Nổi Mề Đay Có Nguy Hiểm Không
Nổi mề đay có nguy hiểm không là băn khoăn của nhiều bạn đọc. Được biết, mề đay là bệnh da liễu rất phổ biến và mỗi người sẽ gặp phải tình trạng này ít nhất 1 lần trong đời. Do đó, việc trang bị những kiến thức về bệnh sẽ giúp bạn chủ động hơn trong quá trình điều trị và phòng ngừa.
Nổi mề đay có nguy hiểm không? Để lâu có sao không?
Nổi mề đay là một trong những bệnh dị ứng da thường gặp. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng da nổi các đám sẩn, mảng có màu hồng hoặc đỏ, kích thước đa dạng, bờ tròn và nổi cộm, ranh giới rõ so với vùng da lành. Nổi mề đay thường gây ngứa ngáy và đôi khi có biểu hiện nóng rát thoáng qua.
Mề đay thực chất là phản ứng của lớp trung bì da do phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch. Phản ứng này thường bị kích thích bởi thức ăn, thời tiết, mủ thực vật, côn trùng, căng thẳng, rối loạn nội tiết tố,… Các triệu chứng của bệnh nổi mề đay thường bùng phát nhanh và biến mất hoàn toàn không để lại dấu vết sau khoảng 24 – 48 giờ. Ngoài ra, cũng có những trường hợp bệnh tiến triển mãn tính và tái đi tái lại.
Nổi mề đay có nguy hiểm không là băn khoăn của khá nhiều bạn đọc. Về cơ bản, bệnh lý này hoàn toàn lành tính. Mề đay thực chất là phản ứng của da khi cơ thể bị dị ứng. Khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng, hệ miễn dịch sẽ sản sinh kháng thể IgE, sau đó kháng thể hoạt hóa tế bào mast tạo nên kháng thể đặc hiệu. Kết quả là giải phóng các chất trung gian hóa học vào trung bì gây viêm, ngứa ngáy, trong đó luôn có vai trò của histamine.
Nhìn chung, ảnh hưởng lớn nhất của bệnh nổi mề đay là ngứa ngáy, mất thẩm mỹ nếu mề đay lan rộng và kéo dài dai dẳng. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp mề đay là dấu hiệu của phản ứng phản vệ (sốc phản vệ). Tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Mặc dù là bệnh lành tính nhưng nổi mề đay vẫn có thể gây ra một số biến chứng như:
- Sốc phản vệ: Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng xảy ra khi cơ thể giải phóng một lượng lớn histamine vào da, mí mắt, niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa. Phản ứng này gây co thắt phế quản dẫn đến tình trạng khó thở, thở khò khè, hạ huyết áp, choáng váng và đôi khi ngất xỉu. Trường hợp nghi ngờ sốc phản vệ cần được cấp cứu kịp thời để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
- Để lại thâm, sẹo trên da: Mề đay thường có thể biến mất mà không để lại dấu vết. Tuy nhiên, nếu liên tục chà xát và gãi cào, da có thể bị thâm, sẹo. Một số trường hợp còn có thể bị nhiễm khuẩn do vệ sinh kém, bề mặt da bị trầy xước và tiếp xúc với các bề mặt nhiều bụi bẩn.
- Da bị chàm hóa: Mề đay là bệnh da liễu có cơ chế dị ứng nên thường gặp người có thể tạng nhạy cảm. Trường hợp bị mề đay mãn tính và thường xuyên gãi, cào có thể khiến da bị chàm hóa. Chàm hóa da đặc trưng bởi hiện tượng da dày sừng, khô, nứt nẻ và ngứa ngáy dai dẳng.
- Giảm chất lượng cuộc sống: Ngoài những biến chứng trên, nổi mề đay có thể làm giảm chất lượng cuộc sống – đặc biệt là những trường hợp mãn tính và tái đi tái lại. Mề đay gây ngứa ngáy nhiều và tình trạng này ảnh hưởng đáng kể đến giấc ngủ, quá trình sinh hoạt.
Nổi mề đay vẫn có thể gây ra một số ảnh hưởng và biến chứng. Tuy nhiên, nhìn chung đây là bệnh da liễu lành tính và đa phần đều có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị.
Lời khuyên cho người bị nổi mề đay mẩn ngứa
Nổi mề đay mẩn ngứa là bệnh da liễu thường gặp và trung bình mỗi người sẽ gặp phải tình trạng này ít nhất 1 lần trong đời. Nếu tình trạng nhẹ và có thể tự thuyên giảm, bạn không nhất thiết phải điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp mề đay kéo dài hơn 48 giờ nên có biện pháp chăm sóc và điều trị hợp lý.
1. Tránh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh
Mề đay chỉ bùng phát khi có tác nhân kích thích. Tác nhân gây bệnh khá đa dạng nhưng chủ yếu là thức ăn gây dị ứng, một số loại thuốc, mủ thực vật, côn trùng, nhiệt độ nóng, lạnh, ma sát, yếu tố thời tiết,… Tránh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh sẽ giúp phòng ngừa nổi mề đay và giới hạn phạm vi, mức độ của bệnh.
Người bị nổi mề đay nên tránh tiếp xúc với những tác nhân sau:
- Các loại thực phẩm gây dị ứng như tôm, cua, nghêu, sò, đậu phộng, mè, lòng trắng trứng, sữa,…
- Đồ uống chứa cồn
- Mủ thực vật
- Côn trùng
- Hạn chế ma sát bằng cách mặc quần áo rộng rãi
- Tránh thân nhiệt tăng và đổ mồ hôi bằng cách hạn chế các hoạt động thể chất khi trời nắng nóng
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên để làm sạch các dị nguyên như nấm mốc, lông chó mèo, mạt bụi,…
- Các loại mỹ phẩm chứa nhiều thành phần gây kích ứng
Nổi mề đay không chỉ xảy ra do các yếu tố bên ngoài mà đôi khi bắt nguồn từ các yếu tố bên trong. Vì vậy, bạn cũng nên kiểm soát các yếu tố này để điều trị bệnh dứt điểm và hạn chế tối đa tình trạng tái phát.
- Sức đề kháng kém là yếu tố gia tăng nguy cơ bị nổi mề đay. Do đó, nên ăn uống và sinh hoạt điều độ để tăng cường sức khỏe.
- Hạn chế căng thẳng, xúc động mạnh.
2. Sử dụng thuốc điều trị
Nếu mề đay tự biến mất chỉ sau vài giờ, bạn không nhất thiết phải sử dụng thuốc. Tuy nhiên, trong trường hợp mề đay kéo dài hơn 24 giờ, nên xem xét sử dụng một số loại thuốc kháng histamine H1.
Đối với mề đay mãn tính, bác sĩ sẽ xem xét dùng một số loại thuốc chống dị ứng như thuốc kháng IgE, thuốc kháng leukotriene, thuốc kháng cytokine,… Các loại thuốc này sẽ được sử dụng nếu thuốc kháng histamine H1 không mang lại hiệu quả.
Sử dụng thuốc đúng cách và đúng liều lượng giúp kiểm soát triệu chứng do mề đay gây ra. Vì nguyên nhân chưa rõ ràng nên một số bệnh nhân có thể bị mề đay mãn tính trong nhiều năm. Trong một số trường hợp, không thể điều trị dứt điểm nổi mề đay. Tuy nhiên, sử dụng thuốc đều đặn sẽ giúp cải thiện triệu chứng hiệu quả và hạn chế phần nào những biến chứng của bệnh.
3. Sàng lọc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn
Nổi mề đay đôi khi là dấu hiệu của các bệnh lý tiềm ẩn. Trong trường hợp bệnh kéo dài hơn 6 tuần, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ sàng lọc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Nổi mề đay có thể là dấu hiệu của các vấn đề về gan, nhiễm ký sinh trùng, rối loạn tuyến giáp,… Để cải thiện bệnh hiệu quả, cần kiểm soát các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn kể trên.
Bài viết đã tổng hợp thông tin giải đáp “Nổi mề đay có nguy hiểm không?” và đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp kiểm soát bệnh hiệu quả. Trong trường hợp nghi ngờ sốc phản vệ, nên đến bệnh viện sớm để được cấp cứu và xử trí kịp thời. Ngoài ra, cần có các biện pháp phòng ngừa để tránh bệnh tái đi tái lại gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Tham khảo thêm: