Sinh Con
Sinh con là quá trình đẩy em bé ra khỏi tử cung và ra bên ngoài cơ thể của người mẹ. Sinh con qua ngã âm đạo hay sinh thường là phổ biến nhất, tuy nhiên một số thai phụ có thể được chỉ định hoặc lựa chọn sinh mổ. Dưới đây là một số thông tin tổng quan về quá trình sinh nở từ những dấu hiệu đầu tiên khi chuyển dạ đến các bước phục hồi sau sinh. Bạn có thể tham khảo để có kế hoạch sinh con, phục hồi tại nhà và kiểm soát các biến chứng tốt nhất.
Sinh con là gì?
Sinh con là bước cuối cùng trong quá trình mang thai. Khi em bé đã đủ ngày tháng và sẵn sàng để chào đời, bạn sẽ trải qua quá trình chuyển da, bao gồm ba giai đoạn để đưa em bé ra khỏi tử cung. Những dấu hiệu đầu tiên của việc sinh nở là xuất hiện những cơn co thắt ngày càng đều đặn và gần nhau hơn sau đó bạn sẽ vỡ nước ối và chuột rút cơ bắp.
Nếu chuyển dạ trước khi thai đủ 37 tuần được gọi là sinh non. Thông thường em bé đã đủ khả năng sống sót khi được 24 tuần, tuy nhiên em bé ở trong tử cung càng lâu càng tốt. Sinh đủ tháng, tức là từ đủ 39 đến 42 tuần, là tốt nhất cho quá trình phát triển của trẻ sơ sinh.
Sinh thường là phương pháp sinh sản phổ biến nhất, tuy nhiên một số thai phụ có thể cần sự hỗ trợ y tế để quá trình chuyển dạ diễn ra thuận lợi nhất. Sinh nở có thể mang đến một số cơn đau thể xác, tuy nhiên mức độ của cơn đau là khác nhau và phục thuộc vào khả năng chịu đựng của từng người. Ngoài ra, một số phụ nữ có thể trải qua nỗi đau tinh thần, lo lắng hoặc trầm cảm trong và sau khi mang thai.
Để quá trình sinh nở thuận lợi và an toàn, bạn nên có kế hoạch phù hợp. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể và có sự chuẩn bị phù hợp với tình hình thực tế của bạn.
Các giai đoạn chuyển dạ sinh con
Quá trình chuyển dạ được chia thành ba giai đoạn bao gồm chuyển dạ sớm và chuyển dạ tích cực, sinh em bé và đẩy nhau thai ra khỏi cơ thể.
Trong những tuần trước khi quá trình chuyển dạ bắt đầu, cơ thể sẽ chuẩn bị cho quá trình sinh nở, chẳng hạn như cổ tử cung sẽ ngắn lại và mềm ra, đồng thời các dây chằng quanh xương chậu sẽ giãn ra. Bạn bắt đầu chuyển da khi những cơn co thắt diễn ra thường xuyên và đều đặn, tăng tần suất cũng như không biến mất khi thay đổi tư thế.
Trong suốt thai kỳ, em bé sẽ được bảo vệ bởi một màng chứa đầy chất lỏng, được gọi là túi ối. Khi bắt đầu chuyển da, đôi khi túi ối sẽ bị vỡ, dẫn đến chảy nước ối. Một số người có thể bị vỡ ối kéo dài hàng giờ trước khi các cơn co thắt bắt đầu.
1. Dấu hiệu chuyển dạ sớm
Giai đoạn đầu tiên của quá trình sinh con bắt đầu thông qua những cơn co thắt thường xuyên và kết thúc bằng sự giãn nở hoàn toàn (mở) cổ tử cung. Quá trình này có thể mất nhiều giờ bởi vì các cơn co thắt sẽ giúp xương chậu và cổ tử cung mở ra để nhường chỗ cho em bé.
Trong giai đoạn này, bạn có thể được kết nối với máy theo dõi tim thai hoặc tầm soát các biến chứng. Bạn vẫn có thể tự do đi lại và di chuyển, tuy nhiên hãy giữ thẳng cột sống để tư cung giãn ra tự nhiên.
Nếu quá trình chuyển dạ chậm lại, tạm dừng hoặc không tiến triển và bạn chưa vỡ ối, bạn cần chờ đến khi đạt 6 cm giãn nở. Đôi khi bác sĩ cũng cân nhắc sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như oxytocin để đẩy nhanh quá trình chuyển dạ.
Nếu quá trình chuyển dạ không tiến triển, bác sĩ có thể đề nghị sinh mổ. Sinh mổ sẽ được chỉ định khi thai phụ không có dấu hiệu sắp sinh trong 4 giờ sau khi co thắt tử cung và túi ối đã vỡ hoặc sau 6 giờ nếu các cơn co thắt không đủ để đẩy em bé ra ngoài.
Giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ là phần đau đớn nhất trong quy trình sinh con. Do đó, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp giảm đau như:
- Massage
- Bấm huyệt
- Sử dụng các liệu pháp thư giãn
- Sử dụng thuốc giảm đau
- Gây tê ngoài màng cứng
2. Quá trình sinh con
Sau giai đoạn chuyển dạ, bạn sẽ bước vào giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển dạ tích cực khi cổ tử cung đã giãn hoàn toàn ở mức 10 cm. Đôi khi đầu của xương mu có thể tụt xuống dưới xương mu và có thể nhìn thấy khi cổ tử cung mở.
Khi đầu em có thể nhìn thấy được, bạn sẽ được hướng dẫn quá trình rặn đẻ để đưa em bé ra khỏi âm đạo. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng biện pháp hút chân không hoặc kẹp forceps.
Nếu bạn đã rặn đẻ trong 2 – 3 giờ mà em bé không ra khỏi âm đạo, bác sĩ có thể đề nghị cắt tầng sinh môn, phẫu thuật cắt cửa âm đạo hoặc sinh mổ. Các biện pháp này thường không được khuyến khích, tuy nhiên sẽ được thực hiện trong các trường hợp cần thiết.
Sau khi đầu của em bé ra bên ngoài, bác sĩ hoặc hộ sinh sẽ giúp đỡ đưa toàn bộ cơ thể của em bé ra ngoài và đảm bảo dây rốn không quấn quanh cổ bé. Em bé sẽ được tiếp xúc da kề da với mẹ để tăng sự gắn kết cũng như đảm bảo sức khỏe của bé. Sau 30 – 60 giây, em bé sẽ được cắt dây rốn.
Khi bé thở lần đầu tiên, sẽ có một số thay đổi trong phổi và hệ thống tuần hoàn, chẳng hạn như:
- Tăng lượng oxy đến phổi
- Giảm sức cản của lưu lượng máu đến phổi
- Chất lỏng thoát ra từ hệ thống hô hấp
- Phổi phồng lên và bắt đầu tự trao đổi khí
- Thay đổi lưu lượng máu của thai nhi
- Tiến hành việc đóng các lỗ mở tự nhiên trong buồng tim phía trên sau khi hô hấp
3. Loại bỏ nhau thai
Giai đoạn loại bỏ nhau thai thường kéo dài dưới 15 phút. Bạn vẫn có thể cảm thấy các cơn co thắt, khó chịu và cần được tiếp tục theo dõi các biến chứng.
Biến chứng lớn nhất trong giai đoạn này là băng huyết. Xuất huyết sau sinh được định nghĩa là khi lượng máu mất đi từ 1.000 ml trở nên sau khi sinh. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh như kẹp forceps
- Viêm màng đệm
- Có tiền sử xuất huyết sau sinh trước đây
- Sinh mổ
- Tử cung quá căng khi sinh
- Tiền sản giật
- Quá trình chuyển dạ kéo dài
- Quá trình loại bỏ nhau thai kéo dài hơn 18 phút
Các phương pháp sinh con
Hiện tại có hai phương pháp sinh sản bao gồm sinh thường và sinh mổ. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể và nhu cầu của bạn, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp sinh phù hợp.
1. Sinh thường
Sinh thường hay sinh con qua đường âm đạo là phương pháp sinh con phổ biến nhất và được các chuyên gia khuyến khích cho những thai phụ đủ tháng và đủ sức khỏe.
Đây quá trình sinh nở tự nhiên, diễn ra thông qua âm đạo mà không cần các dụng cụ để giúp đưa em bé ra ngoài. Chuyển dạ tự nhiên diễn ra khi cổ tử cung giãn nở ít nhất là 10 cm.
Sinh thường sẽ mất từ 12 – 14 giờ. Sau khi sinh thời gian hồi phục của bạn sẽ nhanh chóng hơn khi so với sinh mổ, bạn cũng có thể đi lại bình thường và ra về trong 1 – 2 ngày.
2. Sinh mổ
Sinh mổ, còn được gọi là mổ lấy thai, là việc đưa em bé ra khỏi cơ thể bạn bằng phẫu thuật. Trong quy trình sinh mổ, bác sĩ có thể thực hiện một vết rạch ở bụng để tiếp cận bên trong tử cung và đưa em bé ra ngoài.
Mặc dù đây là một phẫu thuật lớn, tuy nhiên ngày nay có ⅓ em bé được sinh ra đời bằng cách này. Sinh mổ thường không phải là chỉ định đầu tiên, tuy nhiên sẽ được thực hiện nếu bạn thuộc các trường hợp như:
- Có dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm HIV hoặc tổn thương mụn cóc sinh dục.
- Có vấn đề về nhau thai, chẳng hạn như nhau bong non, có thể gây chảy máu nguy hiểm đến tính mạng khi sinh thường.
- Có các bệnh lý khiến việc sinh thường có nhiều rủi ro, chẳng hạn như tiểu đường hoặc huyết áp cao.
- Đa thai.
Sinh mổ an toàn và thường rất ít các biến chứng. Tuy nhiên tương tự như các phẫu thuật khác, bạn có thể gặp một số rủi ro như:
- Chảy máu
- Hình thành cục máu đông
- Tăng rủi ro cho những lần mang thai tiếp theo
- Nhiễm trùng
- Thời gian phục hồi lâu hơn sinh thường
- Chấn thương các cơ quan khác
- Dính, thoát vị hoặc các biến chứng phẫu thuật ổ bụng khác
Biến chứng khi mang thai và sinh con
Hầu hết các trường hợp mang thai và sinh con đều an toàn, không có biến chứng. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể gặp các biến chứng ảnh hưởng đến sức của mẹ, sức khỏe của thai nhi hoặc cả hai. Đôi khi các tiền sử bệnh lý của bạn cũng có thể gây ảnh hưởng đến thai kỳ. Do đó tìm hiểu các biến chứng và rủi ro khi mang thai để có kế hoạch xử lý phù hợp nhất.
1. Khi mang thai
Khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ trải qua nhiều thay đổi cũng như dẫn đến nhiều triệu chứng khác nhau. Điều này khiến bạn khó phân biệt giữa dấu hiệu bình thường và các biến chứng của thai kỳ. Hầu hết các biến chứng có thể kiểm soát được nếu phát hiện sớm.
Dưới đây là một số biến chứng phổ biến mà phụ nữ thường gặp khi mang thai:
- Huyết áp cao: Huyết áp xảy ra khi các động mạch đưa máu từ tim đến các cơ quan và nhau thai bị thu hẹp. Điều này có thể dẫn đến nhiều biến chứng trong thai kỳ, chẳng hạn như tiền sản giật và nguy cơ sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.
- Tiểu đường thai kỳ: Tình trạng này xảy ra khi cơ thể không thể xử lý đường một cách bình thường và hiệu quả, dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn bình thường. Một số phụ nữ có thể cần thay đổi chế độ ăn uống để kiểm soát lượng đường trong máu. Thông thường, bệnh sẽ khỏi sau khi sinh con.
- Tiền sản giật: Tiền sản giật còn được gọi là nhiễm độc huyết, xảy ra sau 20 tuần đầu tiên của thai kỳ dẫn đến huyết áp cao và nhiều vấn đề ở thận. Đây là một tình trạng nghiêm trọng và cần được điều trị bởi bác sĩ chuyên môn.
- Thiếu máu: Thiếu máu có nghĩa là lượng tế bào hồng cầu trong máu thấp hơn bình thường. Nếu bị thiếu máu, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và yếu ớt hơn bình thường. Bác sĩ có thể chỉ định bổ sung sắt và axit folic trong khi mang thai để cải thiện lượng máu bị thiếu hụt.
- Chuyển dạ sinh non: Sinh non là khi chuyển dạ trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Lúc này các cơ quan của bé, chẳng hạn như phổi và não của bé vẫn chưa được hoàn thiện, do đó đôi khi bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc để đình chỉ sinh non. Các bác sĩ thường khuyến nghị thai phụ nghỉ ngơi tại giường để em bé không sinh quá sớm.
- Sẩy thai: Sẩy thai là tình trạng mất thai trong 20 tuần đầu, thậm chí một số phụ nữ có thể bị sẩy thai trước khi em bé được sinh ra. Trong hầu hết các trường hợp, sẩy thai không thể ngăn ngừa và điều trị được.
- Nhiễm trùng: Một loạt các bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có thể gây biến chứng trong thai kỳ. Nhiễm trùng gây ảnh hưởng đến cả mẹ và con, chẳng hạn như bệnh cúm, viêm gan B, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng nấm men.
2. Biến chứng khi sinh con
Trong quá trình chuyển dạ và sinh con, thai phụ có thể gặp một số biến chứng như:
- Sinh ngược: Sinh ngược là tình trạng em bé ở ngôi mông hoặc chân đặt ở gần cổ tử cung. Tình trạng này chiếm 4% các trường hợp sinh đủ tháng và hầu hết trẻ đều phát triển bình thường. Nếu phát hiện em bé ở ngôi ngược trước khi sinh một vài tuần, bác sĩ có thể cố gắng thay đổi tư thế của em bé. Tuy nhiên nếu em bé không thay đổi tư thế, bác sĩ có thể khuyên bạn sinh mổ.
- Nhau tiền đạo: Đây là tình trạng nhau thai bao phủ cổ tử cung. Các bác sĩ có thể tiến hành mổ lấy thai để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé.
- Cân nặng khi sinh thấp: Trẻ sơ sinh nhẹ cân có thể xảy ra do chế độ dinh dưỡng kém hoặc khi mẹ sử dụng thuốc lá, rượu, bia hoặc ma túy trong quá trình mang thai. Trẻ sinh nhẹ cân có thể dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, khả năng phát triển trí não kém, nhiễm trùng tim và thị lực kém.
3. Sau khi sinh
Sau khi sinh con, bạn vẫn có thể cảm thấy đau đớn và khó chịu trong vài tuần, điều này là hoàn toàn bình thường và sẽ kết thúc trong vài tuần. Tuy nhiên trong một số trường hợp, phụ nữ sau sinh có thể gặp nhiều rủi ro, chẳng hạn như:
- Chảy nhiều máu: Hầu hết phụ nữ sẽ bị chảy máu từ 2 – 6 tuần sau khi sinh con. Ban đầu lượng máu sẽ có màu đỏ hoặc vón cục. Tuy nhiên sau đó máu sẽ sẫm màu và chậm lại theo thời gian. Do đó, nếu lưu lượng máu tăng, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng sau sinh là tình trạng nguy hiểm và gây ảnh hưởng đến hệ thống tiết niệu, thận hoặc âm đạo sau sinh. Do đó, bạn nên thường xuyên vệ sinh vết mổ (nếu sinh mổ) và âm đạo để hạn chế nguy cơ.
- Đi ngoài không kiểm soát hoặc táo bón: Đây là những biến chứng phổ biến, có thể gây khó chịu và bất tiện nhưng thường không nguy hiểm. Tuy nhiên nếu bạn không thể đi đại tiện tự chủ hoặc lượng phân giảm đáng kể sau khi sinh con, hãy thông báo cho bác sĩ.
- Đau ngực: Đau ngực là tình trạng bình thường sau khi sinh con, bất kể bạn có cho con bú hay không. Nếu đầu vú bắt đầu nứt và bị chảy máu, hãy thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
- Trầm cảm sau sinh: Sau khi sinh con, phụ nữ thường dễ bị rối loạn cảm xúc, khóc nhiều hơn trong vài tuần sau khi sinh. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài và gây cản trở việc chăm sóc em bé, điều này có thể là dấu hiệu trầm cảm sau sinh. Nếu bạn cảm thấy lo lắng hoặc khi có ý định làm hại bản thân và em bé, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
Các biến chứng trong thai kỳ và sau khi sinh con có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ. Do đó, bạn nên có kế hoạch mang thai phù hợp để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh, bình thường.
Chuẩn bị gì khi sinh con?
Chuẩn bị chu đáo trước khi sinh con có thể giúp bạn tự tin và có tinh thần thoải mái hơn. Hãy chuẩn bị những vật dụng cần thiết trước ngày dự sinh ít nhất 3 tuần để tránh sự lúng túng trước những tình huống bất ngờ.
Một số vật dụng thiết yếu cầu chuẩn bị khi sinh con bao gồm:
- Giấy tờ tùy thân, hồ sơ bệnh án, giấy khám thai và các chỉ định của bác sĩ.
- Danh sách các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn, thảo dược bổ sung, thực phẩm chức năng và các sản phẩm khác.
- Thẻ ngân hàng / thẻ tín dụng và một ít tiền mặt để thanh toán khi cần thiết.
- Áo khoác và quần áo cá nhân để đảm bảo bạn luôn thoải mái sau khi sinh con.
- Tất hoặc dép chống trượt.
- Sách, tạp chí, tài liệu hoặc điện thoại với các bài hát yêu thích để hỗ trợ giải trí sau khi sinh con.
- Các đồ vệ sinh cá nhân như bàn chải, kem đánh răng, quần lót hoặc các đồ dùng cần thiết khác.
- Mắt kính, nếu bạn cận thị hoặc cần sử dụng kính thường xuyên.
- Trang phục thoải mái, áo hoặc tấm che khi cho con bú.
- Gối, chăn hoặc các đồ dùng khác có thể giúp bạn ngủ ngon hơn.
Phục hồi sau khi sinh như thế nào?
Sau khi sinh con, bạn sẽ được nằm ở phòng sinh ít nhất trong một giờ. Trong thời gian này, bạn sẽ được theo dõi các biến chứng và gắn kết với em bé. Bạn thường được khuyến khích cho em bé bú ngay lập tức.
Nếu em bé cần được chăm sóc thêm, bé sẽ được đưa đến khu vực dành riêng. Những em bé tại đây cần được chăm sóc tốt hơn để đảm bảo sức khỏe cũng như quá trình phát triển bình thường của trẻ.
Thời gian nhập viện sau khi sinh con phụ thuộc vào tình trạng của bạn và em bé. Tuy nhiên thông thường, thời gian lưu viện đối với ca sinh thường là 1 – 2 ngày và sinh mổ là 3 – 5 ngày.
Có rất nhiều điều cần lo lắng và chuẩn bị trước khi sinh con. Do đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ hoặc những người thân, bạn bè đã từng sinh con để có sự chuẩn bị phù hợp nhất. Bên cạnh đó, hãy cố gắng và tận hưởng khoảnh khắc khi em bé chào đời.
Tham khảo thêm: