Phong Ngứa
Phong ngứa là một trong những căn bệnh da liễu thường gặp, có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Đặc trưng của bệnh là kích hoạt các tổn thương trên da dạng mẩn đỏ, gây ngứa ngáy rất khó chịu. Cần tìm hiểu nguyên nhân để có giải pháp khắc phục kịp thời và đúng đắn.
Phong ngứa là bệnh gì?
Phong ngứa là tên thường dùng trong Đông Y của bệnh nổi mề đay. Đây là một bệnh cơ địa đề cập đến phản ứng của mao mạch trên da với nhiều yếu tố khác nhau gây ra phù cấp hoặc mãn tính tại trung bì.
Phong ngứa được đánh giá là bệnh lý da liễu có cơ chế phức tạp, đa số là thông qua kháng thể IgE. Trong đó, các chất trung gian hóa học, đặc biệt là histamin có một vai trò rất quan trọng.
Bệnh da liễu này khá phổ biến do nhiều nguyên nhân gây ra. Mặc dù rất dễ nhận biết triệu chứng của bệnh nhưng lại rất khó tìm kiếm được nguyên nhân chính xác khiến các tổn thương và triệu chứng trên da kích hoạt.
Trên thực tế, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em cho đến người già. Trong đó, có 90% trường hợp là bị phong ngứa cấp tính (các triệu chứng kéo dài dưới 6 tuần) và thường biến mất sau 2 – 3 tuần. Những người bị mãn tính (kéo dài trên 6 tuần) thì thường sẽ phải chịu đựng các triệu chứng trung bình khoảng 5 năm.
Nguyên nhân gây bệnh phong ngứa
Như đã phân tích, căn nguyên của bệnh phong ngứa rất phức tạp. Trên cùng một người bệnh có thể tồn tại một hoặc nhiều căn nguyên cùng kết hợp. Các căn nguyên thường gặp bao gồm:
1. Do thức ăn
Có nhiều loại thức ăn nguồn gốc động vật, thực vật có thể gây ra triệu chứng bệnh phong ngứa. Những thức ăn thường gặp nhất bao gồm sữa, trứng, tôm cua, cá biến, dò, ốc, đồ hộp, phô mai, chao, cà chua, cải xoong, khoai tây, socola, đồ uống lên men,… Ngoài ra những thức ăn “lành nhất”, “thông thường nhất” cũng có thể dẫn đến nổi phong ngứa trong một số trường hợp.
2. Tác dụng phụ của thuốc
Trong rất nhiều trường hợp, thuốc là nguyên nhân chính gây ra bệnh phong ngứa. Tất cả các loại thuốc cùng các đường đưa thuốc vào cơ thể đều có thể liên quan. Các triệu chứng phong ngứa do thuốc thường xảy ra ngay sau khi dùng thuốc hoặc cũng có thể là sau dùng thuốc vài ngày.
Các loại thuốc thường gặp nhất bao gồm:
- Nhóm beta-lactam
- Nhóm cyclin, chloramphenicol, macrolid
- Thuốc chống viêm không steroid
- Vitamin, các loại huyết thanh, vaccin
- Thuốc chống sốt rét
- Thuốc ức chế men chuyển
- Thuốc chống dị ứng
- Các kháng histamin tổng hợp
3. Bị phong ngứa do nọc độc
Triệu chứng của bệnh phong ngứa có thể xuất hiện trên da do tăng mẫn cảm với các vết đốt của một số loại côn trùng. Thường gặp nhất là vết đốt của mòng, muỗi, ong, kiến, sâu bọ, bọ chét,…
4. Do tiếp xúc với các chất hữu cơ hoặc hóa học
Tiếp xúc với các chất hữu cơ hoặc hóa học có thể là nguyên nhân gây bệnh phong ngứa. Chẳng hạn như mỹ phẩm, son, phấn, nước hoa, xà phòng, thuốc sơn móng tay, móng chân, thuốc nhuộm tóc,… Ngoài ra, các chất tạo màu thực phẩm hay các chất bảo quản thực phẩm cũng có thể là nguyên nhân.
5. Do nhiễm trùng
Trong một số trường hợp, tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể có thể kích hoạt triệu chứng phong ngứa trên da. Một số loại nhiễm trùng thường gặp bao gồm:
- Nhiễm virus như viêm gan siêu vi B, C
- Nhiễm vi khuẩn ở tai – mũi – họng
- Nhiễm trùng bộ phận tiêu hóa, răng, miệng
- Nhiễm trùng tiết niệu – sinh dục
- Nhiễm ký sinh trùng đường ruột
- Nhiễm nấm Candida ở da và nội tạng
6. Do các tác nhân đường hô hấp
Tổn thương trên da do bệnh phong ngứa có thể xuất hiện khi người bệnh hít phải các chất gây dị ứng. Có thể là phấn hoa, mạt bụi, rơm rạ, lông vũ, khói thuốc, khói bụi trong không khí,…
Ngoài các nguyên nhân thường gặp nêu trên thì một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh phong ngứa. Chẳng hạn như:
- Các yếu tố vật lý bên ngoài như mệt nhọc, gắng sức, stress, quá lạnh, quá nóng, ánh sáng mặt trời, nguồn nước,…
- Các bệnh hệ thống như lupus ban đỏ, viêm mạch, bệnh nội tiết, bệnh ung thư
- Yếu tố di truyền, có khoảng 50 – 60% các trường hợp liên quan tới yếu tố này
- Vô căn, có khoảng 50% các trường hợp bị bệnh phong ngứa không tìm ra nguyên nhân
Dấu hiệu nhận biết bệnh phong ngứa
Để nhận biết được sự xuất hiện của bệnh phong ngứa, bạn cần chú ý theo dõi các tổn thương trên da, vị trí xuất hiện, phân bố, triệu chứng cơ năng và tiến triển của bệnh. Cụ thể như sau:
- Thương tổn cơ bản: Sự xuất hiện các sẩn phù có nhiều kích thước to nhỏ khác nhau. Tổn thương có thể xuất hiện ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể. Sẩn phù hơi nổi cao trên bề mặt da, màu sắc hơi đỏ hoặc nhợt nhạt hơn so với vùng da xung quanh. Kích thước và hình dáng của các mảng sẩn có xu hướng thay đổi nhanh chóng, xuất hiện nhanh và mất đi cũng nhanh.
- Phân bố: Tổn thương da có thể xuất hiện khu trú hoặc lan rộng toàn thần.
- Cơ năng: Đa số các trường hợp bị bệnh phong ngứa đều bị ngứa ngáy rất khó chịu. Càng gãi sẽ càng ngứa và còn nổi thêm nhiều nốt sẩn khác. Tuy nhiên, có một số trường hợp chỉ là cảm giác hơi châm chích hoặc bỏng rát.
- Triệu chứng đặc biệt khác: Ở các vùng tổ chức lỏng lẻo như môi, mi mắt, sinh dục ngoài,… các ban đỏ và sẩn phù thường xuất hiện đột ngột. Đôi khi còn làm sưng to cả một vùng, còn gọi là tình trạng phù mạch. Phù mạch ở thanh quản có thể gây nên bệnh lý nặng như đi ngoài phân lỏng, đau quặn bụng, khó thở nặng, tụt huyết áp, rối loạn tim mạch hoặc sốc phản vệ thực sự.
- Tiến triển: Sau vài phút hoặc vài giờ các sản phù có thể lặn mất và không để lại dấu vết gì trên da. Bệnh có xu hướng tái phát theo từng đợt. Theo tiến triển, bệnh phong ngứa được chia thành 2 loại. Phong ngứa cấp tính là phản ứng tức thì xảy ra trong vòng 24 giờ và có thể kéo dài tới 6 tuần. Phong ngứa mãn tính là tình trạng tồn tại trên 6 tuần, có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Ảnh hưởng của bệnh phong ngứa
Bệnh phong ngứa nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời từ giai đoạn cấp tính sẽ có xu hướng chuyển sang giai đoạn mãn tính một cách nhanh chóng. Lúc này cả sức khỏe và tâm lý người bệnh sẽ bị ảnh hưởng lâu dài.
Càng để lâu không chữa trị thì bệnh sẽ gây ra tổn thương càng nghiêm trọng cho da. Kèm theo đó là những biến chứng nguy hiểm khác. Chẳng hạn như:
- Suy nhược cơ thể: Các triệu chứng khó chịu mà bệnh phong ngứa gây ra có thể khiến cho người bệnh chán ăn, mệt mỏi. Ngoài ra, cơn ngứa trở nên dữ dội hơn vào ban đêm còn gây mất ngủ, khó ngủ. Các tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho sức khỏe và tinh thần bị suy kiệt rõ rệt.
- Nhiễm trùng da: Triệu chứng ngứa ngáy là đặc trưng của bệnh phong ngứa. Nó có thể kích hoạt phản ứng cào gãi trên da gây trầy da và làm xuất hiện các tổn thương thứ phát. Điều này tạo cơ hội cho bụi bẩn và các loại vi khuẩn xâm nhập, rất dễ gây nhiễm trùng da.
- Sốc phản vệ: Người bệnh có thể gặp phải các tình trạng tụt huyết áp, khó thở, ngất xỉu,… Đây được cho là biến chứng nguy hiểm của bệnh, nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng.
Như vậy, có thể thấy rằng, bệnh phong ngứa nếu không điều trị sớm sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đáng quan ngại. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy căn bệnh này lây nhiễm. Do đó, người bệnh hoàn toàn yên tâm khi có tiếp xúc với những người xung quanh.
Cách điều trị bệnh phong ngứa hiệu quả
Điều trị phong ngứa phụ thuộc vào loại bệnh, mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài của bệnh. Trước hết cần xác định và loại bỏ dị nguyên gây bệnh. Bên cạnh đó có thể dùng thuốc, tận dụng thảo dược tự nhiên và chăm sóc tốt tại nhà.
Dưới đây là các biện pháp thường được áp dụng để điều trị bệnh phong ngứa:
1. Cách ly với các yếu tố gây dị ứng
Tiếp xúc với các dị nguyên được xác định là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh phong ngứa. Do đó, việc đầu tiên mà người bệnh cần làm là tránh tiếp xúc với những tác nhân có khả năng gây dị ứng. Đây là nguyên tắc đặc biệt quan trọng với quá trình điều trị bệnh.
Cách ly với các dị nguyên sẽ giúp hạn chế tối đa mức độ nghiêm trọng cũng như phạm vi ảnh hưởng của bệnh phong ngứa. Ngoài ra, giải pháp này còn giúp giới hạn lượng histamin phóng thích vào da và niêm mạc. Kịp thời cách ly với các yếu tố gây dị ứng thì các tổn thương trên da thường chỉ gây ngứa âm ỉ. Đồng thời có khả năng thuyên giảm nhanh, chỉ sau một thời gian ngắn.
Trường hợp đã xác định được dị nguyên thì người bệnh tuyệt đối không tiếp xúc với yếu tố này. Tuy nhiên, nếu không thể xác định rõ dị nguyên, bạn cần hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng thường gặp. Chẳng hạn như:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm, thuốc kháng sinh,…
- Các loại đồ ăn thức uống có khả năng gây dị ứng cao như đậu phộng, sữa bò, mè, các loại hải sản, thịt bò,…
- Hạn chế ra ngoài trong giai đoạn chuyển mùa nếu bị dị ứng thời tiết
- Đeo khẩu trang, mặc quần áo dài tay và đội ngũ để hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên trong không khí
- Côn trùng, lông động vật, nhựa mủ thực vật,…
- Tác nhật vật lý như ánh sáng, nhiệt độ nóng/ lạnh,…
- Tác nhân cơ học như ma sát, sức ép,…
2. Sử dụng thuốc chữa phong ngứa
Sử dụng thuốc là phương pháp được áp dụng phổ biến với hầu hết các trường hợp mắc bệnh phong ngứa. Phương pháp này có thể làm cắt nhanh cơn ngứa và giảm các tổn thương trên da.
Tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng của từng người bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc kê toa thuốc phù hợp. Một số loại thuốc được dùng phổ biến bao gồm:
- Thuốc điều trị tại chỗ: Trường hợp tổn thương do bệnh phong ngứa chỉ phân bố khu trú ở các vùng tiếp xúc thì thuốc bôi ngoài da thường được sử dụng phổ biến. Bao gồm các loại thuốc bôi có chứa menthol hoặc các thành phần làm dịu da như vitamin B3, panthenol, vitamin E. Chúng có tác dụng giảm ngứa và giảm sưng đỏ.
- Thuốc kháng histamin H1: Nhóm thuốc này có khả năng ngăn chặn phóng thích histamin vào da và niêm mạc. Từ đó giúp làm giảm nhanh cảm giác ngứa ngáy và cải thiện sang thương da. Chlorpheniramine, Mequitazine, Cetirizine, Cyproheptadine và Fexofenadine là các loại thường được kê toa phổ biến.
- Thuốc kháng histamin H2: Thường được dùng kết hợp với các thuốc kháng histamin H1 để nâng cao hiệu quả điều trị. Từ đó làm giảm nhanh các triệu chứng cơ năng và tổn thương trên da do bệnh phong ngứa gây ra.
- Thuốc ngăn tình trạng mẫn cảm: Nhóm thuốc này giúp ngăn chặn các yếu tố gây dị ứng. Trong đó, thuốc kháng IgE, thuốc kháng Thromboxane A2 và thuốc kháng Cytokine của tế bào Lympho là các loại thường được kê toa.
- Corticoid đường uống: Với một số trường hợp mề đay cấp tính có biểu hiện nặng thì corticoid đường uống có thể được cân nhắc sử dụng. Tuy nhiên cần cẩn trọng bởi loại thuốc này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Ngoài ra, với những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm và thể trạng suy nhược thì bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm viên uống bổ sung vitamin C, E hoặc kẽm. Điều trị bệnh phong ngứa bằng thuốc Tây cần tuân thủ hướng dẫn từ bác sĩ để tránh các rủi ro ngoại ý phát sinh.
3. Các biện pháp chăm sóc
Bên cạnh việc cách ly với các yếu tố gây dị ứng và sử dụng thuốc thì người bệnh phong ngứa nên chú ý thực hiện các biện pháp chăm sóc. Chúng sẽ giúp hỗ trợ cải thiện triệu chứng, thúc đẩy tốc độ chữa lành tổn thương da và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Các biện pháp được đề cập bao gồm:
- Mặc trang phục rộng rãi, thông thoáng, được làm từ chất liệu mỏng nhẹ, thấm hút tốt để tránh gây ma sát và tạo sức ép cho làn da đang bị tổn thương.
- Chú ý vệ sinh cơ thể thường xuyên để làm sạch da và làm dịu các sẩn ngứa trên da. Nên tắm bằng nước mát, hạn chế dùng nước quá nóng hay quá lạnh. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm làm sạch da lành tính, chiết xuất thiên nhiên và có độ pH trung tính.
- Có thể chườm khăn mát lên da để cải thiện cơn ngứa. Tuyệt đối không cào gãi hay chà xát trên da bởi có thể gây ngứa dữ dội và khiến tổn thương lan tỏa trên phạm vi rộng.
- Chú ý ăn uống lành mạnh, ngủ nghỉ đúng giờ và giữ cho tinh thần thoải mái. Có được nền tảng sức khỏe tốt sẽ giúp kiểm soát triệu chứng và hạn chế bệnh phong ngứa tái phát.
4. Tận dụng thảo dược
Một số loại thảo dược tự nhiên có tác dụng làm dịu da, giảm ngứa và giúp thúc đẩy chữa lành tổn thương rất tốt. Bạn hoàn toàn có thể tận dụng chúng để hỗ trợ điều trị phong ngứa. Đặc biệt là trong các trường hợp bệnh nhẹ thì mẹo chữa này có khả năng đáp ứng tương đối tốt.
- Sử dụng nha đam: Nha đam có tính mát với khả năng làm dịu da và giảm ngứa nhanh chóng. Ngoài ra các acid amin, vitamin và chất chống oxy hóa trong nha đam còn giúp tăng cường hàng rào bảo vệ da, chống viêm và thúc đẩy chữa lành tổn thương. Bạn có thể lấy gel nha đam thoa lên các vùng da bị phong ngứa.
- Tắm nước lá khế: Lá khế có vị chua nhẹ, tính bình với tác dụng giảm ngứa và tiêu viêm hiệu quả. Có thể chuẩn bị 200g lá khế rửa sạch rồi đun với 2 lít nước cho sôi. Sau đó loại bỏ bã, pha thêm nước lạnh vào cho ấm rồi dùng tắm 1 lần/ ngày.
- Dùng lá bạc hà: Lá bạc hà chứa nhiều hoạt chất kháng viêm và sát trùng. Ngoài ra còn chứa lượng lớn menthol giúp làm mát da và giảm ngứa. Chuẩn bị 1 nắm lá bạc hà rửa sạch rồi giã nát với 1 chút muối biển. Đắp trực tiếp lên vùng da bị phong ngứa 15 phút. Sau đó rửa lại với nước ấm.
Các loại thảo dược này thường rất an toàn cho làn da. Tuy nhiên người bệnh không nên áp dụng nếu tổn thương da xuất hiện nhiễm trùng, bị trợt loét hay chảy máu. Nếu lạm dụng, bệnh phong ngứa có thể tiến triển nghiêm trọng hơn và gây ra nhiều biến chứng.
Phòng ngừa bệnh phong ngứa thế nào?
Phong ngứa là bệnh da liễu có xu hướng tái phát liên tục nếu tiếp xúc với các yếu tố căn nguyên. Do đó, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế nguy cơ tái phát của bệnh.
Dưới đây là các biện pháp đơn giản giúp phòng ngừa bệnh phong ngứa:
- Tránh tiếp xúc với động vật, mủ thực vật, các loại hóa chất, dung môi có thể gây dị ứng.
- Thông báo với bác sĩ về tiền sử mắc bệnh phong ngừa trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Bác sĩ sẽ cân nhắc và xem xét kê toa loại thuốc có ít nguy cơ nhất.
- Không sử dụng các loại đồ ăn thức uống từng gây bệnh phong ngứa. Đồng thời hạn chế các loại thực phẩm dễ gây dị ứng.
- Hạn chế ma sát lên da, không nên mặc quần áo quá bó sát, dày, chất liệu cứng và khó thấm hút.
- Giữ cho tinh thần thoải mái, kiểm soát tốt căng thẳng. Đồng thời ăn uống và sinh hoạt điều độ để có được nền tảng sức khỏe tốt.
- Khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/ năm để sớm phát hiện và can thiệp điều trị các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Phong ngứa là bệnh da liễu thường gặp và đa số các trường hợp đều lành tính. Các triệu chứng có xu hướng thuyên giảm chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày. Tuy nhiên, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan, nếu bệnh kéo dài với các triệu chứng nghiêm trọng thì nên kịp thời thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị đúng cách.
Tham khảo thêm: