Trẻ Bị Rôm Sảy Nên Ăn Gì
Một số thực phẩm có thể giúp hỗ trợ giảm ngứa và cải thiện các triệu chứng khó chịu do rôm sảy gây ra. Vậy trẻ bị rôm sảy nên ăn gì? Cùng điểm qua danh sách những thực phẩm nên và không cho trẻ sử dụng để xây dựng được thực đơn ăn uống có lợi nhất, giúp làn da bé nhanh hồi phục.
Chế độ ăn cho trẻ bị rôm sảy
Chứng rôm sảy ở trẻ em còn được gọi là nhiệt gai, một vấn đề về da thường gặp trong những ngày thời tiết nóng nực hoặc do bé đổ nhiều mồ hôi và không được vệ sinh da sạch sẽ. Điểm đặc trưng của rôm sảy chính là sự xuất hiện của nhiều nốt ban đỏ nhỏ dưới dạng mụn nước hay mụn mủ. Chúng có thể mọc riêng rẻ hay phát triển thành từng mảng ở nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể bé khiến trẻ ngứa ngáy, đau xót vô cùng khó chịu.
Nghiên trọng hơn, bệnh rôm sảy không được điều trị tốt có thể khiến trẻ có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng như nhiễm trùng da, lở loét, viêm da mãn tính hay nhiễm trùng máu… Ngoài việc thay đổi cách chăm sóc da và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, trẻ bị rôm sảy cũng cần được chăm sóc bằng một chế độ dinh dưỡng phù hợp để rôm nhanh lặn mà không để lại sẹo hay vết thâm.
Các thực phẩm có tính mát, giúp thanh nhiệt, tiêu độc, kháng viêm thường được ưu tiên lựa chọn cho thực đơn của trẻ bị rôm sảy. Ngoài ra, rau xanh và các loại trái cây tươi cũng là nguồn bổ sung chất xơ, vitamin cùng các khoáng chất thiết yếu giúp da trẻ nhanh hồi phục và có sức đề kháng tốt hơn.
Bên cạnh đó, mẹ cần chú ý loại bỏ các thực phẩm có tính nóng ra khỏi thực đơn. Cắt giảm lượng chất béo, chất ngọt sử dụng khi chế biến món ăn cho trẻ bị rôm sảy.
Trẻ bị rôm sảy nên ăn gì?
Để làn da bé nhanh hồi phục và không còn xuất hiện những nốt rôm sảy mới, các mẹ nên thường xuyên cho con ăn những thực phẩm sau:
1. Quả cam
Cam chứa đến 90% là nước. Loại trái cây này cũng đặc biệt giàu vitamin C và chất xơ. Chúng mang đến nhiều lợi ích cho trẻ bị rôm sảy như:
- Giải độc cho cơ thể
- Thanh nhiệt
- Ngăn ngừa mất nước
- Tăng sức đề kháng cho da, ức chế hoạt động của vi khuẩn, qua đó ngăn ngừa nhiễm trùng da cho bé.
Để tận dụng được những lợi ích tuyệt vời trên, các mẹ có thể mua cam về vắt nước cho bé uống. Tuy nhiên, khi cho bé ăn hay uống nước cam cần lưu ý các vấn đề dưới đây:
- Uống nước cam ngay sau khi vắt. Nước cam nếu để lâu sẽ bị đắng và giảm bớt chất dinh dưỡng.
- Trẻ em dưới 6 tháng tuổi không nên uống nước cam.
- Trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi chỉ nên uống một lượng nhỏ và cần pha loãng trước khi sử dụng. Trẻ từ 1 – 2 tuổi có thể uống từ 100 – 150ml nước cam mỗi ngày.
- Tránh cho bé uống nước cam khi đang đói bụng.
- Không uống nước cam chung với sữa hoặc gần cữ sữa.
- Có thể thay thế nước cam bằng nước ép chanh, bưởi để bổ sung vitamin C chống nhiễm trùng, giảm sưng đỏ cho da bé.
2. Trẻ em bị rôm sảy nên ăn rau má
Rau má là một trong những thực phẩm tốt nhất cho trẻ bị rôm sảy. Thực phẩm này có tính hàn, giúp thanh nhiệt, tiêu trừ độc tố, làm dịu kích ứng trên da, ngăn ngừa và cải thiện các triệu chứng khó chịu do rôm sảy gây ra cho trẻ em và cả người trưởng thành.
Mẹ có thể cho bé dùng rau má theo những cách sau:
- Ép nước uống
- Xay nhuyễn hoặc băm nhỏ và thêm vào cháo ăn dặm của bé
- Nấu canh thịt bằm…
Sử dụng rau má trong thực đơn của trẻ từ 2 – 3 lần mỗi tuần kết hợp với các thực phẩm có lợi khác sẽ giúp vùng da bị rôm sảy nhanh được tái tạo.
3. Rau mồng tơi
Nếu mẹ đang thắc mắc “trẻ em bị rôm sảy ăn gì?” thì rau mồng tơi chính là một gợi ý hữu ích. Loại rau này có tính hàn, giúp làm mát da, giải nhiệt, tiêu độc, xoa dịu cảm giác ngứa ngáy khó chịu ở vùng da nổi rôm.
Bên cạnh đó, rau mồng tơi còn cung cấp nhiều chất xơ hòa tan, vitamin A, B, C, canxi, folate, chất đạm và nhiều dưỡng chất thiết yếu khác. Chúng giúp thúc đẩy tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón, cải thiện khả năng miễn dịch và kích thích tái tạo tế bào mới để vùng da bị tổn thương nhanh được chữa lành.
Rau mồng tơi chủ yếu được chế biến theo hình thức nấu canh. Với trẻ nhỏ, mẹ có thể bằm nhuyễn rau và thêm vào cháo của bé. Ngoài ra, trẻ cũng có thể uống nước luộc rau mồng tơi cũng rất có lợi.
4. Bé bị rôm sảy nên ăn quả dâu tây
Vị chua ngọt hấp dẫn của dâu tây hẳn sẽ khiến nhiều bé cảm thấy thích thú. Mẹ có thể cho trẻ ăn trực tiếp cả quả sau khi đã rửa sạch hoặc ép nước, xay sinh tố cho bé uống.
Dâu tây chứa thành phần chính là nước, vitamin C cùng các chất chống oxy hóa. Chúng giúp hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn, chống viêm đỏ da, bảo vệ các mô khỏe mạnh và xoa dịu cảm giác khó chịu trên vùng da bị nổi rôm sảy của bé. Do vậy, để ngăn ngừa và điều trị rôm sảy cho trẻ hiệu quả, mẹ hãy thêm ngay dâu tây vào thực đơn ăn uống hàng ngày của bé.
5. Ăn khoai lang tốt cho trẻ bị rôm sảy
Khoai lang có tính mát nhưng không độc. Loại củ này cũng được biết đến với tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, ức chế hoạt động của vi khuẩn gây bệnh trên da bé.
Nếu trẻ thường xuyên bị rôm sảy, táo bón, ăn không tiêu hoặc nóng trong người, mẹ nên cho con ăn khoai lang. Khi sử dụng, chỉ cần luộc chín củ cho bé ăn trực tiếp hoặc dằm nhuyễn với sữa, làm bánh khoai lang ăn cũng rất ngon miệng.
6. Rau dền
Rau dền chính là câu trả lời tiếp theo cho thắc mắc “trẻ bị rôm sảy nên ăn gì?”. Loại rau này được xếp vào nhóm các thực phẩm có tính mát, giúp trị nóng trong, giải nhiệt cho cơ thể.
Thường xuyên ăn rau dền cũng là một cách bổ sung nguồn sắt, vitamin C, Lysine, canxi hay magie dồi dào cho bé. Chúng mang đến nhiều lợi ích cho trẻ như:
- Phát triển trí não, cải thiện khả năng ghi nhớ và trí thông minh cho trẻ.
- Thúc đẩy quá trình tiêu hóa và chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể
- Giúp xương khớp cứng cáp, khỏe mạnh hơn, tạo nền tảng tốt nhất cho sự phát triển chiều cao của bé.
- Nâng cao sức đề kháng cho da, giảm nguy cơ tái phát rôm sảy trong tương lai.
7. Trẻ bị rôm sảy nên ăn các loại đậu
Đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu Hà Lan hay các loại đậu khác đều tốt cho trẻ em bị rôm sảy. Chúng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương trên da bé.
Nguồn chất dinh dưỡng phong phú được tìm thấy trong các loại đậu còn giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và có khả năng miễn dịch tốt hơn. Vì vậy, mẹ nên cho bé uống thường xuyên sữa đậu, ăn cháo hay chè đậu để hỗ trợ đẩy lùi bệnh rôm sảy.
8. Bột sắn dây
Trong dân gian, bột sắn dây được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để khắc phục tình trạng rôm sảy ở trẻ. Thực phẩm này có khả năng giải nhiệt tốt, giúp giảm cảm giác ngứa ngáy, giảm nổi mẩn đỏ và đẩy nhanh tốc độ phục hồi da.
Những cách dùng bột sắn dây tốt nhất cho trẻ bị rôm sảy:
- Pha với nước ấm
- Hòa tan trong nước rồi nấu thành dạng cháo sền sệt cho bé dùng.
- Nấu chung với đậu xanh…
Ở trẻ em, đường ruột còn khá non nớt nên rất khó tiêu hóa bột sắn dây sống dẫn đến tình trạng tiêu chảy, đau bụng. Do vậy, mẹ không nên cho trẻ uống bột sắn dây pha với nước lạnh.
9. Quả lê
Quả lê cũng là một trong những loại trái cây có tính mát và chứa nhiều khoáng tố thiết yếu cho quá trình tái tạo da. Thịt quả còn có hương vị ngọt thanh rất hấp dẫn nên được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em bị rôm sảy.
10. Rau sam giảm ngứa, chống rôm sảy cho bé
Rau sam thường được các mẹ sử dụng để nấu nước tắm hoặc xay nhuyễn lấy nước uống để giảm ngứa, trị rôm sảy cho trẻ. Ngoài ra, mẹ cũng có thể dùng rau nấu canh cho bé ăn để giải nhiệt, tiêu độc và cải thiện tình trạng rôm sảy từ bên trong cơ thể.
11. Trẻ bị rôm sảy nên uống nước râu ngô
Uống nước râu ngô có thể giúp cải thiện các triệu chứng rôm sảy ở người lớn và cả trẻ em. Đây là thức uống rẻ tiền, lành tính và có vị thơm mát tự nhiên dễ uống.
Trẻ bị rôm sảy kiêng ăn gì?
Khi trẻ bị rôm sảy, mẹ không nên cho bé ăn những thực phẩm sau:
- Đồ hộp: Thực phẩm này chứa nhiều chất bảo quản. Trẻ sử dụng thường xuyên có thể phát sinh nhiều độc tố trong cơ thể. Tình trạng này không chỉ làm tăng nặng bệnh rôm sảy mà còn gây ra nhiều vấn đề khác ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé.
- Các món chiên rán: Ăn nhiều đồ béo làm tăng thân nhiệt, từ đó dẫn đến nóng trong, táo bón và khiến trẻ bị rôm sảy kéo dài. Vì vậy, trong quá trình điều trị bệnh cho bé, mẹ nên hạn chế cho con ăn gà rán, khoai tây chiên hay các món ăn nhiều dầu mỡ khác.
- Thức ăn chế biến sẵn: Chúng sử dụng nhiều dầu mỡ, muối và đường trong quá trình chế biến nên không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là với các bé đang bị rôm sảy.
- Các món cay: Trẻ sử dụng các món ăn chứa nhiều ớt, tiêu hoặc các loại gia vị cay khác rất dễ bị nóng trong, nhiệt miệng, táo bón, đau dạ dày và nổi rôm sảy nhiều hơn.
- Thức ăn chứa nhiều đường: Nước ngọt, bánh, kẹo, socola hay các món ăn chứa nhiều đường khác đều không tốt cho trẻ bị rôm sảy. Lý do bởi hàm lượng đường trong máu gia tăng sẽ kích hoạt phản ứng viêm trên da bùng phát và khiến bé dễ bị nhiễm trùng da. Ngoài ra, ăn nhiều đồ ngọt còn làm tăng nguy cơ bị béo phì, tiểu đường, sâu răng ở trẻ. Để bảo vệ làn da và sức khỏe của bé, tốt nhất mẹ nên hạn chế cho con ăn đồ ngọt.
- Các loại trái cây có tính nóng: Không thể phủ nhận trái cây rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải loại quả nào cũng được khuyến cáo sử dụng cho trẻ bị rôm sảy. Một số loại trái cây chứa nhiều đường lại có tính nóng. Khi sử dụng sẽ làm tăng thân nhiệt và khiến trẻ bị nổi rôm sảy nhiều hơn. Do đó, mẹ nên tránh cho con ăn các loại quả như xoài, vải, sầu riêng, nhãn, mít…
- Đồ uống chứa chất kích thích: Bao gồm soda, nước ngọt có ga, trà sữa, cà phê… Chúng gây mất nước và làm tăng nặng các triệu chứng khó chịu của rôm sảy khiến tổn thương trên da bé lâu lành hơn.
Những thông tin bài viết cung cấp trên đây chính là lời giải đáp cho thắc mắc “trẻ bị rôm sảy nên ăn gì và kiêng gì?”. Trong quá trình điều trị, ngoài việc tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, các mẹ cần chú ý tắm rửa, vệ sinh da cho bé mỗi ngày và tránh để trẻ gãi ngứa mạnh khiến da bé bị nhiễm trùng.
Có thể bạn quan tâm