Điều Trị Thoát Vị Đĩa Đệm Bằng Laser
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser sử dụng năng lượng laser làm bốc hơi một lượng nhỏ nhân nhầy, giúp giảm áp suất bên trong nội đĩa, giải phóng sự chèn ép lên các dây thần kinh. Đây là một phương pháp hiện đại, ít xâm lấn và mang lại hiệu quả cao nếu được thực hiện đúng quy trình bởi bác sĩ có chuyên môn.
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser là gì?
Laser là sự khuếch đại ánh sáng bằng cách phát ra bức xạ kích thích. Tia laser là một chùm sáng hội tụ có thể tạo ra nhiệt cường độ cao để xuyên qua các mô mềm, đặc biệt là mô có hàm lượng nước cao như đĩa đệm cột sống.
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser còn được gọi là phương pháp giảm áp đĩa đệm bằng tia laser thông qua da. Phương pháp này sử dụng tia laser để cắt cấu trúc cột sống, loại bỏ một lượng nhỏ nhân nhầy để giảm sự chèn ép lên các dây thần kinh nhằm mục đích giảm đau.
Trong phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm bằng laser, bác sĩ sẽ thực hiện một vết cắt nhỏ, dài khoảng 2 – 3 cm trên da để tiếp cận cấu trúc cột sống. So với phẫu thuật thoát vị đĩa đệm truyền thống, điều trị bằng laser ít xâm lấn, rủi ro thấp, ít để lại sẹo và tổn thương các cấu trúc thần kinh xung quanh. Phương pháp điều trị này cũng ít đau và có thời gian phục hồi ngắn hơn.
Ngoài ra, điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser cũng có tác dụng giảm áp lực lên mạch máu và các mô mềm xung quanh cột sống, hỗ trợ tăng cường lưu thông máu, cải thiện các triệu chứng liên quan đến thoát vị đĩa đệm, chẳng hạn như đau thắt lưng, cứng cổ, tê mỏi chân tay, đau thần kinh tọa.
Phương pháp điều trị này không được xem là phẫu thuật, vì vết cắt nhỏ, không mở cấu trúc cơ thể và làm bốc hơi nhân nhầy thông qua bức xạ nhiệt cường độ cao từ tia laser.
Khi nào nên điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser?
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser được thực hiện nếu tình trạng thoát vị đĩa đệm gây chèn ép hệ thống thần kinh trong cột sống. Chỉ định điều trị cũng bao gồm một số biến chứng và bệnh lý liên quan, chẳng hạn như:
- Hẹp ống sống
- Phồng hoặc trượt đĩa đệm
- Đau thần kinh tọa
- U tủy sống
Bên cạnh đó, phương pháp laser cũng được chỉ định cho một số trường hợp như:
- Các phương pháp điều trị bảo tồn, chẳng hạn như sử dụng thuốc, không mang lại hiệu quả trong 6 tuần.
- Thoát vị đĩa đệm gây ảnh hưởng đến các mạch máu, chèn ép dây thần kinh, gây đau nhức lưng, co cứng cột sống hoặc ngứa ran.
Ai không nên điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser?
Điều quan trọng nhất của các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm là xác định phẫu thuật có hiệu quả không, các lợi ích đạt được và rủi ro liên quan. Chữa thoát vị đĩa đệm bằng laser không mang lại hiệu quả ngay lập tức và có nhiều trường hợp bác sĩ sẽ ưu tiên các phương pháp phẫu thuật truyền thống hoặc xâm lấn tối thiểu khác. Do đó, để xác định được phương pháp điều trị phù hợp nhất, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị.
Ngoài ra, có một số chống chỉ định khi thực hiện chữa thoát vị đĩa đệm bằng laser như sau:
- Gãy thân đốt sống
- Trượt cột sống độ 1
- Xẹp đĩa đệm cột sống hơn 50%
- Ung thư cột sống hoặc ung thư di căn cột sống
- Lao cột sống
- Đĩa đệm bị vỡ
- Phụ nữ mang thai
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng laser có hiệu quả không?
Thoát vị đĩa đệm có thể dẫn đến chèn ép các dây thần kinh, gây đau thần kinh tọa, đau thắt lưng và đau chân. Laser có thể giúp giải phóng các dây thần kinh nhằm mục đích giảm đau. Điều này được thực hiện dưới gây tê cục bộ, có nghĩa là da và các cơ xung quanh lưng sẽ được làm tê để giảm đau. Đôi khi người bệnh cũng có thể được sử dụng thuốc an thần khi thực hiện phương pháp.
Hiệu quả chữa thoát vị đĩa đệm bằng laser phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp, phương pháp này mang lại hiệu quả cao, có thể cải thiện đến 80% các triệu chứng nếu được thực hiện đúng phương pháp.
Tuy nhiên, thoát vị đĩa đệm là bệnh lý diễn tiến âm thầm và khó phát hiện trong giai đoạn đầu. Trong các giai đoạn sau, khi các triệu chứng đã nghiêm trọng, các phương pháp điều trị sẽ có hiệu quả thấp hơn. Trong trường hợp bao xơ bị nứt hoặc rách hoàn toàn, điều trị bằng laser thường có hiệu quả thấp.
Chuẩn bị trước khi điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser
Bác sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết về những gì cần làm trong những ngày chờ thực hiện phương pháp. Thông thường người bệnh nên duy trì hoạt động thể chất, ăn uống lành mạnh và ngừng hút thuốc trước thủ thuật để đảm bảo hiệu quả điều trị cũng như ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra.
Người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc để ngăn chảy máu quá mức. Ngoài ra, luôn thông báo với bác sĩ về các loại thuốc, thực phẩm chức năng và thảo dược đang sử dụng để đảm bảo an toàn trong suốt thủ thuật.
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser giống như các phẫu thuật xâm lấn tối thiểu khác, thường được thực hiện ngoại trú và người bệnh có thể ra về ngay sau khi thực hiện thủ thuật. Tuy nhiên người bệnh nên đi cùng người thân để được hỗ trợ khi cần thiết.
Giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng để giảm viêm trong cơ thể. Điều này có thể tăng cường hiệu quả chữa thoát vị đĩa đệm bằng laser và giúp người bệnh phục hồi tốt hơn.
Quy trình điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser
Phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm bằng laser là phương pháp xâm lấn tối thiểu và bác sĩ sẽ lên lịch thực hiện phương pháp phù hợp để người bệnh có sự chuẩn bị tốt nhất. Người bệnh nên đến bệnh viện sớm hơn thời gian dự kiến để thực hiện các thủ tục cần thiết.
Quy trình thực hiện phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm bằng laser như sau:
1. Trước khi thực hiện thủ thuật
Người bệnh sẽ được đưa đến phòng tiền phẫu, thay áo choàng bệnh viện. Y tá hoặc nhân viên y tế sẽ tiến hành một cuộc kiểm tra sức khỏe ngắn và trao đổi với người bệnh về bệnh sử để đảm bảo an toàn khi thực hiện điều trị.
Sau đó người bệnh nằm trên giường bệnh, y tá sẽ đặt ống truyền tĩnh mạch vào cánh tay hoặc bàn tay để truyền dịch và thuốc. Người bệnh có thể được gây mê toàn thân hoặc gây tê cục bộ trong quá trình thực hiện thủ thuật.
2. Trong quá trình điều trị
Bác sĩ tiến hành cắt một đường nhỏ với chiều dài từ 2 – 3 cm theo chiều dọc của cột sống để tiếp cận các rễ thần kinh bị tổn thương và đĩa đệm bị thoát vị.
Sau khi xác định được đĩa đệm thoát vị, một tia laser nhỏ sẽ được đưa vào vị trí vết rạch, cắt quá khu vực đĩa đệm bị tổn thương gây chèn ép các dây thần kinh. Nhiệt từ tia laser sẽ làm bốc hơi một lượng nhỏ nhân nhầy ở đĩa đệm, từ đó giảm áp lực lên các dây thần kinh và giảm đau.
3. Sau khi thực hiện thủ thuật
Sau khi chữa thoát vị đĩa đệm bằng laser, người bệnh sẽ được đưa đến phòng hồi sức. Nhân viên y tế sẽ xác định các dấu hiệu sinh tồn, theo dõi tác dụng phụ của thuốc gây mê và phòng ngừa các rủi ro liên quan.
Thông thường người bệnh sẽ ra về sau một đến hai giờ sau khi thực hiện thủ thuật.
Phục hồi sau khi điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser
Sau khi thực hiện điều trị thoát vị đĩa đệm bằng tia laser, người bệnh có thể quay trở lại làm việc trong vài ngày hoặc vài tuần, mặc dù có thể mất đến ba tháng để trở lại các hoạt động bình thường. Người bệnh có thể cần nghỉ ngơi 2 – 4 tuần trước khi quay lại các hoạt động ít vận động. Thời gian nghỉ ngơi sẽ tăng lên 8 – 12 tuần trước khi người bệnh quay lại các công việc thể chất, chẳng hạn như chơi thể thao hoặc khuân vác nặng.
Trong hai tuần hồi phục đầu tiên, có một số lưu ý để tạo điều kiện chữa lành cho đến khi cột sống ổn định hơn. Các lưu ý bao gồm:
- Không uốn cong, nâng hoặc xoắn
- Không nâng bất cứ vật gì nặng hơn 2.5 kg
- Không hoạt động thể chất vất vả, bao gồm tập thể dục, làm việc nhà, làm vườn và hoạt động tình dục
- Không điều khiển phương tiện giao thông hoặc vận hành bất cứ phương tiện nào cho đến khi nhận được sự đồng ý của bác sĩ chuyên môn
- Không uống rượu trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục cũng như khi sử dụng các loại thuốc giảm đau
- Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện vật lý trị liệu để tăng khả năng phục hồi. Vật lý trị liệu thường bắt đầu với 2 – 3 lần mỗi tuần, kéo dài trong 4 – 6 tuần.
Điều quan trọng trong thời gian phục hồi sau khi điều trị thoát vị đĩa đệm là thực hiện các lời khuyên của bác sĩ chuyên môn và tập luyện theo hướng dẫn của nhà vật lý trị liệu để thúc đẩy quá trình chữa bệnh.
Bên cạnh đó, có một số khuyến nghị phục hồi tối ưu cho người chữa thoát vị đĩa đệm bằng laser như sau:
- Ngủ đủ giấc, ít nhất 7 – 8 giờ mỗi đêm để thúc đẩy quá trình chữa bệnh.
- Uống đủ lượng nước cần thiết.
- Duy trì thái độ tích cực, giảm căng thẳng và tránh các cảm xúc tiêu cực.
- Tuân theo chương trình tập luyện của bác sĩ và nhà vật lý trị liệu.
- Duy trì hoạt động thể chất và hạn chế thời gian ngồi mỗi ngày. Không nên ngồi lâu đặc biệt là ngồi trong một tư thế.
- Giữ tư thế thích hợp với ngồi, đứng, đi bộ và ngủ để giảm căng thẳng lên thắt lưng.
- Học các kỹ năng nâng thích hợp để sử dụng cơ bắp chân và cơ cốt lõi để ngăn ngừa áp lực lên cột sống.
Những điều cần biết khi điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng laser là phương pháp ít xâm lấn, hiệu quả cao và có thời gian phục hồi nhanh. Tuy nhiên trước khi thực hiện phương pháp, người bệnh cần tìm hiểu về ưu điểm, nhược điểm cũng như các phản ứng phụ và biến chứng để có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp.
1. Ưu điểm
Các ưu điểm khi điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser bao gồm:
- Ít xâm lấn, hầu như không gây đau và chảy máu ít
- Thời gian thực hiện và phục hồi nhanh chóng
- Hiệu quả cao, khoảng 80%, nếu được thực hiện đúng phương pháp
- Người bệnh có thể ra về ngay trong ngày và không cần nhập viện
- Không gây ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng cột sống
2. Nhược điểm
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng laser không được khuyến khích đối với một số tình trạng, chẳng hạn như người bị thoái hóa cột sống. Ngoài ra, các trường hợp thoát vị đĩa đệm phức tạp hơn cũng được yêu cầu điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật mở để tăng hiệu quả điều trị.
Một số nhược điểm khác bao gồm:
- Phạm vi điều trị hạn chế, do đó cần tiến hành xét nghiệm để xác định vị trí đĩa đệm bị tổn thương
- Chi phí cao
- Có nguy cơ biến chứng áp xe cạnh màng cứng
- Điều trị không thành công và cần thực hiện phẫu thuật bổ sung
3. Phản ứng phụ và biến chứng sau thủ thuật
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng Laser có thể dẫn đến một số tác dụng phụ, chẳng hạn như:
- Tổn thương các mô xung quanh, bao gồm dây thần kinh, xương và sụn.
- Nhiễm trùng, đặc biệt là khi quy trình được thực hiện không đúng quy trình vệ sinh thích hợp. Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ được đề nghị sử dụng thuốc kháng sinh dự phòng để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Chăm sóc dài hạn sau khi điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser
Sau khi thực hiện thủ thuật chữa thoát vị đĩa đệm bằng laser, người bệnh cần hạn chế một số hoạt động nhất định. Tuy nhiên điều quan trọng là duy trì hoạt động và hạn chế thời gian ngồi hoặc nằm trên giường mỗi ngày. Hoạt động phù hợp là điều quan trọng và cần thiết để phục hồi và ngăn ngừa tổn thương cột sống do lối sống ít vận động.
Một số vấn đề cần lưu ý để ngăn ngừa các vấn đề liên quan bao gồm:
- Tránh giữ một tư thế quá lâu, bao gồm cả ngồi hoặc nằm.
- Cố gắng đứng dây, đi bộ từ 1 – 2 giờ mỗi ngày để duy trì hoạt động và ngăn ngừa cục máu đông. Người bệnh có thể tăng thời gian đi bộ theo thời gian khi đĩa đệm đã hồi phục.
- Nghỉ ngơi hợp lý, không cố gắng làm việc quá sớm sau khi điều trị thoát vị đĩa đệm. Điều này có thể làm tăng các cơn đau và làm chậm quá trình hồi phục.
- Thực hiện vật lý trị liệu thường xuyên, điều độ, theo hướng dẫn của bác sĩ.
Người bệnh sẽ được theo dõi sức khỏe, các biến chứng và hiệu quả điều trị. Nếu các triệu chứng không được cải thiện, người bệnh có thể cần thực hiện phẫu thuật bổ sung.
Chi phí điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser
Chi phí điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như:
- Giai đoạn thoát vị đĩa đệm
- Tình trạng sức khỏe tổng thể
- Cơ sở y tế và kinh nghiệm của bác sĩ
- Các vấn đề sức khỏe liên quan và dự phòng các biến chứng có thể xảy ra
Thông thường, một ca điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser có mức phí dao động từ 10 – 20 triệu đồng. Tùy nhiên đối với người bệnh bị hẹp ống sống lưng, thoát vị đĩa đệm đa tầng hoặc có các vấn đề sức khỏe khác, chi phí thực hiện thủ thuật có thể lên đến 35 – 40 triệu đồng.
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser có tác dụng cải thiện cơn đau lưng và hỗ trợ phục hồi chức năng đĩa đệm. Phương pháp này thường không được chỉ định cho đến khi các phương pháp khác không mang lại hiệu quả điều trị. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Tham khảo thêm: