Gai Cột Sống Ở Người Trẻ
Gai cột sống là bệnh xương khớp phổ biến ở người già nhưng hiện nay rất nhiều người trẻ cũng mắc phải căn bệnh này. Nguyên nhân thường do lối sống kém lành mạnh, lạm dụng, chấn thương, sai tư thế,… Cần sớm can thiệp điều trị để giảm thiểu các ảnh hưởng xấu mà bệnh gây ra.
Gai cột sống ở người trẻ là bệnh gì?
Gai cột sống là một dạng thường gặp của bệnh thoái hóa cột sống tiến triển. Lúc này sẽ có sự xuất hiện các phần gai xương mọc ra phía ngoài và hai bên của cột sống. Gai xương có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên xương sống của cơ thể. Trong đó, thường gặp nhất là gai cột sống cổ và gai cột sống lưng.
Thông thường, bệnh gai cột sống xảy ra rất phổ biến ở đối tượng người già. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ảnh hưởng của bệnh đang dần có xu hướng trẻ hóa. Số lượng người trẻ bị gai cột sống không ngừng gia tăng. Điều này thường do lối sống thiếu lành mạnh, tính chất công việc, sai tư thế, lạm dụng,…
Bệnh gai cột sống ở người trẻ có thể gây ra các triệu chứng sau đây:
- Cơn đau xuất hiện ở vùng cổ, thắt lưng. Khi đứng hoặc di chuyển thì mức độ đau sẽ tăng.
- Vị trí đau cho thấy phần cột sống có vấn đề liên quan. Cơn đau tăng khi vận động và có xu hướng thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
- Mất cảm giác hoặc cảm thấy bất thường ở phần cột sống liên quan.
- Nếu bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân có thể bị đau tay ở cổ lan qua 2 tay hoặc đau ở lưng dọc xuống 2 chân.
- Cơ bắp tay chân có thể sẽ bị yếu đi.
- Cơ thể bị mất cân bằng.
- Ngoài ra một số người còn có các biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật.
Nguyên nhân gây gai cột sống ở người trẻ
Nguyên nhân thường gặp của bệnh gai cột sống là do ảnh hưởng của quá trình lão hóa chung của cơ thể. Tuy nhiên ở những người trẻ tuổi thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên do một số yếu tố đặc trưng hơn.
Dưới đây là một số nguyên nhân chính có liên quan đến bệnh gai cột sống ở người trẻ:
1. Tính chất nghề nghiệp
Tính chất công việc là yếu tố gây ra rất nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe xương khớp. Khảo sát cho thấy, người trẻ thường có nhiều khả năng bị gai cột sống khi phải làm việc nặng nhọc, mang vác nhiều. Nguyên nhân được lý giải là do cột sống phải chịu nhiều áp lực kéo dài nên rất dễ suy yếu và tổn thương.
Ngoài ra, bệnh gai cột sống ở người trẻ cũng rất phổ biến ở những người làm công việc văn phóng. Những người phải đứng, ngồi 1 chỗ quá lâu khi làm việc cũng sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh. Bởi thiếu vận động khiến cho cột sống kém linh hoạt, dễ bị đau nhức và co cứng.
2. Lạm dụng
Lạm dụng, sử dụng quá mức là nguyên nhân phổ biến gây suy yếu xương khớp và làm kích hoạt các cơn đau. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ bị gai cột sống ở người trẻ.
Các hoạt động lạm dụng gây tổn thương cột sống bao gồm:
- Tư thế kém: Ngồi không thẳng lưng khi sử dụng điện thoại, máy tính hay đọc sách có thể khiến cho cột sống bị mất dần đường cong sinh lý tự nhiên. Điều này làm tăng nguy cơ bị thoái hóa và gây đau nhức.
- Ngủ trong tư thế không phù hợp: Ngủ với tư thế xấu hoặc sai vào ban đêm có thể khiến cột sống bị căng cứng vào buổi sáng. Duy trì tư thế và thói quen ngủ không phù hợp sẽ thúc đẩy quá trình lão hóa và tăng nguy cơ hình thành gai xương ở cột sống.
- Chấn thương: Đây là vấn đề có thể gặp phải khi thiếu cẩn trọng trong lao động, chơi thể thao hay tham gia giao thông. Chấn thương ở vùng cột sống rất dễ để lại di chứng sau đó. Đặc biệt là có nhiều khả năng làm tăng nguy cơ mọc gai xương.
- Vận động cường độ cao: Vận động cường độ cao có thể khiến cho việc sử dụng cơ, gân, dây chằng quá mức. Hơn nữa còn khiến cột sống chịu nhiều áp lực và gia tăng nguy cơ thoái hóa. Tình trạng này khá phổ biến ở người trẻ hiện nay.
3. Lối sống thiếu lành mạnh
Rất nhiều người trẻ hiện nay đang có thói quen buông thả. Họ đang cậy vào sức trẻ và ít quan tâm đến chế độ ăn uống, sinh hoạt. Việc duy trì chế độ ăn uống nghèo nàn có thể khiến cơ thể bị thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu.
Thiếu hụt canxi và vitamin D gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe xương khớp. Nó có thể gây ra tình trạng mất xương, đẩy nhanh tốc độ thoái hóa xương khớp, khiến xương khớp suy yếu và dễ bị đau nhức.
Ngoài ra, việc sinh hoạt kém điều độ cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gai cột sống ở người trẻ. Căng thẳng kéo dài, ngủ không đủ giấc, làm việc quá sức,… đều có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe xương khớp nói chung và cột sống nói riêng.
4. Thừa cân – béo phì
Thừa cân – béo phì là một trong những thực trạng đáng quan ngại ở người trẻ hiện nay. Không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ, cân nặng quá khổ còn tác động xấu tới sức khỏe của hệ thống cơ xương khớp.
Trong khi đó, cột sống lại là vùng phải chịu rất nhiều áp lực từ trọng lượng cơ thể để giữ thăng bằng. Việc thừa cân sẽ khiến cho cột sống yếu dần đi theo thời gian và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa. Từ đó làm tăng nguy cơ xuất hiện các gai xương ở cột sống.
5. Ảnh hưởng của bệnh lý
Ngoài các nguyên nhân nêu trên thì bệnh gai cột sống ở người trẻ còn có nhiều khả năng liên quan tới các bệnh lý xương khớp khác. Sự hình thành gai xương ở vùng cột sống có thể liên quan đến các bệnh lý sau:
- Viêm cột sống mãn tính
- Thoái hóa cột sống
- Thoát vị đĩa đệm
- Viêm khớp dạng thấp
- Lắng đọng canxi
Gai cột sống ở người trẻ có nguy hiểm không?
Theo đánh giá từ các chuyên gia, gai cột sống ở người trẻ là căn bệnh đáng quan ngại. Tuy nhiên nếu sớm phát hiện và can thiệp điều trị thì bệnh thường hiếm khi gây ra các rủi ro không mong muốn.
Ngược lại, nếu không điều trị kịp thời và đúng cách thì bệnh có thể tiến triển nặng, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nghiêm trọng. Trong khi đó, người trẻ thường rất chủ quan và không coi trọng hiện trạng sức khỏe của bản thân.
Dưới đây là một số biến chứng mà người trẻ có thể gặp phải khi không nghiêm túc điều trị bệnh gai cột sống:
- Hẹp ống sống: Sự phát triển của các gai xương có thể khiến ống sống dẫn truyền các dây thần kinh tủy sống bị thu hẹp. Điều này làm tăng nguy cơ chèn ép lên rễ thần kinh và dẫn tới yếu, liệt tứ chi.
- Chèn ép tủy sống: Gai xương phát triển ở cột sống có thể khiến cho tủy sống bị chèn ép. Điều này có thể kích hoạt các vấn đề ở bàng quang, người bệnh khó đi lại, không thể giữ thăng bằng và mất khả năng phối hợp giữa các chi.
- Vẹo cột sống: Gai cột sống ở người trẻ có thể làm tăng nguy cơ bị vẹo cột sống. Điều này cũng rất phổ biến ở những bệnh nhân bị thoái hóa cột sống nói chung.
Có thể thấy rằng, bệnh gai cột sống ở người trẻ ngoài gây ra các triệu chứng làm phiền toái và suy giảm chất lượng cuộc sống thì còn tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu chủ quan không điều trị sớm thì người bệnh có thể đứng trước nguy cơ bị bại liệt và mất hẳn chức năng vận động.
Cách điều trị gai cột sống ở người trẻ
Như đã phân tích, bệnh gai cột sống ở người trẻ cần được phát hiện và điều trị sớm để ngăn ngừa rủi ro phát sinh. Tốt nhất nên chủ động thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Phác đồ có thể bao gồm dùng thuốc, vật lý trị liệu kết hợp với các phương pháp khác.
Dưới đây là một số cách điều trị gai cột sống ở người trẻ rất hữu hiệu:
1. Sử dụng thuốc
Dùng thuốc là phương pháp được áp dụng phổ biến với các trường hợp bị gai cột sống ở người trẻ. Bác sĩ sẽ căn cứ vào căn nguyên của bệnh và biểu hiện triệu chứng để kê toa các thuốc phù hợp. Sử dụng thuốc đúng cách sẽ giúp cải thiện nhanh triệu chứng và thúc đẩy chữa lành tổn thương.
Một số loại thuốc thường được dùng chữa gai cột sống ở người trẻ bao gồm:
- Miếng dán Salonpas: Đây là sản phẩm thuốc giảm đau tại chỗ được sử dụng trực tiếp lên vùng cột sống bị đau nhức. Miếng dán Salonpas có thể ức chế nhanh cơn đau và hạn chế mức độ chèn ép của gai xương lên mô mềm và rễ thần kinh.
- Paracetamol: Paracetamol là loại thuốc giảm đau toàn thân đang được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Nó có thể đáp ứng khi bệnh gai cột sống kích hoạt các cơn đau có mức độ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên những người gặp vấn đề về gan, thận không được khuyến khích dùng Paracetamol.
- Thuốc chống viêm không Steroid (NSAID): Trường hợp cơn đau kéo dài không đáp ứng với Paracetamol thì bác sĩ sẽ cân nhắc cho người bệnh sử dụng thuốc chống viêm không Steroid (NSAID). Nhóm thuốc này mặc dù cho tác dụng giảm đau và chống viêm hiệu quả nhưng cần cẩn trọng bởi tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ.
- Các vitamin nhóm B: Thường được bác sĩ kê toa để thúc đẩy tốc độ phục hồi các tổn thương ở vùng cột sống. Trong đó vitamin B1, B6 và B12 là được dùng phổ biến hơn cả.
Các thuốc điều trị gai cột sống nêu trên cần đảm bảo sử dụng đúng chỉ định từ bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng hay tăng/ giảm liều dùng. Trường hợp gặp phải triệu chứng bất thường khi dùng thuốc thì cần báo ngay cho bác sĩ để sớm có sự điều chỉnh.
2. Vật lý trị liệu
Để thúc đẩy nhanh quá trình điều trị gai cột sống ở người trẻ thì bên cạnh việc dùng thuốc, vật lý trị liệu là phương pháp được khuyến nghị. Các liệu pháp từ vật lý trị liệu thường mang đến hiệu quả tốt và được đánh giá cao bởi sự an toàn, rất hiếm gây ra tác dụng phụ.
Vật lý trị liệu có tác dụng hỗ trợ làm giảm đau nhanh chóng. Đặc biệt là còn giúp tăng cường sự linh hoạt cũng như cải thiện phạm vi chuyển động cho cột sống. Các liệu pháp thường được áp dụng bao gồm:
- Vận động trị liệu
- Sóng ngắn
- Massage trị liệu
- Nhiệt trị liệu
- Điện trị liệu
Các liệu pháp này cần được thực hiện và hướng dẫn bởi chuyên gia vật lý trị liệu. Nếu người bệnh chủ quan và bất cẩn trong quá trình trị liệu thì các rủi ro không mong muốn hoàn toàn có thể xảy ra.
3. Tự chăm sóc tại nhà
Như đã đề cập, bệnh gai cột sống có thể gây đau đớn và hạn chế khả năng vận động. Người bệnh nên thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà để hỗ trợ cải thiện triệu chứng và thúc đẩy quá trình kiểm soát bệnh.
Một số biện pháp rất hữu ích bao gồm:
- Dành thời gian nghỉ ngơi: Khi đang bị đau nhức ở vùng cột sống thì người bệnh cần hạn chế các cử động có thể khiến cho cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng thời dành thời gian nghỉ ngơi để hạn chế cơn đau kích hoạt. Tuy nhiên không nên nằm 1 chỗ quá lâu. Thỉnh thoảng có thể đi bộ nhẹ nhàng để tránh bị căng cứng cột sống.
- Chườm đá/ chườm nóng: Chườm đá có tác dụng làm giảm sưng và cải thiện cơn đau cột sống. Trong khi đó chườm nóng lại giúp thư giãn cơ, tăng cường tuần hoàn máu để cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên tuyệt đối không chườm nóng nếu khu vực bị tổn thương đang có dấu hiệu sưng. Nếu chườm đá/ chườm nóng thì chỉ nên chườm 15 – 20 phút/ lần và đều đặn 2 – 3 lần/ ngày.
- Tận dụng thảo dược: Một số loại thảo dược có dược tính cao giúp làm giảm đau và chống viêm hiệu quả. Trong đó, người bệnh có thể sử dụng các loại như lá ớt, ngải cứu, lá lốt,… Chỉ cần chuẩn bị 1 nắm thảo dược đem rửa sạch rồi sao nóng với muối biển. Sau đó đắp lên vùng cột sống bị đau khoảng 20 phút. Thực hiện 1 lần/ ngày vào trước khi đi ngủ.
Các biện pháp chăm sóc tại nhà đáp ứng tốt trong trường hợp bệnh gai cột sống ở người trẻ gây đau nhẹ, không nghiêm trọng và không tiềm ẩn nguy cơ biến chứng. Trường hợp bị đau nhiều gây hạn chế vận động nghiêm trọng thì người bệnh cần chủ động thăm khám bác sĩ.
Phòng ngừa gai cột sống ở người trẻ
Gai cột sống ở người trẻ là tình trạng đang ngày càng xảy ra phổ biến thường liên quan đến các nguyên nhân có thể phòng ngừa được. Dưới đây là một số biện pháp giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Chú ý duy trì các tư thế đúng cả khi nằm, ngồi, đứng, mang vác hay vận động. Cố gắng giữ cho đường cong cột sống luôn ở trạng thái tự nhiên.
- Hạn chế làm việc quá sức, vận động mạnh hoặc mang vác nặng. Cần cẩn trọng khi chơi thể thao, lao động hay tham gia giao thông để tránh gặp phải tai nạn, chấn thương.
- Dành thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 tiếng đồng hồ mỗi đêm và đi ngủ trước 23 giờ.
- Nên dành tối thiểu 30 – 45 phút mỗi ngày cho các hoạt động thể chất. Ưu tiên các bài tập hỗ trợ cột sống, thư giãn và tăng độ linh hoạt. Tập luyện với cường độ vừa phải, phù hợp với thể trạng.
- Nếu đang bị thừa cân – béo phì thì nên sớm xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm cân an toàn. Cân nặng quá khổ cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị gai cột sống ở người trẻ.
- Nên bỏ hút thuốc lá càng sớm càng tốt. Thói quen xấu này của người trẻ có thể khiến cho tổn thương ở cột sống tồi tệ hơn và gây ra nhiều tác hại khác cho sức khỏe nói chung.
- Thiết lập và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng dưỡng chất. Ưu tiên bổ sung các thực phẩm tươi sống, đảm bảo vệ sinh. Cần hạn chế ăn đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, uống rượu bia và dùng chất kích thích.
Gai cột sống ở người trẻ là căn bệnh xương khớp cần được quan tâm sớm. Điều trị kịp thời và đúng cách sẽ giúp kiểm soát tốt triệu chứng, hạn chế bệnh tiến triển nặng nề, tiềm ẩn nhiều biến chứng. Tốt nhất nên chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ.
Tham khảo thêm: