậu Hà Lan
- Đậu lăng
- Đậu nành
- Đậu đen
5. Cá béo và hải sản
Đa số các loại cá béo đều rất giàu axit béo Omega 3 giúp hỗ trợ chống viêm rất hiệu quả. Người bị gai cột sống nên lựa chọn bổ sung các loại cá có hàm lượng Omega 3 cao như cá hồi, cá mòi, cá cơm, cá trích,…
Các chuyên gia khuyên rằng, bệnh nhân bị gai cột sống nên tiêu thụ khoảng 50 – 150g cá mỗi lần và đều đặn 2 lần mỗi tuần để hỗ trợ cải thiện triệu chứng. Trường hợp không thích ăn cá thì người bệnh có thể sử dụng dầu cá thay thế. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh dầu cá có thể giúp cải thiện tình trạng đau nhức, cứng khớp và sưng viêm.
Ngoài cá béo thì hải sản cũng là nhóm thực phẩm rất phù hợp với bệnh nhân gai cột sống. Đa số các loại hải sản đều giàu canxi và vitamin D. Tiêu thụ chúng có thể tăng mật độ xương và cải thiện sức mạnh cho vùng cột sống.
6. Sữa ít béo
Các sản phẩm từ sữa ít béo được cho là nguồn cung cấp canxi tốt trong chế độ ăn uống lành mạnh. Ngoài bổ sung canxi thì sữa và các chế phẩm sữa cũng cung cấp một lượng vitamin A và D dồi dào. Thường xuyên tiêu thụ sữa ít béo sẽ giúp tăng cường sức khỏe xương khớp, hạn chế các tổn thương xảy ra.
Vitamin D và canxi kết hợp với nhau có thể làm tăng mật độ xương. Đặc biệt cung cấp đủ vitamin D sẽ giúp canxi được hấp thu hiệu quả hơn, tránh tình trạng lắng đọng làm hình thành gai xương. Điều này rất quan trọng với bệnh nhân bị gai cột sống. Người bệnh có thể dùng sữa ít béo, sữa chua ít béo, phô mai tươi hoặc nấm sữa Kefir.
7. Thực phẩm gia vị
Một số loại thực phẩm gia vị cũng đã được chứng minh là có khả năng chống viêm và giảm đau rất tốt. Thường xuyên dùng chúng trong chế độ ăn uống sẽ giúp hỗ trợ cải thiện triệu chứng của bệnh gai cột sống hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Gừng và nghệ là hai loại thực phẩm gia vị được khuyên dùng:
- Gừng: Hàm lượng gingerol rất dồi dào trong gừng có dược tính mạnh với khả năng chống viêm, giảm đau và chống oxy hóa mạnh mẽ. Người bệnh có thể pha trà gừng để uống hoặc thêm gừng tươi vào các món ăn, thêm bột gừng vào các loại bánh,…
- Nghệ: Đây là thực phẩm gia vị quen thuộc có chứa lượng lớn hoạt chất curcumin. Thành phần này có tác dụng làm giảm đau nhức và sưng viêm ở người bệnh gai cột sống. Ngoài việc thêm gừng vào công thức nấu ăn thì người bệnh có thể cân nhắc bổ sung dưới dạng viên uống.
8. Trà xanh và các thức uống lành mạnh
Các loại trà xanh có chứa lượng lớn hợp chất polyphenolic với tác dụng chống viêm và chống oxy hóa ở những người bị gai cột sống. Ngoài ra, chiết xuất trà xanh còn giúp kiểm soát cơn đau và hỗ trợ cải thiện chức năng cột sống.
Bên cạnh trà xanh thì người bị gai cột sống có thể bổ sung các thức uống lành mạnh khác cho cơ thể. Chẳng hạn như trà ô long, nước ép rau củ quả tươi, nước dừa, nước lọc,… Chú ý bổ sung đủ lượng nước cơ thể cần mỗi ngày (khoảng từ 2 – 2.5 lít).
Gai cột sống nên kiêng gì để giảm đau?
Ngoài việc nắm rõ gai cột sống nên ăn gì thì người bệnh cũng cần chú ý đến các loại đồ ăn thức uống khiến cho triệu chứng tồi tệ hơn. Chú ý kiêng các loại thực phẩm không phù hợp có thể hỗ trợ cải thiện triệu chứng và thúc đẩy quá trình kiểm soát bệnh.
Một số loại đồ ăn thức uống cần tránh khi bị gai cột sống bao gồm:
1. Thực phẩm chế biến sẵn
Các loại thực phẩm chế biến sẵn như thức ăn nhẹ đóng gói, snack, bánh quy,… có chứa một lượng lớn chất bảo quản và chất béo chuyển hóa. Thường xuyên tiêu thục các loại thực phẩm này có thể kích thích phản ứng viêm. Đồng thời khiến cho các triệu chứng của bệnh gai cột sống càng trở nên nghiêm trọng hơn.
2. Thức ăn nhiều muối, đường
Đường tồn tại rất nhiều trong các loại thực phẩm chế biến sẵn như các loại kẹo, bánh quy, nước ngọt đóng chai,… Tiêu thụ lượng đường lớn có thể làm tăng viêm nhiễm và gây ra béo phì. Điều này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cột sống nói riêng và hệ thống xương khớp nói chung.
Ngoài đường thì muối cũng là loại gia vị mà người bị gai cột sống cần chú ý hạn chế. Mặc dù là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh cũng như duy trì các chất điện giải trong cơ thể nhưng tiêu thụ quá nhiều muối lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể là làm tích tụ các chất lỏng và gia tăng nguy cơ sưng viêm xương khớp.
3. Axit béo Omega 6
Tiêu thụ quá nhiều các thực phẩm giàu Omega 6 có thể kích hoạt các hóa chất gây viêm. Từ đó khiến cho triệu chứng của bệnh gai cột sống càng trở nên tồi tệ. Các nguồn cung cấp Omega-6 phổ biến bao gồm ngô, đậu nành, dầu hướng dương, thịt gia cầm, dầu hạt cải, một số hạt và quả hạch.
4. Chất béo không bão hòa
Chế độ ăn uống chứa nhiều chất béo không bão hòa có thể kích thích sự tồi tệ thêm của các phản ứng viêm trong cơ thể. Người bị gai cột sống được khuyên là nên hạn chế các thực phẩm giàu chất béo không bão hòa. Chẳng hạn như thịt chế biến sẵn, thịt đỏ, đồ chiên rán, thức ăn nhanh,…
5. Carbohydrate tinh chế
Bánh mì trắng, mì ống trắng, bánh quy,… là các thực phẩm chứa nhiều carbohydrate tinh chế. Tiêu thụ nhiều thực phẩm này sẽ làm gia tăng nồng độ glucose trong máu và làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể.
Ngoài ra các loại thực phẩm tinh chế khác như bánh nước, đồ ăn nhẹ, đồ ngọt, ngũ cốc ăn sáng,… còn chứa một lượng muối, đường và chất béo lớn. Do đó những người bị gai cột sống cần hạn chế tiêu thụ.
6. Rượu
Tiêu thụ nhiều rượu gây ra rất nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe nói chung. Đặc biệt là gây viêm mãn tính theo thời gian (tình trạng này rất phổ biến ở những người nghiện rượu). Những người bị gai cột sống cần hạn chế uống rượu để tránh ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát và điều trị bệnh.
Bài viết đã giải đáp rõ vấn đề “gai cột sống nên ăn gì và kiêng gì tốt cho quá trình điều trị bệnh”. Mong rằng người bệnh có thể căn cứ vào những thông tin này để điều chỉnh chế độ ăn uống cho hợp lý. Có thể trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể hơn.
Tham khảo thêm: