Mang Thai Tháng Thứ 7
Mang thai tháng thứ 7 sẽ có nhiều thay đổi ở cả mẹ bầu và thai nhi. Ở giai đoạn này, thai nhi sẽ hoàn thiện gần như toàn bộ các cơ quan và tăng nhanh về chiều dài, cân nặng. Để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu cần trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết về tháng đầu tiên của tam cá nguyệt thứ ba.
Sự phát triển của thai nhi vào tháng thứ 7
Mang thai tháng thứ 7 là giai đoạn đầu tiên của tam cá nguyệt thứ ba. Ở giai đoạn này, thai nhi sẽ có sự phát triển rõ rệt và bắt đầu hình thành diện mạo rõ ràng. Từ tháng thứ 7 trở đi, thai nhi sẽ phát triển nhanh chóng nên kích thước vòng bụng cũng sẽ tăng lên đáng kể.
Mang thai tháng thứ 7 sẽ tương ứng với tuần thứ 25 cho đến 28 của thai kỳ. Vì thai nhi phát triển khá nhanh trong giai đoạn này nên mẹ bầu sẽ phải đối mặt với nhiều thay đổi và các vấn đề sức khỏe. Chính vì vậy, mẹ bầu nên tìm hiểu về sự phát triển của bé, những thay đổi của mẹ và các vấn đề cần lưu ý khi mang thai tháng thứ 7 để có một thai kỳ khỏe mạnh nhất.
Như đã đề cập, thai nhi sẽ phát triển nhanh chóng ở tháng thứ 7. Dưới đây là thông tin về sự phát triển của thai nhi ở từng tuần trong tháng thứ 7 thai kỳ:
1. Tuần thứ 25
Trong tuần thứ 25 của chu kỳ, thai nhi sẽ phát triển về chiều ngang nên làn da sẽ trở nên mịn màng, không còn nhăn nheo như trước. Ở giai đoạn này, tóc của trẻ cũng bắt đầu mọc. Thông qua hình ảnh siêu âm, mẹ cũng có thể biết được màu tóc và độ dày mái tóc của thai nhi.
Thai nhi ở tuần thứ 25 sẽ bắt đầu mất dần các lông tơ trên cơ thể, đồng thời đã bắt đầu hình thành dấu vân tay, các nếp gấp trong lòng bàn tay và bàn chân. Lúc này, da của thai nhi sẽ trở nên hồng hào nhờ các mao mạch trên da.
2. Tuần thứ 26
Trong tuần thứ 26, thai nhi đã có thể nghe được giọng của bố mẹ. Lúc này, mắt của bé vẫn sẽ nhắm chặt nhưng cũng có trường hợp thai nhi biết chớp và nhắm mắt từ tuần thứ 26. Tuy nhiên, thị lực của thai nhi chưa phát triển nên vẫn chưa nhìn thấy rõ.
Ở tuần thứ 26, thai nhi sẽ bắt đầu chuyển ngôi để chuẩn bị cho quá trình chào đời. Thai nhi sẽ di chuyển sao cho đầu quay xuống dưới và chân hướng lên trên. Tuy nhiên, cũng có một số thai nhi nằm ngang bụng mẹ (thai ngôi ngang) ở giai đoạn này. Thai nhi có thể tiếp xúc xoay ngôi hoặc có thể giữ nguyên ngôi thai ngang cho đến khi chuyển dạ.
Thai nhi 26 tuần tuổi đã phát triển hoàn chỉnh hệ tuần hoàn và mạch máu. Lúc này, hệ hô hấp của thai nhi cũng đã phát triển nhưng chưa hoàn thiện. Từ tuần thứ 26 trở đi, thai nhi cần nhiều dinh dưỡng hơn để phát triển kích thước và cân nặng. Do đó, mẹ bầu sẽ luôn có cảm giác đói bụng ở giai đoạn này trở đi.
3. Tuần thứ 27
Thai nhi ở tuần thứ 27 sẽ có sự phát triển rõ rệt về não bộ. Lúc này, thai nhi có thể mút tay, biết nhắm mắt, mở mắt và đang hoàn thiện vị giác. Thậm chí, nhiều mẹ bầu có thể cảm nhận thai nhi bị nấc cụt trong giai đoạn này.
Ở tuần thứ 27, thai nhi sẽ nặng khoảng 1 kg và dài khoảng 36.6cm (kích thước tương tự như bông cải trắng). Lúc này, thính giác của bé gần như đã hoàn chỉnh. Thai nhi có thể năng động và phấn khích khi nghe một số bài hát hoặc khi mẹ di chuyển ở bên ngoài. Hoặc cũng có thể trở nên yên tĩnh hơn vào một khung giờ cố định (thường là khi bé đang ngủ).
Nếu chú ý quan sát, mẹ có thể thấy thai nhi ở tuần thứ 27 sẽ hoạt động theo một lịch trình cụ thể. Mẹ sẽ thấy bé vui đùa và yên tĩnh theo khung giờ cố định. Một số chuyên gia cho rằng, ở tuần thứ 27 thai nhi đã có những giấc mơ khi ngủ. Do đó, đôi khi bé sẽ có phản ứng mạnh khi đang ngủ (chẳng hạn như đạp mạnh một cách bất ngờ).
4. Tuần thứ 28
Trong tuần thứ 28, thai nhi đã lớn hơn khá nhiều với đầy đủ các cơ quan nội tạng, hệ thần kinh và tuần hoàn đều đã hoàn thiện. Từ giai đoạn này trở đi, thai nhi đã có thể sống sót ở ngoài tử cung của mẹ. Cân nặng của thai nhi 28 tuần tuổi là khoảng 1.1kg và chiều dài khoảng 37.6cm.
Ở giai đoạn này, thị lực của bé vẫn đang phát triển và bắt đầu hoàn thiện các tế bào, cơ quan bên trong não bộ. Ngoài ra, thai nhi ở tuần thứ 28 cũng sẽ ổn định ngôi thai để chuẩn bị cho quá trình sinh nở.
Đặc điểm của thai nhi ở tháng thứ 7
Thai nhi ở tháng thứ 7 sẽ có sự phát triển rõ rệt về chiều dài, kích thước và các cơ quan cũng dần hoàn thiện. So với mang thai tháng thứ 6, mẹ sẽ nhận thấy thai nhi có những đặc điểm khác như:
1. Chiều dài, cân nặng
Từ tháng thứ 7 trở đi, chiều dài và cân nặng của thai nhi sẽ tăng lên nhanh chóng. Trung bình thai nhi đủ 7 tháng sẽ dài khoảng 36 – 38cm và nặng từ 1 – 1.3kg tùy theo từng trường hợp. Vì thai nhi phát triển nhanh nên nhu cầu dinh dưỡng của mẹ cũng tăng lên trong thời gian này.
2. Chuyển động
Khi mang thai tháng thứ 7, mẹ bầu có thể cảm nhận rõ rệt sự chuyển động của thai nhi. Bé thường vặn người, vươn vai, đá chân,… khi nghe được tiếng động lớn hoặc khi nghe giai điệu của các bài hát. Khi ngủ, thai nhi gần như không cử động hoặc đạp nhẹ vào bụng.
Thai nhi ở tháng thứ 7 sẽ trở nên hiếu động hơn. Tuy nhiên, nếu nhận thấy bé cử động quá nhiều hoặc ít cử động, mẹ bầu nên thăm khám để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.
3. Vị trí của thai nhi
Ở tuần đầu tiên của tháng thứ 7, thai nhi vẫn nằm ở tư thế đầu hướng về ngực và chân hướng xuống tử cung. Tuy nhiên, sau đó 1 – 2 tuần, thai nhi sẽ bắt đầu xoay ngồi với đầu hướng xuống tử cung để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Trong giai đoạn này, mẹ nên siêu âm để xem vị trí thai bởi một số trường hợp có thể bị ngôi thai ngược (ngôi mông, ngôi ngược kiểu chân,…).
Ngôi thai là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình sinh nở. Ngôi thai thuận là dấu hiệu cho thấy mẹ bầu có thể vượt cạn một cách thuận lợi và dễ dàng. Tuy nhiên với ngôi thai ngược, quá trình sinh nở gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó, mẹ bầu nên siêu âm trong thời gian này để kịp thời xử trí khi có vấn đề bất thường.
Những thay đổi ở mẹ khi mang thai tháng thứ 7
Mang thai tháng thứ 7 sẽ có nhiều thay đổi ở cả thai nhi và mẹ bầu. Lúc này, thai nhi không chỉ phát triển và hoàn thiện các cơ quan mà còn phát triển nhanh về cân nặng, kích thước. Trước sự phát triển của thai nhi, mẹ bầu sẽ có một số thay đổi như sau:
- Thai nhi phát triển lớn khiến cho cơ thể của mẹ nặng nề và mẹ bầu cũng sẽ tăng cân nhanh hơn trong giai đoạn này.
- Thai nhi chèn ép lên bàng quang và tăng áp lực xuống chi dưới dẫn đến tình trạng tiểu tiện nhiều lần, tiểu đêm, giãn tĩnh mạch,…
- Thai nhi tăng kích thước và cân nặng khiến mẹ dễ bị đau thắt lưng, táo bón, chậm tiêu, chướng bụng và trào ngược dạ dày thực quản.
- Trong tháng thứ 7, hệ tuần hoàn của thai nhi đã hoàn thiện nên quá trình lưu thông máu của cơ thể mẹ sẽ được tăng cường. Mẹ bầu có thân nhiệt cao hơn và dễ bị đổ mồ hôi.
- Cũng trong giai đoạn này, các mạch máu ở bầu ngực sẽ trở nên đầy đặn hơn và sữa non cũng bắt đầu hình thành. Mẹ bầu mang thai tháng thứ 7 sẽ nhận thấy ngực mềm mại, đầu núm vú sẫm màu và ngực có dấu hiệu nặng hơn.
- Tay chân có hiện tượng phù nhẹ do hiện tượng tăng cung cấp máu.
- Từ tháng thứ 7 trở đi, nhu cầu dinh dưỡng tăng khiến mẹ bầu thèm ăn và ăn nhiều hơn bình thường.
- Một số mẹ bầu có thể trở nên nhạy cảm hơn ở giai đoạn này do cơ thể trở nên nặng nề và gặp nhiều phiền toái khi sinh hoạt.
- Xuất hiện cơn gò Braxton Hicks (cơn gò sinh lý) hay còn gọi là cơn gò chuyển dạ giả. Sự xuất hiện của các cơn gò này nhằm đích luyện tập tử cung và tăng khả năng chịu đựng cho mẹ để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Cơn gò sinh lý thường gây căng tức bụng dưới nhưng không gây đau, mỗi cơn kéo dài khoảng 30 giây sau đó tự biến mất.
- Tăng tiết dịch âm đạo vì thai nhi chèn ép.
Những thay đổi vào tháng thứ 7 thai kỳ sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như trĩ, thiếu máu, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn tiêu hóa, cao huyết áp,… Ngoài ra, mẹ bầu cũng khó tránh khỏi tình trạng mệt mỏi ở giai đoạn này.
Từ tháng thứ 7 trở đi, mẹ bầu cần hạn chế đi du lịch dài ngày vì nhiều tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Mang thai 3 tháng cuối là giai đoạn khá nhạy cảm. Vì vậy, mẹ bầu nên khám thai định kỳ 2 tuần/ lần và chủ động thăm khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Các vấn đề có thể gặp phải khi mang thai tháng thứ 7
Bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ cũng sẽ có những tình huống bất ngờ xảy ra. Trong đó, 3 tháng đầu và 3 tháng cuối là giai đoạn nhạy cảm hơn. Tháng thứ 7 là tháng đầu tiên trong tam cá nguyệt thứ ba. Trong thời gian này, mẹ bầu có thể gặp phải một số vấn đề sau:
1. Chảy máu
Mang thai tháng thứ 7 bị ra máu là tình trạng cần chú ý. Tình trạng này có thể xảy ra do nhau tiền đạo, bong nhau thai, vỡ tử cung và chuyển dạ sớm. Ngay khi nhận thấy triệu chứng bất thường, mẹ bầu nên đến ngay bệnh viện để được xử trí.
Chảy máu bất thường trong tháng thứ 7 đa phần đều xuất phát từ các vấn đề nghiêm trọng. Để hạn chế tình trạng này, mẹ bầu cần siêu âm định kỳ trong suốt thời gian mang thai và nên chú ý các dấu hiệu cảnh báo của cơ thể.
Ngoài những nguyên nhân trên, hiện tượng ra máu ở tháng thứ 7 cũng có là dấu hiệu của bệnh trĩ. Thai nhi phát triển lớn sẽ làm tăng áp lực ở hậu môn dẫn đến sự phình giãn của các mạch máu và kết quả là tạo thành búi trĩ. Bệnh trĩ không phải là vấn đề quá nguy hiểm nhưng gây ra nhiều phiền toái khi sinh hoạt. Do đó, mẹ bầu vẫn cần đến bệnh viện thăm khám để được tư vấn điều trị.
2. Chuyển dạ sớm
Từ tuần thứ 25 trở đi, một số mẹ bầu có thể bị chuyển dạ sớm. Chuyển dạ sớm sẽ có những dấu hiệu như đau khi đi tiểu, xuất huyết hoặc chảy dịch màu hồng, xuất hiện ít nhất 5 cơn co thắt tử cung trong vòng 1 tiếng, vùng chậu đau nhức dữ dội, nôn ói liên tục,…
Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu chuyển dạ sớm, mẹ bầu nên gọi cấp cứu để được xử trí kịp thời. Đối với những mẹ bầu đã từng gặp phải biến chứng thai kỳ ở những lần mang thai trước, nên có người nhà ở bên cạnh trong những tháng cuối thai kỳ. Ngoài ra, mẹ cũng nên chủ động liên hệ với bác sĩ ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường.
3. Các vấn đề khác
Ở tháng thứ 7, mẹ bầu còn có thể gặp phải một số vấn đề sau đây:
- Đau bụng dưới
- Ngứa vùng kín
- Bé đạp nhiều hơn bình thường
- Bụng căng cứng
Các dấu hiệu bất thường trong thai kỳ đều đáng lo ngại. Do đó, mẹ bầu không nên chủ quan trước các biểu hiện này. Tốt nhất, nên thông báo với gia đình để sắp xếp thời gian đến phòng khám/ bệnh viện trong thời gian sớm nhất.
Mang thai tháng thứ 7 cần lưu ý những gì?
Khi bước vào tháng thứ 7 thai kỳ, nhiều mẹ bầu trở nên lo lắng và bất an vì sắp đến ngày sinh nở. Tâm lý này gặp nhiều ở những người mang thai lần đầu tiên hoặc mẹ bầu phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe trong thai kỳ.
Tháng thứ 7 là giai đoạn đầu của tam cá nguyệt thứ ba. Đây là thời điểm thai nhi phát triển nhanh và hoàn thiện tất cả các cơ quan để chuẩn bị ra đời. Vì vậy trong tháng thứ 7 thai kỳ, mẹ bầu nên lưu ý những vấn đề sau:
- Từ tháng 7 trở đi, cơ thể mẹ sẽ trở nên nặng nề và gặp không ít phiền toái khi sinh hoạt. Do đó, mẹ nên giảm thời gian làm việc và nghỉ ngơi nhiều hơn.
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp để giảm các vấn đề sức khỏe như táo bón, đầy hơi, ợ nóng, trào ngược,… Mẹ bầu ở tháng thứ 7 nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và phải hạn chế thức ăn chứa nhiều đường, gia vị và chất béo bão hòa.
- Sự giãn nở của tử cung ở tháng thứ 7 sẽ khiến cho nhu động của dạ dày và ruột bị ảnh hưởng. Vì vậy, mẹ không nên ăn quá no, thay vào đó nên chia nhỏ bữa ăn và đi lại nhẹ nhàng để tránh bị đầy hơi, chướng bụng và táo bón.
- Ở tháng thứ 7 thai kỳ, mẹ bầu nên tập thể dục nhẹ nhàng từ 15 – 20 phút/ ngày để giảm đau thắt lưng và cải thiện tình trạng phù chân, giãn tĩnh mạch. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên còn giúp xương chậu giãn nở, linh hoạt, từ đó giúp quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi hơn.
- Từ tháng thứ 7 trở đi, thai nhi sẽ phát triển khá nhanh dẫn đến tăng áp lực lên phổi, tim, thực quản, dạ dày và đường ruột. Vì vậy, mẹ bầu nên tập thở từ thời gian này trở đi. Các bài tập thở sẽ giúp mẹ giảm mệt mỏi và thuận lợi khi vượt cạn.
- Mẹ bầu nên hạn chế vận động mạnh và đi lại quá nhiều từ tháng thứ 7 trở đi. Ngoài ra, nên nhờ sự giúp đỡ của bạn đời và người thân khi sinh hoạt để tránh ảnh hưởng đến bé.
- Khám thai định kỳ 2 tuần/ lần trong suốt 3 tháng cuối thai kỳ để kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường.
- Chú ý các biểu hiện bất thường để kịp thời thăm khám và điều trị.
- Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm và nhiều tiếng ồn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, mẹ cũng không nên thức khuya và ngủ ít hơn 7 tiếng/ ngày.
- Tham gia vào các lớp học tiền sản để có thêm kinh nghiệm và chuẩn bị kỹ càng hơn trước khi sinh con.
Mang thai tháng thứ 7 là giai đoạn quan trọng trong thai kỳ. Hy vọng qua bài viết, mẹ bầu đã hiểu rõ hơn về sự phát triển của thai nhi, những thay đổi trong cơ thể mẹ và các vấn đề cần lưu ý trong tháng thứ 7 của thai kỳ. Quan trọng nhất là mẹ bầu nên giữ cho bản thân tinh thần thoải mái và lạc quan.
Tham khảo thêm: