Cách Chữa Đau Vai Gáy Tại Nhà
Thực hiện các cách chữa đau vai gáy tại nhà kịp thời giúp kiểm soát triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển nặng. Điểm chung của các biện pháp này là dễ thực hiện, an toàn và hiếm khi gây ra tác dụng phụ.
9 Cách chữa đau vai gáy tại nhà an toàn, hiệu quả
Đau vai gáy là một trong những vấn đề cơ xương khớp thường gặp bên cạnh bong gân, đau dây thần kinh liên sườn, giãn cơ,… Vùng vai gáy có nhiều khối cơ, xương, dây chằng và dây thần kinh. Các cơ quan này hoạt động nhịp nhàng giúp cho cổ, vai và lưng cử động dễ dàng và linh hoạt.
Đau vai gáy thường xảy ra do tư thế xấu, stress, tập luyện cường độ cao hoặc do ảnh hưởng của các bệnh xương khớp khác như thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm cổ. Tình trạng đau nhức ở cơ quan này ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh hoạt và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh xương khớp mãn tính nếu không có biện pháp điều trị kịp thời.
Đa phần các trường hợp bị đau mỏi vai gáy đều do thói quen xấu, chấn thương, nhiễm lạnh và một số nguyên nhân tạm thời. Vì vậy, bạn có thể cải thiện triệu chứng bằng một số biện pháp tại nhà. Đối với những trường hợp bị đau vai gáy do các bệnh xương khớp mãn tính, các biện pháp tại nhà cũng góp phần kiểm soát cơn đau và giảm nguy cơ lạm dụng thuốc.
Dưới đây là 9 cách chữa đau vai gáy tại nhà đơn giản, hiệu quả bạn có thể áp dụng:
1. Chườm nóng – chườm lạnh
Chườm nóng – chườm lạnh là cách giảm đau tạm thời được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau. Đối với đau vai gáy, bạn nên xem xét các biểu hiện đi kèm để lựa chọn được biện pháp giảm đau phù hợp.
Trong trường hợp đau vai gáy do sai tư thế, nhiễm lạnh do tắm khuya hoặc ngồi máy lạnh trong thời gian dài, cơn đau sẽ xuất hiện ở vùng cổ đi kèm với hiện tượng nhức mỏi và không có hiện tượng viêm. Lúc này, bạn nên chườm nóng để thúc đẩy tuần hoàn máu và thư giãn cơ vùng cổ, vai, gáy. Chỉ sau khoảng 10 – 15 phút, tình trạng đau nhức ở vị trí này sẽ giảm đi rõ rệt.
Chườm lạnh thích hợp với người bị đau vai gáy do chấn thương, nhiễm trùng hoặc do đĩa đệm, cột sống chèn ép. Nếu do những nguyên nhân này, cơn đau sẽ đi kèm với hiện tượng sưng viêm và đỏ nóng ngoài da. Chườm lạnh giúp làm co mạch máu, từ đó giảm viêm và ngăn tín hiệu “đau” từ cổ vai gáy đến hệ thần kinh trung ương.
Chườm nóng – chườm lạnh mang lại hiệu quả giảm đau khá rõ rệt. Trong trường hợp cơn đau không quá nghiêm trọng, bạn nên ưu tiên phương pháp này thay vì sử dụng thuốc. Nên thực hiện 2 – 3 lần/ ngày trong khoảng vài ngày để kiểm soát cơn đau hoàn toàn.
2. Xoa bóp giảm đau vai gáy tại nhà
Xoa bóp là cách chữa đau vai gáy tại nhà dễ thực hiện và mang lại hiệu quả khá rõ rệt. Cơn đau ở vùng cổ vai gáy thường xảy ra do cơ bị co cứng dẫn đến tình trạng đau nhức, khó chịu và cứng cổ. Xoa bóp giúp thư giãn cơ, tăng tuần hoàn máu, qua đó giảm nhanh cơn đau và các triệu chứng khó chịu đi kèm.
Xoa bóp vùng cổ vai gáy còn giúp tăng tuần hoàn máu lên não, từ đó hỗ trợ giảm đau đầu, choáng váng và hoa mắt thường gặp ở những người làm việc căng thẳng. Trong quá trình xoa bóp, não bộ cũng sẽ tăng sản xuất endorphin có tác dụng thư giãn, giảm đau và tạo tinh thần phấn chấn, thoải mái.
Có khá nhiều cách xoa bóp giảm đau vai gáy. Nếu tự thực hiện, bạn có thể dùng bàn tay bóp lên cổ, vai với lực vừa phải. Để tăng hiệu quả, nên kết hợp với các loại dầu gừng, khuynh diệp, bạc hà,… Mỗi lần xoa bóp trong 5 – 10 phút, ngày xoa bóp 2 lần (sáng – tối) để kiểm soát cơn đau hiệu quả.
3. Nghỉ ngơi hợp lý
Đau vai gáy thường gặp ở những người làm các công việc phải ngồi nhiều như nhân viên văn phòng, tài xế hoặc người phải vận động cường độ cao như vận động viên, thợ hồ,… Những nghề nghiệp này đều ảnh hưởng xấu đến vùng cổ vai gáy khiến cho các cơ bị chèn ép, co cứng và hậu quả là phát sinh cơn đau.
Để giảm cơn đau, bạn nên nghỉ ngơi hợp lý trong 1 – 2 ngày. Nghỉ ngơi giúp giảm áp lực lên cổ vai gáy, qua đó giúp thư giãn cơ và cải thiện tình trạng đau nhức, cứng cổ rõ rệt. Ngoài ra, bạn cũng cần cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi để tránh tình trạng tái phát.
4. Dùng ngải cứu trị đau vai gáy đơn giản
Ngải cứu là vị thuốc tự nhiên có công năng đa dạng. Với vị cay đắng, tính ấm, tác dụng sát trùng, giảm đau và tán hàn, ngải cứu thường được dùng để trị rối loạn kinh nguyệt, giảm tê bì và đau cổ vai gáy. Vì ngải cứu có tính ấm nên thường được dùng để điều trị đau vai gáy do lạnh (nhiễm lạnh do thời tiết, tắm nước lạnh,…).
Chườm đắp ngải cứu là cách chữa đau vai gáy tại nhà hiệu quả. So với chườm nóng đơn thuần, cách này mang lại hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, mùi hương từ ngải cứu còn giúp thư giãn và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Cách đắp ngải cứu chữa đau vai gáy tại nhà:
- Chuẩn bị 1 nắm ngải cứu tươi và 2 – 3 thìa muối biển
- Rửa sạch ngải cứu, để ráo và cắt thành từng khúc vừa phải
- Cho ngải cứu và muối biển sao nóng
- Cho tất cả gói vào khăn hoặc cho túi chườm, đắp lên vùng cổ vai gáy
- Nên di chuyển túi chườm liên tục để tránh bỏng rát da
Nếu cơn đau vẫn chưa dứt, nên sao nóng lại và tiếp tục chườm. Đắp ngải cứu là bài thuốc dùng ngoài nên khá an toàn và hầu như không có tác dụng phụ. Ngoài hiệu quả giảm đau vai gáy, bạn có thể áp dụng cách này để giảm cơn đau do thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp gối,…
5. Giải tỏa căng thẳng
Căng thẳng (stress) là nguyên nhân gây đau vai gáy thường gặp mà nhiều người không ngờ đến. Căng thẳng khiến cho lưu lượng máu lên não kém, từ đó khiến cho dây chằng và các cơ vùng cổ bị thiếu máu dẫn đến tình trạng đau mỏi, tê bì và cứng cổ.
Bên cạnh đó, stress làm tăng hormone cortisol. Hormone này đã được chứng minh là nguyên nhân gây co cứng cơ. Vì vậy, những người thường xuyên bị stress rất dễ bị đau mỏi cổ vai gáy, đau cổ tay và đau thắt lưng. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy, stress làm tăng tốc độ thoái hóa đốt sống, đĩa đệm, dây chằng và cơ.
Đối với những người bị đau vai gáy do căng thẳng, nên thực hiện các biện pháp giảm stress để giảm đau nhức:
- Cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi là biện pháp giải tỏa stress hữu hiệu nhất. Để bảo vệ sức khỏe, bạn chỉ nên làm việc từ 7 – 9 giờ mỗi ngày. Hạn chế làm việc quá sức và tránh những công việc phải mang vác nặng nhọc nếu đang bị đau vai gáy.
- Ngủ đủ giấc sẽ giúp giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc mệt mỏi, đồng thời hỗ trợ thư giãn cơ vùng cổ và tăng tuần hoàn máu lên não. Đây cũng là lý do hầu hết những người bị thiếu ngủ, mất ngủ thường bị đau mỏi vai gáy, đau đầu và hoa mắt.
- Bổ sung các loại thực phẩm có tác dụng giảm stress như rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu Omega 3, các loại hạt, đậu, sữa chua,… Kiêng thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, rượu bia, hạn chế uống quá nhiều cà phê và nước ngọt có gas.
- Hút thuốc lá làm tăng mức độ căng thẳng và là yếu tố gây căng cơ. Do đó, nếu đang bị đau vai gáy, bạn nên hạn chế hút thuốc lá.
- Tập thể dục hằng ngày cũng là cách giải tỏa căng thẳng hữu hiệu. Khi tập luyện, cơ thể sẽ sản sinh serotonin và endorphin có tác dụng giảm đau, thư giãn, giải tỏa căng thẳng và mang lại tinh thần thoải mái, phấn chấn. Duy trì thói quen lành mạnh này sẽ giúp bạn kiểm soát đau vai gáy và phòng ngừa các bệnh cơ xương khớp hiệu quả.
- Ngoài ra, có thể thực hiện thêm một số biện pháp giảm căng thẳng thần kinh khác như uống trà thảo mộc, nghe nhạc, đọc sách, nấu ăn, chăm sóc cây cối,… Các biện pháp này giúp giải tỏa tâm trạng và góp phần cải thiện chứng đau mỏi vai gáy.
6. Thực hiện các bài tập chữa đau vai gáy
Các bài tập chữa đau vai gáy tập trung vào việc thư giãn cơ, giảm đau nhức, cải thiện tình trạng cứng cổ và tê bì. Ngoài hiệu quả giảm đau, các bài tập này còn giúp thúc đẩy tuần hoàn máu và giải phóng các cơ bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, thoái hóa đốt sống cổ,… Những người làm công việc phải ngồi nhiều nên thực hiện các động tác chữa đau vai gáy để giảm đau nhức và ngăn ngừa các bệnh cơ xương khớp mãn tính.
Đa phần các bài tập chữa đau vai gáy đều dễ thực hiện và có cường độ nhẹ nhàng. Vì vậy, bạn đọc có thể lựa chọn cho mình các động tác phù hợp. Trong trường hợp bị thoát vị đĩa đệm cổ, thoái hóa đốt sống cổ hoặc vừa bị chấn thương vùng cổ, nên trao đổi với chuyên gia để được tư vấn các bài tập phù hợp.
7. Tập yoga tại nhà chữa đau vai gáy
Tập yoga tại nhà là cách chữa đau vai gáy hiệu quả và an toàn. Yoga là bộ môn tập luyện có nguồn gốc từ Ấn Độ và hiện nay đã trở nên phổ biến ở hầu hết các quốc gia. Tập yoga đòi hỏi phải kết hợp giữa các hoạt động thể chất với hơi thở và tâm trí. Do đó, bộ môn này vừa giúp cải thiện hệ thống xương khớp vừa xua tan căng thẳng và phiền muộn.
Yoga là bộ môn luyện tập có động tác vô cùng đa dạng và dễ dàng thay đổi tùy theo thể trạng của từng người. Để chữa đau vai gáy, bạn có thể thực hiện các động tác sau:
- Bài tập kéo giãn cơ cổ
- Tư thế rắn hổ mang
- Động tác em bé
- Tư thế con cá
- Tư thế con mèo – con bò
- Tư thế ngồi xoay nửa người
- Tư thế cây cầu
Ngoài cách tập yoga tại nhà, bạn cũng có thể đăng ký các lớp yoga để được hướng dẫn chuyên sâu hơn. Bộ môn luyện tập này mang đến rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Vì vậy, nên rèn cho bản thân thói quen tập yoga hằng ngày để kiểm soát chứng đau vai gáy và cải thiện sức khỏe một cách toàn diện.
8. Thay đổi tư thế, thói quen xấu
Đau vai gáy và các vấn đề về xương khớp đều có liên quan đến tư thế xấu. Sai tư thế làm tăng áp lực lên các cơ, đốt sống và đĩa đệm. Hậu quả là các cơ quan này bị chèn ép dẫn đến tình trạng đau nhức, cứng cổ, tê bì và khó khăn khi vận động.
Duy trì tư thế xấu trong một thời gian dài sẽ làm gián đoạn quá trình tuần hoàn máu và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa của hệ thống cơ xương khớp. Do đó, nên thay đổi tư thế ngủ, ngồi, đứng,… sao cho phù hợp để giảm áp lực lên vùng cổ vai gáy và các khớp khác trên cơ thể.
Trong trường hợp làm những công việc phải ngồi nhiều, bạn nên điều chỉnh chiều dài của ghế, bàn và màn hình để vai được thả lỏng. Tránh tình trạng ngồi ghế quá thấp hoặc quá cao khiến cơ vùng vai bị chèn ép dẫn đến tình trạng đau mỏi, khó chịu.
9. Sử dụng thuốc không kê toa
Nếu các biện pháp trên không thể kiểm soát cơn đau hoàn toàn, bạn có thể dùng một số loại thuốc không kê toa. Ưu điểm của các loại thuốc này là có thể dùng mà không cần toa của bác sĩ và cho hiệu quả giảm đau nhanh.
Các loại thuốc không kê toa được sử dụng để giảm đau vai gáy bao gồm:
- Thuốc giảm đau tại chỗ: Thuốc giảm đau tại chỗ được sử dụng ưu tiên trong trường hợp đau vai gáy mức độ nhẹ. Thuốc thường được bào chế ở dạng miếng dán, thuốc bôi, thuốc xịt với thành phần chính là Menthol, Methyl salicylate, Lidocaine, Benzocaine, Ibuprofen,… Thuốc dùng ngoài có ưu điểm là an toàn, ít tác dụng phụ nhưng hiệu quả sẽ kém hơn so với thuốc uống.
- Paracetamol: Paracetamol là loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến nhất. Thuốc giúp giảm cơn đau ở vùng cổ vai gáy do nhiều nguyên nhân khác nhau như chấn thương, sai tư thế, stress, nhiễm lạnh,… Loại thuốc này tương đối an toàn ở liều điều trị nhưng nên sử dụng ngắn ngày, tránh dùng quá 5 – 7 ngày nếu không có chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID có hiệu quả giảm đau và chống viêm nên rất thích hợp với những người bị đau vai gáy do chấn thương, nhiễm trùng, căng cơ hoặc do cột sống, đĩa đệm chèn ép gây sưng viêm. NSAID mang lại hiệu quả rõ rệt hơn so với Paracetamol nhưng có thể gây đau dạ dày, loét dạ dày và nhiều tác dụng phụ khác. Do đó, nếu cần thiết, bạn chỉ nên dùng thuốc trong khoảng 3 – 5 ngày.
Các loại thuốc không kê toa giúp kiểm soát nhanh cơn đau và các triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên, chỉ nên dùng thuốc ngắn ngày để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, bạn nên trao đổi với bác sĩ về mức độ cơn đau, tiền sử dị ứng thuốc và các vấn đề sức khỏe đặc biệt để được chỉ định loại thuốc phù hợp.
Lưu ý khi chữa đau vai gáy tại nhà
Đau vai gáy ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh hoạt và có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh cơ xương khớp mãn tính. Áp dụng các biện pháp tại nhà giúp kiểm soát cơn đau, giảm tình trạng tê bì, cứng cổ và phục hồi chức năng ở các cơ vùng cổ, vai, gáy. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề sau trước khi áp dụng:
- Đối với những trường hợp đau vai gáy do nhiễm lạnh, sai tư thế, stress,… các biện pháp tại nhà có thể kiểm soát hoàn toàn cơn đau. Tuy nhiên, nếu tình trạng này có liên quan đến nhiễm trùng, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống và thoái hóa cột sống cổ, bạn nên sắp xếp đến bệnh viện để được kiểm tra và can thiệp các phương pháp điều trị chuyên sâu.
- Hầu hết các cách chữa đau vai gáy tại nhà đều dễ thực hiện và an toàn, lành tính. Hạn chế của các phương pháp này là hiệu quả kém. Do đó, nên kiên trì thực hiện trong thời gian dài để nhận thấy cải thiện rõ rệt. Đặc biệt với những thói quen tốt như tập thể dục, thay đổi tư thế sai,… bạn nên duy trì lâu dài để tránh tình trạng tái phát.
- Trong trường hợp đau vai gáy nghiêm trọng dần theo thời gian hoặc đi kèm với các biểu hiện mức độ nặng như sốt, mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa,… nên đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất.
- Nếu làm những công việc phải ngồi nhiều, bạn nên massage trị liệu và tập yoga thường xuyên để ngăn ngừa cơn đau tái phát.
Các cách chữa đau vai gáy tại nhà có thể kiểm soát cơn đau, giảm tình trạng tê bì, cứng cổ và một số triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên, bạn nên thay đổi những thói quen xấu và điều chỉnh lối sống để kiểm soát tình trạng này triệt để. Bên cạnh đó, nên xem xét tìm gặp bác sĩ chuyên khoa nếu cơn đau nghiêm trọng dần theo thời gian.
Tham khảo thêm: