Mang Thai Tuần 15

Tác giả: Cập nhật: 3:21 pm , 28/06/2024

Mang thai tuần 15, thai nhi vẫn tiếp tục phát triển và dần hoàn thiện các cơ quan quan trọng trên cơ thể. Bé bắt đầu biết biểu lộ một số cảm xúc trên khuôn mặt như mỉm cười, nheo mắt, cau mày. Những hình ảnh thú vị này các mẹ hoàn toàn có thể nhìn thấy được thông qua việc siêu âm.

Mang thai tuần 15, thai nhi phát triển như thế nào?

Ở thời điểm mang thai tuần 15, thai nhi sẽ dài chừng 11.5cm và nặng khoảng 100g. Kích thước này tương ứng với một quả táo.

Ở tuần này, chân của bé đã phát triển dài hơn cánh tay. Bé đã có thể cử động được tất các khớp chân và tay của mình như một con người thực thụ. Một điều kỳ diệu các mẹ cần biết là tuy đôi mắt của con yêu còn nhắm nhưng bé hoàn toàn có thể cảm nhận được ánh sáng từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia y tế, đến tuần 15, tiểu não của con đã phát triển thêm một bậc. Hệ tuần hoàn và hệ bài tiết đã có thể đi vào hoạt động. Mẹ cần theo dõi các chuyển động của bé trong từng ngày để nếu có tình trạng bất ổn nào xảy ra, sẽ sớm nhận biết và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Ở tuần 15 này thai nhi đã dài chừng 11.5cm và nặng khoảng 100g
Ở tuần 15 này thai nhi đã dài chừng 11.5cm và nặng khoảng 100g

Cơ thể mẹ bầu thay đổi như thế nào khi có thai 15 tuần?

Trong tuần thứ 15 của thai kỳ, thậm chí là một số tuần sau đó, mẹ bầu sẽ gặp phải một số rắc rối điển hình như:

  • Táo bón
  • Có khả năng bị bệnh trĩ
  • Do sự thay đổi của nội tiết, mũi của mẹ có thể sẽ to và đỏ như quả cà chua
  • Bụng bầu của mẹ tiếp tục nhích lên về kích thước
  • Có thể bị chảy máu cam
  • Tâm trạng thay đổi thất thường
  • Trí nhớ không ổn, hay quên và sự tập trung không cao

Một số thắc mắc của mẹ khi mang thai 15 tuần

15 tuần mang thai chuẩn bị trôi qua, các mẹ đã chuẩn bị được nhiều kiến thức để nuôi dưỡng thật tốt cho sức khỏe của chính bản thân mình lẫn bào thai hay chưa?

Có lẽ với những mẹ đã từng có kinh nghiệm, chắc hẳn họ sẽ trải qua quãng thời gian này một cách nhẹ nhàng nhưng với mẹ bầu “mới toanh” thì lại khác. Họ có vô vàn câu hỏi, vô vàn thắc mắc cần phải được giải đáp. Dưới đây là tổng hợp một số băn khoăn của các mẹ bầu khi mang thai tuần 15. Hy vọng với những kiến thức này, sẽ giúp các mẹ có thêm những kinh nghiệm để chăm sóc thai nhi thật tốt.

1. Mang thai 15 tuần biết trai hay gái chưa?

Hầu như các bậc phụ huynh đều rất mong ngóng thông tin về giới tính của thai nhi. Vậy mang thai tuần 15, liệu bác sĩ đã có thể cho mẹ bầu và chồng biết chính xác đáp án về vấn đề này hay chưa?

Ở thời điểm này, các mẹ có thể nhận biết được giới tính của con thông qua siêu âm nhưng có thể kết quả vẫn chưa chính xác tuyệt đối. Mang thai tuần 15, bộ phận sinh dục của bé yêu còn khá nhỏ và nếu trong lúc siêu âm, bé nằm co người lại thì bác sĩ khó có thể nhìn thấy rõ nên việc đưa ra câu trả lời là chỉ mang tính chất suy đoán. Có thể, mẹ nên chờ thêm một vài tuần nữa, lúc đó mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn rất nhiều.

Mang thai tuần 15 đã có thể biết giới tính của thai nhi nhưng chưa chắn chắn
Ở thời điểm này có thể đã biết giới tính thai nhi nhưng chưa chính xác tuyệt đối

2. Mang thai tuần 15 nên ăn gì?

Để bé yêu thông minh từ trong bụng mẹ, bắt đầu từ tuần thứ 15 của thai kỳ, các mẹ hãy chăm chỉ ăn các thực phẩm sau đây nhé:

  • Cá (Cá hồi, cá ngừ, cá thu…): Với hàm lượng cao omega 3, việc bổ sung cá trong khẩu phần ăn là điều nên làm. Theo một số nghiên cứu, mẹ bầu ăn 3 bữa cá/tuần, thai nhi sinh ra sẽ có chỉ số IQ cao vượt trội so với những đứa trẻ sinh ra từ cơ thể người mẹ lười ăn cá
  • Trứng: Axit amin choline trong trứng sẽ giúp kích thích não bộ ở thai nhi
  • Quả việt quất: Chất chống oxy hóa có trong loại quả này sẽ bảo vệ mô não của thai nhi
  • Các loại hạt (hạnh nhân, bí ngô, hạt chia, óc chó…): Axit béo omega 3 được tìm thấy có nhiều trong loại thực phẩm này và nó hoàn toàn có lợi cho quá trình hình thành và phát triển trí não ở thai nhi
  • Rau bina: Hàm lượng axit folic có trong loại rau này sẽ giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi, đồng thời giúp trí não của trẻ sau này sẽ thông minh vượt trội
  • Khoai lang: Loại thực phẩm rẻ tiền, dễ kiếm này nếu được mẹ bầu tiêu thụ thường xuyên, nó sẽ cung cấp một lượng lớn chất Beta-carotene cho cơ thể, giúp hệ thống thần kinh trung ương của thai nhi phát triển ổn định.

Bên cạnh các thực phẩm trên, mẹ vẫn cần phải đa dạng, phong phú bữa ăn của mình bằng nhiều loại đồ ăn, thức uống khác. Tuy nhiên, trước khi ăn bất cứ một thứ gì, mẹ nên cân nhắc xem nó có thực sự tốt cho sức khỏe hay không, tuyệt đối không ăn đồ linh tinh để tránh tình trạng ngộ độc.

3. Mang thai 15 tuần không tăng cân liệu có sao không?

Sang đến tháng thứ 4 của thai kỳ, khi tình trạng ốm nghén, buồn nôn đã tạm lùi xa, mẹ bầu sẽ ăn uống ngon miệng trở lại và đây chính là thời điểm cân nặng của mẹ bắt đầu nhích thêm. Theo ước tính, trong khoảng thời gian tam cá nguyệt thứ 2, mẹ bầu nên tăng 0,3 – 0,5kg/tuần. Tuy nhiên, do cơ địa của mỗi người, chỉ số cân nặng có thể là khác nhau. Thậm chí, khi mang thai tuần 15, nhiều mẹ nhận thấy mình không tăng cân. Nếu gặp vấn đề này, mẹ không cần quá lo lắng. Có thể là chế độ ăn uống của mẹ chưa đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Mẹ nên theo dõi tình hình này thêm vài tuần. Nếu ở những tuần tiếp theo, cân nặng của mẹ vẫn giữ ở mức cũ, lúc này tốt nhất mẹ nên đi bệnh viện kiểm tra xem có vấn đề gì bất ổn hay không.

4. Mang thai 15 tuần bị đau bụng dưới có nguy hiểm không?

Đau bụng dưới là hiện tượng phổ biến thường gặp ở hầu hết phụ nữ mang thai. Khi mang thai tuần 15, nếu mẹ bắt gặp triệu chứng này kèm theo một số rắc rối khác như xuất huyết, đau nhức mỏi lưng, chóng mặt, mất cảm giác mang bầu…, mẹ đừng chần chừ gì nữa, hãy nhờ người thân đưa đi bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt. Bởi nó có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề nguy hiểm như:

  • Bào thai bị bong sớm
  • Dọa sảy thai
  • Nhiễm trùng đường tiểu
  • Vỡ tử cung
  • Sỏi mật
  • Tiền sản giật

Những tình trạng trên có thể gây nguy hiểm cho thai nhi, thậm chí là ngay cả chính mẹ bầu nếu không được can thiệp biện pháp y tế kịp thời. Khi cơn đau xuất hiện, mẹ hãy thử thay đổi tư thế ngồi, nằm của mình. Nếu tình trạng không đỡ hoặc cơn đau ngày một nặng thì mẹ nên liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa để được khám, tư vấn cách xử lý tốt và an toàn nhất.

Tuần 15 nếu mẹ bầu bị đau bụng dưới thì nên lưu ý
Mẹ bầu nên lưu ý khi bị đau bụng dưới ở tuần thứ 15

5. Có thai 15 tuần nên kiêng gì?

Bất cứ thời gian nào trong thai kỳ, nếu mẹ không kiêng khem cẩn thận, thai nhi có thể gặp nguy hiểm. Chính vì thế, ngay tại thời điểm mang thai tuần 15, các mẹ nên cố gắng hạn chế hoặc kiêng tuyệt đối một số vấn đề dưới đây:

  • Không leo trèo, bê vác đồ nặng
  • Không đứng lên hoặc ngồi sớm một cách đột ngột
  • Kiêng ngồi vắt chéo chân
  • Tuyệt đối không ăn các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao, thịt chế biến sẵn, nội tạng động vật, đu đủ xanh, mướp đắng…
  • Kiêng tiếp xúc với các hóa chất độc hại có trong thuốc tẩy rửa, thuốc xịt muỗi…
  • Tránh đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu
  • Hạn chế đi giày cao gót, trang điểm đậm
  • Kiêng uống bia rượu, cà phê, hút thuốc lá
  • Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để điều trị bệnh
  • Kiêng nhuộm tóc, sơn móng tay
  • Không ngâm mình trong bồn nước tắm quá lâu
  • Tránh để tâm trạng lúc nào cũng ở trong tình trạng lo âu, buồn rầu, căng thẳng

6. Có nên uống nước dừa khi mang thai tuần 15 không?

Theo các chuyên gia y tế, khi bước sang tuần thứ 15 của thai kỳ, các mẹ hoàn toàn có thể bổ sung nước dừa vào trong danh sách các loại thức uống ngon và bổ dưỡng dành cho mẹ bầu. Việc uống nước dừa 2 – 3 lần/tuần, các mẹ sẽ nhận được một loạt những lợi ích tuyệt vời. Cụ thể là:

  • Cung cấp nước cho cơ thể
  • Bổ sung chất điện giải
  • Cung cấp các vitamin thiết yếu cho cơ thể
  • Ngăn ngừa tình trạng táo bón, ợ hơi ở bà bầu
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi thận ở mẹ bầu nhờ có thành phần magie, kali và các khoáng chất khác bên trong nước dừa
  • Tăng cường năng lượng cho mẹ
  • Giúp loại bỏ cholesterol xấu ra khỏi cơ thể
  • Ức chế sự sản sinh virus gây bệnh bên trong cơ thể
  • Làm tăng độ đàn hồi cho làn da

7. 15 tuần, mẹ có nên tập yoga không?

Yoga là một trong những bộ môn thể thao cực kỳ có lợi cho chị em phụ nữ đang mang thai. Chỉ cần bỏ ra khoảng 15 – 30 phút tập luyện mỗi ngày, tinh thần cũng như sức khỏe của mẹ sẽ tốt hơn rất nhiều. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng việc tập yoga đều đặn sẽ giúp mẹ bầu giảm thiểu một số triệu chứng khó chịu như đau nhức mỏi lưng, sưng phù chân; đồng thời giữ cho vùng xương chậu luôn chắc khỏe.

Tuần 15 tập yoga rất tốt cho mẹ bầu
Một số bài tập yoga tốt cho sức khoẻ mẹ bầu ở tuần 15

Ở thời điểm mang thai tuần 15, các mẹ bầu có thể thực hiện một số động tác yoga dưới đây:

Bài tập 1:

  • Ngồi trong tư thế quỳ
  • Cả người từ từ đổ về phía trước, hai bàn tay chống lên mặt sàn
  • Đầu ngẩng cao, trũng lưng xuống phía dưới
  • Cúi đầu và từ từ nâng phần lưng lên trên
  • Giữ khoảng 10 giây rồi trở về vị trí ban đầu
  • Lặp lại động tác khoảng 10 lần

Bài tập 2:

  • Nằm ngửa trên sàn, co hai chân về gần với hông
  • Bàn chân và tay đều chạm sàn
  • Hít sâu, cong lưng lên sao cho lưng không chạm sàn nhà
  • Thở ra rồi từ từ trở về tư thế ban đầu
  • Lặp lại động tác khoảng 10 lần

Bài tập 3:

  • Ngồi thẳng lưng, gập hai chân về phía trước sao cho hai bàn chân chạm nhau
  • Đặt hai bàn tay lên hai đầu gối, ngửa tay lên trên
  • Nâng 2 đầu gối lên rồi nhẹ nhàng đặt xuống trở lại vị trí ban đầu
  • Lưng vẫn giữ thẳng trong toàn bộ quá trình tập
  • Ngồi như vậy khoảng 1 phút

Ngoài 3 bài tập trên, các mẹ có thể tham khảo thêm nhiều động tác yoga an toàn khác cho mẹ bầu bằng cách tìm kiếm trên mạng hoặc tham gia các lớp tập có sự kèm cặp của chuyên gia. Lưu ý, trong quá trình tập yoga, mẹ không nên tập quá căng và tránh những động tác xoắn nhiều.

Trên đây là một số thông tin cơ bản nhất về tình trạng thai nhi cũng như cơ thể mẹ ở thời điểm mang thai tuần 15. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, các mẹ hãy gửi về cho chuyên mục Mẹ và Bé của chúng tôi. Trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ đưa ra lời giải đáp chính xác nhất với sự tư vấn của đội ngũ tham vấn có trình độ chuyên môn cao.

Chúc các mẹ bầu luôn khỏe mạnh!

Tham khảo thêm:

Nguồn tham khảo