Nổi Mề Đay, Mẩn Ngứa
Nổi mề đay mẩn ngứa là một trong những bệnh lý da liễu phổ biến, ai cũng có thể gặp phải. Nếu không chữa kịp thời, bệnh có khả năng chuyển sang giai đoạn mãn tính, thường xuyên tái phát làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh và tính thẩm mỹ.
Nổi mề đay mẩn ngứa là gì?
Nổi mề đay hay còn được gọi là mày đay. Đây là một dạng phát ban, nổi những nốt ngứa ở trên bề mặt da. Các mẩn ngứa thường có màu trắng hoặc hồng, hơi sưng và dễ nhận biết so với những vùng da xung quanh. Kích thước các nốt ngứa và mức độ ngứa ở mỗi người, mỗi giai đoạn không giống nhau.
Bệnh mề đay được chia thành 2 thể bệnh là cấp tính và mãn tính:
- Mề đay cấp tính: Xảy ra đột ngột và nhanh chóng biến mất sau thời gian ngắn (dưới 6 tuần).
- Mề đay mãn tính: Người bệnh bị nổi mề đay liên tục, kéo dài dai dẳng trên 6 tuần. Thể bệnh này khó chữa hơn mề đay cấp tính bởi tính dai dẳng theo chu kỳ và dễ tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi.
Đối tượng nổi mề đay chính
Theo các chuyên gia da liễu, mề đay có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, thường gặp nhất là ở trẻ em và phụ nữ mang thai, sau sinh:
- Trẻ em: Các triệu chứng thường xảy ra đột ngột chủ yếu do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ gặp các phản ứng quá mẫn với các tác nhân có khả năng gây kích ứng.
- Phụ nữ mang thai: Trong quá trình mang thai, cơ thể người phụ nữ có thay đổi về nội tiết tố và hệ miễn dịch bị suy yếu nên khiến tình trạng mề đay diễn ra. Đối tượng này thường chỉ bị mề đay cấp tính và hết sau khi sinh xong. Tuy nhiên, có một số trường hợp bị chuyển thành mãn tính và tiếp tục tái phát sau sinh.
- Phụ nữ sau sinh: Sau sinh, cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi về nội tiết tố nên mề đay dễ bùng phát hoặc do tình trạng mề đay khi mang thai kéo dài và trở thành mãn tính.
Nguyên nhân nổi mề đay mẩn ngứa
Theo nhiều nghiên cứu, nguyên nhân chính dẫn đến nổi mề đay mẩn ngứa là do hệ miễn dịch phản ứng với các tác nhân gây kích ứng sản sinh ra lượng lớn histamin tự do. Histamin khi hình thành, đi vào máu gây nên phản ứng sưng phù ở lớp trung bình và kích thích rễ thần kinh gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
Tác nhân bên trong
- Hormone thay đổi.
- Hệ miễn dịch suy giảm.
- Cơ địa quá mẫn cảm.
- Tâm lý căng thẳng.
Tác nhân bên ngoài
- Nhiệt độ (nóng hoặc lạnh)
- Thực phẩm.
- Đồ uống
- Dược phẩm.
- Hóa mỹ phẩm.
- Môi trường bụi bẩn.
- Lông động vật, côn trùng cắn.
- ….
Triệu chứng bệnh mề đay
Người bệnh có thể nhận biết mình bị nổi mề đay mẩn ngứa qua các triệu chứng sau:
- Ngứa da: Hiện tượng ngứa, nóng rát, khó chịu ở vùng da bị nổi mề đay. Nếu càng gãi nhiều, tình trạng ngứa càng mạnh, thậm chí gây đỏ da, trầy xước và tổn thương da.
- Nổi mẩn đỏ, sần: Các nốt mẩn đỏ xuất hiện trên da, nổi sần thành từng mảng và lan rộng ra vùng xung quanh.
- Các triệu chứng khác: Phù mạch, sưng to vùng mí mắt, môi, tai và buồn nôn, tiêu chảy.
Nổi mề đay có nguy hiểm không? Biến chứng
- Gây bội nhiễm: Gãi do mày đay gây ngứa có thể khiến trầy da, chảy máu tạo điều kiện vi khuẩn xâm nhập gây bội nhiễm.
- Gây cảm giác tự ti: Các nốt mẩn ngứa gây mất thẩm mỹ làm người bệnh cảm thấy tự ti, ngại giao tiếp. Đặc biệt, cảm giác này xuất hiện nhiều ở chị em phụ nữ quan tâm nhiều đến ngoại hình.
- Gây mất ngủ, mất tập trung: Cảm giác ngứa ngáy khiến người bệnh khó chịu, bí bách trong người dẫn đến việc khó đi vào giấc ngủ. Khi làm việc khó tập trung làm giảm hiệu suất công việc.
- Sốc phản vệ: Nhiều trường hợp bị nổi mề đay ngứa ngáy ở những vùng như cổ, miệng, họng có thể bị sốc phản vệ do phù mạch làm hẹp khí quản, gây hẹp đường thở dẫn đến suy hô hấp, rối loạn nhịp thở. Điều này làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.
- Tăng nguy cơ sinh non, sảy thai, dị tật thai nhi: Phụ nữ bị mề đay khi mang thai dễ khiến trẻ mắc mề đay bẩm sinh, bị hở hàm ếch. Một số trường hợp hệ miễn dịch kém, sức khỏe yếu có thể làm tăng nguy cơ bị sinh non.
Cách chữa mề đay phổ biến
Hiện nay, có nhiều cách chữa mề đay khác nhau có thể áp dụng cho nhiều trường hợp với mức độ bệnh nặng nhẹ. Dưới đây là một số cách phổ biến, mời bạn đọc tham khảo:
Áp dụng mẹo chữa tại nhà
Chữa mề đay bằng mẹo dân gian là cách được nhiều người bệnh ưu tiên lựa chọn đầu tiên bởi tính đơn giản, chi phí rẻ. Các mẹo này thường dùng những thảo dược quanh nhà, dễ tìm như:
- Lá khế: Dùng lá khế đun sôi và pha với nước để tắm.
- Lá kinh giới: Dùng lá kinh giới đun với muối biển để lấy nước tắm mỗi ngày.
- Lá trà xanh: Lấy khoảng 20g lá trà xanh đun sôi với 3 lít nước và pha tắm. Hoặc có thể lấy lá trà xanh hãm trà uống mỗi ngày.
- Dùng muối: Rang muối hạt trong khoảng 15 – 20 phút để muối nóng, cho vào khăn bọc lại và chườm lên vùng da nổi mề đay.
- Dùng rượu: Sử dụng rượu trắng không pha cồn trộn với lá kinh giới đã được giã nhuyễn, lấy hỗn hợp này thoa lên vùng da bị mẩn ngứa trong khoảng 10 phút.
- Dùng củ gừng: Thái gừng thành từng lát mỏng, cho vào cốc nước sôi hãm trong khoảng 5 – 10 phút và pha thêm mật ong để uống.
Các cách chữa tại nhà bằng mẹo dân gian có khả năng đẩy lùi triệu chứng nổi mề đay, giảm ngứa. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý rằng dược tính của các thảo dược này khá yếu nên dùng đơn lẻ hoặc kết hợp không đúng tỷ lệ thường không giúp thuốc phát huy được hết công dụng.
Mẹo chữa mề đay tại nhà chỉ nên dùng cho các trường hợp bệnh cấp tính. Khi bào chế cần lưu ý xử lý thảo dược sạch để đảm bảo tính an toàn, không gây kích ứng cho da.
Thuốc tây y chữa nổi mày đay
Thuốc Tây có khả năng đẩy lùi các triệu chứng ngứa ngáy, phù mạch nhanh giúp người bệnh dễ chịu ngay sau dùng thuốc. Một số loại thuốc phổ biến là:
- Thuốc kháng histamin: Có tác dụng làm bất hoạt các histamin tự do, ngăn chặn hình thành hiện tượng phù nề, mẩn ngứa. Các bác sĩ da liễu khuyến cáo người bệnh chỉ dùng thuốc trong khoảng thời gian ngắn và không được lạm dụng.
- Thuốc kháng sinh: Kháng sinh chữa mề đay trong trường hợp nghi ngờ nổi mề đay do nhiễm khuẩn.
- Thuốc bôi ngoài da: Nhóm thuốc bôi này phù hợp với những trường hợp bị nổi mề đay với diện tích nhỏ. Thuốc có khả năng kháng viêm tại chỗ.
Thuốc tây dù cho hiệu quả nhanh nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra biến chứng không tốt đối với sức khỏe. Chính vì vậy, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn loại thuốc phù hợp. Với đối tượng phụ nữ mang thai và đang cho con bú nên hạn chế dùng thuốc tây để tránh ảnh hưởng đến trẻ.
Dùng đông y – giải pháp an toàn, cho hiệu quả lâu dài
Nổi mề đay trong Đông y được gọi là “tầm ma chẩn” hay “phong chẩn khối”. Nguyên nhân chính gây nên bệnh là do cơ thể suy nhược, khí huyết tắc nghẽn, gan thận suy yếu làm tích tụ độc tố khi kết hợp với các yếu tố phong hàn, phong nhiệt xâm nhập vào sẽ hình thành các nốt mẩn ngứa phát tác qua da.
Quan điểm của Đông y là muốn chữa được bệnh mề đay, cần đi từ nguyên nhân gốc, phục hồi lại sức khỏe từ bên trong. Các bài thuốc Đông y dùng thảo dược tự nhiên nên tác động từ từ vào bên trong, giải quyết hiệu quả căn nguyên bệnh, đồng thời có độ an toàn cao nên được nhiều người bệnh lựa chọn.
Cách phòng ngừa nổi mề đay mẩn ngứa
Để hạn chế những ảnh hưởng xấu của mề đay đối với sức khỏe và đời sống, mọi người nên đề cao cảnh giác để ngăn ngừa bệnh. Dưới đây là một số cách phòng ngừa được giới chuyên gia gợi ý:
- Không nên mặc quần áo làm từ chất vải dễ gây kích ứng da hay đồ quá chật để hạn chế vải cọ xát vào da.
- Giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức đề kháng.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, mệt mỏi.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế ăn đồ cay nóng, thực phẩm có khả năng tích tụ chất độc trong cơ thể.
Trên đây là những thông tin về bệnh nổi mề đay mẩn ngứa chuyên trang chúng tôi tổng hợp chia sẻ đến quý vị bạn đọc. Hy vọng có thể giúp bạn hiểu hơn về bệnh và biết cách khắc phục, phòng ngừa hiệu quả. Ngay khi có dấu hiệu bị mề đay, nên chủ động thăm khám sớm để hạn chế nguy cơ biến chứng xuất hiện và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.