Viêm Khớp Dạng Thấp Và Gout
Viêm khớp dạng thấp và gout có rất nhiều điểm chung, chẳng hạn như đều gây sưng, đau và cứng khớp. Tuy nhiên các tình trạng này cũng có nhiều điểm khác biệt quan trọng. Xác định được các điểm khác biệt là điều cần thiết trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị và có kế hoạch phòng ngừa hiệu quả nhất.
Tổng quan về viêm khớp dạng thấp và gout
Viêm khớp dạng thấp và bệnh gút là hai loại bệnh viêm khớp khác nhau. Hai bệnh lý này có thể có một số triệu chứng nói chung, tuy nhiên cũng có những nguyên nhân, dấu hiệu và kế hoạch điều trị khác nhau.
Để phân biệt gout và viêm khớp dạng thấp, người bệnh cần nắm được khái niệm các bệnh lý này.
1. Gout và viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp:
- Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh lý tự miễn khiến các khớp bị viêm, cứng, sưng, đau. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến các tổn thương vĩnh viễn, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- RA cũng là một bệnh lý toàn thận, có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể, bao gồm da, mắt, phổi, tim, thận và hệ thống mạch máu. Những người bệnh viêm khớp dạng thấp cũng có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn những người khác.
Bệnh gout:
- Bệnh gout là một loại viêm khớp gây đau đớn dữ dội, có thể gây ảnh hưởng đến khớp ngón chân cái và bàn chân. Bệnh cũng có thể gây tổn thương đến mắt cá chân và một số khớp khác trong cơ thể.
- Bệnh gout cũng là một dạng rối loạn viêm, có thể gây sưng và đau. Tuy nhiên gout không phải là bệnh tự miễn dịch. Thay vào đó, bệnh gout xảy ra do hàm lượng axit uric trong máu cao.
- Axit uric có trong thực phẩm và đồ uống. Sử dụng một số loại thuốc cũng có thể làm tăng lượng axit uric trong cơ thể. Các tinh thể axit uric có thể lắng đọng trong các mô hoạt dịch, đặc biệt là ở bàn tay, bàn chân và khuỷu tay.
2. Gout và viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến ai?
Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới. Theo ước tính, tại Việt Nam có khoảng 0.5% dân số mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, trong đó tình trạng này ảnh hưởng đến phụ nữ gấp 3 lần nam giới.
Mặt khác, bệnh gout ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới. Theo một số báo cáo, gout ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số Việt Nam, và số lượng này ngày càng tăng lên. Trong đó tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới chiếm khoảng 94% và có khoảng 75% người bệnh đang ở trong độ tuổi lao động.
Cách phân biệt viêm khớp dạng thấp và gout
Cả viêm khớp dạng thấp và gout đều có thể gây đỏ, sưng và đau đớn ở các khớp. Cả hai tình trạng này đều có thể gây khuyết tật nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tuy nhiên, khi quan sát kỹ các dấu hiệu và những khớp bị ảnh hưởng, người bệnh có thể phân biệt gout và viêm khớp dạng thấp. Cách tốt nhất để xác định bệnh gout hoặc viêm khớp dạng thấp là đến bệnh viện, đặt lịch hẹn và trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán.
Dưới đây là một số cách phân biệt gout và viêm khớp dạng thấp đơn giản nhất, người bệnh có thể tham khảo.
1. Đặc điểm của viêm khớp dạng thấp và gout
Viêm khớp dạng thấp:
- Đau nhẹ, vừa hoặc nghiêm trọng, tuy nhiên thường kết hợp với tình trạng cứng khớp
- Có thể ảnh hưởng đến bất cứ khớp nào, tuy nhiên thường đối xứng hai bên cơ thể
- Thường ảnh hưởng đến các khớp nhỏ của bàn tay, cổ tay và bàn chân
- Các khớp có thể trở nên đau đớn, đỏ và sưng
Bệnh gout:
- Thường gây ảnh hưởng đến bàn chân, đặc biệt là gốc ở ngón chân cái
- Đỏ, đau đớn dữ dội và sưng
2. Nguyên nhân gây bệnh
Mặc dù đều là hai dạng bệnh viêm khớp, tuy nhiên nguyên nhân gây ra bệnh gout và viêm khớp dạng thấp không giống nhau.
Viêm khớp dạng thấp:
- Viêm khớp dạng thấp (RA) không giống với bệnh gout và các bệnh viêm khớp khác, do RA là một tình trạng tự miễn dịch.
- Trong các tình trạng tự miễn dịch, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tấn công các mô khỏe mạnh của cơ thể. Đối với người bệnh viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công các mô mềm xung quanh khớp, dẫn đến viêm, đau đớn, sưng tấy và biến dạng khớp.
- Các bác sĩ không rõ nguyên nhân dẫn đến viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên tình trạng này có thể là sự kết hợp của di truyền, hormone giới tính và các yếu tố môi trường.
- Ngoài gây ảnh hưởng đến khớp, RA cũng có thể gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác, chẳng hạn như tim, mắt, phổi.
Bệnh gout:
- Bệnh gout xảy ra do tăng acid uric máu, tình trạng này xảy ra khi có quá nhiều axit uric trong cơ thể. Khi bị tăng axit uric máu, các tinh thể sẽ tích tụ trong khớp, dẫn đến đau đớn, sưng và một số triệu chứng khác. Axit uric được tạo ra khi purin, một chất tự nhiên có trong thực phẩm bị phân hủy trong cơ thể.
- Có một số yếu tố làm gia tăng lượng axit uric trong cơ thể. Axit uric được xử lý bởi thận, do đó bệnh nhân có vấn đề về thận, chẳng hạn như bệnh thận mãn tính, có thể dẫn đến việc xử lý acid uric không đúng cách.
- Các yếu tố môi trường, chẳng hạn như chế độ ăn uống nhiều purin (có trong một số loại thực phẩm như thịt đỏ, hải sản và rượu) có thể dẫn đến tăng acid uric trong cơ thể, điều này dẫn đến bệnh gout.
- Ngoài ra, một số gen và một số loại thuốc (thường là thuốc lợi tiểu) có thể gây ảnh hưởng đến cách xử lý acid uric, dẫn đến bệnh gout.
3. Dấu hiệu nhận biết
Cả gout và viêm khớp dạng thấp đều có một số triệu chứng giống nhau, chẳng hạn như sưng khớp, đau khớp, đôi khi gây mất chức năng khớp.
Tuy nhiên gout và viêm khớp dạng thấp cũng có các triệu chứng riêng biệt, có thể giúp người bệnh phân biệt hai tình trạng này.
Viêm khớp dạng thấp | Gout |
Tổn thương đối xứng ở hai bên cơ thể | Các triệu chứng không đối xứng |
Tăng đau khớp, sưng và cứng khớp vào buổi sáng | Đau thường xuyên, nhưng không phải lúc nào cũng đau, cơn đau thường bắt đầu ở ngón chân cái |
Các triệu chứng trở nên xấu dần, nghiêm trọng hơn theo thời gian | Đau đột ngột khởi phát, đặc biệt là vào ban đêm, với các giai đoạn thuyên giảm và nghiêm trọng khác nhau |
Hình thành các nốt thấp khớp, nốt sần dưới da, thường phổ biến ở khớp ngón tay và khuỷu tay | Hình thành hạt Tophi, là các tinh thể axit uric tạo ra các vết sưng tấy xung quanh khớp, thường phổ biến ở ngón chân cái |
Mệt mỏi | Sốt |
Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp và gout có giống nhau không?
Chẩn đoán bệnh gout và viêm khớp dạng thấp được thực hiện bởi bác sĩ đa khoa. Nếu nhận thấy các triệu chứng viêm khớp, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh đến chuyên khoa thấp khớp để được thăm khám chuyên về viêm khớp.
Đối với cả hai tình trạng viêm khớp này, bác sĩ có thể thu thập tiền sử sức khỏe của người bệnh, các triệu chứng và tiến hành kiểm tra các khớp để tránh gây sưng tấy hoặc biến dạng. Ngoài ra, có một số xét nghiệm cụ thể cho bệnh gout và viêm khớp dạng thấp để chẩn đoán xác định bệnh. Các xét nghiệm bao gồm:
1. Viêm khớp dạng thấp
Tương tự như các dạng bệnh tự miễn khác, viêm khớp dạng thấp có thể khó chẩn đoán. Tình trạng này có thể có biểu hiện rất giống với các bệnh lý khác và không có một xét nghiệm duy nhất để chẩn đoán tình trạng này.
Một số xét nghiệm được thực hiện để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp bao gồm:
- Xét nghiệm máu yếu tố dạng thấp (RF)
- Xét nghiệm máu peptide citrullin (chống CCP) chống chu kỳ
- Xét nghiệm máu protein phản ứng C (CRP)
- Tốc độ lắng của tế bào máu (ESR hoặc tốc độ lắng)
- Quét MRI
- Chụp X – quang
- Siêu âm
Các kết quả xét nghiệm này kết hợp với tiền sử bệnh án, thời gian phát triển các triệu chứng, bác sĩ thấp khớp có thể đưa ra các chẩn đoán phù hợp. Thông thường, bệnh sẽ được chẩn đoán dựa theo Tiêu chí phân loại ACR / EULAR 2010, đây là tiêu chí chẩn đoán mới nhất, bao gồm hệ thống các dấu hiệu được tính theo điểm. Nếu có kết quả từ 6 – 10 điểm, người bệnh có thể được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp. Nếu các điểm cao hơn, có thể cho thấy mức độ tin cậy của RA và các nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh.
2. Bệnh gout
Bệnh gout chỉ có thể được chẩn đoán chính xác khi các cơn gout bùng phát, khi các khớp bị đau, sưng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng và xét nghiệm hình ảnh.
Tuy nhiên có một số xét nghiệm chẩn đoán có thể chỉ ra bệnh gout, có thể giúp phần biệt gout và các bệnh lý khác. Phân tích dịch khớp được coi là tiêu chuẩn chính xác nhất để chẩn đoán bệnh gout. Bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim để rút chất lỏng hoạt dịch, là chất lỏng đặc bên trong khớp. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra chất lỏng này bên dưới kính hiển vi để xác định các tinh thể acid uric, cho thấy bệnh gout.
Các xét nghiệm khác có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh gout bao gồm xác định các tổn thương khớp, tăng acid uric máu và tổn thương thận. Các xét nghiệm bệnh gout bao gồm:
- Chụp X – quang
- Chụp cộng hưởng từ MRI
- Siêu âm
- Xét nghiệm acid uric trong máu
- Phân tích nước tiểu
- Xét nghiệm máu ure và creatine
Sự khác nhau giữa cách điều trị viêm khớp dạng thấp và gout
Điều cần thiết trong việc điều trị viêm khớp dạng thấp và gout là chẩn đoán chính xác, bởi vì các biện pháp điều trị hai tình trạng này là khác nhau. Điều đặc biệt quan trọng là chẩn đoán viêm khớp dạng thấp trong giai đoạn đầu, điều này giúp các biện pháp điều trị hiệu quả, ngăn ngừa các biến dạng và mất chức năng khớp.
1. Viêm khớp dạng thấp
Các biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp là một vấn đề cấp bách để ngăn ngừa các tổn thương khớp hoặc biến chứng ảnh hưởng đến các cơ quan. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị hiệu quả khác nhau.
Trong hầu hết các trường hợp, viêm khớp dạng thấp được điều trị bằng các cách sau:
- Thuốc: Có một số loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc theo toa, bao gồm thuốc chống viêm, corticosteroid, thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm, thuốc sinh học và thuốc ức chế Janus kinase (JAK). Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, do đó người bệnh chỉ sử dụng thuốc khi được chỉ định và sử dụng đúng liều lượng để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Nẹp khớp: Các nhà vật lý trị liệu thường đề nghị người bệnh sử dụng nẹp khớp và đeo đai tùy chỉnh theo lịch cố định để thúc đẩy sự toàn vẹn khớp.
- Tập thể dục: Có một số bài tập nhẹ nhàng, giúp kéo giãn cơ thể, giảm chèn ép lên các khớp và hỗ trợ giảm đau hiệu quả. Đồng thời các bài tập cũng giúp người bệnh có tư thế chính xác hơn trong các hoạt động hàng ngày, điều này có thể ngăn ngừa các tổn thương khớp.
- Theo dõi liên tục: Điều quan trọng khi điều trị viêm khớp dạng thấp là kiểm tra thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa thấp khớp. Bác sĩ có thể xác định hiệu quả điều trị và thay đổi loại thuốc hoặc phương pháp điều trị nếu cần thiết.
- Phẫu thuật: Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật sửa chữa, thay thế khớp nếu khớp bị biến dạng không thể phục hồi. Phẫu thuật thường không phổ biến và cần được thực hiện thận trọng để tránh các rủi ro không mong muốn.
2. Bệnh gout
Các biện pháp điều trị bệnh gout khác ở nhau ở mỗi người bệnh, tuy nhiên mục tiêu chính là giảm đau và hạn chế tần suất bùng phát cơn gout. Một số phương pháp điều trị bệnh gout phổ biến bao gồm:
- Sử dụng thuốc: Các loại thuốc bao gồm thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc chống viêm theo toa và thuốc giảm urat.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Thay đổi chế độ ăn uống, loại bỏ hoặc giảm bớt nhân purin có thể giúp hạ axit uric máu và điều trị bệnh gout. Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện một chế độ dinh dưỡng phù hợp để hỗ trợ điều trị bệnh gout. Thực phẩm giàu purin cần tránh bao gồm bia, thịt đỏ, nấm men, thịt nội tạng và một số loại hải sản.
Các nhà nghiên cứu cho biết, béo phì và chế độ ăn uống nhiều nhân purin có thể dẫn đến tăng acid uric máu và bệnh gout. Do đó, thay đổi chế độ ăn uống là điều cần thiết và cực kỳ quan trọng trong việc điều trị bệnh gout.
Phòng ngừa viêm khớp dạng thấp và gout
Có một số yếu tố gây viêm khớp dạng thấp và gout không thể phòng ngừa được, chẳng hạn như di truyền. Tuy nhiên việc thay đổi lối sống có thể góp phần phòng ngừa cũng như ngăn ngừa các tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn.
Bệnh gout:
Bệnh gout là kết quả của tăng axit uric trong máu, do đó việc phòng ngừa bệnh gout thường tập trung vào việc giảm axit uric trong cơ thể. Người bệnh có thể ngăn ngừa bệnh gout hoặc các đợt bùng phát bệnh gout bằng bằng cách:
- Giảm cân
- Thay đổi chế độ ăn uống
- Hạn chế sử dụng rượu, đặc biệt là bia
- Quản lý căng thẳng
Viêm khớp dạng thấp:
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn dịch, do đó các biện pháp phòng ngừa thường không thể ngăn chặn hoàn toàn tình trạng bệnh, tuy nhiên có thể trì hoãn sự khởi phát của các triệu chứng, giảm mức độ nghiêm trọng và ngăn ngừa biến dạng khớp.
Phòng ngừa viêm khớp dạng thấp thường tập trung vào việc loại bỏ các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như:
- Không hút thuốc lá
- Hỗ trợ sức khỏe xương khớp
- Hạn chế rượu
- Tập thể dục nhẹ nhàng, ít tác động đến các khớp và không gây áp lực lên cơ thể
- Ăn nhiều cá hơn, ít thịt động vật và chất béo không lành mạnh
- Duy trì sức khỏe răng miệng
Có thể cùng bị viêm khớp dạng thấp và gout không?
Trước đây các bác sĩ cho biết người bệnh viêm khớp dạng thấp không thể bị bệnh gout. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho biết điều này là không đúng. Mặc dù hai tình trạng này là khác nhau, tuy nhiên một người có thể gặp cả hai tình trạng này cùng một lúc.
Nếu bị đau khớp mà không rõ nguyên nhân, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu, kiểm tra khớp, dịch khớp để tìm hiểu nguyên nhân và đề nghị các bước điều trị phù hợp.
Viêm khớp dạng thấp và gout là hai dạng viêm khớp, tuy nhiên có nguyên nhân, triệu chứng và ảnh hưởng đến hệ thống xương khớp khác nhau. Một người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ phát triển các triệu chứng bệnh gout cao hơn so với những người khác.
Bệnh gout thường ảnh hưởng đến một hoặc một số khớp nhất định và thường bắt đầu ở ngón chân cái. Trong khi đó, viêm khớp dạng thấp thường liên quan đến một số khớp đối xương và có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể.
Xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ phân biệt giữa bệnh gút và bệnh viêm khớp dạng thấp. Việc chẩn đoán sớm và chính xác là điều cần thiết để xác định phương pháp điều trị hiệu quả, thích hợp, cũng như ngăn ngừa các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Tham khảo thêm: