Cỏ Xước Chữa Bệnh Gì
Cỏ xước là loại cây rất thân thuộc, được sử dụng như rau trong bữa cơm ở nhiều vùng tại Việt Nam. Không những vậy đây còn là loại thảo dược mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người mà không phải ai cũng biết. Vậy cỏ xước chữa bệnh gì? Bài viết sau đây sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích về loại cây này.
Tìm hiểu về cây cỏ xước
Cỏ xước có tên khoa học là Achyranthes aspera L, là loại cây thân thảo, họ nhà Dền, sống hằng năm hoặc hai năm. Cây có đặc điểm nhận dạng là:
- Cây có thể cao gần 1m
- Rễ nhỏ, cong queo, thân có lông mềm.
- Lá mọc đối xứng, mép lượn sóng.
- Hoa nhiều mọc thành bông dài từ 20 – 30 cm ở ngọn cây.
- Quả dạng nang, có lá bắc tồn tại thành gai nhọn nên dễ mắc vào quần. Hạt hình trứng dài.
Loại cây này phân bố ở các nước nhiệt đới, mọc nhiều ở ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Tùy vào mỗi khu vực địa lí, loài cây này có sự biến đổi về một số đặc điểm. Chúng được chia thành một số loại:
- Cỏ xước lông trắng
- Cỏ xước xù xì
- Cỏ xước Ấn Độ
- Cỏ xước màu xám đỏ
Ở Việt Nam cỏ xước thường có đặc điểm là lông trắng. Loại cây này được gọi với những tên gọi khác như cỏ xước, nam ngưu tất. Chúng thường được tìm thấy ở các bãi cỏ, nương rẫy cũ, quanh làng bản, bờ bụi, nơi có ánh sáng và đất tốt.
Cây cỏ xước có tác dụng gì đối với sức khỏe con người?
Theo Đông y ngưu tất có vị chua, đắng, tính bình, giúp thanh nhiệt, tiêu viêm lợi tiểu, giúp lưu thông khí huyết, có tác dụng chống viêm, bổ gan thận, mạnh gân cốt. Vì vậy loại thảo dược này xuất hiện trong rất nhiều bài thuốc của Đông y.
Ở Ấn Độ, người dân cũng sử dụng cỏ xước như một loại dược phẩm để nhuận tràng, chống giun sán, điều trị ho, viêm phế quản, ngạt mũi, hen suyễn, phát ban, nhiễm trùng, bệnh về da, dùng khi bị chó cắn, rắn cắn…
Từ những hiệu quả được Đông y ghi nhận, gần đây các nghiên cứu về cỏ xước đã được tiến hành. Theo nghiên cứu về công dụng và dược tính của cỏ xước tại Viện Công nghệ sinh học Amity, Đại học Amity, Lucknow, Ấn Độ, các thành phần chính Flavonoid, alkaloids, saponin và triterpenoids trong loại dịch chiết Achyranthes aspera của cây này giúp kháng viêm, giảm phù nề chân hiệu quả.
Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng khảo sát một số dược tính và tác dụng của cỏ xước từ các nghiên cứu đã được thực hiện trước đó. Những tác dụng và dược tính của cỏ xước được kể đến bao gồm:
- Chiết xuất Ethyl acetate từ lá, hoa và hạt khô của cỏ xước có khả năng chống lại ký sinh trùng.
- Chất Achyranthne (một loại Alkaloid) được được phân lập từ cỏ xước giúp giúp giảm huyết áp, ổn định nhịp tim, giãn mạch máu và tăng tốc độ, biên độ hô hấp ở chó và ếch.
- Chiết xuất methanolic của lá cỏ xước giúp chống trầm cảm, bảo vệ gan, chống nhiễm độc ở thận do acetate ở chuột bạch.
- Etanolic và dung dịch nước lá cỏ xước có khả năng chống dị ứng, làm tăng bạch cầu giúp chữa lành vết thương.
- Chiết xuất Ethanolic từ cỏ xước giúp bảo vệ phế quản, khắc phục viêm phế quản và hen suyễn.
Như vậy, có thể thấy rằng, cỏ xước thực sự là một loại thảo dược có nhiều dược tính tốt đối với sức khỏe con người.
Cây cỏ xước chữa bệnh gì? – Những bài thuốc chữa bệnh từ cỏ xước
Theo Đông y, cây cỏ xước có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người. Thảo dược này được dùng để điều trị những bệnh lý về gan, thận, bệnh về xương khớp và chữa trị một số bệnh khác. Một số bệnh lý và bài thuốc điều trị tương ứng từ cỏ xước thường được sử dụng là:
1. Cây cỏ xước chữa các bệnh về xương khớp
Cỏ xước có khả năng giảm phù nề và viêm nhiễm, thậm chí cả viêm mãn tính, nên thường được áp dụng vào điều trị các bệnh về xương khớp.
- Cây cỏ xước chữa bệnh thấp khớp đang sưng
Bài thuốc 1: Rễ cỏ xước, nhọ nồi, hy thiêm thảo mỗi vị 16g; phục linh 20g; ngải cứu và thương nhĩ tử mỗi vị 12g. Đem các vị thuốc này sao vàng rồi sắc lấy 3 lần nước thuốc. Trộn 3 nước thuốc lại, chia làm 3 phần uống trong ngày. Người bệnh cần áp dụng cách này liên tục khoảng 7 – 10 ngày.
Bài thuốc 2: Cỏ xước 40g, hy thiêm 30g, thổ phục linh và cỏ mực mỗi vị 20g, ngải cứu và quả ké đầu ngựa mỗi thứ 12g. Đem những vị thuốc này sắc lấy nước và uống trong ngày.
- Cỏ xước chữa viêm đa khớp dạng thấp
Thành phần: Rễ cỏ xước tẩm rượu sao 20g; tang ký sinh, dây đau xương mỗi vị 16g; độc hoạt, tục đoạn, đương quy, thục địa, bạch thược, đảng sẩm, tần giao mỗi thứ 12g; quế chi và xuyên khung mỗi vị 8g; cam thảo, tế tân mỗi loại 6g.
Cách dùng: Mỗi ngày sắc 1 thang thuốc này và chia làm 3 phần. Sử dụng thuốc liên tục trong 10 ngày để giúp giảm các triệu chứng của bệnh.
2. Cây cỏ xước trị bệnh về gan và thận
- Bệnh viêm gan, viêm thận
Thành phần: Cỏ xước, cỏ tháp bút, mộc thông, mã đề, sinh địa, rễ cỏ tranh mỗi vị 15g.
Cách dùng: Đem các vị thuốc trên sắc với nước và uống cùng bột hoạt thạch. Sử dụng thuốc này 3 lần mỗi ngày.
Ngoài công dụng chữa viêm gan, viêm thận, bài thuốc trên cũng mang lại hiệu quả đối với những người mắc bệnh viêm bàng quang, đái vàng thẫm, đái đỏ, đái ra sỏi.
- Bệnh viêm cầu thận
Khi người bệnh có những triệu chứng như phù thũng, són tiểu, tiểu nước vàng thấm, vàng da thì có thể sử dụng bài thuốc từ cỏ xước như sau:
Thành phần: Rễ cỏ xước 25g; rễ cỏ tranh, mã đề, mộc thông, lá móng tay, huyết dụ, huyền sâm mỗi vị 15g.
Các vị thuốc trên đem sắc với 600ml nước đến khi còn khoảng 200ml thì tắt bếp. Chia thuốc thành hai phần uống hai lần sau khi ăn vào sáng và trưa. Áp dụng cách chữa này liên tục trong 10 ngày rồi nghỉ.
3. Cỏ xước trị một số bệnh khác
- Bệnh mỡ máu cao
Nếu mắc phải bệnh này hoặc các bệnh liên quan như xơ vữa động mạch, huyết áp cao người bệnh sử dụng bài thuốc sau:
Thành phần: Cỏ xước, đương quy mỗi thứ 16g; hạt muồng sao vàng, xuyên khung, huy thiêm mỗi thứ 12g; nấm mèo 10g; cỏ mực 20g.
Mỗi ngày sắc một thang thuốc này, chia thuốc làm 3 phần và sử dụng trong ngày. Khi uống thuốc, người bệnh ăn kèm bã nấm tai mèo để tăng hiệu quả. Áp dụng bài thuốc này liên tục trong 20 – 30 ngày sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh.
- Cỏ xước trị kinh nguyệt không đều
Bài thuốc: Rễ cỏ xước 20g; cỏ cú, ích mẫu, nghệ xanh mỗi vị 16g; rễ cây lá gai 30g.
Dùng bài thuốc này sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần. Người bệnh cần sử dụng liên tục trong 10 ngày.
***Chú ý: Bài thuốc không được chỉ định cho phụ nữ có thai.
- Cỏ xước chữa sổ mũi, sốt
Thành phần: Cỏ xước 30g, đơn buốt 30g.
Hai vị thuốc trên đem sắc nước, chia nước thuốc thành 2 – 3 phần và uống trong ngày, mỗi ngày uống 1 thang đến khi các triệu chứng bị đẩy lùi.
- Cỏ xước chữa quai bị
Dùng cỏ xước giã nhỏ đắp vào chỗ bị quai bị. Đồng thời người bệnh nên sử dụng cỏ xước giã nhỏ chế thành nước súc miệng và uống trong để hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả hơn.
- Chữa lở loét trong khoang miệng
Người bệnh chỉ cần dùng một nắm cỏ xước tẩm rượu, nhai và ngậm nuốt nước hoặc sắc với nước để uống và ngậm sẽ giúp khắc phục viêm và lở loét vùng miệng hiệu quả.
4. Công dụng của cỏ xước chữa bệnh gout
Bên cạnh những tác dụng chữa bệnh kể trên, cỏ xước còn là thảo dược giúp chữa bệnh gout rất hiệu quả.
Tác dụng của cỏ xước với bệnh gút
Cỏ xước có hai thành phần là Achyranthine alkaloids và Saponin giúp làm giãn mạch máu, chống viêm và giúp giảm đau hiệu quả.
Ngoài ra, những nghiên cứu khoa học gần đây đã chỉ ra rằng loại cây này có tác dụng lợi tiểu, bổ gan thận. Nhờ vậy cỏ xước giúp quá trình bài tiết axit uric trở nên dễ dàng và ngăn ngừa gout tái phát. Do đó, người bệnh có thể sử dụng cỏ xước chữa bệnh gout hoặc phòng tránh các cơn gút quay trở lại.
Cách chữa bệnh gout bằng cỏ xước
Để chữa bệnh gút bằng cỏ xước có thể áp dụng những bài thuốc sau:
+ Cỏ xước chữa gout cấp tính:
Thành phần: Cỏ xước 50g, ké đầu ngựa, cỏ mực, ngải cứu, thổ phục linh và hy thiêm mỗi vị 15g.
Cho các vị thuốc vào sắc với 1.5 lít nước đến khi còn khoảng 1 lít thì để nguội uống nhiều lần trong ngày.
+ Chữa bệnh gout mãn tính bằng cỏ xước:
Thành phần: Cỏ xước, nhọ nồi, hy thiêm thảo, ngải cứu, thương nhĩ tử và thổ phục linh.
Đem sắc kỹ những vị thuốc này với nước. Dùng thuốc uống trong 10 ngày sẽ giúp ngừa các cơn đau tái phát.
Lưu ý khi dùng cỏ xước chữa bệnh
Cỏ xước đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh, tuy nhiên khi sử dụng người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:
– Trước khi sử dụng cỏ xước người bệnh cần đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn khi điều trị bệnh.
– Tác dụng phụ của cỏ xước:
Mặc dù chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra rằng loại cây này gây độc nhưng thảo dược này có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Nhưng những bệnh nhân mắc các bệnh về dạ dày, đường ruột thì cần thận trọng khi dùng thuốc. Sử dụng không đúng liều lượng có thể dẫn đến các cơn đau bụng, tiêu chảy, đi ngoài kéo dài.
Ngoài ra những phụ nữ có thai không nên sử dụng các bài thuốc có thành phần là cỏ xước. Bởi vì loại thảo dược này có tác dụng phá huyết nên có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Trên đây là những giải đáp về vấn đề cây cỏ xước chữa bệnh gì. Mong rằng với những thông tin này, bạn đọc đã có thêm những kiến thức hữu ích để bảo vệ sức khỏe từ chính những loại cây cỏ quen thuộc. Tuy nhiên trước khi áp dụng bất cứ cách chữa hay bài thuốc nào, bạn cũng nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia để việc điều trị đạt được hiệu quả mà không gây nguy hiểm.
Wiki Bác Sĩ không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
>> Những cách chữa bệnh gout cho hiệu quả tốt được bác sĩ khuyên dùng