Bài Thuốc Dân Gian Chữa Đau Dạ Dày
Các bài thuốc dân gian chữa đau dạ dày có ưu điểm là dễ thực hiện và an toàn cho hầu hết mọi đối tượng. Chính vì vậy mà các mẹo tự nhiên luôn được nhiều bệnh nhân truyền tai nhau áp dụng triệt để. Cùng tham khảo top 12 cách chữa đau dạ dày bằng phương pháp dân gian hay nhất trong bài viết dưới đây.
12 bài thuốc dân gian chữa đau dạ dày hay nhất
Đau dạ dày là một triệu chứng khá phổ biến, có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Những cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội trong dạ dày thường kèm theo hiện tượng ợ nóng, ợ chua, buồn nôn hay ăn uống kém… Đây là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý ở dạ dày, chẳng hạn như viêm dạ dày, loét hang vị dạ dày hay trào ngược dạ dày thực quản.
Để điều trị đau dạ dày, dân gian thường áp dụng các mẹo tự nhiên dưới đây:
1. Mẹo chữa đau dạ dày bằng nha đam
Đây là một trong những cách chữa đau dạ dày bằng dân gian đang được áp dụng phổ biến. Nhờ chứa nhiều Glycoprotein, vitamin E, B, C và các loại axit amin, nguyên liệu này có khả năng làm dịu kích ứng trong dạ dày, đồng thời giảm viêm, tiêu sưng, kích thích tái tạo các tế bào mới thay thế cho mô bị tổn thương.

Bên cạnh đó, nha đam còn có tác dụng nhuận tràng, tăng cường chức năng tiêu hóa. Thảo dược này giúp thức ăn được tiêu hóa và di chuyển qua dạ dày nhanh hơn, tạo điều kiện cho cơ quan này có thêm thời gian nghỉ ngơi và phục hồi tổn thương.
- Cách 1: Dùng nha đam tươi ép nước uống. Ngày dùng 1 nhánh.
- Cách 2: Gọt vỏ lá nha đam lấy phần ruột bên trong. Cắt thành hạt lựu đem nấu chung với đường phèn. Uống nước và ăn cả cái.
- Cách 3: Lấy 5 lá nha đam gọt vỏ, rửa sạch. Xay nhuyễn ruột nha đam và trộn chung với 1/2 lít mật ong. Bảo quản hỗn hợp trong ngăn mát tủ lạnh. Mỗi lần uống 10ml x 3 lần/ngày. Dùng thuốc trước bữa ăn 30 phút.
2. Bài thuốc chữa đau dạ dày từ lá mơ lông
Lá mơ lông là thảo dược khá quen thuộc, vừa được sử dụng trong ẩm thực, vừa có nhiều tác dụng chữa bệnh tuyệt vời. Giàu chất chống oxy hóa, các loại vitamin và chất xơ, loại lá này có khả năng trung hòa axit dạ dày, giảm nồng độ axit trong dịch vị, bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Hơn nữa, lá mơ lông còn có tác dụng tiêu thực, giảm đau. Chiết xuất từ lá có tác dụng ức chế rõ rệt với nhiều chủng vi khuẩn, virus gây bệnh. Sử dụng thảo dược này đúng cách sẽ giúp cải thiện được đáng kể các chứng rối loạn tiêu hóa liên quan đến bệnh ở dạ dày, chẳng hạn như khó tiêu, đầy bụng, ợ nóng, tiêu chảy, táo bón.
- Bài 1: Rửa sạch 40g lá mơ lông và ngâm với nước muối. Xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt chia làm 2 lần uống trong ngày.
- Bài 2: Lá mơ lông tươi xắt nhuyễn, trộn chung với 2 quả trứng gà ta. Nêm thêm chút gia vị rồi đem áp chảo cho chín đều 2 mặt. Sử dụng món ăn bài thuốc này thường xuyên để ngăn ngừa và cải thiện các triệu chứng của đau dạ dày.
3. Lá lược vàng chữa đau dạ dày
Bài thuốc dân gian chữa đau dạ dày từ lá lược vàng đang được nhiều người biết đến. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong lá lược vàng chứa nhiều Steroid, Flavonoid. Đây là những chất có khả năng kháng viêm, chống oxy hóa mạnh, giúp chữa lành vết loét ở niêm mạc, giảm đau dạ dày.
Y học cổ truyền cũng ghi nhận, cây lược vàng có tác dụng giải nhiệt, tiêu độc, cầm máu, tiêu thũng, chỉ thống. Chủ trị viêm loét dạ dày, đau dạ dày, vảy nến, dị ứng, viêm họng và nhiều căn bệnh khác.

Cách sử dụng:
- Chuẩn bị 2 lá lược vàng tươi, rửa sạch và ngâm nước muối loãng 15 phút.
- Cuốn nhỏ từng lá và bỏ vào miệng nhai và nuốt nước từ từ
- Mỗi ngày thực hiện 2 – 3 lần trước các bữa ăn chính 30 phút.
4. Mẹo chữa đau dạ dày bằng bài thuốc dân gian từ nghệ
Nghệ được sử dụng như một loại thuốc trị đau dạ dày nổi tiếng trong dân gian. Thảo dược này chữa nhiều curcumin – một chất chống oxy hóa mạnh có khả năng kháng viêm, giảm đau, ức chế hoạt động của vi khuẩn Hp, bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Bài 1: Nghệ tươi rửa sạch, cạo vỏ. Giã nát nghệ rồi đem giã nát. Pha thêm vào một ít nước đun sôi để nguội, trộn đều lên rồi vắt nước cốt nghệ uống ngày 2 lần để chữa đau dạ dày.
- Bài 2: Trộn tinh bột nghệ với mật ong theo tỷ lệ bằng nhau. Mỗi lần ăn 1 thìa x 2 – 3 lần/ngày. Sử dụng bài thuốc này ít nhất 2 tuần để dạ dày giảm đau rõ rệt.
5. Cỏ nhọ nồi chữa đau dạ dày
Nhiều bệnh nhân lựa chọn bài thuốc dân gian từ cỏ nhọ nồi để chữa đau dạ dày tại nhà. Thảo dược này có tác dụng tích cực trong việc tiêu độc, kháng viêm, cầm máu. Hơn nữa, thành phần Flavonozot và Tanin được tìm thấy trong cây còn có tác dụng tiêu diệt gốc tự do, ức chế hoạt động của vi khuẩn gây bệnh, qua đó hỗ trợ giảm đau và đẩy nhanh tốc độ phục hồi tổn thương ở dạ dày.
- Bài 1: Xay nhuyễn 1 nắm lá cỏ nhọ nồi với 1 ly nước đun sôi để nguội. Sau đó bạn lọc lấy nước cốt chia ra làm 2 lần uống. Dùng vào buổi sáng và buổi chiều tối.
- Bài 2: Dùng 50g cỏ nhọ nồi kết hợp với 25g bạch cập, 15g quốc lão và 4 quả đại táo.Sau khi rửa sạch tất cả thì cho vào ấm. Đổ thêm 500ml nước sắc cạn còn 200ml. Chia làm 2 lần uống sau khi ăn khoảng 30 phút.
6. Bài thuốc dân gian chữa đau dạ dày từ chuối hột
Nếu đang tìm kiếm một cách chữa đau dạ dày bằng dân gian an toàn, bạn có thể cân nhắc áp dụng bài thuốc từ quả chuối hột. Trong thành phần của quả có chứa các thành phần Fructooligosaccharides và Kali. Chúng có tác dụng kích thích sự tăng trưởng của các vi sinh vật có lợi trong đường ruột, giúp làm tăng khả năng tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng, đồng thời ức chế vi khuẩn có hại, giảm đau, bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Cách sử dụng:
- Chuẩn bị 5 quả chuối hột xanh và một số nguyên liệu khác gồm 1 quả táo, 50g mía lau
- Tất cả rửa sạch, cắt nhỏ, bỏ vào nồi nấu chung với 500ml nước
- Đun sôi và tiếp tục nấu hỗn hợp trên lửa nhỏ thêm 10 phút nữa.
- Sử dụng bài thuốc này trong khoảng 4 tuần liên tục để thấy được hiệu quả rõ ràng.
7. Mẹo dân gian chữa đau dạ dày từ lá bạc hà
Lá bạc hà chứa methol và nhiều hoạt chất quý. Chúng có tác dụng giảm đau, kháng viêm, làm thư giãn cơ trơn và ức chế co thắt dạ dày, qua đó giảm đau đớn cho người bệnh.
- Bài 1: Rửa sạch vài lá bạc hà tươi và nhai nuốt trực tiếp. Áp dụng hàng ngày để giảm các cơn đau khó chịu trong dạ dày.
- Bài 2: Dùng lá bạc hà tươi hoặc khô hãm với nước sôi trong 15 phút. Rót uống thay trà.
8. Cách chữa đau dạ dày dân gian với mật ong
Cách chữa đau dạ dày bằng mật ong đang được áp dụng rộng rãi trong dân gian. Với thành phần giàu vitamin E, các loại axit amin và nhiều dưỡng chất có lợi, nguyên liệu này có khả năng chống oxy hóa và hoạt động như một phương thuốc tiêu viêm, giảm đau tự nhiên. Ngoài ra, các chất dinh dưỡng trong mật ong còn có tác dụng tăng cường chức năng tiêu hóa, cải thiện sức đề kháng và kích thích tái tạo tế bào mới để tổn thương trong dạ dày được chữa lành nhanh hơn.
- Bài 1: Pha 2 thìa mật ong nguyên chất với một ít nước ấm. Uống vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc dùng khi dạ dày lên cơn đau.
- Bài 2: Tỏi lột vỏ, đập dập và ngâm với mật ong trong khoảng 7 ngày. Để trị đau dạ dày, mỗi lần uống 1 thìa x 2 – 3 lần/ngày.
9. Cây chè dây chữa đau dạ dày
Một số nghiên cứu hiện đại đã phát hiện ra, cây chè dây có tác dụng ức chế mạnh đối với vi khuẩn Hp – thủ phạm gây đau dạ dày, viêm loét dạ dày trong nhiều trường hợp. Ngoài ra, thảo dược này còn có khả năng trung hòa axit dư thừa, cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày và các triệu chứng liên quan đến bệnh.

Cách sử dụng:
- Thân cây rửa sạch, thái thành nhiều lát mỏng rồi đem phơi hoặc sấy khô
- Mỗi lần sử dụng lấy 1 nắm cho vào ấm sắc cùng với lá và 300ml
- Đun sôi khoảng 10 phút rồi lọc lấy nước sắc chia làm 2 lần uống trong ngày.
10. Gừng chữa đau dạ dày
Bài thuốc dân gian chữa đau dạ dày từ gừng đang được nhiều bệnh nhân rỉ tai nhau áp dụng. Đây là một vị thuốc có tác dụng kháng viêm, giảm đau an toàn. Cùng với đó, các hoạt chất quý trong gừng còn có tác dụng giảm tiết axit dạ dày, tăng cường lưu thông máu đến chữa lành vùng niêm mạc bị tổn thương, tăng cường chức năng tiêu hóa cho dạ dày.
- Bài 1: Gừng tươi bằm nhuyễn. Lấy 2 thìa bỏ vào trong cốc nước sôi hãm khoảng 15 phút. Sau đó vớt bỏ bã, quậy vào một chút mật ong uống 2 – 3 lần trong ngày cho hết.
- Bài 2: Lấy 1 củ gừng tươi rửa sạch, giã nát và vắt nước cốt. Hòa nước gừng chung với 1 thìa mật ong nguyên chất, 1 thìa nước cốt chanh và 50ml nước ấm. Uống hết trong một lần vào buổi sáng.
11. Mẹo dân gian chữa đau dạ dày từ lá tía tô
Lá tía tô là thảo dược dễ kiếm, được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực và trong các bài thuốc điều trị bệnh đau dạ dày từ dân gian. Trong lá chứa nhiều tinh dầu với thành phần chính là Glycosid và Tanin. Chúng có tác dụng kháng viêm, xoa dịu cơn đau, giảm tiết axit trong dạ dày, đồng thời làm khô se bề mặt vết loét.
Bạn có thể ăn lá tía tô tươi hoặc sử dụng thảo dược này làm thuốc sắc uống. Nó giúp cải thiện tình trạng ợ nóng, ợ chua, ăn không tiêu và triệu chứng đau liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày…

Cách sử dụng:
- Rửa sạch một nắm lá tía tô tươi, để ráo nước
- Bỏ lá vào ấm và đun sôi với 1/2 lít nước
- Sắc kỹ trong 10 phút là được
- Phần nước sắc thu được để nguội bớt và chia làm vài lần dùng trong ngày.
12. Chữa đau dạ dày bằng đu đủ
Đu đủ được sử dụng để chữa đau dạ dày nhờ chứa nhiều papain. Đây là một loại enzym có khả năng đào thải độc tố, làm tăng khả năng tiêu hóa protein, cải thiện sức đề kháng và chức năng hoạt động của dạ dày.
Cách sử dụng:
- Chuẩn bị 15g đu đủ khô, 10g vỏ bí đao và 6g ngải diệp.
- Tất cả rửa sạch, bỏ vào ấm sắc kỹ lấy nước đặc
- Dùng thuốc sắc 3 lần trong ngày cho đến khi cơn đau thuyên giảm hoàn toàn.
Áp dụng mẹo dân gian chữa đau dạ dày có hiệu quả không?
Những bài thuốc dân gian chữa đau dạ dày đều xuất phát từ tự nhiên nên tương đối lành tính và an toàn cho hầu hết mọi đối tượng. Tuy nhiên, chúng có tác dụng chậm, không mạnh bằng thuốc Tây nên chỉ áp dụng đối với những người bị nhẹ. Nếu phù hợp cơ địa thì sẽ cho hiệu quả tích cực.
Trong quá trình áp dụng mẹo dân gian chữa đau dạ dày, bạn cần lưu ý:
- Kiên trì khi thực hiện. Một số bài thuốc cần áp dụng trong vài tháng liên tục, thậm chí là cả năm mới thấy được hiệu quả rõ ràng.
- Để điều trị dứt điểm chứng đau dạ dày, bạn cần thăm khám để được chẩn đoán và khắc phục các nguyên nhân căn bản nếu có.
- Trường hợp bị đau dạ dày nặng cần kết hợp với phác đồ điều trị của bác sĩ để kiểm soát được bệnh.
- Xây dựng lối sống lành mạnh, không sử dụng các thức ăn có tính kích thích như đồ chua, cay, đồ mặn, các món ăn nhiều dầu mỡ, cà phê, rượu. Hạn chế căng thẳng và tăng cường các thực phẩm tốt cho dạ dày vào trong thực đơn để đẩy nhanh quá trình hồi phục tổn thương, ngăn chặn cơn đau tái phát trở lại.