Bấm Huyệt Chữa Thoát Vị Đĩa Đệm
Bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp ứng dụng y học cổ truyền, nhằm mang lại hiệu quả giảm đau, chống viêm và phục hồi khả năng vận động bình thường của người bệnh. Đây là một phương an toàn, chi phí thấp, không đòi hỏi các thiết bị y tế hiện đại cũng như không xâm lấn vào cột sống. Tuy nhiên, điều quan trọng là thực hiện bấm huyệt đúng cách để tránh các rủi ro liên quan.
Bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm có hiệu quả không?
Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý phổ biến, chiếm khoảng 65 – 75% các trường hợp đau thắt lưng và khoảng 76% các trường hợp đau thần kinh hông. Bên cạnh đó, thoát vị đĩa đệm cũng gây ảnh hưởng đến cột sống cổ, dẫn đến đau cổ hoặc đau vai gáy.
Hầu hết các trường hợp thoát vị đĩa đệm được điều trị bằng các biện pháp nội khoa, chẳng hạn như sử dụng thuốc chống viêm, thuốc giãn cơ, tiêm ngoài màng cứng, vật lý trị liệu hoặc các thao tác kéo giãn cột sống. Trong đó có khoảng 10 – 20% các trường hợp người bệnh được chỉ định phẫu thuật để ngăn ngừa các biến chứng liên quan.
Theo Y học cổ truyền, thoát vị đĩa đệm thuộc chứng tý, còn được gọi là yêu thống, tọa cốt phong hoặc yêu cước thống, và được điều trị bằng cách phương pháp bao gồm xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu hoặc cấy chỉ. Trong đó, bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm là một phương pháp an toàn, mang lại hiệu quả tốt và không xâm lấn vào cơ thể.
Bấm huyệt tác động vật lý đến hệ thần kinh, mạch máu, các cơ quan cảm thụ ngoài da, từ đó thay đổi hoạt động của hệ thống thần kinh và nội tiết. Bấm huyệt cũng giúp tăng cường lưu thông máu và chất dinh dưỡng tại chỗ, hỗ trợ giãn cơ, giảm đau, hạn chế quá tình thoái hóa cũng như phục hồi khả năng vận động bình thường của người bệnh.
Ngoài ra, bấm huyệt cũng mang lại một số lợi ích như:
- Tăng tuần hoàn máu tại chỗ, giúp giãn cơ vùng cổ, vai, gáy, thắt lưng, chống viêm và giảm đau.
- Giải phóng các dây thần kinh bị chèn ép, đưa đĩa đệm quay về vị trí ban đầu.
- Kết hợp với các biện pháp điều trị khác, nhằm phục hồi chức năng vận động bình thường và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
Kích thích tái tạo tế bào xương khớp và ổn định cột sống.
Chỉ định bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm
Bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp an toàn, không đòi hỏi máy móc hoặc thiết bị y tế hiện đại. Tuy nhiên phương pháp này mang lại hiệu quả tích cực và ít tác dụng phụ. So với nhiều phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm tại nhà khác, bấm huyệt có chi phí thấp và hỗ trợ cải thiện nhiều triệu chứng liên quan, chẳng hạn như đau thần kinh tọa, thoái hóa cột sống thắt lưng hoặc đau vai gáy.
Mặc dù bấm huyệt thường an toàn và phù hợp cho hầu hết người bệnh, tuy nhiên để đạt hiệu quả tốt nhất, phương pháp được chỉ định cho một số đối tượng như:
- Thoát vị đĩa đệm từ nhẹ đến trung bình, các triệu chứng mới khỏi phát, không có rủi ro và các biến chứng khác.
- Người bệnh có thể trạng tốt, có thể đáp ứng với các tác động phù hợp bên ngoài cơ thể.
- Thoát vị đĩa đệm ở cấp độ 1, 2, 3 theo phân loại y tế.
Chống chỉ định bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm
Có một số đối tượng bệnh không nên thực hiện bấm huyệt bao gồm:
- Người bị cong vẹo cột sống, lệch cột sống, thoái hóa cột sống nghiêm trọng.
- Người bệnh thoát vị đĩa đệm thể trung tâm.
- Thoát vị đĩa đệm tái phát nhiều lần, đã được chỉ định phẫu thuật hoặc điều trị xâm lấn khác nhưng thất bại.
Để đạt hiệu quả điều trị thoát vị đĩa đệm tốt nhất mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ Y học cổ truyền để được hướng dẫn phù hợp.
Kỹ thuật bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm
Bấm huyệt bao gồm một số kỹ thuật như:
- Day: Kỹ thuật này sử dụng gốc bàn tay, mô ở ngón cái và mô ở ngón út, ấn mạnh vào da, di chuyển theo đường xoắn ốc. Động tác này này có thể giúp thư giãn các mô sâu, giảm đau và tăng cường lượng máu lưu thông.
- Lăn: Kỹ thuật này sử dụng mu bàn tay và ngón áp út hoặc các khớp giữa bàn tay và các ngón tay để lăn trên khu vực cần bấm huyệt.
- Bóp: Kỹ thuật này sử dụng ngón tay cái tác động và tạo sức ép lên khu vực cần điều trị. Sau đó kết hợp sử dụng các ngón tay đặt bên dưới mô cần tác động, tiến hành kéo nhẹ khu vực cần điều trị lên theo chiều thẳng đứng.
Kỹ thuật bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm cần được thực hiện với lực tác động phù hợp, điều này có thể tránh các cơn đau và ngăn ngừa tổn thương các mạch máu nhỏ dưới da. Bên cạnh đó, người bệnh có thể sử dụng dầu xoa bóp, chẳng hạn như dầu bạc hà, tràm trà hoặc khuynh diệp để tăng cường hiệu quả giảm đau nhức, giúp giãn cơ, giảm viêm và thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu.
Hướng dẫn bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm đúng cách
Bấm huyệt được thực hiện bởi bác sĩ Đông y hoặc kỹ thuật thuật viện Y học cổ truyền có chuyên môn. Điều này sẽ mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất và giữ an toàn cho người bệnh cũng như hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra. Người bệnh hoặc người không có chuyên môn không nên thực hiện bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Dưới đây là một số hướng dẫn về cách bấm huyệt an toàn và đúng cách:
1. Tác động đến các mô sâu
Bấm huyệt tác động lên các mô sâu có tác dụng cải thiện các cơn đau mãn tính, dai dẳng và phục hồi chức năng bình thường của đĩa đệm cột sống. Phương pháp này có thể thúc đẩy quá trình giải phóng endorphin, từ đó giúp người bệnh thư giãn và thoải mái hơn.
Tác động các mô sâu thường được thực hiện để điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, bởi vì khu vực này chứa nhiều mô liên kết cứng, dày và có nhiều lớp bao quanh cơ.
Phương pháp xoa bóp các mô sâu có thể gây đau hoặc khó chịu trong lần thực hiện đầu tiên. Tuy nhiên con đau sẽ được cải thiện ở các lần bấm huyệt tiếp theo và không gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trong trường hợp cơn đau nghiêm trọng, day dẳng, kéo dài, hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
2. Tác động lên các huyệt vị
Day ấn và tác động lên các huyệt vị nhất định có thể thúc đẩy hoạt động của hệ thống thần kinh, tăng tuần hoàn máu và hỗ trợ cải thiện cơn đau ở rễ cột sống. Bên cạnh đó, tác động lên các huyệt vị nhất định cũng có thể điều chỉnh cấu trúc cột sống, giảm sự chèn ép lên các dây thần kinh và ngăn ngừa thoát vị đĩa đệm tái phát.
Các huyệt phổ biến liên quan đến thoát vị đĩa đệm bao gồm:
- Huyệt Thận du: Huyệt cách đốt sống thắt lưng thứ hai đo ngang ra 1.5 thốn.
- Huyệt Cách du: Huyệt nằm ngang với huyệt Chí dương, đo ngang từ đốt sống thứ 7 khoảng 1.5 thốn. Tác động lên huyệt Cách du có thể ly khí, hóa ứ và hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
- Huyệt Đại trường du: Huyệt nằm ngang đốt sống thứ tư, đo ngang ra 1.5 thốn.
- Huyệt Giáp tích: Huyệt này nằm ở mỏm gai của mỗi đốt sống đo ngang ra 0.5 thốn.
- A thị huyệt: A thị huyệt không cố định và được xác định bằng cách ấn ngón tay cái đến vị trí đau nhức. Điểm đau nhức nghiêm trọng nhất chính là A thị huyệt.
Hướng dẫn bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm:
- Day, ấn, xoa bóp: Sử dụng mô ngón tay cái ấn mạnh vào huyệt Thận du, Đại trường du và Giáp tích. Sau đó xoay và day huyệt trong vòng 3 – 5 phút. Mục tiêu của phương pháp là làm mềm các cơ và cải thiện tình trạng cứng khớp, cứng cột sống.
- Bấm huyệt: Sau khi day ấn, người bấm huyệt sẽ tiến hành bấm huyệt Thận du và Giáp tích, sau đó bấm huyệt Đại trường du, Cách du và Giáp tích. Khi bấm huyệt sử dụng ngón tay cái ấn vào huyệt để tạo thành một góc 90 độ, tác động lực vừa phải sau đó tăng dần đến khi cảm thấy đau nhức hoặc tê.
- Điều chỉnh các đĩa đệm: Kỹ thuật này được thực hiện bởi bác sĩ Y học cổ truyền có chuyên môn sâu và được hỗ trợ bởi xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như MRI hoặc CT cột sống. Sau khi xác định đĩa đệm bị thoát vị, bác sĩ sử dụng tay để tạo lực ấn, nắn và điều chỉnh vị trí đĩa đệm. Quy trình điều chỉnh đĩa đệm kéo dài từ 3 – 5 phút và có thể thay đổi tùy theo khả năng chịu đựng của người bệnh.
Khi bấm huyệt cần xác định vị trí chính xác của huyệt để đảm bảo hiệu quả. Nếu người bệnh bị chèn dây thần kinh hoặc đau thần kinh tọa, hãy thông báo với bác sĩ để có sự điều chỉnh phù hợp.
Lưu ý khi bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm
Bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp không xâm lấn, an toàn và hiệu quả cao. Tuy nhiên để tránh các rủi ro liên quan, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:
- Bấm huyệt chỉ phù hợp với các giai đoạn nhẹ, khi bao xơ của đĩa đệm chưa bị rách và nhân nhầy chưa thoát ra bên ngoài. Trong trường hợp nghiêm trọng, bấm huyệt sẽ khiến nhân nhầy đĩa đĩa thoát ra ngoài, gây chèn ép mạch máu, dây thần kinh.
- Tham khảo y kiến của bác sĩ điều trị và bấm huyệt theo hướng dẫn của thầy thuốc có chuyên môn. Bấm huyệt sai có thể dẫn đến nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Phụ nữ mang thai, bệnh nhân tâm lý bất ổn, người có vấn đề về thận, phổi, gãy xương, rạn xương hoặc bệnh lý cột sống khác. Tác động lực khi bấm huyệt có thể gây viêm, lở loét và nhiễm trùng.
- Khi bấm huyệt cần chú ý đến lực tác động. Lực quá mạnh sẽ gây ảnh hưởng đến nhóm cơ bảo vệ cột sống và khiến tình trạng thoát vị đĩa đệm trở nên nghiêm trọng hơn.
- Khi bấm huyệt tránh để cột sống cong quá mức. Điều này có thể dẫn đến cong vẹo cột sống và gù lưng.
- Nếu bấm huyệt dẫn đến các tác dụng phụ, chẳng hạn như ngứa ra, tê bì chân tay hoặc mất sức mạnh cơ bắp, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
- Người có bệnh chàm, mề đay mẩn ngứa, viêm da cơ địa hoặc lở loét ngoài da nên tránh thực hiện bấm huyệt.
- Kết hợp bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm với chế độ ăn uống phù hợp và tập luyện thể dục thể thao để duy trì sự ổn định của cột sống cũng như tăng cường sự dẻo dai ở đĩa đệm.
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương bấm huyệt tương đối phổ biến và an toàn. Phương pháp giúp giảm đau, giãn cơ và hỗ trợ phục hồi chức năng ở cột sống mà không cần dùng thuốc hoặc các phương pháp xâm lấn. Tuy nhiên bấm huyệt không giải quyết được nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm và không điều trị dứt điểm các triệu chứng. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ y học cổ truyền để được hướng dẫn cụ thể.
Tham khảo thêm: