Bệnh Hắc Lào Có Nguy Hiểm Không
Hắc lào là bệnh da liễu thường gặp nhưng không phải ai cũng hiểu rõ bệnh lý này có nguy hiểm hay không. Thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hình dung cụ thể những ảnh hưởng, biến chứng của bệnh. Đồng thời trang bị kiến thức để có thể chăm sóc và điều trị một cách khoa học.
Bệnh hắc lào có nguy hiểm không? Biến chứng có thể gặp phải
Hắc lào (lác đồng tiền) là một trong những bệnh da liễu do nấm thường gặp. Tác nhân gây bệnh là các loại nấm sợi dermatophytes (Trichophyton, Microsporum, Epidermophyton). Thông thường, các tác nhân này có ở da của người bệnh, môi trường và một số loài động vật như chó, mèo, ngựa,… Nấm sợi có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc lây qua các vật dụng trung gian.
Vì không thể tổng hợp chất hữu cơ nên nấm sợi sẽ ký sinh ở thượng bì da. Các chất chuyển hóa của nấm chính là nguyên nhân trực tiếp khiến da nổi các đám tổn thương màu đỏ, bong vảy kèm theo ngứa ngáy nhẹ. Các bệnh nấm da nói chung và hắc lào nói riêng thường bùng phát vào thời tiết nóng ẩm. Nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên nguy cơ mắc chứng bệnh này khá cao. Vì vậy, không ít người băn khoăn Bệnh hắc lào có nguy hiểm không?
Theo các bác sĩ Da liễu, hắc lào là bệnh da liễu lành tính và có thể điều trị dứt điểm. Do tổn thương nằm ở thượng bì nên nếu sử dụng thuốc đúng cách và chăm sóc hợp lý, vùng da bị hắc lào sẽ thuyên giảm nhanh chỉ sau một thời gian ngắn. Nếu chủ quan, nấm sợi có thể phát triển mạnh gây tổn thương trên diện rộng. Dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng tổn thương da và tình trạng ngứa ngáy dai dẳng do hắc lào ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống.
Những ảnh hưởng, biến chứng có thể gặp phải khi bị hắc lào (lác đồng tiền):
1. Gây ngứa ngáy, khó chịu
Hắc lào thường gây ngứa ngáy, khó chịu – đặc biệt là khi da tiết nhiều mô hôi. Thực tế, mức độ ngứa do bệnh lý này không nghiêm trọng như viêm da cơ địa, nổi mề đay nhưng ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống. Đối với những trường hợp hắc lào lan rộng, tình trạng ngứa ngáy có thể trở nên nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ.
2. Ảnh hưởng đến thẩm mỹ làn da
Tổn thương do hắc lào có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào nhưng thường gặp nhất là vùng kín, bẹn, nách, cổ và mặt. Ngoài tình trạng ngứa ngáy, tổn thương do bệnh lý này cũng ảnh hưởng đến thẩm mỹ da. Các đám tròn do hắc lào thường có màu hồng, đỏ hoặc nâu nhạt khiến cho làn da trở nên không đều màu. Nữ giới bị hắc lào sẽ trở nên thiếu tự tin và e ngại khi diện một số trang phục.
Nếu điều trị sớm và đúng cách, hắc lào có thể thuyên giảm mà không để lại dấu vết. Tuy nhiên, tình trạng chủ quan khiến bệnh tiến triển mãn tính sẽ phải đối mặt với nguy cơ thâm, sẹo. Đây cũng là lý do dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng hắc lào và các bệnh nấm da cần được điều trị càng sớm càng tốt.
3. Nguy cơ viêm nhiễm, chàm hóa
Một trong những biến chứng khác có thể gặp phải khi bị hắc lào là tăng nguy cơ viêm nhiễm, chàm hóa. Như đã đề cập, hắc lào thường gây tổn thương da kèm theo ngứa ngáy. Khi thân nhiệt tăng và da đổ nhiều mồ hôi, mức độ ngứa sẽ tăng lên. Vì vậy, không ít người có thói quen gãi cào mạnh để giảm ngứa ngáy. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm – nhất là với những trường hợp vệ sinh da kém và hệ miễn dịch suy giảm.
Ngoài ra, thói quen gãi cào thường xuyên cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng chàm hóa. Chàm hóa được hiểu là tình trạng da tăng sinh tế bào thượng bì dẫn đến tổn thương dày sừng, cứng, xuất hiện các nếp gấp sâu đi kèm với ngứa ngáy và bứt rứt.
4. Hắc lào tái đi tái lại
Các loại nấm sợi gây bệnh hắc lào có thể phát triển mạnh khi da đổ nhiều mồ hôi, hệ miễn dịch kém và không vệ sinh cơ thể đúng cách. Ở những trường hợp chủ quan không điều trị sớm, hắc lào có thể tái đi tái lại gây ra nhiều ảnh hưởng đối với thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống.
5. Lây nhiễm cho người khác
Các loại nấm sợi (Trichophyton, Microsporum, Epidermophyton) có khả năng lây nhiễm cao. Khi bị hắc lào, bạn nên tránh tiếp xúc với người khác để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, nên thận trọng với tình trạng lây nhiễm gián tiếp qua những vật dụng trung gian như khăn tắm, khăn mặt,…
Lây nhiễm cho người khác sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến cho quá trình điều trị trở nên khó khăn và nguy cơ bệnh tái phát cao. Đây cũng là lý do ngoài các phương pháp y tế, bạn cần có biện pháp chăm sóc hợp lý để kiểm soát dứt điểm bệnh.
Những điều cần biết khi bị hắc lào
Hắc lào là một dạng nhiễm trùng da do nấm khá phổ biến. Mặc dù là bệnh lành tính nhưng các triệu chứng của bệnh ảnh hưởng đáng kể đến thẩm mỹ, ngoại hình và chất lượng cuộc sống. Để kiểm soát dứt điểm tình trạng này, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau khi phát hiện có các dấu hiệu hắc lào trên da:
1. Thăm khám và điều trị sớm
Hắc lào là bệnh có khả năng lây nhiễm và lây lan nhanh chóng. Chính vì vậy, nên thăm khám và điều trị sớm ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường. Những trường hợp thăm khám kịp thời đa phần đều có đáp ứng tốt, đặc biệt là khi hắc lào mới chỉ gây tổn thương trên phạm vi nhỏ.
Trong khi đó, những trường hợp thăm khám muộn sẽ mất nhiều thời gian điều trị và đôi khi sẽ phải sử dụng thuốc uống. Các loại thuốc bôi trị hắc lào mang lại kết quả tốt, ít tác dụng phụ nhưng khó có thể kiểm soát hắc lào trên diện rộng. Do đó, trường hợp nặng sẽ phải dùng thuốc uống. Tuy nhiên, thuốc kháng nấm đường uống có thể gây độc lên gan. Vì vậy, bạn nên thăm khám sớm để tránh nguy cơ phải dùng thuốc uống và điều trị bệnh trong thời gian nhanh nhất.
2. Chăm sóc đúng cách
Ngoài sử dụng thuốc, nên thực hiện thêm các biện pháp chăm sóc để kiểm soát triệu chứng và hỗ trợ điều trị bệnh hắc lào triệt để. Các biện pháp chăm sóc giúp cải thiện phần nào tình trạng ngứa ngáy, đồng thời hạn chế nguy cơ tái nhiễm và lây nhiễm cho người khác.
Các biện pháp chăm sóc nên thực hiện trong quá trình điều trị bệnh hắc lào:
- Đảm bảo vệ sinh cơ thể ít nhất 1 lần/ ngày. Đối với vùng da tổn thương, nên dùng dung dịch sát trùng vệ sinh 2 lần/ ngày để ngăn ngừa bội nhiễm.
- Dùng các sản phẩm làm sạch có độ pH trung tính. Bởi các sản phẩm có độ pH quá cao có thể tạo điều kiện cho nấm sợi phát triển.
- Mặc quần áo rộng rãi và có chất liệu thấm hút để ổn định thân nhiệt và tránh đổ mồ hôi quá nhiều. Nếu bị nổi hắc lào ở vùng kín, nên mặc quần áo lót có chất liệu mềm, thoáng và tránh mặc quần lót ẩm.
- Khi bị ngứa ngáy, tuyệt đối không gãi cào và chà xát mạnh lên da. Để giảm ngứa, bạn có thể chườm lạnh hoặc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ/ dược sĩ.
- Hệ miễn dịch suy giảm là yếu tố thuận lợi để hắc lào phát triển và lây lan trên diện rộng. Chính vì vậy, nên có chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ để nâng cao sức đề kháng.
- Có thể kết hợp với các mẹo chữa hắc lào tại nhà để tăng hiệu quả điều trị. Ưu điểm của các biện pháp tại nhà là độ an toàn cao, lành tính và giúp ích khá nhiều trong việc cải thiện triệu chứng.
- Nếu bị hắc lào do nhiễm từ thú cưng, bạn nên cho thú cưng đến phòng khám thú ý để được điều trị. Từ đó mới có thể hạn chế nguy cơ tái nhiễm và kiểm soát dứt điểm bệnh hắc lào.
3. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm
Các loại nấm sợi gây hắc lào có thể lây nhiễm thông qua tiếp xúc. Trong thời gian điều trị, ngoài các biện pháp chăm sóc, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh.
Các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh hắc lào:
- Nên giặt riêng quần áo và tốt nhất nên giặt với nước ấm, sau đó phơi dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt các loại nấm gây bệnh.
- Không sử dụng chung khăn mặt, khăn tắm với những người khác. Ngoài ra, nên giặt giũ mền, vỏ gối, ga giường để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh.
- Không tiếp xúc gần gũi với người khác trong thời gian điều trị hắc lào.
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên và có thể dùng cồn khử khuẩn, sát trùng để tránh tình trạng lây nhiễm bệnh cho những người khác.
Hy vọng qua thông tin trong bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ “Bệnh hắc lào có nguy hiểm không?” và biết cách xử lý, khắc phục khi gặp phải tình trạng này. Sau khi điều trị, nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế nguy cơ tái nhiễm.
Tham khảo thêm: