Gout Nên Ăn Gì
Một số thực phẩm có thể giúp hỗ trợ đẩy lùi các triệu chứng của bệnh gout nên được khuyến khích sử dụng trong thực đơn hàng ngày của người bệnh. Vậy bị gout nên ăn gì và kiêng gì? Dưới đây là những thông tin người bệnh cần biết để xây dựng được một chế độ ăn uống có lợi nhất.
Mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và bệnh gout
Bệnh gout là một trong những dạng viêm khớp khá phổ biến. Bệnh gây sưng đau khớp một cách đột ngột, chủ yếu là ở khớp ngón chân cái. Tuy nhiên, các khu vực khác như khớp đầu gối, khớp cổ tay, gót chân hay các khớp nhỏ ở ngón tay cũng có thể bị gout tấn công.
Bệnh gout khởi phát khi nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Sau một thời gian, axit uric sẽ tích tụ thành các tinh thể muối và lắng đọng tại khớp khiến cho khớp bị sưng, viêm và đau nhức dữ dội. Cơn gout cấp thường khởi phát đột ngột vào ban đêm và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu kéo dài từ 3 – 10 ngày hoặc lâu hơn. Bệnh tái phát nhiều đợt trong năm sẽ tiến triển thành gout mãn tính.
Sự phát triển của bệnh gout chủ yếu có liên quan đến thói quen ăn uống thiếu khoa học. Việc thường xuyên sử dụng các thực phẩm giàu purin hay lạm dụng bia rượu quá mức có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu. Chức năng loại bỏ axit uric của cơ thể hoạt động kém hiệu quả dẫn đến sự tích tụ của các tinh thể muối gây ra bệnh gout.
Chính vì lý do trên, người bị bệnh gout được khuyến cáo nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho phù hợp để nhanh chóng hạ mức axit uric trong máu xuống mức an toàn, đồng thời giảm nguy cơ tái phát các đợt gout cấp trong tương lai.
Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn uống cho người bệnh gout
Để kiểm soát tốt bệnh gout, khi xây dựng thực đơn ăn uống hàng ngày, người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau:
- Loại bỏ các thực phẩm giàu purin ra khỏi thực đơn và thay thế chúng bằng những thực phẩm không chứa nhân purin.
- Các thực phẩm có hàm lượng purin thấp vẫn có thể sử dụng nhưng không nên ăn thường xuyên hoặc dùng quá nhiều.
- Tránh sử dụng nhóm thực phẩm chứa nhiều oxalat
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm có tính kiềm hoặc chứa nhiều chất chống oxy hóa và có khả năng giảm đau, kháng viêm tự nhiên để hỗ trợ nâng cao hiệu quả điều trị bệnh gout. Điều này sẽ giúp giảm thiểu sự lệ thuộc vào các loại thuốc tân dược có nhiều tác dụng phụ.
- Ăn uống đầy đủ, đúng giờ giấc.
- Tránh kiêng khem quá mức khiến trọng lượng cơ thể bị giảm một cách đột ngột. Tình trạng này cũng khiến lượng axit uric trong máu tăng cao hơn.
Bị gout nên ăn gì?
Các thực phẩm tốt nhất cho bệnh nhân bị gout bao gồm:
1. Quả táo
Quả táo giàu axit malic – một chất có khả năng trung hòa axit uric. Khi được hấp thụ, chất này sẽ giúp làm giảm nồng độ axit uric trong máu cho bệnh nhân bị gout.
Bên cạnh đó, táo còn cung cấp nhiều chất xơ hòa tan, vitamin C và nhiều chất dinh dưỡng khác. Chúng giúp tăng cường khả năng miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa, thúc đẩy quá trình chuyển hóa purin và đào thải độc tố cho cơ thể. Người bệnh nên ăn 1 – 2 quả táo mỗi ngày hoặc uống nước ép táo thường xuyên để góp phần kiểm soát các triệu chứng của bệnh gout, giúp tổn thương tại khớp nhanh phục hồi.
2. Các loại đậu
Bao gồm:
- Đậu xanh
- Đậu đen
- Đậu nành
- Đậu lăng…
Chứa nguồn protein, chất xơ, sắt, canxi và vitamin phong phú, các loại đậu có thể cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể, giúp người bệnh bớt mệt mỏi. Hơn nữa, các dưỡng chất trên còn tham gia vào quá trình đào thải độc tố và axit uric trong máu, kích thích tái tạo tổn thương ở khớp bị gout và hỗ trợ giảm cân cho bệnh nhân bị béo phì.
3. Dưa chuột ( dưa leo) tốt cho người bị gout
Dưa chuột là một gợi ý hữu ích cho thực đơn của bệnh nhân bị gout. Thực phẩm này có đặc tính lợi tiểu nên giúp thúc đẩy quá trình đào thải axit uric ra khỏi cơ thể thông qua hoạt động tiểu tiện.
Hơn nữa, dưa chuột còn có hàm lượng purin khá thấp nên không phải lo ngại về tình trạng tăng axit uric trong máu khi sử dụng thường xuyên. Dân gian thậm chí còn sử dụng dưa chuột như một loại thuốc điều trị bệnh gout tự nhiên bằng cách ép nước uống hàng ngày hoặc phối hợp chung với gừng, cần tây, củ cải đường để tăng công dụng trị bệnh.
4. Rau xanh giàu chất xơ
Bao gồm:
- Rau bina
- Súp lơ xanh
- Rau cải xanh
- Cải bỏ xôi…
Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của người mắc bệnh gout. Chúng bổ sung nguồn chất xơ phong phú cho cơ thể. Chất xơ rất cần thiết cho quá trình tiêu hóa thức ăn và chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể, đồng thời giúp hỗ trợ thải độc, loại bỏ bớt axit uric dư thừa ra khỏi cơ thể.
Ngoài ra, rau xanh còn cung cấp nhiều chất chống oxy hóa, vitamin C, sắt và nhiều dưỡng chất quan trọng khác. Thường xuyên sử dụng nhóm thực phẩm này trong thực đơn có tác dụng kháng viêm, giảm sưng đau khớp và đẩy nhanh quá trình hồi phục tổn thương trong khớp.
5. Tỏi
Tỏi chính là câu trả lời tiếp theo cho thắc mắc ” bị gout nên ăn gì?”. Nhờ chứa nhiều lưu huỳnh, tỏi giúp làm giảm nồng độ axit uric trong máu. Cùng với đó, hoạt chất allicin được tìm thấy trong loại gia vị này còn có tác dụng tương tự như kháng sinh, giúp diệt khuẩn, tiêu viêm, giảm sưng đau khớp một cách tự nhiên.
6. Các loại quả mọng
Chẳng hạn như:
- Dưa hấu
- Anh đào
- Nam việt quất
- Kiwi
- Dâu tây
- Chanh…
Những loại quả trên đều đặc biệt giàu chất chống oxy hóa. Với khả năng kháng viêm mạnh mẽ, chúng giúp cải thiện tình trạng sưng đau, nóng đỏ tại khớp, bảo vệ các mô sụn và xương, tiêu diệt các tác nhân có hại cho khớp.
Các loại quả mọng chứa ít nhân purin nhưng lại bổ sung nhiều năng lượng, chất xơ, các vitamin và khoáng chất cần thiết cho quá trình phục hồi tổn thương tại khớp, giúp nâng cao sức khỏe tổng thể cho người bệnh.
7. Bị gout nên ăn cà rốt
Ăn cà rốt hay uống nước ép cà rốt mỗi tuần 2 – 3 lần có thể giúp hỗ trợ loại bỏ axit uric dư thừa. Ngoài ra, các thành phần vitamin A, C và chất xơ có trong củ còn hoạt động bằng cách giảm viêm, tiêu sưng, kích thích tiêu hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch , giúp người bệnh khỏe mạnh hơn.
8. Rau cần tây
Cần tây cũng nằm trong danh sách các thực phẩm tốt nhất cho bệnh nhân bị gout. Loại rau này có khả năng kiềm hóa, trung hòa axit uric và đẩy mạnh quá trình đào thải axit uric qua đường tiết niệu. Người bệnh có thể thêm rau cần tây vào trong bữa ăn theo nhiều cách khác như như ăn sống, chế biến món ăn cùng với các thực phẩm khác hoặc ép nước uống.
Bên cạnh đó, hạt rau cần cũng có tác dụng tương tự. Dân gian thường nhai trực tiếp 2 – 3 thìa hạt rau mỗi ngày để chữa bệnh gout tại nhà.
9. Thực phẩm giàu omega 3
Bao gồm:
- Cá biển: Cá thu, cá hồi, cá cơm, cá tuyết, cá ngừ…
- Hạt lanh
- Dầu ô liu
- Dầu gan cá tuyết
- Hạt óc chó…
Omega 3 là một chất béo lành mạnh có khả năng kháng viêm tự nhiên. Vì vậy, người bệnh nên tăng cường bổ sung chất này trong thực đơn thông qua các thực phẩm trên để giảm sưng viêm khớp, giúp khớp bị tổn thương nhanh hồi phục và có khả năng vận động tốt hơn.
10. Rau tía tô
Cuối cùng, nếu bạn vẫn đang phân vân “bị gout nên ăn gì?” thì có thể cân nhắc sử dụng rau tía tô. Đây vừa là rau gia vị, vừa là cây thuốc nam chữa bệnh gout đang được sử dụng rộng rãi.
Giàu vitamin A và C, tía tô có tác dụng làm giảm nồng độ axit uric. Thực phẩm này cũng giúp tăng cường lưu thông máu, giảm sưng đau khớp, rút ngắn thời gian điều trị bệnh. Để cải thiện các triệu chứng khó chịu, người bệnh nên thường xuyên thêm lá tía tô vào trong bữa ăn, sắc hoặc xay tươi lấy nước uống.
Bị gout nên kiêng gì?
Bên cạnh việc tìm hiểu bị gout nên ăn gì thì người bệnh cần nhận diện được một số thực phẩm, đồ uống có hại cho cơ thể để tránh sử dụng trong thực đơn. Chúng bao gồm:
1. Thịt đỏ
Thịt bò, thị bê hay thịt trâu… đều nằm trong danh sách các thực phẩm có hàm lượng purin cao nên có thể làm tăng axit uric trong máu khi sử dụng thường xuyên. Bên cạnh đó, thịt đỏ còn chứa nhiều chất béo không lành mạnh và một số loại protein lạ có thể gây ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, đồng thời kích hoạt phản ứng viêm tại khớp bùng phát.
2. Bị gout nên kiêng ăn hải sản
Một số loại hải sản như tôm, hàu hay cá mòi … có hàm lượng purin ở mức cao. Vì vậy, các trường hợp đang bị tăng axit uric trong máu hoặc bị gout nên hạn chế sử dụng nếu không muốn bệnh tăng nặng.
3. Các loại rau đang trong giai đoạn sinh trưởng mạnh
Chẳng hạn như giá đỗ, rau mầm, măng hay dọc mùng… Chúng được xếp vào danh sách các thực phẩm chứa lượng purin cao. Tốt nhất người bệnh nên kiêng ăn để tránh tình trạng tiếp tục gia tăng axit uric khiến bệnh gout phát triển trầm trọng hơn.
4. Thịt vịt không tốt cho người bị gout
Trong 100g thịt vịt có khoảng 138mg purin. Đây là một mức khá cao và nếu ăn nhiều sẽ khiến cho nồng độ axit uric trong máu của bệnh nhân bị gout tiếp tục tăng lên. Điều này gây khó khăn cho quá trình điều trị bệnh.
5. Nội tạng động vật
Nội tạng động vật chứa nhiều cholesterol, purin và chất béo không lành mạnh. Sử dụng nhóm thực phẩm này thường xuyên không chỉ gây hại cho sức khỏe tim mạch mà còn làm tăng nguy cơ bị gout hoặc làm bệnh kéo dài lâu khỏi.
6. Đồ uống chứa cồn
Bia, rượu là những loại đồ uống chứa cồn đang được sử dụng phổ biến trên bàn nhậu. Lạm dụng chúng thường xuyên có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, chẳng hạn như gout, đau dạ dày, xuất huyết dạ dày, ung thư…
Đối với những người đang bị gout, uống bia rượu thường xuyên sẽ làm tăng axit uric trong máu. Hơn nữa, đồ uống có cồn còn gây mất nước và có tính kích thích khiến cho khớp bị đau nhức dữ dội hơn.
7. Các thức ăn nhiều dầu mỡ
Thực phẩm chiên, xào hay các món nhiều dầu mỡ khác có thể gây tăng cân, béo phì, làm tăng áp lực cho khớp bị bệnh. Khi ăn nhiều đồ béo, lượng mỡ trong máu tăng cao còn kích hoạt phản ứng viêm tại khớp dữ dội hơn.
Qua những thông tin trên đây, hẳn bạn đã có câu trả lời thỏa đáng cho thắc mắc bị gout nên ăn gì và kiêng gì. Người bệnh nên tuân thủ những kiêng cữ trong ăn uống và tích cực điều trị theo phác đồ của bác sĩ để nhanh chóng kiểm soát được bệnh.
Có thể bạn chưa biết
- Những cách chữa bệnh gout cho hiệu quả tốt được bác sĩ khuyên dùng