Ngứa Da

Tác giả: Cập nhật: 2:07 pm , 02/08/2024

Ngứa da là triệu chứng thường gặp do da bị kích thích bởi ma sát, nhiệt độ cao, mồ hôi hoặc các chất dị ứng. Trong nhiều trường hợp, cảm giác ngứa ngáy có thể là biểu hiện của nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc giải đáp “Ngứa da là biểu hiện của bệnh gì?” và tìm hiểu các giải pháp xử lý hiệu quả.

ngứa da là biểu hiện của bệnh gì
Ngứa da là biểu hiện thường gặp của nhiều bệnh lý bao gồm các bệnh da liễu và một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn

Vì sao da có cảm giác ngứa ngáy?

Ngứa ngáy là cảm giác thường gặp ở da, có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào từ mặt cho đến thân mình và tay chân. Ngứa thường đi kèm với tổn thương da dạng viêm đỏ, phù nề và đôi khi có hiện tượng nổi mụn nước, bọng nước hoặc mụn mủ. Triệu chứng này thường xảy ra sau khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng, do ma sát, tác nhân cơ học, vật lý hoặc đôi khi có thể bùng phát do các yếu tố từ bên trong cơ thể.

Mặc dù có nhiều tác nhân gây ngứa nhưng nhìn chung triệu chứng này thường là kết quả của quá trình giải phóng các chất trung gian hóa học vào hạ bì, trung bì và thượng bì da. Trong đó, thường có vai trò của histamine. Đây là chất trung gian quan trọng có tác dụng giãn mạch, gây viêm và ngứa ngáy. Do đó, ngứa ngáy da thường đi kèm với tổn thương da dạng viêm đỏ do đáp ứng viêm tại chỗ của histamine.

Ngứa ngáy sẽ có mức độ từ âm ỉ đến dữ dội tùy vào nguyên nhân cụ thể. Một số bệnh da liễu không gây ngứa nhiều nhưng mức độ ngứa sẽ tăng lên khi có ma sát, nhiệt độ nóng – lạnh và khi da tiết nhiều mồ hôi.

Khi da bị ngứa ngáy, phản ứng chung của mọi người là tay chà xát và gãi cào. Gãi cào làm ngăn hoạt động của tế bào thần kinh vùng spinothalamic nên có thể ngăn tín hiệu “ngứa” từ vùng da bị kích thích đến não bộ. Tuy nhiên, tình trạng gãi cào vô tình tạo ra ma sát và điều này sẽ thúc đẩy hoạt động giải phóng histamine cùng với một loạt các chất trung gian hóa học. Do đó, ở những người mắc các bệnh da liễu, một trong những nguyên tắc quan trọng khi điều trị là tránh gãi cào, chà xát và ma sát lên da.

Ngứa da là biểu hiện của bệnh gì?

Ngứa da có thể bị kích hoạt bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu xảy ra do những nguyên nhân thông thường như bị côn trùng cắn, da khô, nhạy cảm hoặc ma sát, tình trạng ngứa ngáy thường sẽ thuyên giảm nhanh sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong trường hợp ngứa da dữ dội hoặc kéo dài, bạn nên xem xét nguy cơ mắc phải một số bệnh da liễu mãn tính và các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Dưới đây là một số bệnh lý có thể gây ngứa da:

1. Biểu hiện của các bệnh da liễu

Ngứa da là triệu chứng cơ năng thường gặp của các bệnh da liễu. Tùy vào bệnh lý cụ thể, da có thể bị ngứa dữ dội hoặc âm ỉ, cơn ngứa xảy ra trong thời gian ngắn hoặc cũng có thể kéo dài dai dẳng. Để xác định được nguyên nhân chính xác, bạn nên xem xét thêm một số biểu hiện đi kèm.

Da bị ngứa ngáy có thể là biểu hiện của những bệnh da liễu sau đây:

– Nổi mề đay

Nổi mề đay là bệnh da liễu thường gặp với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 20% dân số thế giới. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và tỷ lệ mắc bệnh không có sự chênh lệch giữa nam và nữ giới. Mề đay là phản ứng da cấp và mãn tính, xảy ra sau khi tiếp xúc với mủ thực vật, động vật, dị ứng thức ăn, thời tiết,…

ngứa da là bệnh gì
Ngứa da là triệu chứng cơ năng thường gặp ở bệnh nổi mề đay

Đa phần các trường hợp nổi mề đay đều xuất hiện triệu chứng đột ngột. Các nốt sẩn, mảng thường xảy ra ngay sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh chỉ trong vòng vài phút và thuyên giảm hoàn toàn sau 24 – 48 giờ. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bị mề đay mãn tính (mề đay kéo dài hơn 6 tuần).

Nổi mề đay là nguyên nhân gây ngứa da thường gặp nhất. Để xác định bệnh lý này, bạn cần tìm ra xem xét tổn thương da. Tổn thương do mề đay thường là các sẩn, mảng nổi cộm trên da, có màu hồng hoặc đỏ, sờ vào cứng chắc, bờ tròn và kích thước đa dạng. Da thường bị ngứa ngáy và mức độ ngứa tăng lên nếu liên tục gãi, cào.

– Viêm da cơ địa (eczema)

Viêm da cơ địa là bệnh viêm da mãn tính với cơ chế phức tạp. Bệnh có liên quan đến cơ chế dị ứng, rối loạn miễn dịch và sự thiếu hụt về mặt cấu trúc của da. Những yếu tố này khiến cho dị nguyên dễ dàng xâm nhập vào bên trong da gây ra tình trạng viêm da mãn tính kèm theo ngứa ngáy dai dẳng.

Viêm da cơ địa là bệnh da liễu khởi phát sớm trong những năm đầu đời. Tổn thương da có sự khác biệt ở từng giai đoạn nhưng luôn đi kèm với cảm giác ngứa ngáy. Ở giai đoạn cấp, da thường nổi các đám, mảng tổn thương màu đỏ, bề mặt có nhiều mụn nước nhỏ rỉ dịch và đóng vảy tiết. Sau khi chuyển sang giai đoạn mãn tính, tổn thương da có xu hướng dày sừng, khô, xuất hiện nhiều nếp nứt sâu và gây ngứa ngáy dai dẳng.

– Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là một dạng viêm da khá phổ biến bên cạnh viêm da cơ địa. Bệnh lý này xảy ra do tiếp xúc với các tác nhân dị ứng hoặc kích ứng như xà phòng, xi măng, niken, coban, latex có trong các sản phẩm làm từ cao su và các chất hóa học có trong dung dịch tẩy rửa nhà cửa.

Viêm da tiếp xúc thường gây ngứa ngáy và đôi khi có cảm giác đau rát nhẹ – đặc biệt ở những trường hợp có đi kèm với bọng nước và mụn mủ. Một số trường hợp có thể chuyển biến mãn tính nếu thường xuyên tiếp xúc với chất dị ứng. Ở giai đoạn mãn tính, tổn thương da khá giống với viêm da cơ địa nhưng thường tập trung khu trú ở những vùng da hay tiếp xúc với chất dị ứng như tay, chân hoặc vùng mặt.

– Viêm da tiết bã nhờn

Viêm da tiết bã nhờn cũng có thể là nguyên nhân gây ngứa da. Đây là một dạng viêm da mãn tính chưa rõ nguyên nhân nhưng được xác định có liên quan đến yếu tố di truyền, đặc điểm da dầu, rối loạn miễn dịch và sự tham gia của nấm Malassezia furfur. Tổn thương chủ yếu xuất hiện ở những vùng da tiết nhiều dầu như cánh mũi, má, lông mày và vùng da đầu.

ngứa da là triệu chứng bệnh gì
Viêm da tiết bã nhờn có thể khiến da đỏ, bong vảy và ngứa ngáy âm ỉ

Viêm da tiết bã nhờn đặc trưng bởi tổn thương là các đám, mảng màu đỏ, bằng phẳng và không có ranh giới rõ với vùng da lành. Bề mặt có nhiều vảy bong nhẹ màu trắng và da tiết nhiều dầu. So với viêm da cơ địa và viêm da tiếp xúc, viêm da tiết bã nhờn ít gây ngứa hơn và mức độ ngứa thường nhẹ. Tuy nhiên, da có thể bị ngứa ngáy nhiều nếu dùng các loại thực phẩm làm tăng tiết tuyến bã nhờn như đồ ngọt, thức ăn chứa nhiều gia vị và dầu mỡ.

– Rôm sảy

Rôm sảy là bệnh da liễu thường gặp ở trẻ em và đôi khi cũng có thể ảnh hưởng đến người trưởng thành. Bệnh lý này đặc trưng bởi sự xuất hiện của các mụn mủ nhỏ hoặc sẩn đỏ trên bề mặt da. Rôm sảy thường xảy ra do ống tuyến mồ hôi bị bít tắc và hậu quả là nổi các sẩn đỏ, mụn mủ gây đau rát nhẹ và ngứa ngáy.

– Bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ là nguyên nhân khiến da bị ngứa ngáy dữ dội. Bệnh lý này là một dạng nhiễm trùng da do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei. Loại ký sinh trùng này sinh sống trong lớp sừng của da khiến cho da xuất hiện các nốt đỏ và rãnh ghẻ (là các đường mảnh có hình lượn sóng, dài từ vài mm đến 1cm và bề mặt có bong vảy). Bệnh ghẻ gây ngứa dữ dội, nhất là vào ban đêm khi ghẻ đào đường hầm để đẻ trứng.

– Nấm da

Nhiễm trùng da do nấm (nấm da) cũng là nguyên nhân khiến cho da bị ngứa ngáy nhiều. Có khá nhiều bệnh nấm da, trong đó hắc lào và nấm kẽ là hai dạng nấm da thường gây ngứa ngáy. Lang ben cũng có thể gây ngứa nhẹ nhưng không nhiều và tỷ lệ gặp phải triệu chứng này khá thấp.

Nấm là các sinh vật hạ đẳng không thể tự tổng hợp chất dinh dưỡng nên phải ký sinh trên vật chủ. Đa phần các loại nấm đều sinh sống ở lớp thượng bì da. Các chất trong nấm kích thích da xuất hiện các tổn thương dạng viêm đỏ và làm giải phóng histamine dẫn đến tình trạng ngứa ngáy, bứt rứt.

2. Dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn

Trong nhiều trường hợp, ngứa da không chỉ là biểu hiện của các bệnh da liễu mà là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn:

– Nhiễm giun sán

Giun sán là các loại ký sinh trùng thường sinh sống trong đường ruột và xâm nhập vào cơ thể thông qua đồ ăn, thức uống không đảm bảo vệ sinh. Ngoài các triệu chứng ở hệ tiêu hóa, nhiễm giun sán cũng có thể gây ngứa da và nổi mề đay.

ngứa da là triệu chứng bệnh gì
Ngứa da dai dẳng có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm giun sán

Nguyên nhân là do ấu trùng giun sán tiết ra chất độc vào máu. Để bảo vệ cơ thể, hệ miễn dịch sẽ sản sinh kháng thể IgE để đối kháng và kết quả là làm giải phóng các chất trung gian hóa học khiến cho da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy dai dẳng.

– Các vấn đề về gan, thận

Gan, thận là những cơ quan bài tiết và thanh lọc độc tố trong cơ thể. Khi một trong hai cơ quan này gặp vấn đề, độc tố có thể tích tụ dẫn đến phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch sẽ sản sinh kháng thể đặc hiệu nhằm đối kháng với độc tố, từ đó khiến cho da nổi các mẩn đỏ đi kèm với hiện tượng ngứa ngáy.

– Tắc mật

Dịch mật được sản sinh và vận chuyển vào ruột non để chuyển hóa, hấp thu chất dinh dưỡng. Trường hợp tắc mật sẽ khiến cho mật bị ứ đọng và điều này sẽ kích thích phản ứng của hệ miễn dịch. Do đó, trong nhiều trường hợp, ngứa da có thể là dấu hiệu cảnh báo của bệnh lý này. Ngoài ra, bạn nên xem xét thêm một số biểu hiện đi kèm như vàng da, rối loạn tiêu hóa, sốt, đầy hơi, nước tiểu sậm màu, phân bạc màu,… để xác định đúng vấn đề mà bản thân gặp phải.

– Đa xơ cứng

Đa xơ cứng (xơ cứng rải rác) là một trong những bệnh rối loạn miễn dịch thường gặp. Biểu hiện đặc trưng của bệnh lý này là tình trạng mất bao myelin ở não bộ và tủy sống. Bao myelin có chức năng bảo vệ tế bào thần kinh và bảo vệ cơ quan này khỏi thoái hóa, chấn thương,… Việc mất đi bao myelin sẽ gây ra rất nhiều vấn đề, trong đó có biểu hiện ngứa ran và tê bì.

Khác với cảm giác ngứa da thông thường, ngứa do đa xơ cứng thường là cảm giác ngứa đi kèm tê bì và kiến bò. Nguyên nhân gây ra cảm giác này là do các dây thần kinh bị thoái hóa và rối loạn chức năng.

– Rối loạn tuyến giáp

Tuyến giáp là cơ quan chịu trách nhiệm sản xuất hormone cho quá trình trao đổi chất. Rối loạn tuyến giáp có hai dạng là cường giáp và suy giáp. Đặc điểm chung của cả hai bệnh lý này là đều làm rối loạn nồng độ hormone tuyến giáp dẫn đến một loạt các triệu chứng thể chất và tinh thần. Ngoài ra, hiện tượng rối loạn hormone tuyến giáp còn kích thích phản ứng ngứa ngáy và viêm đỏ da.

– Tiểu đường:

Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp với đặc trưng là nồng độ đường huyết cao. Tiểu đường gây tổn thương dây thần kinh dẫn đến việc da bị ngứa ran và tê bì. Ngoài ra, người mắc chứng bệnh này thường có hệ miễn dịch suy giảm nên dễ bị nhiễm nấm, da khô, nhạy cảm và dễ ngứa ngáy hơn bình thường.

bị ngứa ngoài da là bệnh gì
Tiểu đường có thể là nguyên nhân khiến da bị ngứa ngáy

– Các bệnh lý khác:

Ngoài những bệnh lý kể trên, ngứa da cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe khác như zona thần kinh, các bệnh lý tâm thần, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, rối loạn nội tiết tố,… Các bệnh lý này đều có khả năng gây ngứa da nhưng đây không phải là triệu chứng điển hình. Vì vậy, nên xem xét thêm một số biểu hiện đi kèm để xác định chính xác nguyên nhân khiến da bị ngứa ngáy.

Ngứa da ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Ngứa da là cảm giác khó chịu, bứt rứt xảy ra ở làn da do nhiều nguyên nhân khác nhau. Về cơ bản, ngứa không phải là triệu chứng nguy hiểm. Ảnh hưởng lớn nhất của triệu chứng này là khó chịu và gây ra nhiều phiền toái khi sinh hoạt.

bị ngứa ngoài da là bệnh gì
Da ngứa ngáy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng gây khó chịu, bứt rứt và gia tăng phiền toái trong cuộc sống

Những trường hợp bị ngứa ngáy dai dẳng có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, làm giảm khả năng tập trung khi học tập, làm việc,… Ngoài ra, ngứa trường diễn cũng tác động đáng kể đến tâm lý. Hầu hết những người mắc bệnh da liễu mãn tính bị ngứa dai dẳng thường dễ bị căng thẳng, lo lắng.

Bên cạnh đó, ngứa ngáy cũng ảnh hưởng đến thẩm mỹ da vì các chất trung gian hóa học sẽ gây viêm tại vùng da bị kích thích. Hơn nữa, cảm giác ngứa cũng sẽ kích thích thói quen chà xát và gãi cào để giảm ngứa. Hậu quả là da xuất hiện thâm, sẹo và thậm chí bị viêm nhiễm thứ phát.

Chẩn đoán và các phương pháp điều trị ngứa da hiệu quả

Ngứa da là tình trạng rất phổ biến và đa phần đều xảy ra do tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, kích ứng. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng ngứa ngáy dai dẳng gây ra cảm giác bứt rứt, khó chịu. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

1. Thực hiện các biện pháp tại nhà

Có khá nhiều cách giảm ngứa da an toàn tại nhà. Nếu mức độ ngứa không đáng kể, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giảm ngứa đơn giản như:

ngứa da là bệnh gì
Sử dụng tinh dầu bạc hà, khuynh diệp thoa lên vùng da bị kích thích có thể giảm nhanh cơn ngứa
  • Chườm lạnh: Chườm lạnh lên vùng da bị kích thích là cách giảm ngứa mang lại hiệu quả nhanh chóng. Nhiệt độ lạnh sẽ ngăn tín hiệu từ vùng da bị ngứa lên não bộ, từ đó giảm phần nào cảm giác ngứa ngáy. Ngoài ra, chườm lạnh còn giúp giảm viêm và cải thiện các tổn thương da đi kèm với tình trạng ngứa ngáy.
  • Sử dụng tinh dầu: Một số loại tinh dầu có khả năng tiêu viêm và giảm ngứa hiệu quả. Trong trường hợp da bị ngứa khu trú do côn trùng cắn hoặc do ma sát, bạn có thể thoa tinh dầu bạc hà, khuynh diệp,… để giảm nhanh cơn ngứa.
  • Ngâm bột yến mạch: Trong trường hợp ngứa da dai dẳng do các bệnh viêm da mãn tính, có thể thử cách ngâm bột yến mạch. Hoạt chất avenanthramides trong yến mạch đã được chứng minh có hiệu quả giảm ngứa, tiêu viêm và phục hồi cấu trúc da. Pha bột yến mạch với nước ấm, sau đó ngâm da trong vài phút sẽ giúp giảm nhanh tình trạng ngứa ngáy và khó chịu.
  • Tắm nước lá: Đối với tình trạng ngứa da do nổi mề đay khắp người, rôm sảy, hăm da,… bạn có thể cải thiện bằng cách tắm nước lá. Các loại lá tự nhiên như lá khế, chè xanh, lá trầu không có thể giảm nhanh tình trạng ngứa ngáy và hỗ trợ tiêu viêm, sát trùng. Thực hiện đều đặn mỗi ngày 1 lần sẽ giúp giảm nhanh cơn ngứa và cảm giác khó chịu.
  • Sử dụng thuốc không kê toa: Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không kê toa như thuốc kháng histamine H1 để giảm ngứa ngáy. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế histamine ở thụ thể H1, qua đó cải thiện tình trạng ngứa và giảm phần nào tổn thương da do histamine gây ra.

Các biện pháp giảm ngứa tại nhà mang lại hiệu quả rõ rệt đối với những trường hợp ngứa da do các bệnh da liễu. Đối với trường hợp ngứa da do các vấn đề sức khỏe khác, các biện pháp này cũng giúp ích rất nhiều trong việc giảm ngứa ngáy và làm thuyên giảm cảm giác bứt rứt.

2. Cách ly với tác nhân gây ngứa

Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp giảm ngứa, bạn cần cách ly với các tác nhân gây ngứa da để có thể kiểm soát tình trạng này triệt để.

ngứa da là bệnh gì
Nên tắm rửa thường xuyên để làm sạch mồ hôi, tế bào chết và loại bỏ dị nguyên trên da

Để giảm ngứa da, cần cách ly với những tác nhân sau:

  • Dị ứng da do sử dụng mỹ phẩm gây kích ứng, dị ứng thức ăn, thời tiết,… là nguyên nhân gây ngứa da thường gặp. Vì vậy, bạn nên tránh sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, kiêng thức ăn dị ứng và có nguy cơ dị ứng cao. Đối với dị ứng thời tiết, nên đeo khẩu trang và mặc quần áo dài tay để tránh tiếp xúc với dị nguyên, đồng thời cần hạn chế di chuyển ngoài trời khi vào thời điểm giao mùa.
  • Tránh các tác động cơ học, vật lý (ánh sáng, ma sát, nhiệt độ nóng, lạnh,…) để giảm ngứa triệt để. Ngoài ra, nên tránh thói quen gãi cào lên vùng da bị kích thích vì thói quen này sẽ khiến cho tình trạng ngứa trở nên dai dẳng và nghiêm trọng hơn.
  • Mủ thực vật và dịch từ côn trùng là tác nhân gây ngứa thường gặp. Để kiểm soát tình trạng ngứa da, bạn nên kiêng tiếp xúc với những tác nhân này.
  • Mồ hôi là yếu tố gia tăng mức độ ngứa ngáy. Vì vậy, cần đảm bảo vệ sinh cơ thể mỗi ngày để kiểm soát tình trạng ngứa da và ngăn ngừa cơn ngứa tiến triển dai dẳng.
  • Nếu nghi ngờ ngứa da do nhiễm giun sán, nên sử dụng thuốc tẩy giun. Ngoài ra, nên tập thói quen ăn chín uống sôi và tẩy giun định kỳ 1 – 2 lần/ năm để tránh nhiễm các loại ký sinh trùng.

3. Chẩn đoán và điều trị y tế

Trong nhiều trường hợp, ngứa da là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Vì vậy, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời. Ngoài ra, với các bệnh da liễu gây ngứa ngáy dai dẳng như viêm da cơ địa, viêm da tiết bã nhờn, bệnh ghẻ,… việc thăm khám là điều cần thiết để có thể kiểm soát bệnh và ngăn ngừa bội nhiễm da.

Ngứa da là triệu chứng thường gặp và có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bài viết chỉ tổng hợp những nguyên nhân thường gặp nhất và gợi ý đến bạn đọc một số cách giảm ngứa an toàn. Trong trường hợp cần thiết, nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được chẩn đoán và can thiệp các phương pháp điều trị chuyên sâu.

Tham khảo thêm:

Nguồn tham khảo
Chuyên khoa
Bệnh học tham khảo
Điều trị tham khảo
Triệu chứng tham khảo

Bài viết liên quan