Kế Hoạch Chăm Sóc Bệnh Nhân Viêm Khớp Dạng Thấp
Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp bao gồm nhiều vấn đề như chế độ ăn uống, tập luyện hàng ngày hay kiểm soát cân nặng cho người bệnh. Ngoài ra, việc nâng cao sức khỏe tinh thần cho người bệnh cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ hồi phục và nâng cao hiệu quả điều trị.
Căn cứ để lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một dạng bệnh rối loạn tự miễn gây tổn thương mãn tính cho xương khớp và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Do hệ miễn dịch nhầm lẫn, các mô khỏe mạnh trong khớp bị kháng thể tấn công và phát sinh phản ứng viêm gây sưng phù, nóng đỏ và đau nhức nhiều khớp cùng lúc. Các khớp bị ảnh hưởng thường đối xứng nhau, thường gặp nhất là ở các khớp bàn tay, ngón tay hay khớp đầu gối.
Bệnh viêm khớp dạng thấp không được kiểm soát tốt có thể gây biến dạng khớp, tàn phế và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Chính vì vậy, bệnh nhân cần tích cực điều trị theo phác đồ của bác sĩ để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Cùng với đó, việc chăm sóc người bệnh viêm khớp dạng thấp đúng cách cũng góp phần nâng cao hiệu quả chữa bệnh, giúp phục hồi sức khỏe, khả năng vận động và giảm nguy cơ gặp biến chứng cho bệnh nhân.
Có nhiều yếu tố được đưa ra để làm căn cứ lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Bao gồm:
1. Dạng viêm khớp dạng thấp
Tùy theo phạm vi tổn thương do viêm khớp dạng thấp gây ra mà bệnh viêm khớp dạng thấp được chia thành các thể sau:
- Thể viêm ít khớp: Bệnh gây viêm không quá 4 khớp, chủ yếu là các khớp lớn. Một số cơ quan khác có thể bị ảnh hưởng, thường gặp nhất là mắt.
- Thể viêm đa khớp: Có trên 5 khớp bị sưng viêm. Tổn thương ảnh hưởng chủ yếu đến các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân. Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em hay người lớn đều xuất hiện thể này, chiếm khoảng 30% trong tổng số các ca bệnh.
- Thể viêm hệ thống: Ngoài khớp, các triệu chứng bệnh còn xuất hiện ở nhiều cơ quan khác như mắt, phổi, da, tim, lá lách hay hệ bạch huyết…
Các trường hợp bị viêm đa khớp và viêm hệ thống thường có tính chất nghiêm trọng hơn so với bệnh nhân bị viêm ít khớp. Nhiều triệu chứng ngoài khớp xuất hiện kèm theo khiến bệnh nhân mệt mỏi, suy giảm sức khỏe. Tùy theo thể bệnh và tính chất nghiệm trọng của các triệu chứng mà chúng ta cần linh động điều chỉnh kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cho phù hợp.
2. Tình trạng sức khỏe tổng thể
Ở bước này, bệnh nhân sẽ được đánh giá bao quát về tình trạng sức khỏe tổng thể cũng như những ảnh hưởng mà viêm khớp dạng thấp gây ra cho cơ thể. Đây cũng chính là một căn cứ quan trọng để xây dựng được kế hoạch chăm sóc phù hợp, hiệu quả cho mỗi bệnh nhân.
Các vấn đề được đưa ra xem xét bao gồm:
- Mức độ sưng đau ở các khớp
- Ảnh hưởng của cơn đau đến khả năng vận động của cơ thể
- Sức khỏe tinh thần của bệnh nhân. Cần quan sát, theo dõi và kiểm tra để tìm kiếm các dấu hiệu liên quan đến tâm thần, trầm cảm. Những vấn đề này có thể xảy ra ở một số bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp kéo dài
- Mức độ cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng khi mới ngủ dậy
- Các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa nếu có và mức độ nghiêm trọng của chúng
- Sự hiện diện của các vấn đề khác về sức khỏe, chẳng hạn như gai khớp, viêm khớp thông thường, thoái hóa khớp…
- Tiền sử bệnh lý của người bệnh, nhất là các bệnh mãn tính cần được điều trị
- Thời điểm bắt đầu xuất hiện các triệu chứng viêm khớp dạng thấp
- Các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp đang sử dụng cùng tác dụng phụ người bệnh gặp phải.
3. Đánh giá mức độ nghiêm trọng của biến chứng
Việc chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cũng cần đặc biệt chú trọng khi người bệnh đang gặp biến chứng. Tùy theo dạng biến chứng gặp phải và mức độ nghiêm trọng của chúng mà xây dựng kế hoạch chăm sóc phù hợp cho bệnh nhân.
Quá trình đánh giá biến chứng bao gồm các vấn đề sau:
- Đánh giá tình trạng teo cơ, biến dạng khớp và các biến chứng khác xảy ra ở xương khớp.
- Ghi nhận các biến chứng ảnh hưởng đến cơ quan ngoài khớp. Chẳng hạn như viêm màng mắt, nổi ban đỏ ngoài da, đau mắt, chóng mặt, khó thở, rối loạn tiêu hóa…
Cách chăm sóc người bệnh viêm khớp dạng thấp
Bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp được chăm sóc đúng cách sẽ nhanh phục hồi sức khỏe và có kết quả điều trị khả quan hơn, đồng thời giảm thiểu nguy cơ gặp phải di chứng nặng nề cho người bệnh. Dưới đây là kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Người nhà có thể tham khảo và điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với tình trạng bệnh của người thân.
1. Trao đổi, giải thích để người bệnh hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh của mình và tầm quan trọng của việc tuân thủ kế hoạch chăm sóc đúng cách
Việc hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của bản thân và tầm quan trọng của chế độ chăm sóc hàng ngày sẽ giúp bệnh nhân có ý thức hơn trong việc tuân thủ kế hoạch đã đề ra.
- Thông báo cho bệnh nhân về các biến chứng đang gặp phải
- Trao đổi với người bệnh về những vấn đề nên và không nên làm trong sinh hoạt, ăn uống hay thói quen vận động hàng ngày để người bệnh tự điều chỉnh lại lối sống cho khoa học, lành mạnh.
2. Yêu cầu bệnh nhân nghỉ ngơi khi xuất hiện cơn đau và tình trạng sưng viêm cấp tính
Đây là một điểm đáng lưu ý khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Người bệnh cần nghỉ ngơi tại chỗ trọng vài ngày khi khớp mới bị sưng và đau nhức nhiều. Hoạt động này nhằm mục đích hạn chế tác động ngoại lực lên khớp. Qua đó giảm thiểu tổn thương cho các mô sụn hay đầu xương và giúp bệnh nhân bớt đau đớn
Trong quá trình nghỉ ngơi, hãy thực hiện một số biện pháp hỗ trợ để giảm nhanh cơn đau như:
- Chườm lạnh giảm sưng viêm khớp. Mỗi lần chườm khoảng 10 – 15 phút, lặp lại sau mỗi 3 – 4 tiếng nếu vẫn còn bị đau
- Hạn chế cử động khớp bị tổn thương
- Lựa chọn tư thế nằm ngủ thoải mái, tránh đè nén lên khớp bị tổn thương
- Tắm bằng nước ấm
- Băng nẹp giữ cố định khớp. Tuy nhiên, người bệnh không nên quấn băng thun quá chặt gây cản trở lưu thông máu và khiến khớp bị sưng đau nghiêm trọng hơn
- Kê một cái gối mềm dưới khớp bị ảnh hưởng để giữ khớp cao hơn tim
- Massage quanh khớp bị tổn thương để kích thích lưu thông máu, làm thư giãn khớp và dây thần kinh, xoa dịu cơn đau.
Việc nghỉ ngơi là cần thiết trong những ngày khớp bị sưng đau nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi các triệu chứng đã thuyên giảm, bạn nên vận động nhẹ nhàng trở lại. Việc bất động lâu ngày có thể gây teo cơ, yếu liệt, cứng khớp.
2. Tập vận động phục hồi chức năng
Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp bao gồm cả việc luyện tập hàng ngày để hỗ trợ giảm đau, chống cứng khớp và phục hồi chức năng vận động cho người bệnh. Nếu không bị đau quá mức, người nhà nên khuyến khích bệnh nhân đi lại, hoạt động nhẹ nhàng. Tránh vận động quá mạnh, lao động nặng hoặc khiêng vác đồ nặng quá sức.
Quá trình luyện tập nên được thực hiện từ cơ bản đến nâng cao. Ban đầu, người bệnh chỉ nên tập luyện với cường độ nhẹ rồi tăng dần theo quá trình phục hồi của khớp cũng như thể trạng của cá nhân.
Một số bài tập được thiết kế dành riêng cho bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp. Người bệnh có thể tham khảo ý kiến các chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn các luyện tập phục hồi chức năng đúng cách.
3. Chăm sóc, cải thiện đời sống tinh thần cho bệnh nhân
Khi phải đối mặt với các triệu chứng khó chịu do viêm khớp dạng thấp gây ra trong thời gian dài, nhiều bệnh nhân thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, lo âu, mất ngủ. Điều này không chỉ gây suy giảm sức khỏe nhanh chóng mà còn gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Hơn nữa, việc căng thẳng quá mức càng kích thích cơn đau tăng nặng và khiến hệ miễn dịch bị rối loạn, tấn công vào khớp nhiều hơn.
Do vậy, việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong “cuộc chiến” chống lại viêm khớp dạng thấp. Người bệnh có thể tìm đến các chuyên gia tâm lý trị liệu nếu cần thiết. Ngoài ra, có thể áp dụng những cách sau để cải thiện tâm trạng:
- Thường xuyên trò chuyện, trao đổi với người thân và bạn bè
- Nghe nhạc, đọc sách hay làm những công việc bản thân yêu thích
- Hít thở sâu và hướng suy nghĩ về những điều tích cực mỗi khi thấy căng thẳng
- Ngủ đủ giấc
- Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày 30 phút
- Tham gia các hội nhóm để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, điều trị viêm khớp dạng thấp với những bệnh nhân khác.
Bên cạnh những nỗ lực từ chính bệnh nhân, người nhà cũng cần quan tâm, lắng nghe những chia sẻ, tâm tư nguyện vọng của người bệnh để họ được tiếp thêm nghị lực vượt qua bệnh tật.
4. Giúp đỡ bệnh nhân trong việc vệ sinh cá nhân
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây khó khăn cho bệnh nhân trong việc tự làm vệ sinh cá nhân. Trường hợp này, người nhà nên sắp xếp thời gian để hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các công việc như:
- Vệ sinh cơ thể
- Thay quần áo
- Chăm sóc răng miệng
- Lau dọn phòng ngủ
- Giặt quần áo, chăn màn và các đồ dùng cá nhân…
5. Chăm sóc người bệnh viêm khớp dạng thấp bằng một chế độ dinh dưỡng khoa học
Việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học cũng cần được chú trọng khi chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Đây là một trong những yếu tố góp phần rất lớn trong hiệu quả điều trị và phục hồi của bệnh nhân. Người nhà cần nắm rõ viêm khớp dạng thấp kiêng ăn gì và nên ăn gì để xây dựng thực đơn ăn uống tốt nhất cho người bệnh.
Bữa ăn của bệnh nhân cần có đầy đủ các nhóm chất. Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin A, C, D, canxi, sắt, omega 3 cho người bệnh. Chúng sẽ giúp nâng cao khả năng miễn dịch và thúc đẩy quá trình phục hồi tổn thương tại khớp. Các loại gia vị như tỏi, gừng, nghệ, cá béo hay rau lá xanh còn có đặc tính giảm đau, kháng viêm tự nhiên, an toàn cho sức khỏe bệnh nhân.
Các thực phẩm cần tránh sử dụng trong chế độ ăn cho người bệnh viêm khớp dạng thấp bao gồm:
- Các món ăn, thực phẩm và gia vị cay nóng
- Thịt đỏ, thịt mỡ
- Nội tạng động vật
- Đồ hộp
- Thức ăn nhanh
- Các món ăn nhiều dầu mỡ
- Các món mặn quá mức
- Nước ngọt, bánh kẹo và các thức ăn chứa nhiều đường khác
- Bia, rượu
6. Theo dõi cân nặng của người bệnh
Cơn đau nhức khớp kéo dài cùng những tổn thương do viêm khớp dạng thấp gây ra ở hệ tiêu hóa khiến nhiều bệnh nhân có cảm giác chán ăn, ăn uống không ngon miệng. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài tất yếu sẽ dẫn đến giảm cân, suy kiệt sức khỏe. Người nhà nên theo dõi cân nặng của bệnh nhân thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, ăn uống cho phù hợp, giúp bệnh nhân luôn duy trì được trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
Ngược lại, đối với các trường hợp béo phì, cần xây dựng kế hoạch giảm cân khoa học cho bệnh nhân để giảm bớt gánh nặng lên các khớp xương.
7. Theo dõi, xử lý tác dụng phụ khi người bệnh dùng thuốc chữa viêm khớp dạng thấp
Để điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân có thể được kê đơn thuốc giảm đau, kháng viêm, tiêm corticoid hay dùng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm. Chúng ít nhiều đều gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn khi sử dụng trong thời gian dài hoặc dùng thuốc không đúng cách.
Người nhà cần theo dõi, nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đúng liều lượng và thời gian đã chỉ định. Sau khi hết thuốc nên đưa bệnh nhân quay trở lại bệnh viện tái khám để được điều chỉnh đơn thuốc và kế hoạch điều trị cho phù hợp.
Trong trường hợp phát hiện người bệnh có triệu chứng bất thường nghi ngờ gặp tác dụng phụ của thuốc, hãy liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn cách xử lý.
Đánh giá hiệu quả của kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp
Quá trình chăm sóc người bệnh viêm khớp dạng thấp được cho là hiệu quả khi:
- Các triệu chứng bệnh thuyên giảm
- Không xuất hiện thêm tổn thương ở các vị trí khác
- Bệnh nhân đáp ứng tốt với thuốc điều trị bệnh và không gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng.
Việc tự đánh giá hiệu quả của kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cũng giúp phát hiện ra những sai sót để kịp thời điều chỉnh, góp phần hỗ trợ tốt nhất cho phác đồ điều trị của bác sĩ.
Có thể bạn chưa biết