Trẻ Bị Rôm Sảy Nên Tắm Lá Gì
Tắm nước lá là cách trị rôm sảy đơn giản, an toàn và ít tốn kém. Các loại lá tắm đa phần đều lành tính nên có thể sử dụng cho trẻ nhỏ. Bài viết sẽ giúp mẹ giải đáp thắc mắc Trẻ bị rôm sảy nên tắm lá gì và những lưu ý khi áp dụng.
Trẻ bị rôm sảy nên tắm là gì? 7 Loại lá tắm an toàn
Rôm sảy là bệnh da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh lý này đặc trưng bởi hiện tượng viêm nhẹ, da nổi các đốm phát ban màu hồng cùng với nốt mủ trắng nhỏ. Rôm sảy thường xuất hiện ở những vùng da mỏng và có nhiều nếp gấp như cổ, bẹn, lưng và mặt.
Rôm sảy ở trẻ em thường bùng phát vào mùa hè. Khi nhiệt độ môi trường cao, cơ thể phải tiết nhiều mồ hôi để điều hòa thân nhiệt. Tuy nhiên, hệ thống sản xuất và điều tiết mồ hôi ở trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên dễ xảy ra hiện tượng ứ đọng, bít tắc.
Rôm sảy là bệnh da liễu lành tính và có thể tự hết sau khoảng vài ngày. Tuy nhiên, các đám phát ban và nốt mủ nhỏ trên da có thể gây xót, rát và ngứa ngáy. Cảm giác khó chịu do rôm sảy gây ra có thể khiến trẻ quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn hoặc ăn uống kém.
Khi trẻ xuất hiện các nốt sẩn màu hồng, đỏ và nổi mụn mủ trắng vào mùa nắng nóng, mẹ có thể sử dụng một số loại thảo dược tự nhiên nấu nước tắm cho bé. Vitamin, khoáng chất và một số chất chống oxy hóa từ lá tắm có thể làm dịu cảm giác ngứa ngáy, sưng đỏ, khó chịu, đồng thời đẩy nhanh tốc độ phục hồi và tái tạo của da.
Nếu đang băn khoăn Trẻ bị rôm sảy nên tắm lá gì?, mẹ có thể tham khảo 7 loại lá tắm an toàn cho bé trong nội dung sau:
1. Tắm nước chè xanh giảm rôm sảy ở trẻ em
Chè xanh (trà xanh) là loại lá tắm thường được sử dụng để trị các bệnh ngoài da như rôm sảy, nổi mề đay, dị ứng thời tiết, viêm da cơ địa,… Theo kinh nghiệm dân gian, chè xanh có vị chát, không độc, tính hàn, tác dụng lợi tiểu, giải độc và thanh nhiệt. Tắm nước chè xanh giúp làm giảm cảm giác sưng viêm và ngứa ngáy, khó chịu trên da. Bên cạnh đó, lá chè xanh còn có đặc tính sát khuẩn giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào vùng da bị tổn thương.
Trong lá chè xanh chứa chất chống oxy hóa EGCG, catechin, polyphenol và vitamin E có tác dụng làm dịu và bảo vệ da. Trong đó, vitamin E có khả năng phục hồi hàng rào bảo vệ tự nhiên của da, từ đó ngăn không cho vi khuẩn, nấm men, virus và các tác nhân có hại từ môi trường gây tổn thương da. Trẻ bị rôm sảy tắm lá chè xanh sẽ phục hồi vùng da nổi sảy, đồng thời cảm giác ngứa ngáy và khó chịu cũng thuyên giảm đáng kể.
Lá chè xanh là thảo dược lành tính, không độc và ít gây dị ứng, kích ứng. Vào thời tiết nắng nóng, mẹ có thể nấu nước chè xanh tắm cho trẻ 1 – 2 lần/ tuần để phòng ngừa rôm sảy. Đối với trẻ đã nổi rôm, nên tắm hằng ngày hoặc cách ngày cho đến khi rôm sảy biến mất hoàn toàn.
2. Khế chua – Lá tắm trị rôm sảy an toàn cho bé
Lá khế là vị thuốc tự nhiên thường được sử dụng để điều trị các bệnh da liễu như mề đay, rôm sảy và dị ứng thời tiết. Dùng vài nắm lá khế tươi nấu nước tắm hằng ngày sẽ giúp giảm mẩn ngứa, viêm da, đẩy nhanh tốc độ phục hồi và giảm tình trạng sẹo, thâm khi bị rôm sảy. Lá khế là loại thảo dược an toàn, lành tính có thể tìm trong vườn nhà nên mẹ có thể tận dụng để chữa chứng rôm sảy cho bé.
Hiện nay, khoa học đã công nhận lá khế có tác dụng chống dị ứng và sát trùng. Do đó, mẹ có thể nấu nước lá khế để trẻ tắm hằng ngày. Các chất chống oxy hóa trong lá khế giúp giảm mẩn ngứa, loại bỏ mụn mủ, mụn nước và làm dịu các đốm phát ban trên da. Ngoài ra, mẹ cũng có thể tận dụng loại lá này để điều trị mề đay, viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ.
3. Tắm lá cây sài đất
Nếu đang băn khoăn trẻ bị rôm sảy tắm lá gì an toàn, mẹ có thể chọn lá của cây sài đất. Sài đất (húng trám) thường mọc dại ở ven đường và đôi khi được dùng ăn sống để giải nhiệt. Theo y học cổ truyền, thảo dược này có vị ngọt, hơi chua, tính mát, tác dụng tiêu viêm, tiêu độc, thanh nhiệt nên thường được dùng để trị các bệnh ngoài da.
Với tính mát và tác dụng tiêu viêm, giải độc, tắm lá sài đất giúp giảm cảm giác ngứa ngáy, nóng rát và khó chịu. Ngoài ra, khoáng chất và vitamin có trong thảo dược này còn giúp phục hồi vùng da bị tổn thương và củng cố hàng rào bảo vệ tự nhiên của da.
Bài thuốc tắm từ cây sài đất khá an toàn và ít gây dị ứng. Khi trẻ bị nổi rôm vào những ngày nắng nóng, mẹ nên dùng một nắm sài đất rửa sạch và nấu nước tắm. Khi tắm, có thể dùng bã sài đất xát nhẹ để giúp da nhanh phục hồi. Nên tắm đều đặn 1 lần/ ngày trong liên tục 5 – 7 ngày để trị dứt điểm rôm sảy.
Trong trường hợp rôm nổi thành đám và da bị viêm nhiều, mẹ nên rửa sạch lá sài đất, để ráo, giã nát và đắp lên da. Với công năng thanh nhiệt và tiêu viêm, lá sài đất giúp kiểm soát hiện tượng viêm nhiễm trên da, đồng thời giảm ngứa ngáy và khó chịu do rôm sảy gây ra.
4. Tắm lá trầu không giảm rôm sảy
Lá trầu không được sử dụng trong nhiều bài thuốc trị bệnh. Với công năng đa dạng, trầu không vừa có tác dụng điều trị các bệnh da liễu, vừa giúp cải thiện các bệnh hô hấp và tiêu hóa. Theo kinh nghiệm dân gian, trầu không có vị cay, mùi thơm hắc, tính ấm, tác dụng chống ngứa, sát trùng và kháng viêm. Do trầu không chứa tinh dầu cay nên chỉ sử dụng cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Không nên dùng cho trẻ dưới độ tuổi này vì có thể gây kích ứng và đỏ rát da.
Theo nghiên cứu khoa học, các phenol trong lá trầu không có tác dụng tiêu viêm và sát trùng tốt. Vì vậy, khi trẻ bị rôm sảy, mẹ có thể dùng trầu không nấu nước tắm cho bé. Chỉ sau một vài lần áp dụng, các mẩn đỏ, mụn mủ và cảm giác ngứa ngáy, xót rát sẽ thuyên giảm rõ rệt.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể nấu lá trầu không tắm cho trẻ vào những ngày nắng nóng để ngừa các bệnh ngoài da. Vì có tính ấm nên lá trầu cũng được dùng để trị các bệnh da liễu xảy ra vào mùa lạnh như dị ứng thời tiết và viêm da cơ địa.
5. Lá tía tô trị rôm sảy cho bé
Khi bé bị nổi rôm vào những ngày nắng nóng, mẹ cũng có thể dùng lá tía tô nếu có sẵn nguyên liệu trong nhà. Tía tô là loại rau ăn quen thuộc với vị cay, mùi thơm, tác dụng giải độc, hành khí và tán hàn. Lá tía tô thường được dùng ăn kèm với các loại thịt, cua cá để kích thích tiêu hóa và phòng tránh dị ứng.
Tinh dầu trong lá tía tô có tác dụng tiêu viêm, làm dịu da và giảm ngứa ngáy. Do đó, người lớn và trẻ nhỏ mắc các bệnh ngoài da đều có thể tận dụng thảo dược này thay vì sử dụng thuốc. Khi trẻ bị nổi rôm sảy, mẹ nên cho trẻ tắm 1 lần/ ngày cho đến khi da hết nổi sẩn và ngứa ngáy.
Đối với trẻ còn bú mẹ, mẹ vẫn cho trẻ tắm lá tía tô. Tuy nhiên, trước đó nên thử một ít nước lên vùng da chân để xem phản ứng. Bởi một số trẻ có thể bị dị ứng và kích ứng với thành phần trong thảo dược này. Vào những ngày nắng nóng, mẹ cũng có thể uống trà lá tía tô để làm mát cơ thể, từ đó làm mát sữa mẹ và hỗ trợ giảm chứng nóng trong cho bé.
6. Tắm nước rau má
Rau má có tính mát, vị đắng, tác dụng lợi sữa, giải độc, thanh nhiệt và giảm ngứa. Vào những ngày trời nắng nóng, các món ăn từ rau má thường được thêm vào thực đơn ăn uống hằng ngày để phòng ngừa chứng nóng trong. Ngoài ra, rau má cũng được dùng để nấu nước tắm trị chứng mề đay, rôm sảy và hăm da.
Rau má là loại rau ăn lành tính, không gây kích ứng và dị ứng. Nếu trẻ có làn da nhạy cảm, mẹ nên sử dụng rau má thay vì các loại lá tắm có vị cay như trầu không. Tắm lá rau má giúp làm dịu da, giảm ngứa và tiêu viêm. Ngoài ra, chất chống oxy hóa trong rau má còn giúp phục hồi vùng da bị viêm và củng cố hàng rào bảo vệ da trước tác động của môi trường.
Rau má có có tác dụng trị các bệnh thường gặp ở mùa hè như cảm nắng, buồn nôn, nhức đầu, sốt, táo bón,… Do đó, mẹ nên tìm hiểu một số bài thuốc từ rau má để sử dụng khi cần thiết.
7. Tắm nước lá kinh giới
Kinh giới là một trong những loại lá tắm trị rôm sảy hiệu quả. Thảo dược này có vị cay nhẹ, tính ấm, tác dụng chống ngứa, tiêu viêm và kháng sinh. Khi trẻ nổi rôm sảy vào mùa hè, mẹ có thể dùng một nắm lá kinh giới tươi đem rửa sạch và nấu nước tắm cho bé.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể dùng lá kinh giới tươi rửa sạch, giã nát và lấy nước hòa với nước ấm tắm đều được. Để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, mẹ có thể cho bé dùng các món ăn từ lá kinh giới. Kinh giới có tác dụng chống dị ứng và cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất. Bổ sung thêm các món ăn từ kinh giới giúp trẻ giảm rôm sảy nhanh và hỗ trợ phòng ngừa các bệnh lý thường gặp vào mùa hè.
Lưu ý khi tắm nước lá trị rôm sảy cho trẻ
Tắm nước lá là cách trị rôm sảy cho trẻ khá an toàn và hiệu quả. Các thành phần tự nhiên trong thảo dược giúp làm dịu cảm giác ngứa ngáy, hỗ trợ tiêu viêm, giảm nóng rát và khó chịu. Tuy nhiên trước khi trị rôm sảy cho bé bằng các loại nước lá, mẹ nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Các loại lá tắm trị rôm sảy đa phần đều lành tính, an toàn và ít gây dị ứng. Tuy nhiên, một số trẻ có thể bị dị ứng với thành phần trong thảo dược. Do đó, mẹ nên thử một ít nước lên vùng da chân của trẻ và xem phản ứng sau vài giờ. Nếu có biểu hiện bất thường, tránh áp dụng vì có thể gây dị ứng dẫn đến nổi mề đay và ngứa ngáy dữ dội.
- Khi nấu nước tắm cho trẻ, cần rửa sạch nguyên liệu và sát khuẩn bằng nước muối pha loãng.
- Nên tắm cho trẻ 1 lần/ ngày liên tục cho đến khi rôm sảy thuyên giảm hoàn toàn. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho trẻ tắm 1 – 2 lần/ tuần vào những ngày nắng nóng để phòng ngừa rôm sảy và các bệnh da liễu tái phát.
- Rôm sảy ở trẻ em có liên quan đến hiện tượng tăng tiết mồ hôi quá mức. Do đó, mẹ nên tắm rửa cho trẻ thường xuyên, lựa chọn trang phục rộng, chất liệu vải mềm, mỏng để thấm hút mồ hôi tốt. Có thể dùng phấn rôm cho trẻ sau khi tắm để ngăn tiết mồ hôi và giảm cảm giác ngứa ngáy, xót rát ở vùng da nổi rôm.
- Trong thời gian điều trị rôm sảy cho bé, nên cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung thêm rau xanh và trái cây để làm mát cơ thể. Hạn chế cho trẻ dùng thức ăn ngọt, nhiều muối và dầu mỡ vì có thể gây tăng tiết mồ hôi.
- Nếu cần thiết, mẹ nên sử dụng một số loại thuốc bôi để giúp trẻ giảm ngứa ngáy và viêm da. Trong trường hợp triệu chứng không thuyên giảm, nên cho trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị.
Trên đây là những thông tin giải đáp Trẻ bị rôm sảy nên tắm lá gì?. Những loại lá tắm này đều có nguồn gốc tự nhiên, an toàn và ít kích ứng. Tuy nhiên, trẻ nhỏ có làn da khá mỏng manh và nhạy cảm nên mẹ cần thận trọng khi áp dụng. Ngoài cách tắm nước lá, cần có biện pháp chăm sóc phù hợp để giúp da phục hồi nhanh chóng.
Tham khảo thêm: