Mang Thai Tháng Đầu
Mang thai tháng đầu là thời điểm quan trọng trong sự phát triển của em bé và sẽ đặt nền móng cho phần còn lại của cuộc đời bé. Tuy nhiên trong tháng đầu, nhiều phụ nữ thậm chí còn không nhận ra mình đang mang thai và chỉ nhận ra khi đã sang tháng thứ 2 hoặc thứ 3. Do đó, nếu có kế hoạch mang thai hoặc quan hệ tình dục không bảo vệ, bạn nên lưu ý để các dấu hiệu để có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Dấu hiệu mang tháng tháng đầu cần lưu ý
Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, bạn gần như không có nhiều dấu hiệu nhận biết. Tuy nhiên, nếu đang có kế hoạch mang thai, bạn nên lưu ý một số dấu hiệu thụ thai thành công, chẳng hạn như:
- Mệt mỏi: Khi mang thai, cơ thể sẽ bắt đầu thay đổi để tạo nên một môi trường thân thiện và phù hợp với em bé đang hình thành. Điều này có thể dẫn đến mệt mỏi, kiệt sức cũng như uể oải tại một số thời điểm nhất định.
- Đau ngực: Các hormone, như progesterone và estrogen, sẽ bắt đầu tăng lên. Điều này sẽ khiến ngực trở nên mềm hơn, tương tự như các dấu hiệu tiền kinh nguyệt.
- Chuột rút và đau bụng: Khi mang thai tháng đầu, tử cung sẽ trải qua nhiều thay đổi, điều này có thể gây khó chịu, đau đớn cũng như chuột rút ở bụng. Thêm vào đó, mang thai có thể dẫn đến táo bón và đầu hơi, điều này cũng khiến bạn cảm thấy căng tức ở bụng.
- Đi tiểu thường xuyên: Thận sẽ bắt đầu tăng cường đào thải chất thải ra khỏi cơ thể khi mang thai, do đó bạn sẽ đi tiểu rất nhiều lần.
- Xuất hiện máu báo thai: Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, bạn có thể xuất huyết màu đỏ, hồng hoặc nâu nhạt ở âm đạo. Điều này có do cổ tử cung bị kích thích khi hợp tử làm tổ, cất vào tử cung. Tuy nhiên lượng máu này thường rất nhẹ và kết thúc sau 1 – 2 ngày. Do đó, nếu bị chảy máu âm đạo nghiêm trọng hoặc nhiều như chu kỳ kinh nguyệt, bạn nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
- Ốm nghén: Các dấu hiệu ốm nghén như buồn nôn và nôn thường phổ biến trong tuần thứ 6 của thai kỳ, tuy nhiên ốm nghén cũng có thể xuất hiện sớm nhất vào tuần thứ 4. Một số phụ nữ mang thai có thể buồn nôn ngay trong tháng đầu của thai kỳ.
Bên cạnh đó, một số phụ nữ mang thai tháng đầu cũng gặp các triệu chứng như:
- Đau đầu
- Thay đổi thói quen ăn uống và khẩu vị
- Đau lưng
- Nhu động ruột bất thường
- Khứu giác phát triển
- Ợ chua
- Thay đổi tâm trạng
Hầu hết các dấu hiệu mang thai tháng đầu thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các tình trạng sức khỏe khác. Do đó, nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc gây lo lắng, bạn nên trao đổi với bác sĩ hoặc đến bệnh viện để được chăm sóc phù hợp.
Cơ thể thay đổi thế nào khi mang thai tháng đầu?
Sự thụ thai xảy ra khi tinh trùng kết hợp với trứng, tạo thành hợp tử và làm tổ ở tử cung. Mặc dù trong tháng đầu tiên của thai kỳ, bạn có thể không nhận thấy bất kỳ thay đổi thể chất rõ ràng nào, tuy nhiên hầu hết phụ nữ sẽ trải qua những giai đoạn như:
1. Thay đổi ở bụng
Trong tháng đầu tiên của thai kỳ, sau khi thụ thai thành công, hợp tử sẽ bắt đầu làm tổ và bám vào tử cung. Đây là một trong những thời điểm quan trọng cũng như bận rộn nhất trong suốt thai kỳ. Vào cuối tháng đầu, túi noãn hoàng, túi ối và dây rốn sẽ bắt đầu phát triển. Lúc này phôi thai sẽ dài khoảng 2 mm. Tuy nhiên, lúc này phôi thai có kích thước rất nhỏ, do đó bụng của bạn dường như không có bất cứ thay đổi nào.
Tại thời điểm này, dấu hiệu duy nhất cho thấy bạn đang mang thai thường là trễ kinh cũng như mệt mỏi bất thường mà không có bất cứ sự thay đổi nào ở bụng. Bởi vì tử cung nằm ở phía sau bàng quang và sẽ không gây ảnh hưởng đến cấu trúc thành bụng cho đến khi thai nhi được 5 – 6 tuần, lúc này bụng sẽ hơi nhô ra ngoài.
Trong tháng đầu, tử cung sẽ bắt đầu đè lên bàng quang, điều này khiến thai phụ cảm thấy cần đi tiểu thường xuyên. Các triệu chứng phổ biến khác trong giai đoạn này bao gồm mệt mỏi, sưng, đau vú, ốm nghén, táo bón, tăng tiết dịch âm đạo và thay đổi mạch máu do lượng máu tăng lên.
2. Quá trình thụ tinh và làm tổ
Khi một người đàn ông xuất tinh, sẽ có khoảng 350 triệu tinh trùng được đưa vào âm đạo. Những tinh trùng này sẽ bơi lên tử cung đến các ống dẫn trứng và sẽ tồn tại trong 4 – 5 ngày, để chờ thụ tinh với trứng. Nếu tinh trùng có thể xâm nhập vào trứng, quá trình thụ tinh sẽ diễn ra. Trứng đã thụ tinh được gọi là hợp tử sẽ nhanh chóng phân chia các tế bào giống hệt nhau sau đó di chuyển xuống tử cung.
Sau khi hợp tử di chuyển đến từ cung và làm tổ, một số phụ nữ sẽ xuất hiện dấu hiệu chảy máu. Máu báo thai này sẽ xuất hiện sau 10 – 14 ngày kể từ lúc thụ thai, thường nhẹ và sẽ kết thúc trong 1 – 2 ngày.
3. Sự phát triển của phôi thai
Mặc dù trong tháng đầu tiên, bụng bầu không có nhiều sự thay đổi, tuy nhiên phôi thai vẫn ở trong tử cung và phát triển mỗi ngày. Ở giai đoạn này, bạn đã bị trễ kinh, tuy nhiên một số phụ nữ vẫn chưa nhận ra các dấu hiệu của thai kỳ và em bé đang trải qua một số dấu mốc phát triển quan trọng trong đời.
Sau khi hình thành, hợp tử sẽ thâm nhập vào niêm mạc tử cung, lúc này em bé được gọi là phôi nang. Tại đây phôi nang sẽ tách thành hai nhóm tế bào, tế bào sẽ phát triển thành phôi thật sự và các tế bào gắn ở thành tử cung sẽ hình thành nhau thai. Nhau thai rất quan trọng để cung cấp cho thai nhi các chất dinh dưỡng cần thiết và loại bỏ các chất thải.
Trong thời gian này, bạn có thể siêu âm qua ngã âm đạo thông qua một đầu dò nhỏ. Lúc này bác sĩ sẽ phát hiện một túi thai, một cấu trúc dạng túi nhỏ, trong đó em bé đang phát triển và lớn lên.
Trong khi mang thai tháng đầu, em bé cũng sẽ hình thành tim và hệ tuần hoàn cơ bản một cách nhanh chóng. Lúc này thai nhi cũng đang phát triển một cấu trúc được gọi là ống thần kinh, sau này sẽ phát triển thành hệ thống thần kinh trung ương – não và dây thần kinh cột sống.
Trong tháng đầu của thai kỳ, bạn sẽ được đề nghị bổ sung axit folic thông qua thực phẩm hoặc các sản phẩm dành cho bà bầu. Axit folic có thể ngăn ngừa tật nứt đốt sống cũng như các dị tật bẩm sinh khác, và giúp thai nhi phát triển trí não.
4. Thay đổi nội tiết tố
Trong bảy tuần đầu tiên của thai kỳ, progesterone sẽ duy trì niêm mạc tử cung do buồng trứng tiết ra, sau đó hormone này được sản xuất bởi nhau thai. Progesterone tăng cao sẽ dẫn đến đau núm vú, cảm giác ngứa ran ở vú cũng như tăng lượng chất béo trong cơ thể, cho phép phôi thai hấp thụ các chất lắng đọng glycogen và thư giãn các cơ trơn, ngăn ngừa chuyển dạ sớm. Các triệu chứng khác có thể xảy ra bao gồm táo bón, khó tiêu, buồn nôn và trào ngược dạ dày.
Trong khi mang thai tháng đầu, tất cả các hormone sinh sản đều ở trạng thái thay đổi liên tục. Do đó, bạn có thể ở trạng thái vô cùng hạnh phúc, sau đó buồn bã và rơi nước mắt mà mà không giải thích được. Đừng lo lắng, điều này là hoàn toàn bình thường và hầu hết phụ nữ mang thai đều gặp phải tình trạng này.
5. Các thay đổi khác
Ngoại trừ những thay đổi chính như trên, đôi khi thai phụ có thể gặp một số thay đổi như:
- Các thay đổi thất thường về nội tiết tố có thể khiến bạn thay đổi cảm giác thèm ăn và thói quen ăn uống. Buồn nôn và ốm nghén có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Một số món ăn yêu thích trước đây có thể không phù hợp và gây khó chịu.
- Xuất hiện các triệu chứng tương tự như hội chứng tiền kinh nguyệt, chẳng hạn như đau vú, cảm gió và chướng bụng do giữ nước.
Chẩn đoán và xét nghiệm khi mang thai tháng đầu
Nếu có dấu hiệu mang thai hoặc nghi ngờ mang thai, bạn nên đến gặp bác sĩ trong thời gian gần nhất. Bác sĩ có thể đề nghị các chẩn đoán và xét nghiệm để xác định thai kỳ. Các xét nghiệm phổ biến bao gồm:
Khám sức khỏe:
- Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn chia sẻ về chu kỳ kinh nguyệt lưu lượng và tần suất của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Ngoài ra, bác sĩ cũng hỏi về các biện pháp tránh thai và quan hệ tình dục để xác định thai kỳ.
- Bạn có thể được chỉ định các vấn đề liên quan đến thai nghén trong quá khứ, chẳng hạn như chửa ngoài tử cung, bệnh về ống dẫn trứng, thắt ống dẫn trứng, nắn ống dẫn trứng hoặc các bệnh viêm nhiễm.
Xét nghiệm thai kỳ:
- Mẫu nước tiểu của bạn sẽ được thu thập để thực hiện kiểm tra hormone hCG. Xét nghiệm máu cũng có thể được chỉ định trong các trường hợp cần thiết.
- Hormone hCG được theo dõi chặt chẽ để kiểm tra xem hormone có phát triển chậm lại hoặc ở tốc độ thấp hơn hay không, điều này có thể là dấu hiệu của việc mang thai ngoài tử cung.
- Nồng độ hCG cao hơn có thể có nghĩa là bất thường về nhiễm sắc thể, mang thai trứng (hoặc chửa trứng) hoặc đa thai.
- Bác sĩ sẽ đề nghị đo nồng độ progesterone huyết thanh để xác định các bất thường trong thai kỳ.
Siêu âm:
- Siêu âm là phương pháp hiệu quả nhất để xác định thai kỳ. Siêu âm qua ngã âm đạo tốt hơn siêu âm bụng bình thường, bởi vì tần số cao hơn và độ phân giải hình ảnh cũng chất lượng hơn.
Mẹo chăm sóc sức khỏe khi mang thai tháng đầu
Sau khi xác định mang thai, bác sĩ sẽ hướng dẫn thai phụ một số kiến thức về thai kỳ, mẹo chăm sóc sức khỏe cũng như các thông tin khác để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh. Một số vấn đề cần lưu ý như:
- Chăm sóc sức khỏe: Bạn cần đầu các thói quen chăm sóc sức khỏe trước khi sinh, bao gồm việc bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết. Axit folic cần được bổ sung ngay khi xác định thai kỳ hoặc khi bạn có kế hoạch mang thai. Axit folic sẽ giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và cũng làm giảm nguy cơ phát triển các khuyết tật ống thần kinh của thai nhi.
- Khám thai định kỳ: Bác sĩ sẽ bắt đầu lập một kế hoạch các cuộc hẹn và khám sức khỏe trong suốt thai kỳ. Điều quan trọng là khám thai theo đúng lịch hẹn để theo dõi sức khỏe và đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.
- Hạn chế sử dụng thuốc: Bạn không nên tự ý sử dụng thuốc trong thai kỳ mà không có sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Điều này có thể dẫn đến một số rủi ro, biến chứng cũng như các rối loạn ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Cần làm gì khi mang thai tháng đầu?
Để mang thai và sinh nở khỏe mạnh, bạn cần có một số thay đổi trong lối sống và công việc. Dưới đây là một số điều bạn nên thực hiện để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh:
- Tăng cường chất lỏng: Việc cung cấp đủ nước là rất quan trọng trong thai kỳ, bởi vì mất nước có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Cách tốt nhất để giữ nước trong cơ thể là tăng lượng nước hàng ngày và đặt báo thức nhắc uống nước. Ngoài ra bạn có thể uống nước trái cây, nước ép rau hoặc các loại súp để tăng cường lượng chất lỏng cần thiết.
- Bổ sung chất xơ: Nội tiết tố thay đổi trong suốt thai kỳ có thể dẫn đến táo bón. Do đó, bạn bổ sung nhiều thực phẩm có chứa chất xơ trong chế độ ăn uống, chẳng hạn như các loại đậu, rau lá xanh, ngũ cốc và các loại rau mầm.
- Tập thể dục thường xuyên: Điều quan trọng khi mang thai tháng đầu là tập thể dục để giữ sức khỏe và cân nặng trong suốt thai kỳ. Bạn nên thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng để duy trì vận động mà không cần gắng sức cũng như không gây áp lực lên cơ thể. Trao đổi với bác sĩ hoặc người có chuyên môn trước khi tập thể dục.
- Ngủ đủ giấc: Cơ thể sẽ trải qua nhiều thay đổi khi mang thai tháng đầu. Do đó, bạn cần nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc để tránh kiệt sức và mệt mỏi. Ngoài ra, ngủ đủ giấc cũng giúp bù đắp phần năng lượng bị mất trong suốt thai kỳ.
- Luôn tích cực: Cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần đều cực kỳ quan trọng và ảnh hưởng đến thai nhi của bạn. Do đó, hãy nghe nhạc, đọc một cuốn sách hay thực hiện bất cứ hoạt động nào giúp bạn cảm thấy vui vẻ, thoải mái.
- Giữ vệ sinh khu vực sinh dục: Nội tiết tố tăng cao đột ngột trong thai kỳ có thể dẫn đến nhiễm nấm hoặc các bệnh phụ khoa khác. Do đó, điều quan trọng là giữ vệ sinh âm đạo để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng ở âm đạo và khu vực sinh dục.
Những điều cần tránh khi mang thai tháng đầu
Để thai kỳ diễn ra khỏe mạnh, thai nhi phát triển tốt cũng như đảm bảo sức khỏe của người mẹ, bạn nên tránh một số vấn đề như:
- Sử dụng đồ uống có caffeine: Không tiêu thụ đồ uống có chứa caffeine như trà, cà phê hoặc coca trong tháng đầu tiên cũng như trong suốt thai kỳ. Caffeine có thể gây mất ngủ, ợ chua, trào ngược dạ dày và lo lắng ở phụ nữ mang thai. Đôi khi caffeine cũng có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng, chẳng hạn như béo phì, dẫn đến các dấu hiệu sinh non, chuyển dạ sớm, hoặc trẻ sinh ra có thể bị nhẹ cân.
- Thực phẩm không lành mạnh: Sử dụng các loại thực phẩm không lành mạnh có thể làm tăng cân, béo phì, tiểu đường và huyết áp cao trong thai kỳ. Thức ăn chiên, chiều dầu mỡ có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và không tốt cho sự phát triển của thai nhi. Do đó, phụ nữ nên tránh ăn các loại thực phẩm không lành mạnh, đặc biệt là khi mang thai tháng đầu.
- Uống rượu: Rượu bia là thức uống cần tránh khi mang thai tháng đầu, điều này góp phần ngăn dị tật bẩm sinh cũng như đảm bảo quá trình phát triển khỏe mạnh của thai nhi.
- Hút thuốc: Thuốc lá có thể gây ra nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng cho thai nhi. Những bà mẹ hút thuốc khi mang thai có nguy cơ sinh con nhẹ cân hoặc gặp các vấn đề về hô hấp. Bên cạnh đó, hút thuốc lá thụ động cũng có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi, cũng như dẫn đến thai chết lưu. Do đó, phụ nữ mang thai tháng đầu không nên hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc lá và yêu cầu người trong nhà không hút thuốc lá.
- Mặc quần áo chật: Cơ thể sẽ trải qua nhiều thay đổi về mặt thể chất trong suốt thai kỳ. Do đó, để cơ thể luôn thoải mái, bạn nên mặc quần áo rộng rãi, hạn chế mặc quần áo bó sát, đặc biệt là khu vực xung quanh bụng.
- Công việc nặng: Uốn cong hoặc nâng tạ nặng cần tránh trong khi mang thai tháng đầu. Các hoạt động này có thể gây áp lực không cần thiết lên vùng bụng, có thể gây hại cho em bé.
- Tắm hơi và tắm nước nóng: Trong tháng đầu của thai kỳ, để cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ cao có thể gây tử vong cho thai nhi. Ngoài ra, nhiệt độ quá cao trong thời gian dài (khi tắm hơi hoặc ngâm nước nóng) có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng của thai nhi.
Mang thai tháng đầu là một thời gian tuyệt vời với nhiều trải nghiệm đặc biệt. Mặc dù cơ thể có thể mệt mỏi, kiệt sức tuy nhiên bạn nên tìm hiểu những kiến thức quan trọng và lên kế hoạch chăm sóc sóc khỏe phù hợp. Nếu có bất cứ lo lắng hoặc thắc mắc nào, vui lòng trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Tham khảo thêm: