Đĩa Đệm
Đĩa đệm là cấu trúc ở giữa cột sống, hoạt động như một bộ phận nâng đỡ xương, tạo sự linh hoạt, hấp thụ sốc cũng như giúp cơ thể di chuyển xung quanh. Bên cạnh đó, đĩa đệm cũng hỗ trợ bảo vệ các dây thần kinh đi qua cột sống và hạn chế các rủi ro liên quan đến tủy sống, rễ thần kinh.
Đĩa đệm là gì? Cấu tạo như thế nào?
Cột sống của người trưởng thành được cấu tạo từ 24 đốt sống. Mỗi đốt sống có một đĩa đệm làm từ các chất liệu mềm như thạch. Các đĩa đệm cho phép cột sống di chuyển xung quanh và uốn cong.
Có tổng cộng 23 đĩa đệm trong cột sống. Trong đó có 6 đĩa đệm ở cột sống cổ, 12 ở cột sống lưng giữa (hay cột sống ngực) và 5 ở thắt lưng. Các vấn đề cụ thể xảy ra ở bất cứ đĩa đệm nào trong cột sống cũng có thể dẫn đến các triệu chứng riêng biệt, bao gồm đau đớn tại đĩa đệm bị tổn thương hoặc đau các dây thần kinh liên quan.
Đĩa đệm được cấu tạo từ hai phần chính: Phần cứng bên ngoài và phần nhân mềm bên trong. Cụ thể, cấu tạo của đĩa đệm như sau:
- Phần bao xơ (Annulus Fibrosus): Đây là phần bên ngoài của đĩa đệm, có hình tròn, cứng, bao gồm các tấm sợi collagen đồng tâm bao quanh lõi bên trong.
- Nhân mềm (Nucleus Pulposus): Đây là phần nhân bên trong của đĩa đệm, chứa một mạng lưới các sợi lỏng chứa bên trong một lớp dịch nhầy.
Phần bên ngoài và phần nhân bên trong của đĩa đệm khớp với nhau như hai hình trụ đồng tâm. Phần bên ngoài của đĩa đệm có các đĩa cuối bằng sụn, giúp gắn chặt đĩa đệm vào các đốt sống bên trên và bên dưới.
Ở trẻ sơ sinh, có 80% đĩa đệm là nước. Ngậm nước là điều kiện tốt nhất để đĩa đệm hoạt động bình thường. Điều này cũng giúp nhân tủy chịu tải trọng dọc theo trục của cơ thể và dựa vào các thành phần gốc nước để duy trì sức mạnh và độ dẻo dai.
Các loại đĩa đệm cột sống
Có 23 đĩa đệm trong cột sống được phân thành đĩa đệm cột sống cổ, cột sống ngực và cột sống thắt lưng.
1. Đĩa đệm cột sống cổ
Đĩa đệm cột sống cổ năng đỡ xương đốt sống cổ, đồng thời tạo ra sự linh hoạt cho các cử động của đầu. Các đĩa đệm nằm giữa các đốt sống liền kề, xếp chồng lên nhau, mỗi đĩa đệm cổ đóng vai trò như một bộ giảm xóc, giúp cột sống chịu những áp lực và tải trọng khác nhau.
Có 6 đĩa đệm ở cột sống cổ với tính di động cao. Các đĩa đệm này có xu hướng mỏng hơn các đĩa đệm cột sống thắt lưng, nhưng dày hơn các đĩa đệm ở lồng ngực.
Mỗi đĩa đệm cột sống cổ có hai thành phần cơ bản:
- Lớp ngoài: Lớp vỏ bên ngoài của đĩa đệm là bao xơ được làm từ các sợi collagen bao quanh nhằm bảo vệ phần lõi bên trong. Cấu trúc bao xơ bên ngoài cũng giúp phân bố các áp lực đặt lên đĩa đệm và phòng ngừa một số vấn đề cột sống.
- Nhân mềm bên trong: Phần nhân mềm này được gọi là nhân tủy, là một cấu trúc mềm, dạng sợi, được bao quanh bởi nhân nhầy và bảo vệ bởi bao xơ. Nhân nhầy chịu trách nhiệm đệm và tính linh hoạt của đĩa đệm.
Các đĩa đệm cột sống cổ cần ngậm đủ nước để duy trì độ bền và độ mềm. Điều này nhằm mang tải trọng dọc theo trục chính của cột sống.
Theo tuổi tác, các đĩa đệm có thể bị mất nước, cứng lại và trở nên kém linh hoạt hơn trong việc thích nghi với sự chèn ép. Các thay đổi này có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, tình trạng xảy ra khi nhân mềm của đĩa đệm nhô ra ngoài, gây ảnh hưởng đến các rễ thần kinh và dây thần kinh cột sống.
Trong một số trường hợp khác, đĩa đệm cổ có thể bị thoái hóa do chấn thương trực tiếp hoặc do những thay đổi từ từ. Ngoài ra, không được cung cấp lượng máu phù hợp có thể gây kích thích các dây thần kinh và khiến đĩa đệm cổ không thể tự hồi phục.
Ngoài ra, đĩa đệm cột sống cổ cũng chứa các máng tận cùng (Vertebral Endplates), đây là phần tiếp xúc giữa đĩa đệm và đốt sống liền kề. Lớp đệm đốt sống này mỏng, bao gồm collagen và xương xốp, cho phép các chất dinh dưỡng và lượng máu hạn chế đi vào đĩa đệm. Nếu một tấm đệm đốt sống bị tổn thương hoặc rối loạn chức năng, sẽ có rất ít chất dinh dưỡng có thể đi đến các đĩa đệm, điều này sẽ đẩy nhanh quá trình thoái hóa đĩa đệm.
Vận động và duy trì chuyển động cơ thể nói chung sẽ làm tăng lượng chất dinh dưỡng đi qua các đốt sống và đĩa đệm. Do đó mọi người được khuyến khích giữ một lối sống năng động để nuôi dưỡng đĩa đệm và ngăn ngừa các vấn đề cột sống khác.
2. Đĩa đệm lồng ngực
Có 23 đĩa đệm trong cột sống, trong đó có 12 đĩa nằm ở cột sống ngực. Mỗi đĩa đệm lồng ngực nằm giữa hai đốt sống để tạo ra một lớp đệm, tăng khả năng hấp thụ sốc đồng thời ngăn các đốt sống ma sát với nhau.
Đĩa đệm ngực có xu hướng mỏng hơn các đĩa đệm cổ và thắt lưng, điều này góp phần khiến cột sống ngực kém di động so với cổ và lưng dưới.
Cấu tạo đĩa đệm lồng ngực như sau:
- Lớp ngoài: Phần bên ngoài của đĩa đệm bao gồm các sợi collagen cứng để giúp phân bố các tải trọng chính đặt lên cột sống và bảo vệ phần bên trong của các đĩa đệm.
- Nhân bên trong: Phần nhân bên trong giống như thạch, hỗ trợ đệm, giảm sốc và giúp chuyển động giữa các đốt sống liền kề.
Đĩa đệm là cấu trúc lớn nhất của cơ thể người mà không có mạch máu. Một cấu trúc siêu mỏng giữa các đĩa đệm và đốt sống, được gọi là máng tận cùng (vertebral end plate), giúp khuếch tán các chất dinh dưỡng để đi vào đĩa đệm.
Đĩa đệm cột sống ngực có thể bắt đầu mất nước khi già đi và trở nên kém linh hoạt hơn. Quá trình này được gọi là thoái hóa đĩa đệm, nhưng thường không được chẩn đoán phù hợp cho đến khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng. Thông thường bệnh thoái hóa đĩa đệm sẽ được chẩn đoán cùng với bệnh thoái hóa khớp.
Nếu thoái hóa hoặc chấn thương khiến cho lớp ngoài của đĩa đệm bắt đầu phát triển các vết rách đủ lớn, có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm, trong đó nhân nhầy sẽ bị rò rỉ ra bên ngoài.
Trong một số trường hợp, đĩa đệm cột sống ngực bị thoát vị có thể gây ảnh hưởng đến các cấu trúc lân cận, dẫn đến đau đớn hoặc cứng khớp. Nếu rễ thần kinh ở lồng ngực bị viêm, người bệnh có thể bị đau cơ ngực kết hợp với tình trạng đau, ngứa ran, tê hoặc yếu ngực và bụng. Nếu tủy sống bị viêm sẽ dẫn đến bệnh lý tủy ngực, dẫn đến đau đớn, ngứa ran hoặc yếu ở bất cứ vị trí nào bên dưới tủy sống bị tổn thương.
Các vấn đề tổn thương và bệnh lý ở cột sống ngực thường không phổ biến. Các vấn đề đĩa đệm ở cột sống ngực cũng ít gây đau hoặc khó chịu, do đó thường không được điều trị phù hợp cho đến các khi triệu chứng trở nên nghiêm trọng.
3. Đĩa đệm cột sống thắt lưng
Cột sống thắt lưng chứa tổng cộng 5 đĩa đệm. Các chức năng chính bao gồm:
- Phân phối tải trọng tác động lên cột sống và hấp thụ sốc
- Duy trì khoảng cách giữa thân đốt sống trong quá trình vận động
- Cung cấp sự linh hoạt cho cột sống và ngăn ngừa các chuyển động quá mức
- Tạo và duy trì đường cong bình thường của cột sống thắt lưng
Đặc điểm của đĩa đệm cột sống thắt lưng:
- Kích thước: Đĩa đệm cột sống thắt lưng dày nhất so với các vùng cột sống khác. Các đĩa đệm ở phía trước cũng dày hơn ở phía sau.
- Chiều cao: Các đĩa đệm cột sống thắt lưng sẽ ngắn hơn trong ngày do chịu trọng lượng của phần trên cơ thể. Các chuyên gia ước tính rằng, ngủ ít nhất 5 giờ sẽ giúp các đĩa đệm lấy lại hình dạng và chiều cao ban đầu.
- Hình dạng: Đĩa đệm cột sống thắt lưng thay đổi theo các chuyển động. Khi cột sống cong về phía trước, chiều cao của đĩa đệm sẽ giảm trong khi cột sống cong về phía sau chiều cao sẽ tăng lên.
Các đĩa đệm cột sống thắt lưng sẽ được cố định bởi các dây chằng dọc trước và sau.
Cấu tạo và thành phần của đĩa đệm cột sống thắt lưng tương tự như các khu vực cột sống khác. Tuy nhiên có một số điểm khác biệt, chẳng hạn như:
- Bao xơ: Lớp vỏ bên ngoài của đĩa đệm cột sống thắt lưng được gọi là vòng đệm, bao gồm nhiều sợi protein collagen dai, trái ngược với một lớp duy nhất ở các đĩa cổ. Các sợi collagen cung cấp các đặc tính hấp thụ sốc và ngăn ngừa các tổn thương đến đĩa đệm.
- Nhân nhầy: Có một loại protein collagen mềm ở phần trung tâm của đĩa đệm cột sống thắt lưng, được gọi là nhân tủy. Nhân tủy chứa 70 – 90% là nước và đạt đến độ ngậm nước cao trong độ tuổi từ 20 – 30, sau đó mất nước và bắt đầu thoái hóa dần theo thời gian.
Khi tuổi các cao, các đĩa đệm dần bị vôi hóa (lắng đọng canxi) và cứng lại, làm giảm tính linh hoạt của đĩa đệm.
Đĩa đệm cột sống thắt lưng cung cấp tính linh hoạt và bảo vệ cột sống, tuy nhiên các đĩa đệm này cũng rất dễ bị chấn thương. Nói chung, phần trước của đĩa đệm thường mạnh và phần phía sau yếu hơn, do đó dễ bị rối loạn và thoái hóa. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, có khoảng 90% các trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng xảy ra ở vùng L4-L5 hoặc L5-S1.
Chức năng và tầm quan trọng của đĩa đệm đối với cột sống
Đĩa đệm cột sống là một cấu trúc độc đáo, thú vị với 3 chức năng chính, bao gồm:
- Hoạt động như một bộ giảm xóc cột sống, nằm giữa một đốt sống.
- Hoạt động như những dây chằng dẻo dai giữ các đốt sống của cột sống lại với nhau.
- Là những khớp sụn cho phép cột sống di động nhẹ.
Theo thời gian, các đĩa đệm cột sống sẽ bị mất nước, trở nên cứng và khô, khiến cho đĩa đệm không thể điều chỉnh sức nén. Mặc dù đây là một quá trình thoái hóa tự nhiên, nhưng thoái hóa đĩa đệm ở một số người bệnh có thể gây đau đớn và khó chịu.
Bên cạnh đó, bản thân đĩa đệm không có nguồn cung cấp máu. Nếu không có nguồn cung cấp máu, đĩa đệm sẽ không thể tự phục hồi, dẫn đến tổn thương kéo dài trong nhiều năm và cuối cùng là gây mất chức năng cột sống.
Trong một số trường hợp, tổn thương đĩa đệm nghiêm trọng có thể gây chèn ép các mô cấu trúc lân cận, gây đau hoặc cứng. Nếu rễ thần kinh bị viêm sẽ dẫn đến đau đớn, ngứa ran, tê hoặc yếu ở cánh tay, ngực, bụng, thắt lưng, hông, mông và các chi dưới. Nếu tủy sống bị tổn thương, người bệnh có khả năng bị liệt hoặc mất các chức năng của cơ thể, chẳng hạn như kiểm soát bàng quang hoặc ruột.
Ngoài ra, bản thân đĩa đệm cũng có thể dẫn đến đau đớn, chẳng hạn như khi một dây thần kinh phát triển sâu vào đĩa đệm, tiếp xúc với các protein và gây viêm.
Các vấn đề ở đĩa đệm cột sống
Đĩa đệm cột sống hoạt động như một trục đàn hồi cho từng đốt sống, mang lại sự ổn định và cho phép chuyển động ở mọi hướng. Tuy nhiên đĩa đệm có thể bắt đầu mất đi độ bền và tính dẻo dai vốn có, điều này dẫn đến một loại các triệu chứng đau đớn và gây suy nhược cơ thể.
Dưới đây là một số vấn đề phổ biến xảy ra ở đĩa đệm cột sống, chẳng hạn như:
1. Bệnh thoái hóa đĩa đệm
Nếu tình trạng đau đớn xuất phát từ chính đĩa đệm, người bệnh sẽ cảm thấy đau dọc theo từng cơn. Tình trạng này có thể xảy ra như một phần của quá trình lão hóa, trong đó các đĩa đệm cột sống bắt đầu khô, mất đi tính linh hoạt và khả năng hấp thụ sốc.
Thoái hóa đĩa đệm là tình trạng bên trong đĩa đệm co lại, tạo ra ít đệm hơn giữa các đốt sống ở cột sống. Phần bên ngoài của đĩa đệm cũng có thể bị rách nhẹ và dẫn đến đau đớn.
Các triệu chứng phổ biến khi bị thoái hóa đĩa đệm bao gồm:
- Đau tăng lên khi thực hiện các hoạt động uốn cong hoặc vặn cột sống.
- Căng cơ hoặc co thắt cơ, mất ổn định cột sống và suy nhược cơ thể tạm thời.
- Đau lan tỏa, đau nhói đên cai, cánh tay, bàn chân. Nếu đĩa đệm cột sống thắt lưng bị ảnh hưởng, người bệnh sẽ cảm thấy đau ở mông, hông hoặc lan xuống mặt sau của chân.
- Một số tư thế nhất định, chẳng hạn như ngồi ngả lưng hoặc nằm kê gối dưới đầu gối, có thể giúp giảm đau.
2. Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi đĩa đệm trượt khỏi vị trí ban đầu, gây chèn ép lên các dây thần kinh, dẫn đến đau đớn dọc theo các dây thần kinh cột sống. Nếu phần nhân nhầy bên trong đĩa đệm thoát ra bên ngoài có thể gây chèn ép rễ thần kinh, dẫn đến viêm và gây đau.
Thoát vị đĩa đệm có thể dẫn đến đau đớn và một số triệu chứng khác, chẳng hạn như tê, ngứa ran hoặc yếu, thường di chuyển theo đường đi của các dây thần kinh. Đĩa đệm thoát vị ở phần dưới của cột sống gây ra đau dọc theo dây thần kinh tọa qua mặt sau của chân, và một đĩa đệm thoát vị ở cột sống cổ gây ra cơn đau lan tỏa qua cánh tay.
Các vấn đề ở đĩa đệm có thể gây ảnh hưởng đến chức năng của cột sống và gây đau đớn dọc theo các dây thần kinh. Điều quan trọng là có kế hoạch chẩn đoán và điều trị chính xác để tránh các rủi ro liên quan.
Đĩa đệm cột sống có nhiệm vụ kết nối các đốt sống lại với nhau, hỗ trợ giảm xóc và giúp cột sống di chuyển linh hoạt. Cấu trúc này sẽ bị hao mòn theo thời gian, dẫn đến thoái hóa, thoát vị và một số vấn đề sức khỏe cột sống khác. Điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch điều trị và chăm sóc phù hợp.
Tham khảo thêm: