Dấu Hiệu Sinh Non
Theo thống kê, khoảng 80% thai phụ có dấu hiệu sinh non không sinh con sớm hơn ngày dự sinh. Tuy nhiên, việc nhận biết các dấu hiệu là điều quan trọng và cần thiết để có kế hoạch xử lý cũng như chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Sinh non là gì?
Sinh non là thuật ngữ chỉ đứa trẻ được sinh ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Sinh non càng sớm, nguy có sức khỏe của bé càng nghiêm trọng. Do dó, trẻ sinh non cần được theo dõi cẩn thận và chăm sóc đặc biệt để giúp trẻ phát triển, trưởng thành khỏe mạnh bên ngoài tử cung của mẹ.
Em bé cần đủ tháng để phát triển trong bụng mẹ. Do đó, nếu được sinh ra quá sớm trẻ có thể phát triển không hoàn toàn. Điều này làm tăng nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm các vấn đề về tim, não, phổi và gan.
Trẻ sinh non cũng có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe sau này, chẳng hạn như bại não, có vấn đề về thính giác và thị lực, khả năng học tập kém, tăng trưởng kém.
Ngoài ra, sinh non cũng gây tác động rất lớn về mặt tinh thần của người mẹ và toàn bộ gia đình. Phụ sinh sinh non thường có nguy cơ:
- Lo lắng quá mức
- Trầm cảm sinh sinh
- Rối loạn căng thẳng sau chấn thương
- Các vấn đề liên kết với em bé
Nguyên nhân cụ thể dẫn đến chuyển dạ sinh non thường không rõ ràng và liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều quan trọng là xác định các dấu hiệu sinh non để có kế hoạch phòng ngừa cũng như xử lý phù hợp nhất.
Các dấu hiệu sinh non cần biết
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm ước tính có 15 triệu trẻ sơ sinh sinh non và con số này tiếp tục tăng lên, đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế kém phát triển và đang phát triển. Sinh non cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu của trẻ em dưới 5 tuổi. Do đó, điều quan trọng là nhận biết các dấu hiệu cảnh báo sinh non để có biện pháp xử lý phù hợp nhất.
Trong hầu hết các trường hợp, chuyển dạ sinh non có các dấu hiệu tương tự như chuyển dạ đủ tháng, bao gồm:
1. Chuột rút nhẹ ở bụng
Đôi khi cảm giác không thoải mái, khó chịu nhẹ và chuột rút ở bụng tương tự như chu kỳ kinh nguyệt có thể là dấu hiệu sinh non. Các chuyên gia cho biết, cơn co thắt này thường nhẹ, không nghiêm trọng, do đó các thai phụ có xu hướng bỏ qua.
Đôi khi, một số phụ nữ sinh non cũng có thể gặp các cơn co thắt mạnh, có thể cảm thấy ở bụng dưới và lưng.
2. Cơn co thắt thường xuyên
Khi cơ thể chuyển bị chuyển dạ, các cơn co thắt sẽ xuất hiện nhiều hơn, ngay cả khi trước ngày dự sinh. Trong trường hợp các cơn co thắt xuất hiện thường xuyên hơn, với tần suất 10 phút một lần, điều này có thể là dấu hiệu sinh non.
Đôi khi các cơn co thắt có thể là dấu hiệu chuyển dạ giả (Braxton Hicks). Các cơn co thắt này không nghiêm trọng, xuất hiện với tần suất không đều, không tăng cường và giảm dần khi thay đổi tư thế. Tuy nhiên cơn co thắt đi kèm cảm giác đau bụng râm ran khi mang thai tháng cuối cũng có thể là dấu hiệu sinh non.
Theo các chuyên gia, nếu thai phụ có nhiều hơn 6 cơn co thắt mỗi ngày, đây là thể là dấu hiệu chuyển dạ sinh non, ngay cả khi không có các triệu chứng khác.
3. Áp lực ở xương chậu
Một dấu hiệu sinh non khác là tăng áp lực ở khu vực xương chậu hoặc âm đạo. Do đó, phụ nữ mang thai hãy chú ý đến áp lực ở khung chậu hoặc bụng dưới, đôi khi cảm giác gần giống như thai nhi đang bị đẩy xuống xuống dưới.
Áp lực ở xương chậu không phải là cơn đau dữ dội khi chuyển dạ. Do đó, thai phụ nên chú ý đến các cảm giác khó chịu hoặc đau nhẹ khi mang thai gần ngày sinh nở.
4. Đau lưng
Đau lưng khi mang thai là điều bình thường, xảy ra khi thai nhi gây áp lực lên cột sống và các dây thần kinh. Tuy nhiên nếu cơn đau bắt đầu tăng lên đột ngột, điều này có thể là dấu hiệu chuyển dạ sinh non.
Khi chuyển dạ, cơ thể sản xuất nhiều hormone hơn. Điều này khiến các khớp, dây chằng trở nên lỏng lẻo và khiến cơn đau lưng trở nên nghiêm trọng hơn. Đây là một quá trình tự nhiên để chuẩn bị cho việc sinh nở.
5. Chảy máu âm đạo
Chảy máu âm đạo hoặc thay đổi loại hoặc số lượng dịch tiết âm đạo có thể là dấu hiệu cho thấy những thay đổi bên trong cổ tử cung, bao gồm cả sinh non.
6. Rò rỉ chất lỏng từ âm đạo
Rò rỉ chất lỏng từ âm đạo có thể là dấu hiệu vỡ màng ối. Vỡ ối trước tuần 37 được xem là một dấu hiệu sinh non và dẫn đến nhiều rủi ro trong thai kỳ.
Không phải tất cả các trường hợp rò rỉ nước ối đều sinh non, tuy nhiên nguy cơ sẽ cao hơn rất nhiều lần. Ngoài ra, vỡ ối sớm cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ.
Vỡ ối có thể mang đến cảm giác hơi ẩm hoặc cực kỳ ướt. Thai phụ có thể ngửi dịch tiết ở âm đạo, nếu có mùi amoniac thì đó là nước tiểu. Nếu không, lượng chất lỏng này có thể là nước ối.
Liên hệ với bác sĩ ngay khi vỡ ối sớm để có kế hoạch xử lý phù hợp.
7. Tiêu chảy
Tiêu chảy hoặc đơn giản là đi ngoài phân lỏng, có thể cho thấy quá trình chuyển dạ đang xảy ra. Điều này là bình thường vào ngày dự sinh, tuy nhiên khi tình trạng này xảy ra trước dự sinh vài tuần, thì có thể là dấu hiệu sinh non.
Tiêu chảy trong thai kỳ không đơn giản là chế độ ăn uống không phù hợp, mà có thể liên quan đến nhiều rủi ro nghiêm trọng khác. Do đó, nếu đang mang thai gần sinh và bị tiêu chảy, thai phụ nên đến bệnh viện hoặc liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
8. Các triệu chứng giống như cảm cúm
Theo các chuyên gia, đôi khi triệu chứng giống như cảm cúm, chẳng hạn như buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy, cảm thấy choáng váng, có thể là dấu hiệu sinh non.
Gọi cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay khi các triệu chứng kéo dài hơn 8 giờ hoặc khi thai phụ không thể dung nạp bất cứ chất lỏng nào.
9. Giảm chuyển động của thai nhi
Một dấu hiệu sinh non quan trọng khác là khi thai phụ nhận thấy sự giảm chuyển động của thai nhi. Chuyển động của thai nhi tăng lên khi thai kỳ tiến triển, nhiều đến mức các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh thường di chuyển 30 lần trong vòng một giờ vào ba tháng cuối của thai kỳ.
Do đó, nếu thai phụ không cảm thấy em bé chuyển động từ 6 – 10 lần trong 60 phút, điều này có thể là dấu hiệu sinh non.
Bên cạnh đó, cử động của thai nhi giảm cũng có thể là dấu hiệu của các biến chứng khác. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, thai phụ nên liên hệ với bác sĩ ngay khi gặp phải triệu chứng này.
Một số dấu hiệu sinh non có thể khó phân biệt với các dấu hiệu bình thường khi mang thai, chẳng hạn như đau lưng hoặc co thắt tử cung. Do đó, nếu không phân biệt được các dấu hiệu, người bệnh nên đến bệnh viện để được kiểm tra các dấu hiệu cảnh báo.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây sinh non
Mặc dù không rõ nguyên nhân dẫn đến sinh non, tuy nhiên có một số yếu tố đóng vai trò kích hoạt tử cung bắt đầu co lại và cổ tử cung bắt đầu giãn ra trước ngày dự sinh.
Cụ thể, các yếu tố dẫn đến sinh non bao gồm:
- Hút thuốc, uống rượu và sử dụng ma túy. Những điều này có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non hoặc nhẹ cân.
- Khoảng cách giữa các lần mang thai ngắn. Mang thai sớm hơn 18 tháng kể từ lần mang thai trước sẽ làm tăng nguy cơ sinh non.
- Nhiễm trùng tử cung và âm đạo, bao gồm nhiễm trùng đường sinh dục, chẳng hạn như viêm âm đạo do vi khuẩn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục như nhiễm trùng roi trichomonas hoặc nhiễm trùng nước ối, được cho là chiếm 50% các cơ sinh non.
- Các biến chứng khi mang thai, chẳng hạn như tiểu đường thai kỳ , tiền sản giật và nước ối quá nhiều, cũng làm tăng nguy cơ nhau bong non hoặc nhau tiền đạo, và làm tăng khả năng sinh sớm.
- Các bất thường về cấu trúc của tử cung hoặc cổ tử cung, bao gồm tử cung quá lớn hoặc có sẹo tử cung đều khiến việc mang thai đủ tháng trở nên khó khăn.
- Nhiễm trùng nướu răng cũng là một yếu tố nguy cơ gây sinh non. Một số chuyên gia nghi ngờ rằng vi khuẩn gây viêm nướu có thể xâm nhập vào máu của mẹ, đến thai nhi và dẫn đến sinh non.
- Căng thẳng và các yếu tố cảm xúc nghiêm trọng có thể dẫn đến việc giải phóng các hormone kích thích cơn co thắt chuyển dạ.
- Đa thai.
- Tuổi của mẹ dưới 17 hoặc trên 35 đều có nguy cơ sinh non cao hơn những người khác.
- Đã từng sinh non trước đó có thể làm tăng 14.2% nguy cơ sinh non ở những lần tiếp theo.
Làm gì khi có dấu hiệu sinh non?
Nếu thai phụ có dấu hiệu sinh non, hãy uống 2 – 3 cốc nước lọc hoặc nước trái cây (không có caffeine), nằm nghiêng về bên trái trong một giờ và ghi lại các cơn co thắt cảm nhận được.
Nếu các dấu hiệu sinh non vẫn tiếp tục xuất hiện trong một giờ tiếp theo, hãy thông báo cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay lập tức. Nếu các triệu chứng giảm dần, thai phụ hãy cố gắng thư giãn trong suốt khoảng thời gian còn lại trong ngày và tránh bất cứ hoạt động nào khiến các dấu hiệu sinh non tái phát.
Trên thực tế, có rất nhiều sự trùng lặp của việc chuyển dạ sinh non và các triệu chứng bình thường của thai kỳ. Điều này khiến thai phụ dễ bỏ qua các dấu hiệu sinh non và có biện pháp xử lý không phù hợp. Do đó, nếu nghi ngờ sinh non hoặc cảm thấy lo lắng, hãy đến bệnh viện ngay lập tức để được chẩn đoán và chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Chuyển dạ sinh non có điều trị được không?
Nếu thai phụ có dấu hiệu sinh non, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm chẩn đoán và phương pháp điều trị dự phòng.
1. Chẩn đoán dọa sinh non
Nếu thai phụ đang trải qua các cơn co thắt tử cung thường xuyên và cổ tử cung bắt đầu mềm, mỏng và mở (giãn ra) trước tuần thứ 37 của thai kỳ, thai phụ có thể được chẩn đoán là chuyển dạ sinh non.
Để đảm bảo tính chính xác của chẩn đoán, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm:
- Khám vùng chậu: Bác sĩ có thể đánh giá tình trạng vùng chậu, độ mềm của tử cung cũng như kích thước của em bé để xác định xem cổ tử cung đã mở hay chưa.
- Siêu âm: Siêu âm qua ngã âm đạo có thể được sử dụng để đo chiều dài cổ tử cung, xác định các vấn đề ở em bé hoặc nhau thai. Siêu âm cũng có thể đánh giá thể tích nước ối và ước tính cân nặng của em bé.
- Theo dõi tử cung: Bác sĩ có thể sử dụng các thiết bị theo dõi tử cung để đo thời gian và khoảng cách của các cơn co thắt.
- Xét nghiệm dịch tiết âm đạo: Xét nghiệm này có thể xác định nhiễm trùng và fibronectin của bào thai, để xác định thời điểm chuyển dạ.
2. Xử lý khi có dấu hiệu sinh non
Mỗi ngày em bé còn trong bụng mẹ có thể tăng cơ hội sống sót và có sức khỏe tốt. Do đó, mục tiêu của bác sĩ là đình chỉ sinh non càng lâu càng tốt.
Bác sĩ có thể đề nghị thai phụ nhập viện nghỉ ngơi và theo dõi. Tùy theo thời gian mang thai và các rủi ro biến chứng, bác sĩ có thể đề nghị một số biện pháp xử lý bao gồm:
- Truyền dịch tĩnh mạch: Cơ thể thai phụ cần nhiều nước và chất lỏng để ngăn ngừa các cơn co thắt chuyển dạ.
- Thuốc kháng sinh: Thai phụ có thể được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh, đặc biệt là khi nhiễm khuẩn liên quan đến chuyển dạ. Nếu thai phụ chưa thực hiện xét nghiệm vi khuẩn liên cầu nhóm B (thường được thực hiện sau tuần 35), thai phụ sẽ được tiêm kháng sinh qua đường tĩnh mạch để ngăn ngừa nguy cơ lây truyền vi khuẩn sang con.
- Thuốc giảm co thắt: Bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc giảm co thắt để thư giãn tử cung và tạm ngừng các cơn co thắt. Những loại thuốc này thường được chỉ định khi thai phụ có dấu hiệu sinh non ở tuần thứ 34 và phổi của thai nhi quá non nớt để chào đời.
- Corticosteroid: Thuốc được chỉ định nếu phổi của thai nhi chưa phát triển đầy đủ. Corticosteroid có thể giúp phổi của thai nhi trưởng thành để đáp ứng đủ điều kiện chào đời.
Ngoài ra, đối với thai phụ có tiền sử son non, bác sĩ có thể đề nghị tiêm một loại hormone progesterone được gọi là hydroxyprogesterone caproate, bắt đầu từ ba tháng giữa và tiếp tục cho đến tuần 37 của thai kỳ.
Hầu hết phụ nữ có dấu hiệu sinh non sẽ không sinh non và các biện pháp hoãn sinh sẽ mang lại hiệu quả cao. Theo thống kê, có khoảng 30% phụ nữ mang thai có dấu hiệu sinh non, trong đó chỉ có 10% phụ nữ chuyển dạ trong vòng một tuần tiếp theo.
Sinh non có phòng ngừa được không?
Để phòng ngừa và hạn chế nguy cơ chuyển dạ sinh non, thai phụ có thể lưu ý một số vấn đề như:
- Những lần mang thai cách nhau ít nhất 18 tháng: Theo khuyến cáo, cơ thể cần ít nhất là 18 tháng để phục hồi và chuẩn bị cho những lần mang thai tiếp theo.
- Khám thai định kỳ: Chăm sóc thai kỳ phù hợp có thể giúp bác sĩ xác định chính xác các yếu tố dẫn đến chuyển dạ sinh non và đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.
- Tránh các thói quen xấu: Hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất kích thích và uống thuốc ngoài chỉ định của bác sĩ có thể làm tăng nguy cơ sinh non.
- Uống vitamin: Bổ sung vitamin hàng ngày có thể tăng cường sức khỏe tổng thể, cải thiện sức khỏe thai kỳ và ngăn ngừa nguy cơ sinh non.
- Chế độ ăn uống phù hợp: Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh khi mang thai có thể giúp em bé khỏe mạnh và chào đời đúng thời điểm. Hấp thụ một lượng axit béo omega-3 nhất định (có trong cá hồi, trứng DHA, quả óc chó và hạt lanh) đã được chứng minh là có tác dụng giảm sinh non cũng như thúc đẩy quá trình phát triển trí não của bé. Vitamin C có trong cam, quýt, quả mọng, ớt chuông và canxi cũng có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ chuyển dạ sinh non.
- Ăn nhiều bữa nhỏ: Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ mang thai nên ăn nhiều bữa nhỏ mỗi ngày để tăng cường chất dinh dưỡng cho mẹ và bé. Tốt nhất nên ăn ít nhất năm lần mỗi ngày, với ba bữa chính và hai bữa phụ, có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ sinh non.
- Uống nhiều nước: Uống đủ lượng nước cần thiết, nhiều hơn nếu thời tiết nóng hoặc thường xuyên tập thể dục, có thể ngăn ngừa nguy cơ sinh non.
- Vệ sinh nướu răng: Bởi vì các bệnh nướu răng có thể làm tăng nguy cơ sinh non, do đó thai phụ được khuyến cáo giữ vệ sinh răng miệng phù hợp.
- Đi tiểu ngay khi có nhu cầu: Việc nhịn tiểu khi mang thai có thể dẫn đến viêm bàng quang, nhiễm trùng thai kỳ và sinh non.
Sinh non có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe của bé và mẹ. Do đó, thai phụ cần nhận biết các dấu hiệu sinh non để có kế hoạch xử lý và điều trị kịp thời. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Tham khảo thêm: