Viêm Khớp Dạng Thấp Huyết Thanh Dương Tính
Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính thuộc nhóm bệnh lý tự miễn mãn tính có mức độ nguy hiểm cao. Lúc này, trong máu người bệnh sẽ xuất hiện một số kháng thể tấn công gây hại đến mô khớp. Nếu chậm trễ trong việc điều trị, khớp sẽ bị tổn thương nghiêm trọng và phát sinh ra nhiều biến chứng. Bài viết dưới đây là những thông tin cần biết về bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn.
Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính là gì?
Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính thuộc nhóm bệnh viêm mãn tính với đặc trưng là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khớp xương bên trong cơ thể. Đây là thể bệnh viêm khớp dạng thấp phổ biến nhất, chiếm từ 60 – 80% trên tổng số ca bệnh. Khi bị viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính, trong máu người bệnh sẽ chứa các kháng thể có thể tấn công gây tổn thương mô khớp và kích thích phản ứng viêm xảy ra tại khớp. Đây có thể là kháng thể peptid citrulline chống chu kỳ hoặc protein chống xitozin.
Viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính cũng là một dạng của bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng trong máu người bệnh không có sự tồn tại của các kháng thể này. Chuyên gia cho biết, bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính và viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính có triệu chứng tương tự nhau. Tuy nhiên, triệu chứng của thể bệnh huyết thanh dương tính sẽ diễn ra ở mức độ nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến khả năng vận động nhiều hơn và dễ phát sinh các dị tật lớn.
Hiện tại y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính. Tuy nhiên, bệnh có thể khởi phát do ảnh hưởng bởi một số yếu tố như rối loạn miễn dịch, cơ địa, nhiễm khuẩn,… Những đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh là:
- Nữ giới ngoài 40 tuổi
- Có người thân trong gia đình bị mắc bệnh
- Mắc bệnh mãn tính khiến hệ miễn dịch suy yếu
- Bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus có thể gây phá hủy tế bào bạch cầu trong máu
- Bị thừa cân béo phì, căng thẳng kéo dài, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học,…
Triệu chứng viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính
Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính có khả năng chữa khỏi cao nếu được phát hiện ngay từ giai đoạn đầu. Ngược lại, khi bệnh đã tiến triển nặng thì rất khó điều trị với khả năng phát sinh biến chứng cao và có thể đe dọa đến tính mạng. Vì thế, bạn cần đặc biệt chú ý đến tình trạng sức khỏe của bản thân để sớm phát hiện ra bệnh. Dưới đây là các triệu chứng của bệnh lý này bạn có thể tham khảo:
- Xuất hiện triệu chứng sưng đau ở một số khớp trên cơ thể, thường gặp nhất là khớp bàn tay và bàn chân.
- Đau nhức nghiêm trọng gây hạn chế chuyển động khớp. Cơn đau sẽ trở nên tồi tệ hơn khi vận động nhiều hoặc vào nửa đêm gần về sáng.
- Bị cứng khớp vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy, tình trạng này thường diễn ra kéo dài trên 45 phút.
- Vùng da bên ngoài khu vực tổn thương bị nóng đỏ do tổn thương mô mềm. Xuất hiện nốt thấp khớp cứng ở dưới da vùng gần khớp
- Một số triệu chứng toàn thân mà bạn phải đối mặt khi bệnh khởi phát là mệt mỏi kéo dài, sốt nhẹ, da xanh xao, thiếu máu, bị nhiễm trùng, tâm lý bất ổn, khô miệng và khô mắt,…
Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính được xếp vào nhóm bệnh lý mãn tính nguy hiểm. Các triệu chứng của bệnh thường trở nên nghiêm trọng theo thời gian, gây ảnh hưởng đến chức năng khớp và giảm khả năng vận động. Nếu bệnh không được kiểm soát tốt sẽ phát sinh biến chứng và để lại các dị tật khớp. Điển hình là biến dạng khớp, tổn thương thần kinh, viêm mạch máu, nhiễm trùng lan rộng, tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim, giảm khả năng thụ thai ở nữ giới,…
Phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính
Việc chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính sẽ phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu giúp bác sĩ tìm ra sự tồn tại của các yếu tố dạng thấp trong máu (hay còn gọi là CPP). Thống kê y khoa cho biết, khoảng 80% bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính khi kết quả xét nghiệm dương tính với CCP. Tuy nhiên, kết quả dương tính CCP cũng có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe khác. Vì thế, việc chẩn đoán xác định cần được thực hiện kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Ví dụ như xét nghiệm máu, kiểm tra lâm sàng và làm một số xét nghiệm cận lâm sàng khác.
Sau khi đã có kết quả chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ dựa vào đó để lên phác đồ điều trị sao cho phù hợp. Hiện tại, y học vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh lý này. Mục tiêu điều trị chỉ có thể kiểm soát triệu chứng, giảm đau nhức và viêm tại khớp, ngăn ngừa tổn thương tiếp tục tiến triển nặng. Việc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính cần được diễn ra tích cực, toàn diện, kéo dài và theo dõi thường xuyên. Dưới đây là một số phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến trong y khoa bạn có thể tham khảo:
Dùng thuốc Tây y
Hầu hết các trường hợp đều được bác sĩ kê đơn điều trị bằng thuốc Tây y giúp kiểm soát triệu chứng của bệnh. Dùng thuốc Tây mang lại hiệu quả nhanh và tiện lợi nên được nhiều người ưu tiên áp dụng tại nhà. Tuy nhiên, bạn không nên dùng thuốc bừa bãi để tránh phát sinh tác dụng phụ gây hại đến sức khỏe. Thay vào đó, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn dùng thuốc đúng cách. Các loại thuốc thường được kê đơn điều trị viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính là:
+ Thuốc chống viêm không steroid: Thuốc có tác dụng ức chế chọn lọc thụ thể COX2 giúp cải thiện triệu chứng đau nhức và sưng viêm tại khớp. Từ đó, chức năng và khả năng vận động của vùng khớp bị tổn thương sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng thuốc hoặc sử dụng thuốc dài ngày để tránh phát sinh tác dụng phụ tại đường tiêu hóa. Với những người bệnh đang gặp vấn đề về dạ dày, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid kết hợp với thuốc bơm proton để hạn chế phát sinh rủi ro.
+ Thuốc Corticosteroids: Được sử dụng với những trường hợp không đáp ứng điều trị với thuốc kháng viêm không steroid hoặc bệnh đang trong các đợt tiến triển mạnh. Tác dụng chính của nhóm thuốc này là ức chế hoạt động của hệ miễn dịch và giảm viêm mạnh. Từ đó các triệu chứng của bệnh như sưng đau, nóng đỏ khớp,… sẽ được cải thiện đáng kể. Loại thuốc này có thể sử dụng ngắn hạn hoặc dài hạn dựa vào mục đích điều trị cũng như tình trạng bệnh ở từng trường hợp.
+ Thuốc chống thấp khớp DMARDs: Đây được xem là thuốc điều trị cơ bản dành cho bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng rất chậm, người bệnh cần phải sử dụng trong thời gian khá dài để có thể thay đổi tiến triển của bệnh. Trong suốt quá trình dùng thuốc, người bệnh cần được theo dõi triệu chứng lâm sàng và làm một số xét nghiệm cần thiết theo định kỳ để đưa ra đánh giá về mức độ đáp ứng điều trị.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu được chỉ định thực hiện nhằm mục đích phục hồi chức năng vận động cũng như độ linh hoạt của khớp, ngăn ngừa tình trạng dính khớp và teo cơ xảy ra. Nếu người bệnh tập luyện đúng cách còn có tác dụng tăng cường sức mạnh cơ bắp, hỗ trợ kiểm soát cơn đau và chống khô khớp. Từ đó, khớp sẽ trở nên dẻo dai hơn và hạn chế các tổn thương không mong muốn.
Lúc này, bác sĩ sẽ dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý để lên phác đồ trị liệu cho phù hợp. Đồng thời, thời gian trị liệu cũng sẽ được điều chỉnh dựa vào khả năng hồi phục của cơ thể.
Phẫu thuật
Bác sĩ sẽ yêu cầu làm phẫu thuật khi tổn thương tại khớp đã tiến triển sang mức độ nặng, không đáp ứng tốt với phương pháp điều trị bảo tồn. Mục đích của việc phẫu thuật là sữa chữa vùng khớp và gân bị tổn thương, giảm đau nhức và cải thiện khả năng vận động. Ở một số trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu làm phẫu thuật cắt xương sửa trục hoặc thay khớp nhân tạo.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao và hỗ trợ phục hồi khả năng vận động rất tốt. Tuy nhiên, quá trình phẫu thuật điều trị bệnh có thể phát sinh ra một số biến chứng không mong muốn như xuất hiện cục máu đông, nhiễm trùng,… Chính vì thế, phẫu thuật chỉ được tiến hành khi thực sự cần thiết. Sau phẫu thuật, người bệnh cũng cần chăm sóc vết thương đúng cách và tiến hành vật lý trị liệu theo hướng dẫn của chuyên gia để quá trình phục hồi có thể diễn ra một cách tốt nhất.
Chăm sóc tại nhà
Khi bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính xảy ra ở mức độ nhẹ, ngoài việc sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cũng nên có các biện pháp chăm sóc tại nhà đúng cách để hỗ trợ quá trình điều trị nhanh mang lại hiệu quả. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:
- Nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và hạn chế vận động mạnh gây ảnh hưởng đến các khớp bị tổn thương. Tốt nhất, bạn nên để khớp nghỉ ngơi hoặc thả lỏng ở tư thế cơ năng giúp xoa dịu cảm giác đau nhức và giảm tính nhạy cảm của khớp bị tổn thương.
- Ngay khi triệu chứng đau nhức đã được kiểm soát, người bệnh nên tiến hành vận động khớp nhẹ nhàng để tránh bị cứng khớp và có rút gân. Bạn có thể tập luyện với cường độ nhẹ để cơ thể quen dần rồi tăng lên. Tập luyện còn có tác dụng tăng cường sức mạnh cơ bắp và giúp khớp chuyển động linh hoạt hơn.
- Kết hợp chườm nóng và chườm lạnh mỗi khi triệu chứng đau nhức bùng phát. Chườm nóng có tác dụng làm thư giãn khớp xương, giảm đau và cứng khớp. Chườm lạnh giúp cải thiện triệu chứng đau nhức, viêm sưng và nóng khớp. Để mang lại hiệu quả tốt nhất, bạn nên tiến hành chườm nóng và chườm lạnh với tần suất 3 lần/ngày và nên áp dụng xen kẽ nhau. Thời gian chườm chỉ nên kéo dài khoảng 20 phút/lần.
Bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ hạn chế tổn thương đến khớp, giúp quá trình điều trị và phục hồi nhanh mang lại hiệu quả. Nhưng cũng có nhiều trường hợp gặp phải tiên lượng nặng, bệnh gây tổn thương đến nhiều khớp trên cơ thể và có các biểu hiện ngoại khớp.
Do đây là bệnh lý mãn tính nên rất khó điều trị dứt điểm, người bệnh cần phải điều trị tích cực trong thời gian dài để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất. Đồng thời, tiến hành thăm khám sức khỏe tổng quát và làm xét nghiệm định kỳ trong suốt quá trình điều trị. Cách này có tác dụng kiểm tra mức độ tiến triển của bệnh lý cũng như khả năng đáp ứng thuốc, từ đó có thể đưa ra biện pháp xử lý sao cho phù hợp.
Phòng ngừa viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính
Hiện tại y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính nên việc đưa ra biện pháp phòng ngừa còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên khi sức khỏe tổng thể suy giảm. Để hạn chế thì bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Hình thành thói quen ăn uống điều độ và cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Nên ưu tiên tiêu thụ các loại thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây tươi, các loại hạt và ngũ cốc,… Thực đơn ăn uống hàng ngày cần cân bằng các nhóm dưỡng chất nạp vào cơ thể.
- Luôn giữ tinh thần thoải mái và lạc quan, tránh tình trạng căng thẳng kéo dài. Căng thẳng sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra một số độc tố gây hại đến sức khỏe. Bạn có thể kiểm soát căng thẳng bằng cách cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tập luyện thể dục thể thao, nghe nhạc, đi du lịch,…
- Duy trì thói quen vận động thể chất mỗi ngày giúp nâng cao sức khỏe và sức mạnh của xương khớp. Chuyên gia khuyến khích nên tập yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội,…
- Nếu phát hiện bản thân đang gặp một số vấn đề về rối loạn miễn dịch hoặc mắc bệnh nhiễm trùng, cần tiến hành thăm khám và điều trị chuyên khoa càng sớm càng tốt.
Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính bạn có thể tham khảo. Đây là bệnh lý nguy hiểm và gây tổn thương nghiêm trọng đến khớp nếu không được xử lý kịp thời. Ở một số trường hợp, bệnh còn gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng khác khiến sức khỏe bị suy giảm đáng kể. Vì thế, bạn cần thăm khám và điều trị chuyên khoa ngay khi có các dấu hiệu của bệnh.
Tham khảo thêm: