Đau Thần Kinh Tọa Và Thoát Vị Đĩa Đệm
Đau thần kinh tọa và thoát vị đĩa đệm có các triệu chứng tương tự nhau do đó rất dễ bị nhầm lẫn và có kế hoạch điều trị không phù hợp. Điều quan trọng là thực hiện các chẩn đoán và chăm sóc sức khỏe phù hợp để ngăn ngừa các vấn đề gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Phân biệt đau thần kinh tọa và thoát vị đĩa đệm
Có rất nhiều bệnh lý và điều kiện sức khỏe có thể gây nhầm lẫn và không được điều trị đúng cách. Một trong những tình trạng này là đau thần kinh tọa và thoát vị đĩa đệm. Dưới đây là một số hướng dẫn về cách phân biệt hai điều kiện này, người bệnh có thể tham khảo để có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất.
1. Đau thần kinh tọa là gì?
Đau thần kinh tọa còn được gọi là đau dây thần kinh hông to, thường dẫn đến những cơn đau ở thắt lưng, mông, lan tỏa đến chân dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Tình trạng này xảy ra khi dây thần kinh tọa bị tổn thương, ảnh hưởng bởi một số vấn đề cột sống, chẳng hạn như chấn thương, căng cơ gây chèn ép dây thần kinh hoặc thoát vị đĩa đệm.
Các triệu chứng đau thần kinh tọa bao gồm:
- Đau nhói dọc theo ngoại vi của dây thần kinh tọa
- Đi bộ khó khăn
- Tê và yếu chân
- Có cảm giác ngứa ran ở đùi, bắp chân hoặc bàn chân
2. Thoát vị đĩa đệm là gì?
Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi đĩa đệm cột sống bị trượt, rách hoặc phồng lên. Ở mỗi đốt sống sẽ có một đĩa đệm hoạt động như bộ phận hấp thụ sốc và giảm áp lực lên cột sống. Khi đĩa đệm bị rách hoặc tổn thương, nhân mềm sẽ bị ép ra bên ngoài bao xơ đĩa đệm, gây áp lực lên các dây thần kinh, dẫn đến đau đớn và khó chịu.
Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm chính bao gồm:
- Đau khi ngồi. Bởi vì khi ngồi sẽ gây áp lực quá mức lên các đĩa đệm cột sống, gây ảnh hưởng đến đĩa đệm bị phồng và khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
- Đau có thể lan tỏa từ thắt lưng đến một hoặc cả hai chân.
- Cơn đau nghiêm trọng hơn khi người bệnh thực hiện một số hoạt động như cúi người về phía trước, nâng vật nặng, đẩy hoặc kéo. Đôi khi ho hoặc hắt hơi cũng có thể khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
3. Đau thần kinh tọa và thoát vị đĩa đệm khác nhau như thế nào?
Hầu hết các trường hợp đau thần kinh tọa có thể phục hồi sau một thời gian điều trị thích hợp. Phần lớn người bệnh có thể quay trở lại các hoạt động bình thường sau 6 – 8 tuần mà không cần phẫu thuật hoặc điều trị xâm lấn.
Trong khi đó, thoát vị đĩa đệm là một tình trạng lâu dài hơn, có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và cần được điều trị y tế bởi bác sĩ có chuyên môn. Nếu không được chẩn đoán và điều trị, thoát vị đĩa đệm có thể trở nên nghiêm trọng hơn, gây suy nhược cơ thể nhiều biến chứng khác.
Đau thần kinh tọa và thoát vị đĩa đệm có thể bị nhầm lẫn ngay từ đầu bởi vì các triệu chứng bệnh tương đối giống nhau. Do đó, người bệnh được khuyến khích đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Tùy thuộc vào nguyên nhân và các triệu chứng liên quan, bác sĩ có thể đề nghị chụp MRI để xác định chính xác nguyên nhân gây ra cơn đau.
Điều quan trọng cần lưu ý là thoát vị đĩa đệm có thể gây ra đau thần kinh tọa nhưng tình trạng ngược lại không bao giờ xảy ra (đau thần kinh tọa không gây ra thoát vị đĩa đệm). Ở người thoát vị đĩa đệm, người bệnh có thể bị đau lan tỏa đến một hoặc hai chân, tình trạng này được gọi là đau thần kinh tọa. Các đĩa đệm ở cột sống thắt lưng có thể bị phình ra ở phía sau lưng (vùng lưng) hoặc gây ảnh hưởng đến hai bên (vùng bên), gần với các rễ thần kinh cột sống.
Các đĩa đệm bị thoát vị có thể gây ảnh hưởng đến các rễ thần kinh tọa thông qua các kích ứng hóa học hoặc chèn ép trực tiếp. Khi chèn ép trực tiếp, đĩa đệm sẽ phồng lên hoặc rò rỉ nhân mềm lên các dây thần kinh đi ra khỏi ống sống, dẫn đến tổn thương thần kinh, gây viêm và đau. Điều này làm thay đổi chức năng thần kinh và dẫn đến các triệu chứng đau thần kinh tọa.
Đau thần kinh tọa và thoát vị đĩa đệm rất khó phân biệt trong thời gian đầu và hầu hết người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác nhất. Điều cần thiết là phải được chẩn đoán chính xác để có kế hoạch điều trị hiệu quả.
Thoát vị đĩa đệm gây đau thần kinh tọa như thế nào?
Phần dưới cột sống chịu một trọng lượng cơ thể đáng kể và thường xuyên phải vận động, khiến các đĩa đệm cột sống dễ bị tổn thương và đau đớn. Một chấn thương phổ biến đối với đĩa đệm là khiến nhân mềm di chuyển khỏi vị trí bình thường và bị đẩy vào vỏ bao xơ bên ngoài. Đôi khi bao xơ có thể bị rách, khiến nhân mềm di chuyển ra bên ngoài gây ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh tọa.
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của đau thần kinh tọa là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Đĩa đệm bị thoát vị có thể kích thích các dây thần kinh bằng cách sau:
- Đĩa đệm thường nằm gần tủy sống và rễ thần kinh tủy sống (dây thần kinh tọa là một phần của dây thần kinh cột sống khi thoát ra khỏi ống sống).
- Dây thần kinh tọa là một trong những rễ thần kinh dễ bị ảnh hưởng nhất do thoát vị đĩa đệm. Mỗi rễ thần kinh thắt lưng truyền cảm giác đau đến các phần khác nhau của chân, chẳng hạn như bắp chân và các ngón chân.
- Thoát vị đĩa đệm có thể dẫn đến rò rỉ các chất hóa học gây viêm ở một hoặc nhiều dây thần kinh tọa. Điều này gây chèn ép cơ học trực tiếp vào các dây thần kinh và gây đau.
Phòng ngừa đau thần kinh tọa ở người thoát vị đĩa đệm
Các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như cúi người, nâng đồ vật, vặn người và ngồi lâu có thể góp phần dẫn đến thoát vị đĩa đệm. Do đó, thay đổi một số thói quen hàng ngày có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng thoát vị đĩa đệm và hạn chế rủi ro đau thần kinh tọa. Ngoài ra, thực hiện lối sống phù hợp cũng giúp ngăn ngừa nguy cơ tái phát thoát vị đĩa đệm.
Có một số vấn đề cần lưu ý để phòng ngừa đau thần kinh tọa và thoát vị đĩa đệm bao gồm:
1. Bảo vệ đĩa đệm khi ngồi hoặc uốn cong
Ngồi lâu hoặc cúi người trong thời gian dài, có thể gây áp lực lên các đĩa đệm và tăng khoảng 40% nguy cơ thoát vị đĩa đệm. Do đó, người bệnh được khuyến khích tránh nâng vật nặng hoặc thực hiện các công việc nặng sau khi ngồi hoặc cúi người lâu.
Người bệnh cũng được khuyến cáo đứng thẳng trong vài phút, điều này cho phép đĩa đệm quay trở lại vị trí ban đầu và định hình lại cột sống trước khi thực hiện các chuyển động quá đột ngột hoặc quá sức.
2. Bảo vệ cột sống khi cúi người
Cột sống thường xuyên bị uốn cong trong các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như lau dọn nhà, nâng đồ vật khỏi sàn, làm việc hoặc ngồi xem TV, trò chuyện với người thân. Khi thực hiện các công việc hàng ngày, người bệnh cần duy trì vòm thắt lưng an toàn để ngăn ngừa hoặc tránh làm tình trạng thoát vị đĩa đệm trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này góp phần phòng ngừa nguy cơ đau thần kinh tọa.
Khi uốn cong cột sống, người bệnh có thể duy trì vòm thắt lưng an toàn bằng cách:
- Khuỵu gối khi nhấc đồ vật khỏi sàn
- Xoay người bằng hông. Không sử dụng cột sống khi xoay người, nghiêng về phía trước hoặc ngả về phía sau.
- Di chuyển một vật nặng bằng cách đẩy chứ không phải kéo.
- Nếu cần đứng trong thời gian dài, người bệnh nên kê một chân lên bệ thấp để tránh gây áp lực lên cột sống.
- Ngồi với vai cuộn ra phía sau và duy trì tư thế thẳng tự nhiên của cột sống.
Ngoài ra, người bệnh được khuyến khích tránh khom lưng, cúi người khi đứng, đi và ngồi. Điều này góp phần bảo vệ các đĩa đệm cột sống và ngăn ngừa nguy cơ đau thần kinh tọa.
3. Sử dụng dụng cụ hỗ trợ
Người bệnh có thể giảm áp lực lên các đĩa đệm bằng cách sử dụng các dụng cụ hỗ trợ, chẳng hạn như xe đẩy hàng hóa, hành lý với bốn bánh xe. Nếu nằm nghiêng hãy đặt một chiếc gối ở giữa hai đầu gối. Nếu nằm ngửa hãy đặt một chiếc gối bên dưới đầu gối. Điều này có thể góp phần giảm áp lực lên cột sống, ngăn ngừa đau thần kinh tọa và thoát vị đĩa đệm.
4. Tập thể dục tăng cường sức khỏe lưng
Có một số bài tập cho phép người bệnh uốn cong cột sống về sau, có thể góp phần điều trị đau thần kinh tọa và thoát vị đĩa đệm. Các bài tập này tập tập trung vào cơn đau thần kinh tọa, góp phần điều trị và chữa lành thoát vị đĩa đệm.
Điều quan trọng là thực hiện các bài tập an toàn và được hướng dẫn bởi bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu để đảm bảo đúng kỹ thuật cũng như tránh các rủi ro liên quan. Bên cạnh đó, khi bị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm, người bệnh nên tránh các bài tập vặn người về phía trước hoặc thực hiện các động tác lặp lại thường xuyên.
Đau thần kinh tọa và thoát vị đĩa đệm có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tăng nguy cơ trầm cảm và các vấn đề sức khỏe khác. Điều quan trọng là chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị y tế bởi bác sĩ chuyên môn. Thoát vị đĩa đệm nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiều trường hợp y tế khẩn cấp, bao gồm hội chứng chùm đuôi ngựa, rối loạn chức năng ruột, bằng quang, tê vùng sinh dục và yếu chân nghiêm trọng. Tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu người bệnh gặp một hoặc nhiều các triệu chứng này.
Tham khảo thêm: