Bấm Huyệt Chữa Đau Vai Gáy
Bấm huyệt chữa đau vai gáy là phương pháp giảm đau có nguồn gốc từ y học cổ truyền. Phương pháp này sử dụng ngoại lực từ bàn tay, ngón tay để thư giãn cơ, tăng tuần hoàn máu, qua đó giúp giảm đau và cải thiện các triệu chứng khó chịu đi kèm.
Tác dụng của phương pháp bấm huyệt chữa đau vai gáy
Đau mỏi vai gáy là một trong những bệnh cơ xương khớp phổ biến. Nếu như thoái hóa khớp gặp chủ yếu ở người cao tuổi thì đau vai gáy có thể xảy ra ở cả thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Nguyên nhân gây bệnh khá đa dạng nhưng thường xảy ra do sai tư thế, lao động nặng nhọc, chơi thể thao không đúng kỹ thuật,…
Đau vai gáy khiến cho vùng cổ và bả vai đau âm ỉ, đôi khi đau nhói gây khó chịu trong quá trình sinh hoạt và ảnh hưởng đáng kể đến giấc ngủ. Ngoài ra, một số trường hợp còn gặp phải hiện tượng tê bì chân tay và hạn chế khả năng vận động cổ, khớp vai.
Bấm huyệt chữa đau vai gáy là phương pháp khá đơn giản và có thể thực hiện tại nhà. Phương pháp này sử dụng lực từ bàn tay day ấn và tác động đến những huyệt vị quan trọng có liên quan đến cơ quan bị tổn thương. Thông qua bấm huyệt, cơn đau và cảm giác tê bì, nhức mỏi ở vùng cổ vai gáy sẽ thuyên giảm rõ rệt.
Theo quan niệm của y học cổ truyền, bấm huyệt giúp giải phóng khí huyết ứ trệ, tăng tuần hoàn máu và chỉ thống (giảm đau). Hiện tại, phương pháp này đã được ứng dụng rộng rãi để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý khác nhau.
Qua nhiều nghiên cứu, khoa học đã công nhận bấm huyệt có thể giảm đau thông qua cơ chế sản sinh hormone endorphin và dopamine. Bên cạnh đó, bấm huyệt còn giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm tê cứng khớp và đẩy nhanh tốc độ phục hồi, tái tạo các cơ quan bị tổn thương.
Nhìn chung, bấm huyệt chữa đau vai gáy là phương pháp khá an toàn và dễ thực hiện. Ngoài việc dùng thuốc và điều chỉnh các tư thế xấu, bạn có thể thực hiện mẹo đơn giản này để giảm đau, tê bì và cải thiện các triệu chứng đi kèm. Phương pháp này chỉ sử dụng tác động vật lý nên ít tác dụng phụ và không bị lạm dụng như khi sử dụng thuốc.
Hướng dẫn bấm huyệt chữa đau vai gáy tại nhà
Bấm huyệt là phương pháp hỗ trợ phòng và điều trị bệnh có nguồn gốc từ y học cổ truyền. Phương pháp này tương đối dễ thực hiện. Để giảm cơn đau do bệnh đau vai gáy gây ra, bạn có thể xoa bóp bấm huyệt theo hướng dẫn sau đây:
1. Xoa bóp cổ vai gáy
Cổ vai gáy là vị trí có nhiều cơ, gân. Khi lao động nặng nhọc hoặc sai tư thế trong một thời gian dài, các cơ sẽ bị co cứng, đồng thời gây chèn ép dây thần kinh và mạch máu dẫn đến tình trạng đau nhức, tê bì, cứng cổ và đau bả vai trái, phải. Để thư giãn các cơ, trước tiên bạn cần xoa bóp nhằm làm nóng vùng gân, cơ, mạch máu và các cơ mô mềm.
Xoa bóp cổ vai gáy giúp giải phóng mạch máu bị chèn ép, từ đó cải thiện tình trạng thiếu máu não và hoa mắt, chóng mặt. Vì vậy, bạn có thể thực hiện cách này mỗi ngày nhằm cải thiện sức khỏe. Để quá trình xoa bóp diễn ra thoải mái nhất, có thể nằm thả lỏng trên giường hoặc ngồi thẳng lưng.
Hướng dẫn cách xoa bóp giảm đau vai gáy:
- Xoa: Xoa là kỹ thuật khá phổ biến được sử dụng trong xoa bóp – bấm huyệt. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách dùng tay xoa nhẹ nhàng theo vòng tròn từ cổ đến gáy và di chuyển sang vai. Lặp đi lặp lại vài lần để làm ấm vùng da và kích thích mạch máu, dây thần kinh.
- Day: Day là kỹ thuật tác động sâu hơn vào gân, cơ. Kỹ thuật này được thực hiện bằng ấn gốc bàn tay xuống, sau đó di chuyển theo hình xoắn ốc từ cổ đến gáy và 2 vai. Khi thực hiện, có thể dùng bột talc để dễ dàng thao tác.
- Lăn: Để thực hiện kỹ thuật này, nắm chặt các ngón tay. Sau đó dùng các khớp ngón tay vừa ấn vừa lăn từ cổ đến gáy và vai. Nên sử dụng lực tương đối mạnh để kích thích các dây thần kinh, đồng thời tăng tuần hoàn máu và thư giãn các cơ căng cứng.
- Bóp: Cuối cùng, dùng tay bóp vùng gáy và vai. Kỹ thuật bóp vai, bóp gáy chuẩn là ngón cái và bốn ngón tay còn lại phải ôm lấy cơ vai và cơ cổ gáy. Sau đó kéo nhẹ thịt lên và thả xuống, lặp đi lặp lại để thư giãn cơ và tạo cảm giác thoải mái.
Nếu không có người thực hiện giúp, bạn có thể tự xoa bóp bằng kỹ thuật bóp. Tuy nhiên, cần cắt ngắn móng tay để tránh da bị trầy xước và đau rát.
2. Bấm huyệt
Sau khi xoa bóp, có thể kết hợp thêm với kỹ thuật bấm huyệt để tăng hiệu quả. Về cơ bản, hai kỹ thuật này đều giống nhau vì cùng sử dụng ngoại lực để giảm đau nhức, thư giãn cơ và tăng cường tuần hoàn máu. Tuy nhiên, bấm huyệt tác động sâu hơn vào các khối cơ nên có thể giảm tê bì và đau nhức nhanh chóng hơn.
Nếu kiên trì thực hiện, các triệu chứng của bệnh đau vai gáy sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, xoa bóp bấm huyệt còn giúp tăng cường dinh dưỡng đến cổ vai gáy, từ đó phục hồi các cơ quan bị tổn thương và tăng cường hoạt động của các khớp.
Để chữa đau vai gáy, bạn có thể day ấn những huyệt vị sau:
– Phong trì
Phong trì là huyệt rất thông dụng được sử dụng để hỗ trợ phòng ngừa và điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Huyệt nằm ở chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào hộp sọ. Để xác định huyệt, xòe bàn tay và đặt chỗ hõm giữa lòng bàn tay phía dưới tay, sau đó lấy các ngón tay ôm sát vào phần cổ và đầu. Dùng các ngón tay miết trên da sẽ thấy một chỗ hõm bên cạnh 2 khối cơ chính là huyệt Phong trì.
Sử dụng ngón tay cái ấn vào huyệt và xoay theo chiều kim đồng hồ trong 2 – 3 phút. Nên sử dụng lực tương đối mạnh sao cho có cảm giác căng tức và duy trì lực trong suốt quá trình thực hiện. Mỗi ngày có thể day bấm 2 lần để giảm đau vai gáy, đau đầu và cải thiện các vấn đề liên quan đến giấc ngủ, trí nhớ.
– Đại chùy
Đại chùy là huyệt đạo quan trọng. Day ấn huyệt có tác dụng giảm đau do nhiều bệnh lý khác nhau như đau đầu, đau cổ vai gáy,… Ngoài ra, day ấn huyệt thường xuyên còn giúp tăng lưu thông khí huyết và nâng cao sức đề kháng. Huyệt Đại chùy nằm ở đốt sống cổ thứ 7 và được xác định bằng cách cúi cổ xuống. Sau đó, dùng tay sờ sẽ thấy cổ xuất hiện từ 1 – 3 u xương tròn. Vị trí thứ 3 chính là huyệt Đại chùy.
Đối với huyệt vị này, có thể dùng bất cứ ngón tay nào ấn với lực vừa đủ trong 1 – 2 phút. Nên thực hiện đều đặn 2 lần/ ngày để giảm đau vai gáy và nâng cao sức đề kháng. Trong trường hợp đau nhiều nên đến phòng khám Đông y để được châm cứu.
– Kiên tỉnh
Huyệt kiên tỉnh nằm ở vùng bả vai. Xã định huyệt bằng cách tìm điểm cao nhất của đầu ngoài xương đòn, ấn vào có cảm giác đau và ê tức. Tác động vào huyệt vị này có thể điều trị đau mỏi vai gáy, đau lưng và giảm cứng khớp.
Ngoài tác dụng giãn cơ, bấm huyệt Kiên tỉnh còn có tác dụng lợi sữa và giảm đau do các bệnh về tuyến vú. Vì vậy, mẹ sau sinh bị đau vai gáy cũng có thể bấm huyệt vị này. Tương tự như các huyệt vị khác, dùng ngón tay ấn vào huyệt với lực tương đối mạnh trong 2 – 3 phút, thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/ ngày.
– Phong phủ
Huyệt Phong phủ nằm ở trên ngay vùng gáy. Xác định huyệt bằng cách đo từ chân tóc gáy lên trên 1 thốn, huyệt nằm ngay chỗ lõm giữa gáy. Ấn huyệt Phong phủ có tác dụng khu phong tà, rất tốt cho những người bị đau vai gáy do tắm nước lạnh, ngồi máy lạnh trong thời gian dài hoặc nhiễm hàn khi thời tiết chuyển lạnh.
Đối với huyệt Phong phủ, dùng ngón tay cái ấn vào khá mạnh và duy trì lực trong 1 – 2 phút. Nên cắt móng tay để tránh gây trầy xước da. Bên cạnh đó, cần hạn chế dùng lực quá mạnh vì huyệt nằm ở đáy sọ – vị trí tương đối nhạy cảm.
– Phế du
Huyệt Phế du nằm ở dưới gai đốt sống lưng thứ 3, đo ngang ra 1.5 thốn. Huyệt vị này thường được ứng dụng để hỗ trợ phòng ngừa và điều trị các bệnh liên quan đến phổi. Ngoài ra, kết hợp bấm huyệt Phế du cũng giúp tăng hiệu quả giảm đau vai gáy.
Đối với huyệt Phế du, nên dùng hai ngón cái ấn đồng thời. Dùng lực mạnh ấn vào cho đến khi có cảm giác ê tức và duy trì trong khoảng 1 – 2 phút.
– Đốc du
Huyệt Đốc du nằm ở dưới gai đốt sống thứ 6, đo ngang ra 1.5 thốn. Huyệt vị này thường được phối hợp với huyệt Phong phủ, Phong trì và Kiên tỉnh để giảm đau vai gáy, cải thiện tình trạng tê bì và cứng cổ. Day ấn huyệt giúp kích thích đám rối thần kinh ở cánh tay, nhờ vậy có thể tăng cường tính linh hoạt của tay và khớp vai. Bấm huyệt Đốc du tương tự như huyệt Phế du.
– Kiên trung du
Kiên trung du nằm ở chỗ lõm gần bả vai và cách cột sống 2 thốn. Tác động tại chỗ vào huyệt vị này có tác dụng trị ho suyễn và đau nhức vai. Dùng ngón tay cái ấn vào huyệt đến khi có cảm giác ê tức, sau đó duy trì trong vòng 1 – 2 phút.
Ngoài những huyệt vị trên, bạn cũng có thể tác động vào A thị huyệt, huyệt Lạc chẩm, Liệt khuyết,… Các huyệt vị này đều nằm ở vị trí không quá nhạy cảm nên có thể thực hiện tại nhà. Áp dụng đều đặn 2 lần/ ngày giúp giảm đau nhức bả vai và thư giãn cơ, tăng tuần hoàn máu.
Rủi ro khi bấm huyệt chữa đau vai gáy sai cách
Bấm huyệt chữa đau vai gáy là phương pháp đơn giản và tương đối an toàn. Tuy nhiên, nhiều người không tìm hiểu phương pháp này kỹ lưỡng đã vội vàng áp dụng dẫn đến một số rủi ro và tác dụng phụ. Trong đó, những sai lầm thường gặp nhất là:
- Bấm huyệt cho những đối tượng không đúng chỉ định (vùng cổ, vai và gáy đang bị viêm cấp tính, chấn thương nặng,…).
- Bấm huyệt cho những trường hợp có nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, đang cho con bú, người bị ung thư, lao khớp,…
- Xác định sai huyệt vị
- Bấm huyệt không đủ thời gian hoặc nhiều hơn thời gian quy định
- Sử dụng lực quá mạnh hoặc quá nhẹ
- Không cắt ngắn móng tay (đối với người thực hiện) và vệ sinh cơ thể trước khi bấm huyệt (đối với bệnh nhân)
Những sai lầm khi bấm huyệt chữa đau vai gáy tại nhà sẽ gây ra những rủi ro như:
- Trường hợp dùng lực quá mạnh sẽ dẫn đến trật khớp, bong gân, tổn thương da, trầy xước và chảy máu.
- Không đạt được hiệu quả khi thực hiện.
- Liệt tạm thời.
- Gây viêm nhiễm vết thương và làm nghiêm trọng triệu chứng của các bệnh da liễu.
Trên thực tế, ít trường hợp gặp phải các tác dụng phụ và rủi ro khi bấm huyệt. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn đọc nên tìm hiểu kỹ trước khi áp dụng. Nếu không xác định đúng huyệt vị, có thể đến những cơ sở y tế uy tín thực hiện, tuyệt đối không tự bấm huyệt tại nhà khi chưa có hiểu biết về phương pháp này.
Lưu ý khi bấm huyệt chữa đau vai gáy
Bấm huyệt chữa vai gáy là phương pháp giảm đau, thư giãn cơ,… khá an toàn và dễ thực hiện. Ngoài hiệu quả giảm đau nhức, phương pháp này còn giúp tăng tuần hoàn máu lên não và giảm tình trạng hoa mắt, chóng mặt.
Tuy nhiên, bấm huyệt chỉ sử dụng ngoại lực tác động lên huyệt vị nên hiệu quả tương đối hạn chế. Vì vậy khi áp dụng phương pháp này, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Bấm huyệt chữa đau vai gáy có thể thư giãn cơ, qua đó giảm đau nhức, tê cứng khớp và tăng cường khả năng vận động. Tuy nhiên để đạt kết quả cao, nên kiên trì thực hiện 2 lần/ ngày.
- Không xoa bóp bấm huyệt lên vùng da đang bị viêm cấp, lở loét, có vết thương hở và các bệnh da liễu như hắc lào, viêm da cơ địa, mề đay mẩn ngứa,…
- Những đối tượng nhạy cảm như phụ nữ mang thai, trẻ em, người có tinh thần không ổn định,… nên đến phòng khám để kỹ thuật viên xoa bóp bấm huyệt.
- Không bấm huyệt khi tinh thần bất ổn, sau khi sử dụng rượu bia, chất kích thích và tránh bấm huyệt khi bụng quá no hoặc quá đói.
- Đau vai gáy thường có liên quan đến những thói quen thiếu khoa học như ngồi, nằm sai tư thế, ít vận động, tắm nước lạnh, mang vác nặng,… Do đó, bạn nên thay đổi những thói quen xấu kết hợp với xoa bóp bấm huyệt để đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Nếu cơn đau không thuyên giảm sau một tuần, nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và tư vấn các phương pháp điều trị phù hợp.
Bấm huyệt chữa đau vai gáy là cách giảm đau an toàn, dễ thực hiện. Kiên trì thực hiện biện pháp này mỗi ngày sẽ giúp cải thiện cơn đau, giảm tình trạng tê cứng, nhức mỏi và khó chịu ở vùng vai gáy. Tuy nhiên để kiểm soát cơn đau triệt để, nên kết hợp xoa bóp bấm huyệt với thay đổi thói quen xấu và tập thể dục mỗi ngày.
Tham khảo thêm: