Thoát Vị Đĩa Đệm
Thoát vị đĩa đệm là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau cổ, đau lưng và đau chân. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này có thể tự khỏi hoặc đáp ứng tốt các phương pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu không được điều trị, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng như dẫn đến nhiều rủi ro khác.
Thoát vị đĩa đệm là gì?
Cột sống người bao gồm một loạt xương (đốt sống), bắt đầu từ đáy hộp sọ đến xương cụt. Ở giữa các đốt sống có các đệm tròn được gọi là đĩa đệm. Đĩa đệm hoạt động như một bộ đệm, giảm xóc ở các xương, cho phép thực hiện các hoạt động uốn cong và di chuyển dễ dàng hơn.
Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi các đĩa đệm di chuyển khỏi vị trí ban đầu, bị rách bao xơ hoặc rò rỉ chất dịch bên trong. Đây là một chấn thương cột sống (xương sống) phổ biến, dẫn đến đau cổ, đau lưng trên, đau lưng thấp và đau chân.
Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cột sống, tuy nhiên thường xảy ở lưng dưới hoặc cổ. Rất hiếm khi bệnh gây ảnh hưởng đến lưng giữa (cột sống ngực).
- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Các triệu chứng đĩa đệm cột sống thắt lưng bị thoát vị rất đa dạng, bao gồm gây đau nhẹ ở lưng và mông đến tê, yếu lan rộng đến các chi dưới. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng sẽ được cải thiện trong 6 tuần, tuy nhiên bệnh có thể trở thành mãn tính và gây khó khăn cho các hoạt động hàng ngày.
- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm đau lưng trên và đau cổ. Tuy nhiên nếu đĩa đệm bị thoát vị gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh, người bệnh có thể bị tê ngứa ở cánh tay hoặc vai và ảnh hưởng đến hoạt động của cánh tay.
Thoát vị đĩa đệm không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng cần được điều trị phù hợp để tránh các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Điều trị sớm cũng có thể giúp người bệnh phục hồi khả năng vận động và tăng cường chất lượng cuộc sống.
Các loại và dấu hiệu nhận biết thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm phổ biến ở cột sống thắt lưng hoặc cột sống cổ, tuy nhiên tình trạng này cũng gây ảnh hưởng đến cột sống ngực. Mỗi vị trí bệnh sẽ dẫn đến các triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như:
1. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Thoát vị đĩa đệm cột sống không phổ biến như ở thắt lưng, bởi vì nhân nhầy đĩa đệm ít hơn và lực tác động lên cột sống cổ cũng ít hơn. Các cơn đau và triệu chứng khác nhau tùy theo mức độ bệnh, chẳng hạn như:
- Đĩa đệm thoát vị ở đoạn cột sống C4 – C5 có thể gây ra hiện tượng chèn ép dây thần kinh C5. Người bệnh có thể cảm thấy căng cơ delta ở cánh tay, nhưng thường không cảm nhận được tình trạng tê hoặc ngứa ran. Các triệu chứng khác bao gồm, đau cổ và đau mỏi vai gáy.
- Một đĩa đệm ở đoạn đốt sống cổ C5 và C6 thoát vị có thể dẫn đến chèn ép rễ thần kinh C6. Đây là khu vực thoát vị phổ biến nhất, dẫn đến đau yếu ở bắp tay và cơ duỗi cổ tay. Người bệnh cũng có thể bị đau, tê và ngứa ran ở các ngón cái.
- Đĩa đệm C6 và C7 bị thoát vị dẫn đến chèn ép rễ thần kinh C7. Tình trạng này gây yếu ở cơ tam đầu (cơ ở phía sau của cánh tay trên, kéo dài đến cẳng tay) và ở cơ duỗi của các ngón tay. Người bệnh cũng có thể bị tê và ngứa ran lan xuống cơ tam đầu và ngón giữa.
- Thoát vị đĩa đệm C7 và T1 là thoát vị ở đoạn cuối của cột sống cổ và đoạn đầu của cột sống ngực, gây ra chèn ép dây thần kinh C8, dẫn đến yếu khi nắm chặt bàn tay, tê, đau, ngứa ran lan xuống cánh tay và đến ngón út của bàn tay.
2. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Triệu chứng phổ biến nhất của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và đau chân (hay còn gọi là đau thần kinh tọa). Có khoảng 90% các trường hợp xảy ra ở đoạn cột sống L4 – L5 và L5 – S1. dẫn đến đau dây thần kinh L5 hoặc S1 lan đến các dây thần kinh tọa.
Các triệu chứng và dấu hiệu phổ biến bao gồm:
- Đĩa đệm L4 – L5 thoát vị thường gây ra ảnh hưởng đến dây thần kinh L5. Ngoài đau thần kinh tọa, tình trạng cũng dẫn đến yếu khi nâng ngón chân cái lên. Người bệnh cũng có thể cảm thấy tê và đau ở bàn chân.
- Thoát vị L5 – S1 thường gây ra ảnh hưởng đến dây thần kinh S1. Các triệu chứng bao gồm đau thần kinh tọa, yếu khi đứng kiễng chân, tê và đau lan xuống lòng bàn chân.
3. Thoát vị đĩa đệm cột sống ngực
Các đĩa đệm bị thoát vị ở cột sống ngực hiếm khi gây ra triệu chứng và gần như không gây đau đớn. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể dẫn đến cảm giác đau ở vùng lưng trên và (hoặc) vùng ngực.
Ngoài ra, đôi khi người bệnh có thể bị thoát vị đĩa đệm mà không có triệu chứng. Do đó hầu hết các trường hợp, bệnh được chẩn đoán khi các triệu chứng đã trở nên nghiêm trọng. Lúc này, người bệnh có thể cần phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng.
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm
Đĩa đệm bao gồm phần bao xơ bên ngoài và nhân nhầy bên trong. Theo thời gian lớp vỏ bên ngoài sẽ yếu đi, có thể bị nứt, rách dẫn đến việc chảy nhân nhầy bên trong. Việc rò rỉ này có thể gây chèn ép lên các dây thần kinh gần đó, gây đau đớn và ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường.
1. Nguyên nhân cơ bản
Thoát vị đĩa đệm thường là quá trình tự nhiên khi cơ thể già đi. Tuy nhiên, lối sống thiếu khoa học, ít vận động, ngồi nhiều và một số chấn thương cũng có dẫn đến tình trạng này. Cụ thể, các nguyên nhân phổ biến dẫn đến đĩa đệm thoát vị bao gồm:
- Lão hóa: Đĩa đệm bị thoát vị thường là kết quả của quá trình mài mòn bình thường của cột sống. Tình trạng này được gọi là thoái hóa tự nhiên khi cơ thể già đi. Thông thường, cột sống giúp phân phối trọng lượng và đĩa đệm chịu trách nhiệm để hấp thụ chấn động từ chuyển động, chẳng hạn như đi bộ, uốn cong, vặn người. Đĩa đệm gần như hoạt động mỗi ngày để cơ thể di chuyển và có thể bị hao mòn theo thời gian, cuối cùng là dẫn đến thoát vị.
- Chấn thương: Các chấn thương đột ngột, chẳng hạn như chuyển động đột ngột, có thể tạo áp lực lớn lên đĩa đệm, khiến đĩa đệm bị thoát vị.
- Tính chất công việc: Các công việc chẳng hạn như nâng đồ vật quá nặng hoặc không đúng cách, có thể làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
- Lối sống ít vận động: Ngồi lâu có thể gây áp lực lên cột sống do các đĩa đệm vùng thắt lưng bị mất nước. Do đó, thường xuyên thay đổi vị trí là điều cần thiết để thúc đẩy dòng chảy của chất lỏng và chất dinh dưỡng đến các đĩa đệm.
- Di truyền: Nhiều nghiên cứu cho thấy, một số người bị thoát vị đĩa đệm có liên quan đến yếu tố di truyền.
2. Yếu tố nguy cơ
Những người từ 30 – 50 tuổi có khả năng thoát vị đĩa đệm cao hơn những độ tuổi khác. Tình trạng này ảnh hưởng đến nam giới cao gấp đôi nữ giới. Các yếu tố rủi ro khác bao gồm:
- Thừa cân, béo phì
- Thường xuyên thực hiện các chuyển động uốn cong hoặc xoắn lặp lại thường xuyên
- Hút thuốc lá
- Lái xe thường xuyên
Hầu hết người bệnh thường không thể xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm. Do đó điều quan trọng là đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp nhất.
Thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?
Thoát vị đĩa đệm thường không nghiêm trọng nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, bệnh được chẩn đoán khi các triệu chứng đã trở nên nghiêm trọng cũng như gây đau đớn quá mức. Thoát vị đĩa đệm nặng không được điều trị có thể gây tổn thương vĩnh viễn các dây thần kinh.
Trong một số trường hợp hiếm khi xảy ra, đĩa đệm thoát vị có thể cắt đứt các xung thần kinh dẫn đến các dây thần kinh cân bằng cauda ở lưng dưới và chân. Điều này có thể mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang, dẫn đến rò rỉ nước tiểu tiện hoặc đại tiện mất kiểm soát.
Một biến chứng lâu dài khác liên quan thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bao là hội chứng chùm đuôi ngựa. Trong trường hợp này, đĩa đệm bị trượt có thể gây chèn ép dây thần kinh, khiến người bệnh bị mất cảm giác ở đùi trong, mặt sau của chân và xung quanh trực tràng.
Mặc dù các triệu chứng thoát vị đĩa đệm có thể cải thiện, tuy nhiên tình trạng bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, điều quan trọng là đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ chuyên môn.
Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm
Các biện pháp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm được thực hiện thông qua việc kiểm tra bệnh sử và khám sức khỏe. Các xét nghiệm hình ảnh có thể được chỉ định để hỗ trợ quá trình chẩn đoán.
1. Kiểm tra y tế
Bác sĩ có thể kiểm tra các triệu chứng và thực hiện một cuộc kiểm tra thần kinh để xác định sức mạnh cơ, phản xạ và cảm giác của người bệnh. Bác sĩ cũng có thể đề nghị khám cơ xương khám để xác định các chuyển động bình thường của người bệnh.
2. Xét nghiệm hình ảnh
Sau khi kiểm tra các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị chụp X – quang cột sống. Tuy nhiên chụp X – quang thường không mang lại kết quả chính xác trong việc chẩn đoán. Do đó nếu nghi ngờ thoát vị đĩa đệm, bác sĩ thường chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI.
Nếu người bệnh không thể thực hiện xét nghiệm MRI (chẳng hạn như sử dụng máy tạo nhịp tim), bác sĩ có thể đề nghị chụp cắt lớp vi tính (CT) tủy đồ. Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ tiêm một chất cản quang vào không gian tủy sống để quan sát các đĩa đệm.
Biện pháp điều trị thoát vị đĩa đệm
Các nghiên cứu cho thấy, có hơn 90% các trường hợp thoát vị đĩa đệm có thể điều trị bằng các biện pháp bảo tồn, không phẫu thuật. Hầu hết các biện pháp điều trị đều nhằm mục đích giảm đau và phục hồi chức năng. Đối với các triệu chứng dai dẳng và nghiêm trọng, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật điều trị.
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, các biện pháp điều trị bao gồm:
1. Tự chăm sóc tại nhà
Trong các trường hợp thoát vị đĩa đệm nhẹ, khi các triệu chứng không gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp tự chăm sóc tại nhà. Ngoài ra, các biện pháp tự chăm sóc cũng giúp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng nặng cũng như ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Các biện pháp tự chăm sóc bao gồm:
- Hoạt động điều độ: Việc dành nhiều thời gian nghỉ ngơi trên giường có thể dẫn đến cứng khớp và yếu cơ, điều này khiến các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Thay vào đó, người bệnh nên nghỉ ngơi trong 30 phút, sau đó đi bộ ngắn và tập thể dục nhẹ. Cố gắng tránh các hoạt động làm trầm trọng lên cơn đau. Người bệnh nên duy trì các hoạt động tác động thấp trong một vài tuần và duy trì vận động để ngăn ngừa bệnh tái phát.
- Chườm đá: Chườm đá hoặc chườm mát lên khu vực đau trong 15 – 20 phút mỗi lần có thể cải thiện các triệu chứng. Người bệnh có thể chườm đá nhiều lần mỗi ngày.
- Tiếp tục các hoạt động chậm: Các bác sĩ khuyến khích người bệnh thoát vị đĩa đệm nên thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách chậm rãi và có kiểm soát, đặc biệt là các hoạt động cúi người về phía trước hoặc nâng người lên.
2. Thuốc điều trị
Có một số loại thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm được chỉ định để kiểm soát cơn đau nhức và ngăn ngừa các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Tùy thuộc vào các triệu chứng và tình trạng cụ thể của người bệnh, các loại thuốc bao gồm:
- Thuốc giảm đau: Nếu cơn đau ở mức độ nhẹ đến trung bình, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen hoặc naproxen để cải thiện cơn đau.
- Thuốc giãn cơ: Bác sĩ có thể kê các loại thuốc này nếu người bệnh bị co thắt cơ. Tác dụng phụ bao gồm an thần, chóng mặt và buồn ngủ.
- Thuốc điều trị thần kinh: Các loại thuốc này gây ảnh hưởng đến các xung thần kinh để giảm đau. Các loại thuốc phổ biến bao gồm gabapentin, venlafaxine, duloxetine hoặc pregabalin.
- Thuốc giảm đau gây nghiện: Các loại thuốc này có tác dụng giảm đau mạnh nhưng có thể gây nghiện, do đó chỉ được chỉ định cho các cơn đau nghiêm trọng và không đáp ứng các loại thuốc khác. Tác dụng phụ bao gồm an thần, buồn nôn, lú lẫn và táo bón.
- Tiêm cortisone: Nếu cơn đau nghiêm trọng và không đáp ứng các loại thuốc đường uống, bác sĩ có thể đề nghị một loại corticosteroid dạng tiêm. Thuốc sẽ được tiêm vào khu vực xung quanh dây thần kinh cột sống để giảm đau.
3. Vật lý trị liệu
Bác sĩ có thể đề nghị các bài tập vật lý trị liệu và các liệu pháp khác để giảm đau. Các nhà vật lý trị liệu có thể chỉ định các bài tập phù hợp và được thiết kế riêng cho người bệnh thoát vị đĩa đệm. Do đó, điều quan trọng là đến bệnh viện và trao đổi với bác sĩ chuyên môn.
4. Phẫu thuật
Rất ít các trường hợp thoát vị đĩa đệm cần được phẫu thuật. Bác sĩ chỉ đề nghị phẫu thuật khi các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả. Ngoài ra, phẫu thuật được chỉ định khi:
- Đau đớn không được kiểm soát
- Tê, yếu tứ chi hoặc suy giảm hoạt động nói chung
- Khó khăn khi đứng hoặc đi bộ
- Mất kiểm soát bàng quang và ruột
Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ phần lồi ra bên ngoài của đĩa đệm. Rất hiếm khi toàn bộ đĩa đệm bị loại bỏ. Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần được phẫu thuật ghép xương. Ngoài ra, đôi khi bác sĩ có thể đề nghị ghép một đĩa đệm nhân tạo.
5. Các phương pháp khác
Có một số phương pháp điều trị bổ sung được chỉ định để cải thiện các cơn đau mãn tính liên quan đến thoát vị đĩa đệm, chẳng hạn như:
- Nắn chỉnh khớp xương: Các thao tác nắn chỉnh cột sống được chứng minh là có hiệu quả tương đối trong việc cải thiện các cơn đau lưng mãn tính.
- Châm cứu: Châm cứu là một phương pháp dựa trên nguyên tắc Y học cổ truyền, tác động lên các dây thần kinh và huyệt vị trên cơ thể, từ đó cải thiện các cơn đau mãn tính.
- Massage: Liệu pháp massage, xoa bóp có thể giảm đau ngắn hạn và giúp người bệnh quay trở lại các hoạt động thể dục, vận động bình thường.
Hầu hết người bệnh thoát vị địa đệm đáp ứng tốt các phương pháp điều trị bảo tồn và không cần phẫu thuật. Trong vòng 6 tuần, các triệu chứng sẽ được cải thiện.
Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm
Không phải tất cả các nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm đều có thể phòng ngừa. Tuy nhiên, người bệnh có thể hạn chế rủi ro mắc bệnh bằng cách:
- Sử dụng kỹ thuật nâng phù hợp: Không uốn cong lưng khi nâng vật nặng. Hãy gập đầu gối, giữ lưng thẳng, sử dụng cơ chân và sức mạnh cánh tay để nâng vật nặng.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Trọng lượng dư thừa có thể gây áp lực lên lưng dưới và tăng nguy cơ thoát vị.
- Thực hành các tư thế tốt: Người bệnh cần cải thiện tư thế khi ngồi, đứng, đi và nằm ngủ. Tư thế tốt sẽ giảm căng thẳng lên cột sống và ngăn ngừa các rủi ro mắc bệnh xương khớp.
- Kéo giãn cột sống: Người bệnh nên dành thời gian thực hiện các động tác cơ cột sống để ngăn ngừa các áp lực lên đĩa đệm. Nếu tính chất công việc cần ngồi nhiều, người bệnh nên đứng lên và kéo căng người sau mỗi 30 phút.
- Tránh đi giày cao gót: Loại giày này có thể khiến cột sống không thẳng hàng và tăng nguy cơ thoát vị.
- Tập thể dục thường xuyên: Người bệnh nên tập trung vào các bài tập tăng cường cơ lưng và cơ bụng để hỗ trợ cột sống.
- Ngừng hút thuốc: Hút thuốc lá sẽ làm suy yếu các đĩa đệm, khiến đĩa đệm dễ vỡ và tổn thương. Do đó, người bệnh cần bỏ thuốc lá để tăng cường sức khỏe các đĩa đệm.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng phổ biến, đau đớn nhưng thường đáp ứng các biện pháp điều trị bảo tồn. Cố gắng duy trì hoạt động và thực hiện các khuyến nghị của bác sĩ để cải thiện sức khỏe cột sống. Vận động nhẹ nhàng kết hợp với thuốc giảm đau sẽ giúp cải thiện các triệu chứng và phục hồi các hoạt động bình thường trong vài tuần mà không cần phẫu thuật.
Tham khảo thêm: