Chữa Đau Thần Kinh Tọa Bằng Châm Cứu
Chữa đau thần kinh tọa bằng châm cứu là phương pháp y học cổ truyền, tác động lên các huyệt vị trên cơ thể, nhằm cải thiện cơn đau cũng như giúp khôi phục các hoạt động bình thường. Phương pháp này ít xâm lấn, tương đối an toàn và hiệu quả cao. Tuy nhiên điều quan trọng là thực hiện đúng phương pháp và bởi bác sĩ y học cổ truyền có chuyên môn.
Đau thần kinh tọa theo Đông Y
Theo y học hiện đại, dây thần kinh tọa là dây thần kinh lớn nhất trong cơ thế, bắt nguồn từ đáy chậu đến các chân sau. Đau thần kinh tọa có thể dẫn đến tổn thương ở bất cứ vị trí nào của dây thần kinh tọa.
Tổn thương rễ thần kinh L5 sẽ dẫn đến những cơn đau từ thắt lưng, lan xuống mặt bên của đùi, mặt trước bên ngoài của cẳng chân, đến mu bàn chân và các ngón chân. Nếu rễ thần kinh S1 bị tổn thương, cơn đau có thể lan đến mặt sau của đùi, mặt sau của cẳng chân, gót chân, mắt cá chân, gan bàn chân và tận cùng của ngón út.
Y học cổ truyền cho biết, đau thần kinh tọa còn được gọi là Tọa cốt phong, Tọa điển phong hay yêu cước thống, thuộc chứng Tý, đau do khí huyết vận hành trong kinh mạch bị tắc. Đông y quan niệm rằng, đau thần kinh tọa xảy ra khi cơ thể bị giảm sút, tà khí xâm nhập vào kinh lạc, dẫn đến vận hành khí huyết bị ngưng trệ (ứ huyết). Điều này sẽ khiến cho hệ thống thần kinh không được nuôi dưỡng đúng cách, dẫn đến đau đớn.
Ngoài ra, các sang chấn gây ứ huyết ở kinh lạc, chẳng hạn như bệnh lâu ngày không khỏi, có thể gây ảnh hưởng để nội tạng như Tỳ, Thận, Can, làm teo cơ cũng như đau thần kinh tọa.
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, sẽ có các biện pháp điều trị, phục hồi khác nhau.
Chữa đau thần kinh tọa bằng châm cứu có hiệu quả không?
Đông y cho biết, chữa đau thần kinh tọa bằng châm cứu có thể giúp kiểm soát cơn đau và hỗ trợ phục hồi chức năng vận động. Phụ thuộc vào quá trình thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân, bác sĩ y học cổ truyền có thể đề nghị phác đồ châm cứu phù hợp cho từng bệnh nhân.
Châm cứu hỗ trợ điều trị đau thần kinh tọa thông qua một số tác động như sau:
- Kích thích các dây thần kinh nằm sâu trong các cơ và mô, từ đó giúp giải phóng endorphin, giúp giảm đau.
- Hỗ trợ điều hòa hệ thống miễn dịch, thúc đẩy quá trình chống viêm và tăng cường lưu thông máu trong cơ thể.
- Tăng cường lượng máu đến vùng thần kinh tọa, thắt lưng, hông và các chi dưới.
- Tăng nồng độ noradrenaline và serotonin. Điều này có thể giúp cải thiện cơn đau một cách hiệu quả và tăng tốc độ phục hồi của các dây thần kinh.
Chữa đau thần kinh tọa bằng châm cứu nói riêng và phương pháp y học cổ truyền nói chung, có thể giúp kiểm soát cơn đau và hỗ trợ nâng cao năng lượng tốt trong cơ thể, góp phần ngăn ngừa bệnh tái phát trong tương lai.
Chữa đau thần kinh tọa bằng châm cứu như thế nào?
Tùy thuộc vào nguyên nhân, thể bệnh và các chỉ định cụ thể, thầy thuốc y học cổ truyền có thể đề nghị các phương pháp châm cứu như:
1. Phương pháp châm cứu
Bên cạnh biện pháp châm cứu truyền thống, có một số phương pháp châm cứu hiện đại, chẳng hạn như thủy châm và điện châm.
– Châm cứu truyền thống:
Phương pháp này sử dụng kim châm tác động lên các huyệt vị, giúp giảm ứ trệ, tăng cường lưu thông khí huyết và hỗ trợ giảm đau hiệu quả. Châm cứu được thực hiện như sau:
- Xác định các huyệt vị cần tác động.
- Sử dụng các kim chuyên dụng, dài mỏng, châm vào các huyệt.
- Châm cứu được tiến hành trong khoảng 15 – 30 phút.
– Điện châm:
Điện châm là phương pháp châm cứu kết hợp với dòng điện để tác động lên các huyệt vị. Điều này có tác dụng giảm đau thần kinh tọa và giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
Điện châm được thực hiện như sau:
- Các kim châm cứu đã được tiệt trùng, sau đó kết nối với một dòng điện nhất định.
- Tiến hành châm các đầu kim vào huyệt vị cần thiết. Sau đó đưa dòng điện phù hợp thông qua kim, điều này mang đến cảm giác châm chích hoặc tê nhẹ.
- Điện châm thường kéo dài 20 – 30 phút mỗi lần, thực hiện 3 – 4 lần mỗi tuần và duy trì trong 7 – 10 ngày.
– Thủy châm:
Thủy châm có thể đưa một số loại thuốc giảm đau vào các huyệt vị cần thiết, từ đó mang lại hiệu quả giảm đau thần kinh tọa. Các loại thuốc phổ biến bao gồm Coramin, vitamin B1 hoặc Adrenalin.
Thủy châm được thực hiện như sau:
- Các kim châm cứu sẽ được châm vào các huyệt vị, xuyên qua lớp thượng bì, sau đó tiêm thuốc vào huyệt vị để mang lại hiệu quả giảm đau.
- Thủy châm có thể kéo dài khoảng 5 – 10 phút, tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể.
2. Các huyệt cần châm cứu
Chữa đau thần kinh tọa bằng châm cứu thường tác động lên một số huyệt vị phổ biến như:
- Thận du: Huyệt nằm ở bên dưới đốt sống lưng thứ 2, đo ra 1.5 thốn và nằm ngang với huyệt mệnh môn.
- Đại trường du: Huyệt nằm ngay bên dưới đốt sống thắt lưng số 4, đo ra 1.5 thốn ngang với huyệt Yêu dương quan.
- Tiểu trường du: Huyệt nằm ở chỗ lõm của gai chậu sau với xương cùng.
- Côn lôn: Huyệt nằm tại giao điểm giữa bờ ngoài gót chân và đường kéo từ nơi cao nhất của mắt cá chân, tại chỗ lõm giữa khe gân cơ mác ngăn và gân cơ mác dài, ngay sau dưới đầu xương chày.
- Thừa sơn: Huyệt nằm ở vị trí cuối cùng của bắp chân, ở giữa gót chân và huyệt Ủy trung. Huyệt Thừa sơn nằm dưới huyệt Ủy trung 8 thốn, ngay chỗ lõm của 2 khe cơ sinh đôi.
- Ủy trung: Huyệt nằm ở mặt sau của đầu gối, ngay đường chỉ của nếp nhượng chân.
- Thừa phù: Huyệt nằm ngay bên dưới mông, chính giữa của nếp lằn mông.
- Quan nguyên du: Huyệt nằm ở đốt sống thắt lưng thứ năm, đo ra khoảng 1.5 thốn.
- Trật biên: Huyệt nằm ở ngay lỗ xương cùng thứ 4, cách huyệt Đốc mạch khoảng 3 thốn và huyệt Trung lữ khoảng 1.5 thốn.
- Xung dương: Huyệt nằm ở vị trí cao nhất của mu bàn chân, nơi có động mạch đập, cách huyệt Nội đình khoảng 5 thốn, tại bờ trong của gân cơ duỗi ngón chân cái và cơ duỗi của ngón chân thứ hai.
Hầu hết các huyệt này đều nằm ở các cơn lớn do đó việc châm cứu có thể tăng cường khả năng trao đổi chất tại các khối cơ, từ đó tăng cường chức năng thần kinh và cải thiện các triệu chứng đau thần kinh. Ngoài ra, đôi khi bác sĩ y học cổ truyền cũng có thể tác động lên các huyệt Túc tam lý và huyệt Mệnh môn để tăng cường hiệu quả điều trị.
3. Phác đồ chữa đau thần kinh tọa bằng châm cứu
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng như phương pháp châm cứu, bác sĩ y học cổ truyền có thể đề nghị thực hiện một liệu trình kéo dài 10 – 15 ngày. Nếu nguyên nhân bệnh liên quan đến hàn – tý, bác sĩ có thể hướng dẫn một số phương pháp tự chăm sóc tại nhà để tăng cường hiệu quả điều trị.
Sau khi kết thúc liệu trình, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá các triệu chứng đau thần kinh tọa. Nếu các triệu chứng không được cải thiện, người bệnh sẽ được chỉ định nghỉ 5 ngày, sau đó tiến hành liệu trình châm cứu mới hoặc các phác đồ điều trị khác phù hợp hơn.
Lưu ý khi chữa đau thần kinh tọa bằng châm cứu
Chữa đau thần kinh tọa bằng châm cứu là phương pháp an toàn, không gây đau đớn và hiệu quả cao. Tuy nhiên, để phương pháp mang lại hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:
- Điều trị bệnh theo nguyên nhân, thể bệnh và được chỉ định bởi bác sĩ có chuyên môn.
- Có thể kết hợp với các phương pháp y học cổ truyền khác, chẳng hạn như xoa bóp, bấm huyệt, để tăng cường hiệu quả điều trị.
- Thực hiện châm cứu tại các cơ sở y tế có chuyên môn khi thực hiện châm cứu. Tránh việc tự châm cứu tại nhà, điều này có thể gây ảnh hưởng đến các chức năng trong cơ thể và khiến tình trạng đau thần kinh tọa trở nên nghiêm trọng hơn.
- Đôi khi châm cứu có thể dẫn đến một số tác dụng phụ, chẳng hạn như bầm tím, đau nhẹ, chóng mặt hoặc buồn nôn. Các triệu chứng thường nhẹ và được cải thiện ngay lập tức mà không cần điều trị. Do đó, hãy thông báo cho bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài.
- Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, nhiều rau xanh, trái cây, vitamin và khoáng chất cần thiết để hỗ trợ quá trình phục hồi cơ, dây thần kinh bị tổn thương. Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều muối, đường, chất béo, chất kích thích và các loại thực phẩm chế biến sẵn.
- Nghỉ ngơi phù hợp trên giường cứng hoặc nệm có độ lún vừa phải. Hạn chế việc mang vác nặng hoặc tác động lực một cách đột ngột.
Chữa đau thần kinh tọa bằng châm cứu mang lại hiệu quả tương đối tốt nếu được thực hiện đúng cách bởi bác sĩ có chuyên môn. Do đó, người bệnh nên đến các cơ sở y học cổ truyền được cấp phép để được thăm khám và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm: