Phương Pháp Trị Gai Cột Sống
Cách trị gai cột sống dứt điểm là vấn đề được rất nhiều người bệnh quan tâm tìm hiểu. Những cơn đau nhức từ âm ỉ đến dữ dội hành hạ người bệnh mỗi ngày và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và công việc của họ. Vậy cách chữa bệnh gai cột sống như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Có thể chữa gai cột sống dứt điểm được không?
Gai cột sống là một dạng biến chứng của bệnh thoái hóa xương khớp. Đặc điểm của bệnh là xuất hiện những mỏm gai xương tại phần giao nhau của các đốt cột sống. Nguyên nhân hình thành là sự tích tụ canxi tại các đĩa sụn, dây chằng bị hư hại do viêm khớp mãn tính, do chấn thương hoặc thoái hóa phát triển thành các gai xương thừa. Bệnh tập trung chủ yếu ở đối tượng trung niên sau 40 tuổi, đặc biệt là ở nam giới.
Hiện nay, chưa có cách trị gai cột sống khỏi dứt điểm và triệt để. Nguyên do là bởi xương khớp khi đã lão hóa thì không thể phục hồi trở lại như ban đầu. Tất cả các phương pháp chữa trị hiện nay chỉ nhằm mục đích giảm thiểu triệu chứng đau nhức, kìm hãm sự phát triển của bệnh và phục hồi chức năng của xương cột sống.
Các cách điều trị bệnh gai cột sống phổ biến thường được áp dụng hiện nay gồm có: Chữa bằng thuốc Tây, thuốc nam, Đông y, vật lí trị liệu hoặc phẫu thuật ngoại khoa.
Mỗi phương pháp lại có những ưu, nhược điểm riêng. Đặc biệt, một số phương pháp chỉ có thể áp dụng cho một giai đoạn bệnh nhất định. Vì vậy, tùy theo thể trạng sức khỏe cũng như mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp thích hợp nhất.
Những cách trị gai cột sống phổ biến hiện nay
Để chữa bệnh gai cột sống, người bệnh có thể lựa chọn điều trị theo phương pháp Tây y hoặc y học cổ truyền. Dưới đây là những cách chữa gai cột sống phổ biến và mang lại hiệu quả cao được nhiều người áp dụng:
1. Trị gai cột sống bằng thuốc Tây
Mục đích chủ yếu khi sử dụng thuốc Tây là giúp giảm nhanh các cơn đau nhức đặc trưng của bệnh và kháng viêm. Hiện nay, các loại thuốc thường được chỉ định cho người gai cột sống gồm:
- Thuốc giảm đau Acetaminophen, Paracetamol;
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID);
- Nhóm thuốc corticoid;
- Nhóm thuốc giãn cơ như như Eperison…
Các loại thuốc này có loại cần kê đơn cũng có loại có thể dễ dàng mua tại các hiệu thuốc.
Ưu điểm của cách trị gai cột sống bằng thuốc Tây đó là đem lại tác dụng giảm đau nhanh chóng, giúp người bệnh khắc phục triệu chứng và sinh hoạt trở lại bình thường. Tuy vậy, hiệu quả của thuốc chỉ mang tính tạm thời, không có tác dụng điều trị lâu dài từ nguyên nhân gây bệnh.
Khi dùng thuốc, người bệnh cần tuyệt đối tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Không được lạm dụng thuốc, tự ý thay đổi liều lượng để tránh những tác dụng phụ không mong muốn đối với sức khỏe.
Ngoài nhóm thuốc giảm đau, chống viêm thì người bệnh cũng nên bổ sung thêm vitamin nhóm B vitamin B1, B6, B12 để giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và hỗ trợ điều trị gai cột sống.
2. Trị gai cột sống bằng thuốc nam
Nước ta sở hữu một nguồn dược liệu rất phong phú được phân bố khắp mọi vùng miền. Ở đâu ta cũng có thể tìm được những vị thuốc dân gian hiệu quả và lành tính. Để chữa bệnh gai cột sống, ta có thể sử dụng những loại cây, quả quen thuộc trong đời sống như cây rau dền gai, cây xương rồng, lá lốt, ngải cứu, quả chuối hột, hạt đủ, hạt đười ươi…
Những bài thuốc nam chữa gai cột sống đã được ứng dụng từ lâu đời trong dân gian và kết quả đã được chứng minh trong thực tiễn. Các vị thuốc nam đều rất dễ kiếm, có thể tự thực hiện tại nhà nên sẽ giúp tiết kiệm một phần lớn chi phí điều trị gai cột sống.
Bên cạnh đó, thuốc nam cũng rất lành tính nên nếu sử dụng trong thời gian dài cũng sẽ không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn chỉ nên áp dụng cách chữa này với bệnh ở giai đoạn đầu. Thời gian phát huy tác dụng của thuốc cũng chậm nên người bệnh cần phải thật kiên trì khi sử dụng.
3. Trị gai cột sống bằng Đông y
Dù hiện tại y học hiện đại rất phát triển và được sử dụng phổ biến nhưng Đông y vẫn luôn có một chỗ đứng riêng vững chắc. Phương pháp chữa bệnh bằng Đông y có nhiều ưu điểm như lành tính, ít gây tác dụng phụ, giá thành rẻ và hiệu quả bền vững, lâu dài. Để chữa gai cột sống bằng Đông y hiệu quả, người bệnh cần kết hợp hai hướng điều trị sau:
Dùng thuốc uống: Cơ chế tác động của thuốc Đông y đó là trừ thấp, ôn kinh, tán hàn, hóa ứ để nhằm lưu thông khí huyết và tăng cường sức khỏe xương khớp.
Châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt: Bằng những kỹ thuật riêng của Đông y, liệu pháp này tác động trực tiếp lên các huyệt đạo Giáp tích, Đại trường du, Hoàn khiêu, Ủy trung, Thừa sơn… nhằm giúp giảm đau và khí huyết lưu thông hiệu quả.
So với thuốc nam thì phương pháp Đông y có tác dụng nhanh chóng hơn nhưng nhìn chung vẫn cần người bệnh phải kiên trì trong thời gian dài. Liệu pháp này khi thực hiện cũng mất khá nhiều thời gian và tính tiện dụng không cao.
4. Vật lí trị liệu
Mục tiêu chữa trị gai cột sống của phương pháp này là nhằm giảm đau, ức chế bệnh và về lâu dài là giúp phục hồi chức năng cột sống. Các phương pháp vật lí trị liệu sử dụng phổ biến hiện nay gồm có kéo giãn cột sống, kéo giãn cơ, điện trị liệu, nhiệt trị liệu, sóng ngắn, siêu âm, laser và vận động trị liệu,…
Phương pháp vật lí trị liệu là liệu pháp được đánh giá cao và toàn diện hơn cả trong những cách chữa gai cột sống. Không cần phẫu thuật, không dùng thuốc nên phương pháp này khá an toàn cho sức khỏe.
Nếu kiên trì thực hiện, bệnh có thể cải thiện đến 70%. Điều kiện cần có là phải được thực hiện đúng kỹ thuật với những máy móc hiện đại dưới sự giám sát các bác sĩ trị liệu.
5. Phẫu thuật ngoại khoa
Trong trường hợp bệnh gai cột sống xảy ra những biến chứng nguy hiểm như gai xương chèn vào rễ dây thần kinh, ống tủy gây tê liệt thì biện pháp phẫu thuật sẽ được chỉ định.
Cách chữa bệnh gai cột sống này sẽ ngay lập tức loại bỏ đi gai xương thừa, giúp người bệnh thoát khỏi những triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, chi phí cho phẫu thuật khá tốn kém và gai xương có nguy cơ mọc lại cao nên phương pháp này chỉ là lựa chọn cuối cùng khi những liệu pháp khác không còn tác dụng.
Một số lưu ý khi điều trị gai cột sống
Để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh gai cột sống, người bệnh cần xây dựng những thói quen, chế độ sinh hoạt khoa học, hợp lí trong quá trình chữa bệnh:
- Đầu tiên, hãy chú ý tư thế của mình khi nghỉ ngơi cũng như làm việc. Cần giữ tư thế thẳng lưng, tránh gò bó. Khi phải ngồi một chỗ bạn nên thường xuyên thay đổi tư thế. Không nằm đọc sách hay làm việc với máy tính ở trên giường.
- Tiếp theo, hãy chú ý tới chế độ dinh dưỡng của mình. Bổ sung thêm nguồn thực phẩm giàu canxi, omega-3 và vitamin vào trong bữa ăn. Hạn chế ăn thức ăn quá nhiều đạm và chất béo động vật, đồ ăn chứa nhiều phụ gia.
- Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…
- Cuối cùng, việc tập luyện thể dục thể thao là rất quan trọng đối với bệnh nhân gai cột sống. Có nhiều bài tập dành riêng cho việc điều trị bệnh mà bạn có thể tự tập tại nhà. Các môn thể theo như đạp xe, bơi lội, aerobic, yoga,… cũng là những lựa chọn rất thích hợp.
- Nếu bạn đang trong tình trạng thừa cân, hãy tăng cường tập luyện và thay đổi chế độ ăn để giảm bớt cân nặng. Việc thừa cân, béo phì sẽ làm gia tăng áp lực lên xương sống và khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về những phương pháp trị gai cột sống hiệu quả và phổ biến nhất hiện nay. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm cũng như hạn chế riêng. Dù áp dụng cách điều trị nào, người bệnh cũng cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ và có sự kiên trì, bền bỉ bởi chữa gai cột sống là một quá trình lâu dài.