Có Thai Ngoài Tử Cung
Có thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung, thường là ở ống dẫn trứng. Tình trạng này có thể dẫn đến chảy máu nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và cần được điều trị ngay lập tức.
Mang thai ngoài tử cung là gì?
Mang thai ngoài tử cung hay có thai ngoài tử cung là hiện tượng xảy ra khi trứng sau khi thụ tinh làm tổ ở bên ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung thường phát triển ở ống dẫn trứng (cấu trúc kết nối buồng trứng và tử cung), tỷ lệ chiếm khoảng 90%. Tuy nhiên trong một số trường hợp, thai ngoài tử cung có thể xảy ra ở vòi trứng hoặc các bộ phận khác ở khoang bụng.
Thai ngoài tử cung không thể phát triển đủ tháng (cho đến khi đủ điều kiện sinh) và cần điều trị ngay lập tức. Nếu không được xử lý phù hợp, tình trạng này có thể gây đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Điều trị kịp thời và đúng cách có thể giảm nguy cơ biến chứng, tăng cơ hội mang thai khỏe mạnh trong tương lai và các rủi ro sức khỏe trong tương lai.
Thai ngoài tử cung nghiêm trọng như thế nào?
Mang thai ngoài tử cung là một tình trạng cấp cứu y tế. Tử cung là nơi duy nhất phù hợp và đủ điều kiện để chứa thai nhi đang phát triển. Tử cung là một cơ quan có thể co giãn và mở rộng khi thai nhi lớn lên theo thời gian.
Các ống dẫn trứng và các cơ quan khác không đủ linh hoạt cho quá trình phát triển của thai nhi. Các cơ quan này có thể bị vỡ ra khi bào thai phát triển. Nếu điều này xảy ra, người bệnh có thể bị chảy một lượng máu lớn bên trong cơ thể. Điều này có thể gây đe dọa đến tính mạng của thai phụ và tăng nguy cơ dẫn đến nhiều rủi ro sức khỏe sau này nếu điều trị thành công.
Do đó, nếu nhận thấy dấu hiệu chửa ngoài dạ con, thai phụ nên đến bệnh viện ngay lập tức để được thăm khám phù hợp. Xử lý sớm và đúng cách có thể tránh tổn thương vòi trứng, các cơ quan khác trong ổ bụng, ngăn ngừa nguy cơ chảy máu trong và tử vong.
Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung
Hầu hết các triệu chứng mang thai ngoài tử cung xảy ra trong tuần đầu tiên của thai kỳ. Một số phụ nữ thậm chí không biết mình đang mang thai và không nhận thấy bất cứ triệu chứng nào. Các triệu chứng đầu tiên khi mang thai ngoài tử cung tương đối giống với dấu hiệu mang thai điển hình, chẳng hạn như buồn nôn và đau tức ngực (đầu vú).
Tuy nhiên đôi khi người bệnh cũng có thể gặp một số triệu chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn:
- Chảy máu âm đạo
- Đau bụng dưới, xương chậu hoặc thắt lưng
- Chóng mặt, đau đầu, suy nhược cơ thể
- Bụng khó chịu kèm theo tình trạng nôn mửa
- Đau ở một bên cơ thể
- Đau ở vai gáy, cổ hoặc trực tràng
Mang thai ngoài tử cung có thể khiến ống dẫn trứng bị vỡ. Điều này có thể dẫn đến đau đớn và chảy máu nghiêm trọng đến mức dẫn đến nhiều triệu chứng khác, chẳng hạn như:
- Ngất xỉu
- Huyết áp thấp (hạ huyết áp)
- Đau vai
- Có áp lực ở trực tràng
- Đau bụng dữ dội, đặc biệt là ở một bên cơ thể
Vỡ ống dẫn trứng là một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị ngay lập tức. Do đó nếu nhận thấy các triệu chứng, người bệnh nên đến bệnh viện ngay lập tức.
Nguyên nhân gây thai ngoài tử cung
Hầu hết các trường hợp có thai ngoài tử cung không thể xác định nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên các vấn đề ở ống dẫn trứng, chẳng hạn như ngăn không cho trứng đã thụ tinh đi vào tử cung, có thể là lý do chính dẫn đến tình trạng này.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, thai ngoài tử cung có thể liên quan đến một số nguyên nhân bao gồm:
- Một tình trạng y tế trước đó, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc phẫu thuật, dẫn đến viêm và sẹo ở ống dẫn trứng.
- Rối loạn nội tiết tố.
- Các bất thường di truyền và hệ thống miễn dịch.
- Dị tật ống dẫn trứng bẩm sinh không được phát hiện và điều trị.
- Mắc các bệnh lý khác gây ảnh hưởng đến hình dạng, sức khỏe hoặc tình trạng của ống dẫn trứng và cơ quan sinh sản.
Yếu tố nguy cơ gây có thai ngoài tử cung
Yếu tố nguy cơ là một đặc điểm hoặc các hành vi làm tăng nguy cơ phát triển bệnh hoặc điều kiện sức khỏe. Có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng phát triển thai ngoài tử cung bao gồm:
- Có tiền sử mang thai ngoài tử cung
- Tiền sử bệnh viêm vùng chậu, một bệnh lý nhiễm trùng có thể gây hình thành mô sẹo bên trong ống dẫn trứng, tử cung, buồng trứng và cổ tử cung
- Phẫu thuật ống dẫn trứng hoặc các cơ quan khác trong vùng chậu
- Tiền sử vô sinh
- Điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm
- Lạc nội mạc tử cung
- Nhiễm trùng qua đường tình dục
- Sử dụng dụng cụ tử cung, một dụng cụ kiểm soát sinh sản
- Hút thuốc lá
- Nguy cơ mang thai ngoài tử cung cũng tăng lên khi cơ thể lão hóa. Phụ nữ trên 35 tuổi thường có nguy cơ thai ngoài tử cung cao hơn những người khác.
- Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ mang thai ngoài tử cung có thể không thuộc nhóm đối tượng nguy cơ.
Chẩn đoán thai ngoài tử cung như thế nào?
Để chẩn đoán mang thai ngoài tử cung, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm xác định thai kỳ, sau đó tìm thai ngoài tử cung. Các xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách tiểu lên que thử hoặc đi tiểu vào cốc thử và nhúng que thử vào đó.
- Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để xác định lượng hormone mang đệm người (hCG) trong cơ thể. Hormone này được sản xuất trong thai kỳ.
- Siêu âm: Siêu âm là xét nghiệm hình ảnh, sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh về cấu trúc bên trong cơ thể, thường được sử dụng trong thai kỳ. Bác sĩ có thể đề nghị siêu âm để kiểm tra nơi trứng đã được thụ tinh.
Sau khi bác sĩ xác định được tình trạng mang thai ngoài tử cung, bác sĩ sẽ lập một kế hoạch điều trị phù hợp. Mang thai ngoài tử cung là một tình trạng nghiêm trọng và cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Nếu không được điều trị phù hợp, ống dẫn dẫn trứng có thể bị vỡ và người bệnh cần được đưa đến phòng cấp cứu.
Điều trị có thai ngoài tử cung như thế nào?
Thai ngoài tử cung không thể phát triển bình thường và đạt đến điều kiện đủ để sinh. Do đó, nếu được chẩn đoán có thai ngoài tử cung, thai sẽ được chỉ định đình chỉ thai.
Đã từng có 90% phụ nữ có thai ngoài tử cung được chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên ngày này tình trạng có thể điều trị bằng thuốc và chấm dứt thai kỳ một cách tự nhiên. Tùy thuộc vào tiến triển của phôi thai, vị trí và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị như:
1. Sử dụng thuốc
Mang thai ngoài tử cung sớm có thể được kiểm soát bằng thuốc. Nếu thai phụ có nồng độ hCG thấp và không có tổn thương nào ở ống dẫn trứng, bác sĩ có thể chỉ định tiêm một loại thuốc gọi là methotrexate. Thuốc có tác dụng ngăn không cho các tế bào phát triển và cho phép cơ thể hấp thụ thai.
Các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc bao gồm:
- Buồn nôn
- Nôn
- Chóng mặt
- Tiêu chảy
- Viêm miệng, lở loét môi
- Đau bụng
Một số phụ nữ có thể cần nằm viện sau khi tiêm thuốc methotrexate để theo dõi thêm. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp, đây là thủ tục ngoại trú và thai phụ có thể về nhà ngay sau khi tiêm thuốc.
Thông thường, chỉ cần một mũi tiêm là đủ. Tuy nhiên trong trường hợp thuốc không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể cần phải tiêm nhiều mũi hơn.
2. Phẫu thuật
Nếu liệu pháp tiêm methotrexate không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật. Đây cũng là lựa chọn duy nhất cho phụ nữ có nồng độ hCG cao, khi các triệu chứng nghiêm trọng và ống dẫn trứng bị vỡ hoặc tổn thương.
Phẫu thuật được thực hiện thông qua nội soi. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ thực hiện một vết cắt nhỏ ở bụng, đưa máy ảnh và dụng cụ phẫu thuật vào khoang bụng để loại bỏ thai nhi.
Nếu ống dẫn trứng bị vỡ hoặc tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ có thể cần cắt bỏ ống dẫn trứng.
Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ theo dõi nồng độ hCG để đảm bảo hormone này đang giảm và thai đã được loại bỏ đúng cách. Một số phụ nữ có thể cần tiêm bổ sung methotrexate để cơ thể quay trở lại bình thường.
3. Chăm sóc sau khi điều trị
Sau khi điều trị thai ngoài tử cung, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh các biện pháp chăm sóc phù hợp. Nếu điều trị bằng thuốc, người bệnh sẽ được đề nghị dành thời gian nghỉ ngơi và theo dõi phản ứng của cơ thể.
Nếu điều trị phẫu thuật, người bệnh cần giữ cho vết mổ sạch sẽ và khô ráo. Kiểm tra vết mổ hàng ngày để xác định các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như:
- Chảy máu không ngừng
- Chảy rất nhiều máu
- Chảy nước hoặc rò rỉ chất dịch có mùi hôi ở vết mổ
- Nóng rát khi chạm vào
- Đỏ và sưng tấy
Một số phụ nữ có thể bị chảy máu âm đạo nhẹ và hình thành cục máu đông sau khi phẫu thuật. Điều này có thể kéo dài trong sáu tuần sau khi thực hiện các biện pháp đình chỉ thai kỳ. Để hạn chế các rủi ro cũng như tăng khả năng hồi phục, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp tự chăm sóc, chẳng hạn như:
- Không nâng bất cứ vật gì trên 5 kg
- Uống nhiều nước để ngăn ngừa táo bón
- Để vùng chậu có thời gian nghỉ ngơi bằng cách tránh quan hệ tình dục, sử dụng tampon và thụt rửa sâu
- Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt trong tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật, sau đó tăng cường hoạt động trong những tuần tiếp theo
- Nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc khi có dấu hiệu biến chứng, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Có thai ngoài tử cung có phòng ngừa được không?
Thai ngoài tử cung không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên người bệnh có thể cố gắng làm giảm các yếu tố rủi ro bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh và duy trì các thói quen tốt.
Các lưu ý để hạn chế nguy cơ thai ngoài tử cung bao gồm:
- Không hút thuốc
- Duy trì cân nặng hợp lý và chế độ ăn uống đa dạng các nguồn dinh dưỡng
- Phòng ngừa các bệnh lý lây qua đường tình dục
- Nếu thuộc nhóm đối tượng nguy cơ, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi cố gắng mang thai.
Tiên lượng mang thai ngoài tử cung
Hầu hết các trường hợp mang thai ngoài tử cung có thể điều trị thành công, đặc biệt là khi phát hiện sớm. Điều trị đúng cách có thể hạn chế nguy cơ rủi ro cũng như đảm bảo khả năng mang thai sau này.
Bên cạnh đó, sau khi có thai ngoài tử cung, thai phụ cần lưu ý một số vấn đề như:
1. Có thể mang thai lại sau khi chửa ngoài tử cung không?
Hầu hết phụ nữ mang thai ngoài tử cung đều có thể tiếp tục mang thai thành công trong tương lai. Tuy nhiên, nguy cơ mang thai ngoài tử cung sẽ cao hơn ở những lần sau. Do đó điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ về nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ để được hướng dẫn cụ thể.
2. Nên đợi bao lâu trước khi mang thai lại?
Trao đổi với bác sĩ để xác định thời gian phù hợp nhất để mang thai lại trong tương lai.
Mặc dù phụ nữ có thể mang thai lại nhanh chóng sau khi điều trị thai ngoài tử cung, tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo, nên đợi ít nhất là ba tháng. Điều này cho phép ống dẫn trứng phục hồi và làm giảm nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
3. Nếu ống dẫn trứng bị cắt bỏ, có thể mang thai không?
Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn ống dẫn trứng và thực hiện thủ thuật để lại các tổn thương nhỏ nhất. Tuy nhiên nếu ống dẫn trứng bị cắt bỏ, phụ nữ vẫn có cơ hội mang thai trong tương lai.
Mỗi phụ nữ đều có một cặp ống dẫn trứng. Do đó, nếu cắt một ống dẫn trứng, trứng sẽ đi xuống ống dẫn trứng còn lại. Ngoài ra, hiện tại có rất nhiều biện pháp hỗ trợ sinh sản, có thể giúp phụ nữ mang thai thành công.
Trao đổi với bác sĩ về kế hoạch mang thai trong tương lai để được hướng dẫn cụ thể.
Có thai ngoài tử cung là một tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của người mẹ. Do đó, điều quan trọng là có kế hoạch xử lý và điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm: