Mụn Cóc
Mụn cóc là tình trạng da nổi các nốt sẩn, u nhú do nhiễm virus HPV. Đây là bệnh da liễu lành tính, ít gây ngứa ngáy, đau rát và hiếm khi ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, mụn cóc ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình, thẩm mỹ.
Mụn cóc là gì?
Mụn cóc là bệnh da liễu lành tính, đặc trưng bởi các u nhú nhỏ xuất hiện trên bề mặt da do nhiễm các chủng virus HPV (Human Papilloma Virus). HPV là nhóm virus gây u nhú tăng gai và mỗi chủng sẽ gây ra một vài vấn đề da liễu. Ngoài mụn cóc, nhiễm chủng virus này còn là nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà, hạt cơm phẳng,… Tuy nhiên, mụn cóc là bệnh lành tính và có thể điều trị dễ dàng.
Bệnh lý này có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở trẻ em và người trẻ tuổi, rất ít khi gặp ở người già. Biểu hiện của bệnh khá đa dạng và có xuất hiện ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể, bao gồm cả mặt và cơ quan sinh dục.
Mặc dù không nguy hiểm nhưng bệnh có khả năng lây nhiễm cao cho những người xung quanh. Ngoài ra, mụn cóc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình và sự tự tin khi quan hệ tình dục. Vì vậy, cần thăm khám và điều trị mụn cóc trong thời gian sớm nhất để hạn chế những ảnh hưởng của bệnh.
Nguyên nhân gây mụn cóc
Như đã đề cập, mụn cóc là bệnh khá lành tính do nhiễm virus HPV. Tuy nhiên, nhóm virus này có rất nhiều chủng và chỉ có một số chủng mới phát triển thành bệnh lý này. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh cũng sẽ tăng lên khi có một số yếu tố thuận lợi.
1. Căn nguyên
Tác nhân gây mụn cóc chính là Human Papilloma Virus (HPV). Theo thống kê, có khoảng hơn 100 chủng virus HPV, trong đó các chủng HPV 1, 2, 4, 16, 18, 27, 28, 29 49,… là các chủng thường gây bệnh mụn cóc. Virus có thể xâm nhập vào da bằng nhiều cách như tiếp xúc với người bệnh, nhiễm virus từ môi trường, phòng tắm,… Ngoài ra, virus cũng có trong khói bụi từ thủ thuật đốt điện, đốt laser và lây nhiễm cho nhân viên y tế.
2. Yếu tố thuận lợi
HPV là chủng virus rất dễ lây và có thể tự lây nhiễm. Nguy cơ nhiễm virus sẽ tăng lên khi có những yếu tố thuận lợi như:
- Chấn thương nhỏ trên da khiến cho lớp sừng bị phá vỡ, từ đó tạo điều kiện để virus xâm nhập vào bên trong.
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch dài ngày
- Người có hệ miễn dịch kém (ghép thận, nhiễm HIV) có nguy cơ nổi mụn cóc cao và khó điều trị hơn so với những đối tượng khác.
Biểu hiện của mụn cóc
Mụn cóc có biểu hiện khá đa dạng và hình thái tổn thương sẽ có sự khác biệt tùy vào từng loại. Bệnh được đặt tên dựa trên vị trí xuất hiện, chẳng hạn như mụn cóc ở lòng bàn tay, bàn chân, mụn cóc sinh dục,…
1. Triệu chứng chung
Mụn cóc là các u nhú lành tính do da tăng sinh tế bào thượng bì. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Bề mặt da nổi các u nhú, sẩn cứng, thường mọc riêng lẻ và rải rác. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể mọc tụ lại thành từng đám, từng cụm.
- Mụn cóc có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào từ bàn tay, bàn chân, rãnh móng, đầu gối, mặt, cơ quan sinh dục, mí mắt,…
- Mụn cóc thường là các sẩn tròn có màu da, sờ vào có cảm giác cứng chắc, khô và dày sừng. Một số trường hợp nổi các u nhú có gai, bề mặt nhấp nhô và nhọn.
- Đa phần các trường hợp bị nổi mụn cóc đều không gây viêm hay đau, trừ những trường hợp nổi mụn cóc ở dưới lòng bàn chân, dưới móng và xung quanh móng.
- Mụn cóc mọc dưới móng có thể đẩy móng lên gây đau và đặc biệt đau nhiều khi chạm vào.
- Mụn cóc ở mí mắt thường có chân, phía trên dày sừng và được gắn vào bề mặt da bằng các chân nhỏ.
2. Dấu hiệu đặc trưng của từng loại mụn cóc
Mụn cóc được chia thành nhiều loại khác nhau dựa vào vị trí mọc. Vị trí và hình thái của mụn cóc thường được quy định bởi chủng virus HPV. Dưới đây là biểu hiện đặc trưng của các loại mụn cóc thường gặp:
– Mụn cóc thông thường:
Mụn cóc thông thường xảy ra do nhiễm HPV chủng 1, 2, 4, 27, 29. Loại mụn cóc này có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau như khuôn mặt, đầu gối, ngón tay, khuỷu tay và bàn chân.
Biểu hiện thường gặp là các nốt sẩn có màu xám đen, nâu, vàng, xám nhạt kích thước từ 2 – 10mm, sờ vào có cảm giác cứng, thô ráp, bờ không đều và có ranh giới rõ so với vùng da lành. Tổn thương da thường không gây đau nhưng đôi khi có gây đau nhẹ (ở vùng lòng bàn chân).
– Mụn cóc dạng nhú:
Mụn cóc dạng nhú thường xuất hiện ở môi, cổ, mặt và mí mắt. Biểu hiện thường gặp là các u nhú có gai nhọn, gốc nhỏ và mở rộng ở phía trên. Sờ vào cứng chắc, lởm chởm và u nhú thường có màu vàng nhạt, màu da hoặc hồng. Đây là loại mụn cóc lành tính và dễ điều trị nhất.
– Mụn cóc lòng bàn tay, bàn chân:
Tác nhân gây mụn cóc lòng bàn tay, bàn chân là HPV type 1. Loại mụn cóc này xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân với biểu hiện là các sẩn cứng, phẳng do bị đè nén. Mụn cóc ở dưới bàn chân có thể gây đau khi đi đứng và có thể gây chảy máu khi có tác động mạnh.
– Mụn cóc quanh móng:
Mụn cóc quanh móng là một trong những dạng mụn cóc thường gặp. Tổn thương là các sẩn có hình dáng như súp lơ mọc ở xung quanh móng, vùng da xung quanh dày lên và nứt nẻ. Ban đầu, mụn cóc quanh móng không gây đau hay khó chịu nhưng khi mụn cóc lan rộng có thể gây đau do các vết nứt lớn.
Nếu không điều trị sớm, mụn cóc có thể gây nứt móng, tách móng. Dạng mụn cóc này thường gặp ở những người làm công việc phải tiếp xúc với nước, hóa chất thường xuyên như bartender, đầu bếp, tạp vụ,…
– Mụn cóc sinh dục:
Mụn cóc sinh dục là tình trạng mụn cóc mọc ở cơ quan sinh dục của nam và nữ. Biểu hiện thường gặp là các sẩn phẳng, mọc riêng lẻ, bề mặt thô ráp hoặc bóng mịn xuất hiện ở dương vật, môi lớn, môi bé, hậu môn, quanh trực tràng,…
Dạng mụn cóc này thường không có triệu chứng nhưng nếu mọc ở hậu môn, trực tràng có thể gây ngứa ngáy. Đối với những trường hợp bị mụn cóc sinh dục, cần sàng lọc HPV type 16 và 18 bởi đây là tác nhân gây ung thư cổ tử cung. Nam giới mắc phải chứng bệnh này thường không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng cần sàng lọc cho bạn tình vì virus có thể lây qua tiếp xúc và quan hệ tình dục.
– Mụn cóc phẳng:
Mụn cóc phẳng thường xuất hiện ở vùng mặt và có khả năng lây lan cao. Dạng mụn cóc này gặp chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên. Mụn cóc phẳng được gây ra bởi virus HPV type 3, 10, 28 và 49.
Biểu hiện là các nốt sẩn nhỏ, có màu xám, nâu, hồng hoặc vàng nhạt, thường mọc riêng lẻ với số lượng nhiều tạo thành từng đám, mảng. Mặc dù không gây ngứa ngáy hay đau rát nhưng mụn cóc phẳng là dạng khó điều trị, dễ tái đi tái lại.
– Mụn cóc thể khảm:
Mụn cóc thể khảm thường xuất hiện ở lòng bàn chân. Đặc trưng là các nốt sẩn có kích thước nhỏ mọc lại thành đám. Vì mọc ở lòng bàn chân nên mụn cóc dễ bị kích thích, nhạy cảm và đau rát khi đứng hoặc đi bộ, chạy bộ.
Mụn cóc có ảnh hưởng gì không?
Như đã đề cập, mụn cóc là bệnh da liễu lành tính do sự tăng sinh của các tế bào thượng bì. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm HPV – chủng virus gây u nhú tăng gai ở người. Nhìn chung, tổn thương do mụn cóc gây ra hầu như không đau, ngứa ngáy hay viêm đỏ – trừ một số trường hợp mọc ở lòng bàn chân và hậu môn.
Mụn cóc là tổn thương da lành tính nên sẽ dễ dàng điều trị bằng cách dùng thuốc và thực hiện một số biện pháp xâm lấn. Tuy nhiên, HPV rất dễ lây nhiễm thông qua tiếp xúc, đất, cát hoặc có thể lây qua việc sinh hoạt chung, sử dụng chung các vật dụng cá nhân. Ở những trường hợp có hệ miễn dịch suy giảm, HPV có thể tự lây nhiễm khiến mụn cóc mọc trên diện rộng, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và gây ra phiền toái khi sinh hoạt.
Về cơ bản, ảnh hưởng lớn nhất của mụn cóc là gây đau nhẹ, ngứa ngáy và ảnh hưởng đến ngoại hình. Tuy nhiên, một số trường hợp nhiễm HPV type 16 và 18 sẽ có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung. Nam giới được chẩn đoán mụn cóc sinh dục cần trao đổi với bạn tình để thực hiện sàng lọc HPV và can thiệp trong trường hợp cần thiết.
Các kỹ thuật chẩn đoán mụn cóc
Mụn cóc thường được chẩn đoán thông qua triệu chứng lâm sàng. Mặc dù ít khi gây đau nhưng chạm mạnh vào mụn cơm có thể gây chảy máu, đặc điểm này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán phân biệt với các bệnh da lành tính có triệu chứng tương tự.
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết da để chẩn đoán phân biệt với ung thư biểu mô tế bào đáy, u mềm lây, dày sừng và lichen phẳng. Nhìn chung, quá trình chẩn đoán mụn cóc tương đối đơn giản.
Các phương pháp điều trị mụn cóc
Điều trị mụn cóc bao gồm hai phương pháp chính là sử dụng thuốc và can thiệp một số biện pháp xâm lấn. Các phương pháp này mang lại hiệu quả khá cao. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mụn cóc tái đi tái lại và khó điều trị dứt điểm.
Sau khi chẩn đoán và xác định được loại mụn cóc, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là các phương pháp trị mụn cóc được áp dụng phổ biến nhất:
1. Sử dụng thuốc
Mụn cóc thực chất là hiện tượng tế bào thượng bì tăng sinh lành tính do nhiễm HPV. Vì vậy, có thể sử dụng thuốc bôi có tác dụng bạt sừng, bong vảy để loại bỏ các nốt sẩn và giúp bề mặt da trở nên mềm mịn hơn. Ngoài ra, những trường hợp nặng hơn sẽ được xem xét dùng thuốc uống và thuốc tiêm.
Các loại thuốc được dùng để điều trị mụn cóc:
- Acid salicylic: Acid salicylic là một dạng axit được sử dụng nhiều trong điều trị các bệnh da liễu như viêm da cơ địa, vẩy nến, mụn trứng cá và mụn cóc. Hoạt chất này có tác dụng bạt sừng và loại bỏ tế bào sừng trên bề mặt da. Trị mụn cóc bằng Acid salicylic mang lại hiệu quả khá tốt, đặc biệt trong trường hợp mụn cóc có kích thước nhỏ.
- Axit Trichloroacetic: Axit Trichloroacetic thường được dùng để điều trị mụn cóc, mụn cơm, sùi mào gà,… Thuốc có tác dụng tiêu diệt virus HPV và làm khô các sẩn u nhú trên da. Sau đó, các sẩn này sẽ khô lại và bong ra mà không gây đau đớn. Loại thuốc này thường được chấm trực tiếp lên mụn cóc cho đến khi nốt sẩn khô và rơi ra.
- 5-Fluorouracil: Các loại thuốc bôi chứa 5-Fluorouracil có thể được dùng để điều trị mụn cóc và dày sừng da. Thuốc thường được dùng với nồng độ 5% trong vòng 1 tháng để loại bỏ các sẩn và u nhú do mụn cóc.
- Cantharidin (verr-Canth): Cantharidin (verr-Canth) có tác dụng gây hoại tử thượng bì nên có thể được dùng để phá vỡ và loại bỏ các nốt sẩn, u nhú do mụn cơm gây ra. Tuy nhiên, do thuốc gây hoại tử da nên phải được bác sĩ da liễu sử dụng. Thời gian dùng thuốc kéo dài khoảng 3 – 4 tuần và mang lại hiệu quả khá rõ rệt.
- Podophyllin: Podophyllin là loại thuốc có chiết xuất từ nhựa cây được sử dụng khá phổ biến trong điều trị mụn cóc sinh dục. Thuốc được bôi trực tiếp lên các sẩn, u nhú để loại bỏ mụn cóc. Lưu ý không dùng loại thuốc này cho phụ nữ mang thai và không bôi trên diện rộng.
- Axit aminolevoulinic: Axit aminolevoulinic thường được dùng trong trường hợp mụn cóc không thuyên giảm sau khi dùng các loại thuốc trên. Cơ chế của thuốc là làm tăng độ nhạy cảm với ánh nắng và thường được chỉ định cho những trường hợp điều trị mụn cóc bằng ánh sáng xanh. Kết hợp cả hai phương pháp mang lại hiệu quả cao và có thể ngăn mụn cóc tái đi tái lại.
- Tretinoin: Tretinoin là dẫn xuất của vitamin A được sử dụng tại chỗ. Loại thuốc này thường được dùng để điều trị mụn trứng cá và chống lão hóa da nhưng hiện nay cũng được sử dụng để trị mụn cóc. Tretinoin cho hiệu quả tốt, đặc biệt là trong trường hợp mụn cóc phẳng.
- Cimetidin: Cimetidin là thuốc điều trị đau dạ dày với tác dụng chính là giảm tiết dịch vị. Tuy nhiên, dùng thuốc liều cao có thể điều chỉnh miễn dịch và cải thiện tình trạng mụn cóc hiệu quả. Thuốc cho hiệu quả hạn chế nhưng vẫn có thể sử dụng trong một số trường hợp cần thiết.
- Bleomycin: Bleomycin là thuốc kháng sinh chống ung thư được dùng để điều trị các bệnh u ác tính. Tuy nhiên, thuốc cũng được dùng để điều trị mụn cóc trong trường hợp kháng trị (hiệu quả từ 33 – 92%). Bleomycin gây ra khá nhiều tác dụng phụ nên chỉ được dùng khi thật sự cần thiết.
- Thuốc tiêm Interferon-alfa 2a và interferon-alfa 2b: Interferon-alfa 2a và interferon-alfa 2b là thuốc kháng ung thư và kháng viêm. Thuốc được tiêm vào thương tổn da trong trường hợp mụn cóc có kích thước lớn. Loại thuốc này thường được tiêm 3 lần/ tuần trong liên tục 3 – 6 tuần.
Nhìn chung, các loại thuốc điều trị mụn cóc cho kết quả khá tốt. Trong đó, thuốc dùng ngoài là lựa chọn ưu tiên. Những trường hợp mụn cóc có kích thước lớn hoặc nổi trên diện rộng sẽ được xem xét dùng thuốc dạng tiêm, uống.
2. Các kỹ thuật xâm lấn
Ngoài sử dụng thuốc, điều trị mụn cóc còn bao gồm các kỹ thuật xâm lấn. Các phương pháp này thường được phối hợp với thuốc để tăng hiệu quả. Kỹ thuật xâm lấn giúp loại bỏ nhanh chóng các u nhú, sẩn cứng do mụn cóc nhưng virus vẫn tồn tại bên trong các mô. Vì vậy, phải dùng kết hợp với thuốc để đào thải virus và ngăn hiện tượng tái phát.
Các kỹ thuật xâm lấn được áp dụng trong điều trị mụn cóc:
- Phẫu thuật lạnh (liệu pháp áp lạnh): Phẫu thuật lạnh là phương pháp mang lại hiệu quả cao trong điều trị mụn cóc. Phương pháp này sử dụng nito lỏng có nhiệt độ thấp nhằm là hoại tử u nhú và sẩn cứng. Sau một thời gian, các u nhú này sẽ khô dần và bong ra khỏi bề mặt da.
- Đốt plasma: Đốt plasma là phương pháp sử dụng tia plasma để ức chế và tiêu diệt các tế bào thượng bì tăng sinh quá mức. Phương pháp này giúp loại bỏ mụn cóc một cách nhanh chóng và quy trình thực hiện khá đơn giản, chi phí hợp lý. Sau khi đốt plasma, nên dùng kèm với thuốc để đạt được kết quả tốt nhất.
- Đốt laser: Trị mụn cóc bằng laser là phương pháp hiện đại và được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Tia laser có tác dụng phá vỡ các sẩn và u nhú trên thượng bì da. Đồng thời kích thích tăng sinh collagen và elastin để phục hồi da nhanh chóng. Đốt laser cho hiệu quả cao, ít đau rát và hầu như không để lại sẹo.
- Phẫu thuật nạo bỏ: Trong trường hợp mụn cóc khá lớn, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nạo bỏ. Phẫu thuật có quy trình khá nhanh chóng và ít đau. Tuy nhiên, sau khi nạo bỏ, da sẽ có vết thương nên cần phải chăm sóc để tránh viêm nhiễm.
Khi đốt mụn cóc, virus có thể được giải phóng trong các tế bào da. Do đó, kỹ thuật viên phải thực hiện các biện pháp bảo hộ để tránh lây nhiễm.
3. Các biện pháp nâng đỡ, hỗ trợ
Ngoài sử dụng thuốc và can thiệp các kỹ thuật xâm lấn, có thể thực hiện các biện pháp hỗ trợ và nâng đỡ để tăng hiệu quả điều trị. Các phương pháp hỗ trợ giúp ích rất nhiều trong việc giảm các sẩn cứng, u nhú và hạn chế bệnh tái đi tái lại.
- Ngâm nước ấm: Đối với mụn cóc ở lòng bàn chân, có thể ngâm nước ấm từ 30 – 45 phút với tần suất 2 lần/ tuần. Duy trì cách này trong 8 tuần sẽ giúp loại bỏ mụn cóc mà không cần phải can thiệp các kỹ thuật xâm lấn. Để tăng hiệu quả, nên sử dụng kết hợp với các loại thuốc bôi ngoài.
- Viên uống vitamin A, C: Hệ miễn dịch kém là yếu tố thuận lợi khiến cho mụn cóc nổi trên diện rộng. Vì vậy, những trường hợp có hệ miễn dịch kém sẽ được bổ sung viên uống chứa vitamin C và A. Ngoài ra, nên tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin A, C để cải thiện sức khỏe và giúp da phục hồi nhanh chóng hơn.
Phòng ngừa mụn cóc bằng cách nào?
Mụn cóc là bệnh da liễu lành tính nhưng ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và đôi khi tái đi tái lại gây phiền toái khi sinh hoạt. Vì tác nhân gây bệnh tồn tại ở nhiều nơi như người bệnh, đất, cát và các khu vực sinh hoạt chung nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Để phòng ngừa bệnh, có thể thực hiện một số biện pháp sau:
- Tiêm vaccine là cách hiệu quả nhất giúp phòng ngừa nhiễm HPV và mụn cóc hiệu quả. Hiện tại ở nước ta có 2 loại vaccine, loại 1 có thể phòng 2 type gây ung thư cổ tử cung (type 16, 18) và loại 2 phòng được ung thư cổ tử cung cùng với một số bệnh u nhú do type 16, 18, 6, 11.
- Ngoài ra, nên tránh tiếp xúc với da của người bị mụn cóc và hạn chế sử dụng chung các vật dụng như dụng cụ cắt móng, khăn tắm, quần áo, mền, vỏ gối,… để tránh lây nhiễm virus HPV.
- Virus HPV có thể tồn tại ở những khu vực công cộng như phòng tập, hồ bơi, nhà tắm công cộng,… Vì vậy, nên hạn chế đi chân trần khi đến những địa điểm này.
- Nâng cao sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh cũng là cách phòng ngừa HPV hiệu quả.
- Virus HPV thường xâm nhập vào da khi da bị chấn thương. Do đó, bạn nên thận trọng khi sinh hoạt để hạn chế tối đa các vết thương hở.
Mụn cóc là bệnh da liễu lành tính do nhiễm virus HPV. Mặc dù ít ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nếu để lâu, mụn cóc có thể nổi trên diện rộng, khó điều trị dứt điểm và dễ tái đi tái lại. Do đó, nên điều trị sớm ngay khi da xuất hiện các nốt sẩn và u nhú.
Tham khảo thêm: