Biến Dạng Khớp Trong Viêm Khớp Dạng Thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây viêm, làm tổn thương khớp dẫn dần và cuối cùng là dẫn đến biến dạng khớp. Biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp có thể gây mất chức năng khớp hoàn toàn và tàn tật. Do đó, điều quan trọng là đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Viêm khớp dạng thấp gây biến dạng khớp như thế nào?
Viêm khớp dạng thấp (RA) là bệnh lý tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô khớp khỏe mạnh. Thông thường, các khớp được lót bằng một lớp màng chuyên biệt được gọi là màng hoạt dịch. Bao hoạt dịch tạo ra chất lỏng hoạt dịch bôi trơn và bảo vệ các khớp. Đối với người bệnh viêm khớp dạng thấp, các tế bào miễn dịch tấn công các màng hoạt dịch và giải phóng các protein gây viêm chuyên biệt được gọi là cytokine, dẫn đến viêm bao hoạt dịch. Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp cũng dẫn đến viêm bao gân, có thể xảy ra khi bao hoạt dịch bao quanh gân bị viêm.
Tình trạng viêm và kích thích màng hoạt dịch phát triển một cách bất thường, tạo thành các mô xơ được gọi là mô viêm hạt (Pannus). Các mô viêm hạt tiết ra các enzym phá vỡ sụn và xương, có thể gây tổn thương các khớp và dây chằng. Các mô này cũng chứa một lượng lớn các tế bào xương chuyên biệt, được gọi là tế bào hủy xương. Các tế bào hủy xương tiết ra một hàm lượng cao các protein và axit khác ăn mòn xương. Các mô viêm hạt cũng có thể tạo ra nhiều chất lỏng hoạt dịch, từ đó dẫn đến sưng và đau khớp.
Theo thời gian, các tổn thương viêm này có thể dẫn đến biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp. Biến dạng gây mất hình dạng và sự liên kết ở các mô khớp, gây mất chức năng hoàn toàn cũng như tăng nguy cơ tàn tật.
Hiện tại không có cách chữa khỏi viêm khớp dạng thấp, nhưng có một số loại thuốc và phương pháp điều trị có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh, bao gồm hỗ trợ phòng ngừa các biến dạng khớp. Do đó, điều quan trọng là xác định mức độ nghiêm trọng của viêm khớp và điều trị theo kế hoạch của bác sĩ chuyên môn.
7 kiểu biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp thường phổ biến ở các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân và cổ tay. Ở bàn tay, các khớp ngón tay (khớp ngón út) và khớp ngón giữa (khớp liên đốt sống gần) thường dễ bị ảnh hưởng nhất. Các khớp ngón tay ngoài cùng (khớp liên đốt sống xa) thường không bị ảnh hưởng.
Một số dạng biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp bao gồm:
1. Biến dạng Boutonniere
Biến dạng Boutonniere (Boutonniere deformity) là dị tật ảnh hưởng đến ngón tay, có thể bao gồm một hoặc cả hai vấn đề sau:
- Ngón tay bị uốn cong ở khớp giữa hoặc ngón tay cái bị uốn cong ở khớp đầu tiên.
- Ngón tay hoặc ngón cái bị cong về phía sau ở khớp cuối.
Biến dạng Boutonniere có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, thường xảy ra do gân ở mặt sau của ngón tay hoặc ngón cái bị đứt. Tình trạng này cũng xảy ra liên quan đến biến chứng của một số bệnh lý, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp.
Biến dạng Boutonniere trong viêm khớp dạng thấp khiến các khớp ngón tay bị cong bất thường. Vị trí uốn cong này làm cho các gân nhỏ ở bên ngón tay trượt về phía lòng bàn tay. Theo thời gian, ngón tay có thể bị kéo nhiều hơn vào khớp cuối ngón tay, khiến ngón tay gấp khúc bất thường và gây mất chức năng khớp.
Loại biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp sẽ trở nên nghiêm trọng theo thời gian nếu không được điều trị. Có nhiều phương pháp khác nhau có thể cải thiện các triệu chứng dị tật Boutonniere, chẳng hạn như phẫu thuật. Bác sĩ cũng có thể chỉ định sử dụng nẹp cố định khớp nếu người bệnh không đủ điều kiện phẫu thuật, tuy nhiên nẹp đối với biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp thường không mang lại hiệu quả cao.
Ngày cả khi được phẫu thuật, ngón tay cũng không thể quay lại vị trí bình thường như trước khi bị tổn thương. Tuy nhiên điều quan trọng là đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị, nhằm phục hồi chức năng khớp.
2. Biến dạng cổ thiên nga
Biến dạng cổ thiên nga (Swan-neck deformity) là một dị tật ở bàn tay, trong đó các ngón tay bị cong bất thường. Khớp giữ của ngón tay sẽ bị cong ra sau nhiều hơn so với bình thường và đầu ngón tay hướng xuống phía dưới. Loại biến dạng này có thể gây ảnh hưởng đến tất cả các ngón tay, trừ ngón tay cái, do ngón tay cái thường có ít khớp hơn.
Biến dạng Boutonniere và biến dạng cổ thiên nga là các biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp dễ bị nhầm lẫn. Do đó, người bệnh cần phân biệt các tình trạng này để có kế hoạch xử lý phù hợp.
Các dấu hiệu của biến dạng cổ thiên nga bao gồm:
- Ngón tay cứng
- Có cảm giác giật khi di chuyển các ngón tay
- Có các vấn đề về uốn cong khớp
Loại biến dạng khớp này thường xảy ra ở yếu hoặc đứt dây chằng ở giữa khớp. Theo thời gian, gân sẽ bị khó duỗi thẳng, dẫn đến khớp bị uốn cong bất thường. Viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến dị tật cổ thiên nga theo thời gian. Ở bệnh viêm khớp dạng thấp, các khớp bị viêm sẽ dẫn đến đau đớn và biến dạng khớp.
Biến dạng cổ thiên nga trong viêm khớp dạng thấp được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Thông thường người bệnh có thể được đề nghị phẫu thuật mô mềm hoặc tạo hình khớp để phục hồi chức năng vận động.
Tuy nhiên, ngay cả sau khi phẫu thuật, người bệnh vẫn có thể gặp một số hạn chế trong phạm vi vận động. Ngoài ra, một số người bệnh vẫn có thể bị dị dạng ở một mức độ nào đó.
3. Ngón tay cái Hitchhiker
Ngón tay cái Hitchhiker (Hitchhiker’s thumb) là thuật ngữ miêu tả ngón tay uốn cong về phía sau quá mức so với bình thường. Đôi khi dị tật này được gọi là ngón tay cái hình chữ Z. Hiện tại, chưa có nghiên cứu cụ thể về nguyên nhân của biến dạng này. Tuy nhiên các bác sĩ cho rằng ngón tay cái Hitchhiker có thể liên quan đến các yếu tố di truyền.
Ngoài ra, các vấn đề ở khớp tay và chân cũng phổ biến ở người bệnh viêm khớp dạng thấp. Ở người bệnh viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công các mô trong cơ thể. Khi lớp niêm mạc của khớp bị tấn công, một lớp mô bất thường sẽ được hình thành, dẫn đến phá hủy sụn và xương trong khớp. Các gân và dây chằng giữ khớp cũng bị yếu đi, khiến khớp bị mất dần hình dạng bình thường.
Ngón tay cái Hitchhiker là một biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp phổ biến, tuy nhiên không gây ra biến chứng hoặc các vấn đề sức khỏe liên quan. Tuy nhiên người bệnh nên trao đổi với bác sĩ nếu tình trạng này gây đau đớn, khó chịu hoặc ảnh hưởng đến chức năng khớp.
4. Biến dạng Ulnar Drift
Biến dạng Ulnar Drift là một biến dạng bàn tay xảy ra khi các khớp ngón tay bị sưng khiến các khiến bàn tay bị uốn cong bất thường về phía xương trụ ở ngoài cùng của cánh tay. Tình trạng này thường xảy ra do viêm khớp dạng thấp, tuy nhiên cũng có thể ảnh hưởng đến các bệnh viêm khớp khác.
Biến dạng Ulnar Drift có thể gây đau đớn, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Theo thời gian, người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện một số công việc hàng ngày đòi hỏi việc nắm chặt, chẳng hạn như mở bình, vặn tay nắm cửa hoặc mặc quần áo.
Các triệu chứng biến dạng Ulnar Drift bao gồm:
- Mất khả năng liên kết và linh hoạt của ngón cái và ngón trỏ
- Các khớp cổ tay, bàn tay và các ngón tay hơi ấm
- Đau hoặc mềm ở tay
- Không có khả năng hoạt động linh hoạt ở tay, chẳng hạn như không thể cuộn tay thành nắm đấm
- Cứng khớp bàn tay
Hiện tại không có biện pháp điều trị các triệu chứng biến dạng Ulnar Drift và tình trạng này có xu hướng trở nên nghiêm trọng theo thời gian. Tuy nhiên người bệnh có thể thay đổi lối sống, thường xuyên tập thể dục, vận động bàn tay, sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng.
5. Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay (Carpal tunnel syndrome) gây ảnh hưởng đến cánh tay, cổ tay và bàn tay. Đây là một biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp phổ biến, xảy ra khi tình trạng viêm ở cổ tay và bàn tay gây chèn ép dây thần kinh. Các triệu chứng phổ biến bao gồm yếu và tê các ngón tay.
Nhận biết sớm các triệu chứng của Hội chứng ống cổ tay là cách tốt nhất để cải thiện tình trạng này và ngăn ngừa các biến dạng khớp liên quan. Bác sĩ có thể đề nghị một số biện pháp điều trị như:
- Nẹp cố định cổ tay
- Sử dụng thuốc, chẳng hạn như Ibuprofen để giảm đau
- Tiêm Corticosteroid vào ống cổ tay để giảm viêm
- Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để tăng cường cổ tay và bàn tay
- Châm cứu
- Yoga
Nếu các triệu chứng kéo dài hoặc gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, người bệnh nên thông báo với bác sĩ ngay lập tức để được hướng dẫn cụ thể.
6. Dị tật ngón chân móng vuốt
Biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến bàn tay và các ngón tay, tuy nhiên bàn chân và các ngón chân cũng có thể bị ảnh hưởng. Tương tự như ở bàn tay, các ngón chân có thể phát triển theo các hướng không tự nhiên (nhô ra ngoài cùng một hướng hoặc theo nhiều hướng khác nhau), điều này có thể gây đau đớn khi đi bộ hoặc chạy.
Biến dạng bàn chân phổ biến nhất trong viêm khớp dạng thấp là ngón chân móng vuốt (Claw toe). Tình trạng này xảy ra khi viêm khớp dạng thấp gây tổn thương thần kinh, khiến cơ chân suy yếu và mất chức năng. Ngón chân móng vuốt có nghĩa là ngón chân uốn sâu vào lòng bàn chân và tạo thành những vết chai, đau đớn. Nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng theo thời gian và dẫn đến dị tật vĩnh viễn.
Biến dạng khớp bàn chân trong bệnh viêm khớp dạng thấp có thể được điều trị bằng nẹp chỉnh hình, nẹp, nghỉ ngơi, chườm đá, đi giày đặc biệt và dùng thuốc. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần phẫu thuật hợp nhất khớp hoặc điều chỉnh các khớp bị tổn thương. Bác sĩ cũng có thể đề nghị chọc dò khớp để thoát hết các chất lỏng dư thừa, vụn xương, sửa chữa dây chằng, sụn hoặc gân để cải thiện chức năng khớp.
7. Hình thành nốt thấp khớp
Ngoài ra, một số người bệnh có thể phát triển hạt dưới da trong viêm khớp dạng thấp. Các hạt này được gọi là nốt dạng thấp hay nốt thấp khớp, là một khối u mô sưng to. Các nốt thấp khớp có thể hình thành tại các khớp ở bên trong các cơ quan, chẳng hạn như dây thanh quản, phổi, tim và các mô mềm khác trong cơ thể.
Trong hầu hết các trường hợp, nốt dạng thấp là biến dạng khớp lành tính, ít gây đau và không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Các nốt này cũng không cần điều trị nếu không gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, đôi khi bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật loại bỏ các nốt dạng thấp nếu cần thiết.
Biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp cần được chẩn đoán và chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ. Do đó, điều quan trọng là đến bệnh viện để được tư vấn phù hợp nhất.
Biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp có điều trị được không?
Hiện tại không có thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp cũng như các biến dạng khớp. Tuy nhiên có một số phương pháp có thể làm chậm quá trình diễn tiến bệnh và hỗ trợ kiểm soát các biến dạng khớp. Các phương pháp điều trị được chỉ định dựa theo loại biến dạng và mức độ nghiêm trọng, chẳng hạn như:
1. Sử dụng thuốc
Có nhiều loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp khác nhau có thể làm chậm sự tiến triển bệnh, ngăn ngừa các biến chứng, bao gồm hỗ trợ cải thiện các biến chứng khớp. Các loại thuốc này, chẳng hạn như thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD), hoạt động bằng cách nhắm mục tiêu viêm, ngăn ngừa tổn thương và các biến dạng khớp.
Các loại thuốc DMARD phổ biến bao gồm:
- Methotrexate
- Plaquenil
- Azulfidine
Thuốc sinh học cũng được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp và phòng ngừa các biến dạng khớp. Thuốc sinh học có chứa các protein nhân tạo, có thể ngăn chặn các tế bào miễn dịch cụ thể hoặc các loại protein gây viêm, từ đó hạn chế hoạt động của hệ thống miễn dịch. Các loại thuốc sinh học phổ biến bao gồm:
- Rituximab
- Tocilizumab
- Certolizumab pegol
- Adalimumab
- Infliximab
- Golimumab
Ngoài ra, steroid cũng có thể được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng cấp tính của viêm khớp dạng thấp, hỗ trợ chống viêm và ngăn ngừa nguy cơ biến dạng khớp. Steroid hoạt động bằng cách mô phỏng hoạt động của cortisol, hóa chất tự nhiên giúp giảm viêm. Do đó, đôi khi bác sĩ có thể kê đơn steroid như prednisone để kiểm soát viêm khớp dạng thấp.
2. Phẫu thuật
Điều trị bằng thuốc có thể làm chậm và ngăn ngừa biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên đối với các biến dạng nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Phẫu thuật có thể điều chỉnh hoặc thay thế các mô khớp bị tổn thương, thường đó phục hồi chức năng khớp và tăng cường chất lượng cuộc sống.
Các ca phẫu thuật phổ biến bao gồm:
- Thay thế toàn bộ khớp bị hư hỏng bằng các bộ phận nhân tạo.
- Hợp nhất khớp để giúp khớp ổn định hơn, giảm đau và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng liên quan.
- Cắt bao hoạt dịch có thể cải thiện cơn đau và phục hồi khả năng vận động của người bệnh.
- Điều chỉnh gân bị đứt hoặc viêm để giảm đau và phục hồi hình dạng bình thường của khớp.
Phòng ngừa biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp
Các biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp có thể phòng ngừa bằng việc điều trị bệnh sớm, đúng cách và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp. Một số thói quen có thể góp phần ngăn ngừa biến dạng khớp bao gồm:
- Điều trị sớm: Các biến dạng khớp thường xảy ra do bệnh không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Do đó, người bệnh nên có biện pháp điều trị càng sớm càng tốt.
- Tái khám định kỳ: Người bệnh sẽ có ít nguy cơ biến dạng cũng như biến chứng nghiêm trọng hơn khi được tái khám và chăm sóc sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
- Tập thể dục: Thường xuyên tập thể dục và vận động khớp có thể giúp các khớp khỏe hơn, từ đó ngăn ngừa các biến dạng. Bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu có thể đề nghị một kế hoạch tập luyện hiệu quả nhất. Do đó, hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn.
- Nghỉ ngơi khi cần thiết: Người bệnh cần cân bằng giữa thời gian nghỉ ngơi, làm việc và tập thể dục để tránh gây áp lực lên các khớp.
- Sử dụng thiết bị hỗ trợ: Các thiết bị, dụng cụ hỗ trợ như gậy, khung tập đi, nẹp điều chỉnh có thể hỗ trợ giữ khớp ở đúng vị trị và phòng ngừa các biến dạng nghiêm trọng.
- Không hút thuốc lá: Thuốc lá có thể làm tăng viêm, khiến các triệu chứng viêm khớp dạng thấp trở nên nghiêm trọng và dẫn đến các biến dạng khớp.
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn dịch gây viêm, có thể gây tổn thương khớp và biến dạng khớp theo thời gian. Biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp có thể gây mất sự liên kết, mất chức năng và tàn tật. Mặc dù hiện tại không có cách chữa khỏi RA, tuy nhiên có một số loại thuốc và phương pháp làm chậm sự tiến triển của bệnh cũng như ngăn ngừa các biến dạng khớp. Do đó người bệnh nên có kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Tham khảo thêm: