Hạt Dưới Da Trong Viêm Khớp Dạng Thấp
Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp xảy ra ở hơn 40% người bệnh, thường phổ biến ở các ngón tay, khuỷu tay, đầu gối và cẳng tay. Đôi khi các hạt này có thể xuất hiện ở mắt, dây thanh quản, các cơ quan nội tạng và dẫn đến các biến chứng sức khỏe khác.
Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp là gì?
Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp, còn gọi là nốt thấp khớp, là những cục cứng, dễ nhận thấy, hình thành bên dưới da. Theo thống kê, có khoảng 40% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp (RA) sẽ phát triển các nốt thấp khớp, thường hình thành trên hoặc ở gần gốc của khớp cổ chân.
Thông thường các nốt thấp khớp sẽ xuất hiện ở các vị trí sau:
- Ngón tay và đốt ngón tay
- Khuỷu tay
- Cẳng tay
- Đầu gối
- Mặt sau của gót chân
Khi đã sống với tình trạng viêm khớp dạng thấp trong một thời gian, người bệnh có nhiều khả năng xuất hiện các nốt sần tại các cơ quan trong cơ thể, chẳng hạn như:
- Dây thanh quản, tình trạng này có thể khiến người bệnh bị khàn giọng.
- Phổi, tim và các cơ quan nội tạng khác, có thể ảnh hưởng đến chức năng nội tạng và gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Các hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp khác nhau về kích thước và hình dạng. Hầu hết các nốt này có hình tròn, tuy nhiên đôi khi cũng có hình bầu dục hoặc các hình dạng kỳ lạ khác. Ngoài ra, các hạt này cũng có thể to bằng hạt đậu hoặc lớn bằng quả óc chó. Đôi khi các nốt dạng thấp cũng xuất hiện dưới dạng một cụm nhiều hạt nhỏ li ti và gây biến dạng khớp.
Các nốt dạng thấp có thể cứng hoặc mềm khi chạm vào và thường không gây đau, tuy nhiên đôi khi các nốt này có thể gây đau nhẹ. Cơn đau thường xảy ra trong các đợt bùng phát viêm khớp dạng thấp, khi các khớp bị viêm và ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.
Ngoài ra, các hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp có thể di chuyển xung quanh. Tuy nhiên một số hạt có thể tạo thành các liên kết với các gân hoặc mô mềm bên dưới da và cố định tại vị trí.
Những người bệnh viêm khớp dạng thấp nặng hoặc khó kiểm soát có nguy cơ phát triển các nốt thấp khớp cao hơn những người khác. Một số nốt thấp khớp có thể biến mất theo thời gian, trong khi một số nốt khác có thể phát triển về kích thước và dẫn đến biến dạng khớp. Điều quan trọng để cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các rủi ro là trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Đặc điểm của các hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp
Các hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp là những khối mô viêm, có thể là khối đơn lẻ hoặc một cụm các hạt nhỏ. Có khoảng 7% những người bệnh phát triển các nốt thấp khớp trước khi được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp lần đầu. Các triệu chứng ban đầu có thể liên quan đến việc tổn thương nhiều khớp đáng kể và tăng nguy cơ biến chứng toàn thân do quá trình điều trị muộn.
Mặc dù các nốt dạng thấp có thể khác nhau một chút, tuy nhiên thường có chung một số đặc điểm, chẳng hạn như:
- Kích thước từ 2 mm đến 5 cm. Khi mới hình thành, các nốt này có thể nhỏ như đầu bút chì, sau đó phát triển to như quả óc chó. Đôi khi các nốt thấp khớp có thể đạt kích thước to như quả chanh.
- Hình dạng tròn, bầu dục hoặc hình dạng kỳ lạ như mụn cóc, nốt sần.
- Các nốt thường có thể di chuyển, mềm và đàn hồi nhẹ như cao su. Tuy nhiên các nốt gắn liền với xương hoặc gân thường cứng khi chạm vào và cố định, không di chuyển.
Hầu hết các hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp không gây đau, mặc dù đôi khi cơn đau có thể xuất hiện khi bùng phát các cơn thấp khớp. Có một điểm đặc biệt và dễ nhận biết của các nốt thấp khớp là các nốt này ít khi bị viêm và loét (không vỡ qua lớp da bên ngoài).
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến nốt thấp khớp
Viêm khớp dạng thấp (RA) là nguyên nhân chính dẫn đến các nốt thấp khớp. Tuy nhiên không phải tất cả bệnh nhân RA đều hình thành các nốt sần này. Các nốt thấp khớp cũng là một dấu hiệu của tình trạng viêm tăng dần và hệ thống miễn dịch bị kích ứng.
Hiện tại các bác sĩ không rõ nguyên nhân dẫn đến các nốt thấp khớp và lý do vì sao tình trạng này chỉ ảnh hưởng đến một số bệnh nhân nhất định. Điều này khiến các bác sĩ không thể dự đoán các nốt thấp khớp sẽ xuất hiện ở bệnh nhân nào và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ phát triển các nốt dạng thấp. Có một mối liên hệ giữa các nốt thấp khớp và yếu tố dạng thấp (RF), một loại protein phổ biến trong máu của một số bệnh nhân RA. Các nghiên cứu cũng cho thấy khoảng 20 – 25% người có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính phát triển các nốt thấp khớp. Do đó, các hạt dưới da thường phổ biến hơn ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính.
Một số yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng khả năng hình thành các nốt dạng thấp bao gồm:
- Sử dụng thuốc Methotrexate: Thuốc Methotrexate hoặc các loại thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm khác có thể làm tăng nguy cơ phát triển các hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp, đặc biệt là ở bàn chân, bàn tay và vai.
- Tổn thương tại các điểm tì đè: Các điểm tì đè như khuỷu tay hoặc cổ tay, thường dễ hình thành các nốt thấp khớp hơn so với các vị trí khác. Ngoài ra, bệnh nhân nằm liệt giường có thể hình thành các nốt thấp khớp tại mặt sau khuỷu tay, chân, hông và xương cùng.
- Viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng: Người bệnh viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng có nhiều khả năng hình thành các nốt thấp khớp hơn so với các trường hợp nhẹ. Điều này có thể là do yếu tố dạng thấp ở người bệnh nặng cao hơn so với các trường hợp nhẹ.
- Hút thuốc: Khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ hình thành các nốt thấp khớp.
- Di truyền: Một số gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ hình thành các nốt thấp khớp.
Ngoài ra, nguy cơ hình thành các hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp sẽ cao hơn khi người bệnh bị viêm khớp dạng thấp tại các mô, bộ phận cơ thể khác ngoài khớp. Các nốt thấp khớp có thể ảnh hưởng đến phổi, các mạch máu, mắt và thậm chí là dây thanh quản.
Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không?
Hầu hết các nốt dạng thấp không gây đau đớn dữ dội và thường không dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Các nốt này thậm chí không cần điều trị nếu không gây đau đớn, khó chịu hoặc các triệu chứng khác.
Trong một số trường hợp, nốt dạng thấp có thể bị nhiễm trùng, lở loét, gây đau đớn và ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Điều này có xu hướng xảy ra ở những khu vực thường xuyên chịu áp lực, tì đè. Nốt thấp khớp cũng có thể gây áp lực lên các dây thần kinh, từ đó dẫn đến khó hoạt động hoặc hạn chế khả năng vận động của người bệnh.
Trong trường hợp các nốt thấp khớp hình thành ở mặt sau của gót chân hoặc lòng bàn chân, các khu vực này có thể bị suy nhược, hạn chế khả năng vận động và sự linh hoạt của người bệnh. Khi các hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp hình thành ở mắt có thể dẫn đến viêm, đau và khô mắt.
Mặc dù hiếm gặp, nhưng các nốt thấp khớp có khả năng hình thành trên dây thanh quản, phổi, tim và các cơ quan nội tạng khác. Do sự liên quan của nhiều cơ quan nên việc chẩn đoán có thể gặp nhiều khó khăn và làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.
Các dấu hiệu và biến chứng của hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp thường khó chẩn đoán. Điều quan trọng là quan sát thay đổi của cơ thể để có kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe hợp lý.
Chẩn đoán hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp
Để chẩn đoán các hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp, bác sĩ thường xác định vị trí các nốt thấp khớp. Tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể, chẳng hạn như nghi ngờ các nốt sần ở người chưa được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết để xác định nốt thấp khớp.
Người bệnh viêm khớp dạng thấp không nhất định sẽ phát triển các nốt thấp khớp. Do đó, bác sĩ có thể đề nghị chẩn đoán phân biệt nốt thấp khớp với các tình trạng khác, chẳng hạn như:
- U xơ
- Tổn thương di căn
- U nang bã nhờn
- U sần trên da
- U hạt dưới da
- Ung thư biểu mô tế bào đáy
Các khối u cũng có thể xảy ra đi kèm với các tình trạng khác, chẳng hạn như:
- Bệnh gout (hạt tophi)
- Thấp khớp
- Viêm cột sống dính khớp
- Lupus ban đỏ
- Sarcoidosis
Điều trị hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp
Hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp có thể biến mất dần theo thời gian hoặc có thể thu nhỏ hoặc phát triển về kích thước. Hiện tại không có biện pháp tiên lượng quá trình thay đổi và phát triển của nốt thấp khớp.
Các nốt thấp khớp có thể gây mất thẩm mỹ, nhưng không nghiêm trọng, do đó có thể không cần điều trị. Nếu các nốt thấp khớp gây suy nhược cơ thể, hạn chế đến chức năng khớp và khả năng vận động, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị tích cực.
Các biện pháp điều trị thường bao gồm sử dụng thuốc, vật lý trị liệu và nghỉ ngơi hợp lý. Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể, các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD): Các loại thuốc này có thể làm chậm sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp và ngăn ngừa các nốt thấp khớp hình thành. Một số loại thuốc sinh học, chẳng hạn như Rituximab có thể làm giảm kích thước nốt sần đến 50% trong vòng 34 – 39 tuần.
- Thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau như Ibuprofen, Acetaminophen và các loại thuốc chống viêm không steroid đường uống hoặc dùng tại chỗ, có thể được chỉ định sử dụng để cải thiện cơn đau liên quan đến nốt dạng thấp.
- Thuốc steroid: Các loại thuốc steroid, chẳng hạn như Prednisone, có thể làm giảm tình trạng viêm, hạn chế đau đớn và cải thiện các triệu chứng khác.
- Vật lý trị liệu: Các bài tập vận động khớp, trị liệu bằng tay, tăng cường sức mạnh và rèn luyện sự linh hoạt, có thể góp phần giảm đau và phục hồi chức năng khớp bị ảnh hưởng.
Nếu các hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ hoặc chức năng khớp, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật loại bỏ. Tuy nhiên, phẫu thuật thường không được khuyến khích, do các hạt này này tái phát sau khi phẫu thuật.
Đôi khi bác sĩ cũng đề nghị tiêm corticosteroid, chẳng hạn như methylprednisolone, vào các nốt thấp khớp để cải thiện các triệu chứng. Tuy nhiên phương pháp này cũng đi kèm nhiều rủi ro, chẳng hạn như nhiễm trùng, lở loét da hoặc gây đứt gân.
Cách tốt nhất để điều trị các hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp là trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn chính xác nhất.
Phòng ngừa nốt thấp khớp như thế nào?
Không có biện pháp phòng ngừa các hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp hình thành. Tuy nhiên, điều trị viêm khớp dạng thấp đúng cách có thể hỗ trợ hạn chế các nguy cơ hình thành các nốt thấp khớp. Một số lưu ý chẳng hạn như:
- Ngừng hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá
- Sử dụng thuốc theo quy định
- Thông báo các triệu chứng mới hoặc các biến chứng cho bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt
- Tăng cường các hoạt động thể chất, thường xuyên tập thể dục
Các hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp cho thấy nguy cơ phát triển viêm toàn thân cao hơn khi so với viêm khớp dạng thấp chỉ ảnh hưởng đến các khớp. Do đó, việc hình thành các nốt thấp khớp có thể là dấu hiệu tăng nguy cơ mắc bệnh thận, các biến chứng phổi, tim mạch, đột quỵ, các bệnh viêm mạch máu và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Trong hầu hết các trường hợp, các nốt thấp khớp không nghiêm trọng và không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, nếu các nốt dạng thấp trở nên nghiêm trọng, hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm: