Đau Dạ Dày Nên Ăn Gì
Bị đau dạ dày nên ăn gì, kiêng gì là vấn đề cần được quan tâm bên cạnh việc sử dụng thuốc. Một chế độ ăn hợp lý chính là “chìa khóa” để quản lý triệu chứng và giúp dạ dày phục hồi nhanh chóng hơn.
Mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và chứng đau dạ dày
Stress, ăn uống không điều độ và sinh hoạt thiếu lành mạnh là những nguyên nhân thường gặp gây đau dạ dày (đau thượng vị). Tình trạng này trở nên phổ biến trong những năm gần đây và ảnh hưởng nhiều đến người trưởng thành từ 20 – 50 tuổi.
Thực tế, rất nhiều người chủ quan khi bị đau dạ dày dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày,… Ngoài ra, đau dạ dày xảy ra thường xuyên còn gây ra tình trạng chán ăn, ăn uống kém, suy nhược và giảm chất lượng cuộc sống.
Có khá nhiều phương pháp điều trị đau dạ dày, trong đó điều chỉnh chế độ ăn uống được xem là yếu tố quan trọng nhất. Như đã biết, dạ dày là cơ quan tiêu hóa thức ăn bằng cách tiết dịch vị chứa HCl. Đau dạ dày có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu tiếp tục duy trì những thói quen xấu và sử dụng các loại thực phẩm gây hại cho cơ quan tiêu hóa. Ngược lại, điều chỉnh chế độ ăn uống theo chiều hướng tích cực sẽ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm áp lực lên dạ dày.
Về lâu dài, dạ dày sẽ phục hồi phần niêm mạc bị tổn thương và cải thiện chức năng hoạt động. Bên cạnh đó, ăn uống khoa học cũng góp phần tăng cường chức năng của các cơ quan tiêu hóa khác như gan, tuyến tụy, tá tràng và đại tràng.
Có nhiều nguyên nhân gây đau dạ dày, trong đó thói quen ăn uống bừa bãi và thiếu khoa học là nguyên nhân phổ biến nhất. Bằng cách cải thiện chế độ dinh dưỡng, bạn có thể kiểm soát chứng đau dạ dày và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Đây cũng là lý do bác sĩ thường khuyên bệnh nhân điều chỉnh thói quen sinh hoạt và thực đơn ăn uống bên cạnh việc sử dụng thuốc.
Nguyên tắc ăn uống cho người bị đau dạ dày
Đau dạ dày là dấu hiệu cho thấy dạ dày bị tổn thương và giảm chức năng hoạt động. Do đó, trong quá trình điều trị, bạn cần tuân thủ các nguyên tắc ăn uống như sau:
- Tăng cường thực phẩm tốt cho dạ dày
- Kiêng thực phẩm không lành mạnh
- Ăn chín uống sôi
- Chia nhỏ bữa ăn
- Cung cấp đủ chất dinh dưỡng thiết yếu trong mỗi bữa ăn
- Ăn chậm nhai kỹ
- Tránh vận động mạnh hoặc nằm ngay sau khi ăn
- Ưu tiên thực phẩm dễ tiêu hóa
Nếu tuân thủ các nguyên tắc này, tình trạng đau dạ dày sẽ được cải thiện rõ rệt sau một thời gian ngắn. So với việc chỉ sử dụng thuốc, việc kết hợp với chế độ ăn uống khoa học sẽ mang lại kết quả tối ưu hơn. Ngoài ra, xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp còn giúp cải thiện tình trạng sụt cân, xanh xao và ăn uống kém do đau dạ dày gây ra.
Người bị đau dạ dày nên ăn gì để cải thiện bệnh?
Khi bị đau dạ dày, bạn nên tăng cường bổ sung các thực phẩm lành mạnh để làm dịu cơn đau và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, do dạ dày đang gặp phải vấn đề nên bạn không thể dung nạp ồ ạt các thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Thay vào đó, cần cân đối thực đơn ăn uống để giảm áp lực lên dạ dày và vẫn đảm bảo cơ thể có đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
Nếu đang băn khoăn “Bị đau dạ dày nên ăn gì?”, bạn nên tham khảo nội dung sau để hiểu rõ hơn về vấn đề này:
1. Các loại ngũ cốc
Ngũ cốc là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Bên cạnh đó, tinh bột từ các loại ngũ cốc còn có tác dụng hấp thu dịch vị, từ đó cải thiện cơn đau ở vùng thượng vị và ngăn chặn quá trình ăn mòn niêm mạc dạ dày. Khi bị đau dạ dày, bạn nên ưu tiên dùng các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, lúa mì,… thay vì dùng gạo trắng và bột mì đã qua tinh chế.
Các loại ngũ cốc nguyên hạt vẫn cung cấp đủ tinh bột và năng lượng cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên so với ngũ cốc đã qua tinh chế, các loại ngũ cốc nguyên hạt chứa hàm lượng chất xơ cao nên có thể trung hòa axit dạ dày dư thừa. Đồng thời cung cấp thêm cho cơ thể nguồn khoáng chất và vitamin dồi dào, giúp nâng cao sức khỏe và cải thiện hoạt động của các cơ quan tiêu hóa – bao gồm cả dạ dày.
Nếu có thể, bạn nên chuyển sang sử dụng ngũ cốc nguyên hạt thay vì gạo trắng. Điều này không chỉ tốt cho chứng đau dạ dày mà còn giúp ngăn ngừa và cải thiện chứng tiểu đường type 2, rối loạn lipid máu, thừa cân – béo phì và nhiều bệnh mãn tính khác.
2. Các loại củ và rau xanh
Rau củ là nhóm thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn ăn uống của người bị đau dạ dày. Lượng nước dồi dào cùng với độ pH kiềm của rau xanh giúp trung hòa dịch vị và giảm độ axit bên trong dạ dày. Ngay sau khi bổ sung rau xanh, cảm giác nóng rát, khó chịu và đau vùng thượng vị sẽ được cải thiện rõ rệt.
Ngoài ra, rau xanh và các loại củ còn cung cấp một lượng lớn chất xơ. Chất xơ giúp hấp thu dịch vị và hỗ trợ làm dịu vùng niêm mạc bị viêm, loét, từ đó làm giảm mức độ và tần suất của cơn đau dạ dày. Nếu bổ sung rau xanh vào chế độ ăn hằng ngày, bạn sẽ nhận thấy tình trạng đau dạ dày cải thiện rõ ràng chỉ sau vài ngày.
Rau xanh không chỉ tốt cho dạ dày mà còn giúp tăng lượng lợi khuẩn trong đường ruột và điều hòa nhu động của ống tiêu hóa. Vì những lợi ích đối với hệ tiêu hóa, rau củ được khuyến khích bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày – ngay cả khi bạn không có các vấn đề về tiêu hóa. Tuy nhiên nếu đang bị đau dạ dày, bạn nên ưu tiên dùng rau củ hấp, luộc hoặc dùng sống thay vì chế biến dạng chiên, xào.
3. Trái cây (hoa quả)
Ngoài rau củ, người bị đau dạ dày cũng nên bổ sung trái cây (hoa quả) vào chế độ ăn hằng ngày. Hoa quả cung cấp cho cơ thể một lượng lớn nước cùng với chất xơ, vitamin và khoáng chất. Vị ngọt chua của các loại trái cây cũng giúp kích thích vị giác và giảm tình trạng chán ăn, ăn uống kém do đau dạ dày gây ra.
Bổ sung hoa quả vào chế độ ăn hằng ngày giúp nâng cao sức khỏe và hỗ trợ kiểm soát chứng đau dạ dày. Tuy nhiên, bạn nên dùng các loại trái cây có vị ngọt dịu vừa phải, kết cấu mềm và dễ tiêu hóa như chuối, táo, đu đủ, thanh long, vú sữa, dưa gang, dưa hấu, bơ,… Hạn chế các loại quả có vị chua và tính nóng.
Mặc dù mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng ăn trái cây quá nhiều hoặc dùng không đúng thời điểm có thể gây đầy hơi, chướng bụng. Theo các bác sĩ, người bị đau dạ dày chỉ nên dùng trái cây sau bữa ăn chính khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ và chỉ nên dùng một lượng vừa đủ. Ngoài ra, có thể chế biến trái cây thành các món thức uống, sinh tố thơm ngon để kích thích vị giác, giảm cảm giác chán ăn và ăn uống kém.
4. Sữa chua
Đau dạ dày thường xảy ra khi dạ dày tiết quá nhiều dịch vị và co bóp quá mức. Các vấn đề bất thường ở cơ quan này sẽ “vô tình” khiến cho đường ruột bị rối loạn và hoạt động kém. Do đó, không ít người đau dạ dày gặp phải tình trạng chướng bụng, tiêu chảy, táo bón và kém hấp thu.
Để cải thiện khả năng tiêu hóa, bạn nên bổ sung sữa chua vào chế độ ăn hằng ngày. Sữa chua là sữa đã trải qua quá trình lên men nên chứa một lượng lớn lợi khuẩn (probiotic). Probiotic từ sữa chua góp phần củng cố số lượng lợi khuẩn trong đường ruột, qua đó cải thiện tình trạng khó tiêu và hấp thu kém.
Sữa chua thường được bảo quản lạnh nên khi vào bên trong dạ dày sẽ giúp làm dịu niêm mạc và hỗ trợ giảm nhẹ cơn đau. Tuy nhiên, loại thực phẩm này chứa một lượng axit nhất định nên có thể gây ra cảm giác khó chịu nếu ăn khi bụng đói. Tốt nhất, bạn nên dùng sữa chua cùng với các loại hoa quả và ngũ cốc vào buổi xế để niêm mạc dạ dày không bị kích thích.
Ngoài cung cấp probiotic cho cơ thể, sữa chua còn chứa nhiều đạm, vitamin và khoáng chất cần thiết. Bổ sung thực phẩm này vào chế độ ăn hằng ngày góp phần cải thiện tình trạng suy nhược cơ thể và kích thích cảm giác ngon miệng khi ăn uống.
5. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa là nhóm thực phẩm người bị đau dạ dày nên ăn. Chất chống oxy hóa có khả năng kháng viêm và tái tạo niêm mạc bị tổn thương. Bổ sung nhóm thực phẩm này vào thực đơn ăn uống hằng ngày giúp đẩy nhanh tốc độ làm lành vết loét, giảm nhanh cơn đau dạ dày và ngăn chặn các biến chứng như loét dạ dày, xuất huyết dạ dày,…
Chất chống oxy hóa sẽ khử các chất oxy hóa được sản sinh trong quá trình tái tạo, phục hồi niêm mạc dạ dày. Nhờ vậy, dạ dày sẽ giảm tần suất và mức độ cơn đau, đồng thời vết loét sẽ được phục hồi nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, chất chống oxy hóa cũng có vai trò bảo vệ niêm mạc ống tiêu hóa trước các loại thực phẩm, thức uống có hại như rượu bia, thức ăn mặn, chua và cay nóng.
Các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa tốt cho người bị đau dạ dày bao gồm đậu hà lan, rau bina, đu đủ, bắp (ngô), xoài, hạt hướng dương, các loại rau lá xanh, ngũ cốc nguyên hạt, phô mai, cà tím, trà xanh, nho, atiso,… Có thể thấy, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa rất đa dạng nên bạn có thể lựa chọn thực phẩm phù hợp với chế độ ăn uống của bản thân.
6. Các loại thức uống có tác dụng trung hòa dịch vị
Ngoài các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, người bị đau dạ dày cũng nên bổ sung các loại thức uống có tác dụng trung hòa dịch vị. Thông thường, cơn đau dạ dày sẽ bùng phát khi dịch vị tăng tiết quá mức. Bổ sung các loại thức uống này sẽ giúp làm dịu cơn đau tức thì, từ đó giảm cảm giác khó chịu, ợ nóng và ợ chua ở vùng thượng vị.
Các loại thức uống có tác dụng trung hòa dịch vị tốt cho người bị đau dạ dày bao gồm:
- Trà hoa cúc: Trà hoa cúc là loại trà không chứa caffeine và có tác dụng trung hòa dịch vị. Bên cạnh đó, chất chống oxy hóa apigenin trong hoa cúc còn góp phần kháng viêm và tạo điều kiện cho niêm mạc dạ dày phục hồi, tái tạo. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy các bằng chứng xác thực về việc trà hoa cúc có thể cải thiện tình trạng đau dạ dày. Vì thế, bạn nên bổ sung loại trà này hằng ngày để giảm nhẹ cơn đau và hỗ trợ hiệu quả của các phương pháp điều trị.
- Trà xanh: Trà xanh là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa dồi dào cho cơ thể. Tương tự như trà hoa cúc, loại trà này cũng có tác dụng trung hòa dịch vị và hỗ trợ hoạt động tiêu hóa của dạ dày. Tuy nhiên, trà xanh có chứa caffeine và tanin nên cần tránh sử dụng khi bụng đói. Tốt nhất, nên dùng trà xanh ngay sau bữa ăn để dạ dày và đường ruột tiêu hóa tốt hơn.
- Nước dừa: Nước dừa có tác dụng trung hòa dịch vị và làm dịu niêm mạc dạ dày hiệu quả. Nếu gặp phải tình trạng đau dạ dày do stress, dùng thức ăn mặn và cay nóng, bạn nên dùng 1 ly nước dừa. Chỉ sau vài phút, cơn đau và các triệu chứng đi kèm sẽ thuyên giảm rõ rệt. Nước dừa có tác dụng hạ huyết áp nên cần tránh sử dụng khi quá đói, vào sáng sớm và tối muộn.
- Trà atiso: Đau dạ dày thường xảy ra do dùng quá nhiều rượu bia và thức ăn cay nóng, khó tiêu hóa. Để cải thiện tình trạng này, bạn nên bổ sung trà atiso 2 – 3 lần/ tuần. Trà atiso có tác dụng trung hòa dịch vị, làm dịu niêm mạc dạ dày và hỗ trợ thanh thải độc tố ra khỏi cơ thể. Bên cạnh đó, atiso còn chứa nhiều chất chống oxy hóa góp phần đẩy nhanh tốc độ làm lành vết loét ở niêm mạc.
Ngoài các loại thức uống trên, bạn cần đảm bảo uống đủ 1.5 – 2 lít nước lọc mỗi ngày. Nước lọc giúp cân bằng điện giải, đảm bảo quá trình trao đổi chất và quan trọng nhất là giúp làm dịu niêm mạc dạ dày. Nếu có thể, nên sử dụng nước khoáng để cung cấp các loại khoáng chất thiết yếu cho cơ thể thay cho nước lọc thông thường.
7. Thực phẩm có khả năng chống viêm
Thực phẩm không chỉ có vai trò cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể mà còn có đặc tính dược lý giúp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa một số bệnh lý thường gặp. Nếu đang gặp phải tình trạng đau dạ dày, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm có khả năng chống viêm sau đây:
- Mật ong: Mật ong có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn nhờ hàm lượng hydrogen peroxide, defensin-1 dồi dào. Vì vậy, bạn nên bổ sung thực phẩm này vào chế độ ăn hằng ngày để cải thiện hiện tượng viêm, loét niêm mạc và hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ phục hồi vết loét.
- Nghệ: Từ lâu, nghệ đã được sử dụng như vị thuốc chữa bệnh. Nghệ thường được kết hợp với mật ong hoặc dầu dừa để cải thiện các vấn đề liên quan đến dạ dày. Hàm lượng Curcumin dồi dào trong củ nghệ đã được chứng minh có tác dụng kháng viêm, chống loét và giúp đẩy nhanh tốc độ làm lành vết loét. Để cải thiện chứng đau dạ dày, bạn có thể dùng các món ăn từ nghệ hoặc dùng trà nghệ mật ong, sữa nghệ.
- Gừng: Tương tự như nghệ, gừng cũng được sử dụng để làm thuốc từ rất lâu đời. Với đặc tính chống nôn, gừng thường được dùng để cải thiện tình trạng buồn nôn và nôn mửa do đau dạ dày gây ra. Ngoài ra, gừng có chứa hoạt chất chống oxy hóa Gingerol có tác dụng kháng viêm và làm lành vết loét. Tuy nhiên, loại gia vị này có vị cay nóng nên khi sử dụng, cần pha gừng với mật ong hoặc đường phèn để trung hòa tính vị.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Người bị đau dạ dày nên ăn gì để giảm nhanh cơn đau?”. Bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh vừa có thể cải thiện triệu chứng vừa giúp nâng cao sức khỏe toàn diện. Tuy nhiên, bạn nên chia nhỏ bữa ăn và ăn chậm nhai kỹ để giảm áp lực lên dạ dày.
Bị đau dạ dày nên kiêng gì để giảm nhanh cơn đau?
Ngoài băn khoăn Bị đau dạ dày nên ăn gì?, không ít bạn đọc cũng thắc mắc về vấn đề “Nên kiêng ăn gì khi bị đau dạ dày?”. Bởi việc bổ sung thực phẩm và thức uống không phù hợp có thể khiến đau dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn. Thậm chí một số người phải đối mặt với biến chứng xuất huyết dạ dày và thủng dạ dày do liên tục dùng các loại thực phẩm, thức uống có hại.
Để quá trình điều trị đạt kết quả tốt, người bị đau dạ dày nên kiêng các loại thực phẩm và thức uống sau:
1. Món ăn chứa nhiều muối, gia vị cay nóng
Nhóm thực phẩm đầu tiên người bị đau dạ dày cần kiêng là món ăn chứa nhiều muối và gia vị cay nóng (ớt, mù tạt, tiêu,…). Gia vị cay nóng và muối sẽ kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị, từ đó khiến vết loét bị đau rát và thậm chí là chảy máu. Nếu bổ sung các món ăn này thường xuyên, đau dạ dày sẽ có xu hướng nghiêm trọng hơn theo thời gian và đi kèm với một loạt các triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu và chán ăn.
Món ăn mặn và cay nóng không chỉ kích thích niêm mạc dạ dày mà còn gây tổn thương thực quản, ruột non và ruột già. Vì vậy, bạn nên kiêng hoàn toàn các món ăn này để quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất.
2. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa
Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như thức ăn nhanh, xúc xích, thịt xông khói,… cũng là nhóm thực phẩm nên hạn chế khi điều trị đau dạ dày. Chất béo bão hòa không gây kích thích niêm mạc dạ dày nhưng rất khó tiêu hóa. Vì vậy, dạ dày sẽ có xu hướng tiết nhiều dịch vị và co bóp quá mức để tiêu hóa thức ăn. Điều này khiến cho cơn đau bùng phát và có thể đi kèm với một loạt các triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, đầy bụng và khó tiêu.
Ngoài những tác hại đối với dạ dày, thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa còn gây gan nhiễm mỡ, rối loạn lipid máu và tăng lượng mỡ nội tạng. Vì vậy, tốt nhất bạn nên hạn chế nhóm thực phẩm này. Thay vào đó, nên bổ sung chất béo thông qua nhóm thực phẩm lành mạnh như cá béo, các loại đậu, hạt,…
3. Kiêng thực phẩm, đồ uống chứa nhiều axit
Dịch vị dạ dày có tính axit cao để có thể tiêu hóa thức ăn, tạo điều kiện cho tá tràng và đại tràng hấp thu các chất dinh dưỡng. Việc bổ sung các loại thực phẩm và đồ uống chứa nhiều axit sẽ làm cho tính axit tăng lên khiến cho niêm mạc dạ dày bị kích thích, dẫn đến tình trạng đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua và buồn nôn.
Ngoài ra, axit từ thực phẩm cũng sẽ ăn mòn niêm mạc và phá vỡ lớp chất nhầy bảo vệ dạ dày. Nếu duy trì thói quen này thường xuyên, vết loét sẽ trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian và hậu quả phải đối mặt là loét dạ dày nặng, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày,…
Khi điều trị đau dạ dày và các chứng bệnh liên quan đến tiêu hóa, bạn nên tránh sử dụng nước ngọt có gas, soda, các loại quả có vị chua như me, cóc, xoài chua, chùm ruột, chanh, quýt, cam. Ngoài ra, nên hạn chế các loại kẹo chua được chế biến sẵn.
4. Tránh rượu bia, cà phê và trà đặc
Khi điều trị đau dạ dày, bạn cần kiêng rượu bia, cà phê và trà đặc. Theo thống kê, thói quen lạm dụng rượu bia là nguyên nhân phổ biến gây đau dạ dày và các vấn đề tiêu hóa khác. Bởi axit và cồn trong bia rượu có thể ăn mòn lớp màng nhầy bảo vệ dạ dày, đồng thời tăng độ axit của dịch vị và đẩy nhanh quá trình xâm lấn niêm mạc. Hậu quả là dạ dày xuất hiện ổ viêm loét và giảm chức năng hoạt động.
Ngoài rượu bia, bạn cũng cần kiêng trà đặc và cà phê. Caffeine trong các loại thức uống này có thể kích thích dạ dày dẫn đến tình trạng đau vùng thượng vị, khó tiêu, ợ hơi, chướng bụng và ăn uống kém. Nếu cần sự tỉnh táo khi làm việc, bạn vẫn có thể dùng cà phê nhưng cần uống sau khi ăn no và chỉ dùng tối đa 1 tách/ ngày.
5. Các loại thực phẩm khác
Ngoài các loại thực phẩm trên, bạn cũng nên kiêng một số món ăn và thức uống khác trong quá trình điều trị đau dạ dày:
- Thực phẩm lên men như cà muối, dưa chua, kim chi,…
- Thực phẩm dị ứng và có khả năng dị ứng cao như các loại hải sản, đậu phộng, mè,…
- Các món ăn khó tiêu hóa
- Các món ăn quá lạnh như kem
- Thực phẩm chứa nhiều đường
Ngoài việc kiêng cữ một số loại thức ăn và đồ uống, bạn cũng nên thay đổi những thói quen xấu như thức khuya, stress, hút thuốc lá và ít vận động. Thay đổi các thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học sẽ giúp cho quá trình điều trị mang lại kết quả tốt, sức khỏe được cải thiện và giảm thiểu tối đa nguy cơ gặp phải biến chứng.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Bị đau dạ dày nên ăn gì, kiêng gì để hỗ trợ quá trình điều trị?”. Đồng thời giúp bạn đọc hiểu hơn về vai trò của chế độ dinh dưỡng đối với quá trình điều trị đau dạ dày. Nếu có các vấn đề sức khỏe đặc biệt đi kèm (dị ứng thức ăn, cao huyết áp, tiểu đường,…), bạn nên trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn thực đơn ăn uống phù hợp hơn.
Tham khảo thêm: