Chăm Sóc Sau Sinh
Bạn có thể sinh con bằng cách sinh thường hoặc sinh mổ. Cả hai phương pháp này đều có nhược điểm và ưu điểm khác nhau. Tuy nhiên sau khi sinh cơ thể sẽ cố gắng quay trở lại bình thường và hồi phục sau những thay đổi trong quá trình mang thai, chuyển dạ và sinh con. Điều quan trọng là có phương pháp chăm sóc sau sinh phù hợp để phục hồi sức khỏe của mẹ và bé. Dưới đây là một số phương pháp cũng kinh nghiệm chăm sóc sau sinh hiệu quả, bạn có thể tham khảo.
Những thay đổi của cơ thể sau sinh
Cho dù sinh thường hay sinh mổ, những phụ nữ sau sinh cần một khoảng thời gian phục hồi nhất định. Tùy thuộc vào tuổi tác, sức khỏe tổng thể và thời gian chuyển dạ khó (hoặc lâu), sự phục hồi này có thể cần nhiều hoặc ít thời gian.
Để các phương pháp chăm sóc sau sinh mang lại hiệu quả tốt nhất, bạn cần nắm rõ các thay đổi của cơ thể sau khi sinh con. Một số thay đổi sau sinh bao gồm:
- Chảy máu âm đạo: Hầu hết những người mẹ mới sinh đều bị chảy máu trong 1 – 2 tuần, sau đó lượng máu ít dần kéo dài trong 2 – 3 ngày đến một tháng sau khi sinh.
- Đau đớn: Nếu sinh mổ, bạn sẽ có một đường chỉ khâu hoặc keo dán để bảo vệ vết thương. Nếu bạn sinh thường, bạn cũng một vài vết khâu ở tầng sinh môn. Các vết thương này có thể gây khó chịu hoặc đau đớn.
- Sưng tấy hoặc khó chịu: Sau khi sinh, phụ nữ thường bị đau đớn ở âm đạo và khu vực vùng chậu kéo dài từ 1 – 6 tuần.
- Núm vú bị đau hoặc nứt: Nếu đang cho con bú, bạn có thể gặp tình trạng bị nứt núm vú trong một thời gian. Bạn cũng có thể bị căng tức ngực khi nguồn sữa điều tiết nhằm đảm bảo chất dinh dưỡng cho trẻ.
- Thay đổi nội tiết tố: Trong những tuần đầu sau khi sinh con, mức độ nội tiết có thể rất cao hoặc rất thấp và thay đổi thường xuyên. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến tâm trạng của những người mẹ mới sinh.
- Tiểu không kiểm soát: Mang thai, chuyển dạ và sinh con có thể khiến cơ sàn chậu bị tổn thương, gây ảnh hưởng đến bàng quang. Điều này khiến phụ nữ sau sinh dễ bị són tiểu khi hắt hơi, cười hoặc ho, kéo dài trong vài tuần.
- Bệnh trĩ: Bệnh trĩ sau sinh là một tình trạng rất phổ biến, xảy ra khi các tĩnh mạch ở hậu môn bị sưng hoặc tổn thương sau sinh.
Sau khi sinh con, phụ nữ trải qua nhiều thay đổi về cả thể chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, bạn cũng cần học cách để trở thành một người mẹ tốt. Do đó, bạn cần chăm sóc bản thân thật tốt để tạo dựng sức mạnh cũng như đảm bảo sức khỏe tinh thần. Các phương pháp chăm sóc sau sinh phổ biến bao gồm nghỉ ngơi nhiều, chế độ dinh dưỡng đa dạng và nhận được sự giúp đỡ trong vài tuần đầu tiên.
Phương pháp và kinh nghiệm chăm sóc sau sinh
Mang thai dẫn đến nhiều thay đổi về thể chất và cảm xúc. Người mẹ nên cố gắng dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ trong vài tuần sau khi sinh để có thể phục hồi tốt nhất. Dưới đây là một số kinh nghiệm cũng như mẹo chăm sóc sau sinh phổ biến:
1. Giảm đau và sưng
Sau khi sinh con bạn có thể cảm thấy sưng, đau hoặc khó chịu ở khu vực âm đạo và vùng chậu. Bạn cũng có thể bị khâu tầng sinh môn hoặc khâu vết thương do sinh mổ, dẫn đến sưng tấy và đau đớn.
Đau đớn sau sinh thường không nghiêm trọng và có thể được cải thiện bằng cách:
- Chườm đá: Để giảm sưng, bạn có thể chườm đá lên vết mổ hoặc âm đạo. Đảm bảo quấn túi đá bằng khăn hoặc các vật liệu mềm, thấm hút khác trước khi chườm lên âm đạo. Không chườm đá trực tiếp lên da, điều này có thể làm tổn thương các mô mềm và khiến cơn đau kéo dài hơn.
- Ngâm nước ấm: Bạn có thể ngâm âm đạo trong bồn nước ấm hoặc ngồi trong chậu nước ấm, khoảng 15 phút mỗi lần. Điều này có thể giúp giảm đau nhanh chóng và hiệu quả. Nếu không muốn ngâm nước ấm, bạn có thể ngồi lên các đệm làm ấm để cải thiện cơn đau.
- Sử dụng thuốc giảm đau: Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau để cải thiện các cơn đau dữ dội. Sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ và theo dõi liều lượng, chẳng hạn như 4 giờ một liều thuốc, và đợi đến khi cơn đau tiếp theo.
Ngoài ra, đôi khi bác sĩ có thể chỉ định các miếng dán, tã lót, băng vệ sinh để giảm ngứa, sưng ở âm đạo. Các loại băng vết thương chống viêm và giảm ngứa cũng có thể được chỉ định nếu bạn sinh mổ.
2. Kinh nghiệm làm sạch tầng sinh môn
Để làm sạch tầng sinh môn đúng cách, người mẹ mới sinh nên trao đổi với bác sĩ hoặc nữ hỗ sinh để được hướng dẫn phù hợp nhất. Điều quan trọng là làm sạch đáy chậu một cách thận trọng.
Các lưu ý để làm sạch tầng sinh môn đúng cách bao gồm:
- Luôn rửa tay trước khi đi tắm hoặc thay miếng lót.
- Sau khi vệ sinh, xịt hoặc đổ nước ấm lên toàn bộ khu vực âm đạo. Bác sĩ có thể chỉ định các loại bình xịt hoặc dung dịch sát trùng phù hợp để làm sạch âm đạo sau sinh. Nếu không được kê các sản phẩm này, bạn có thể đến các hiệu thuốc để tìm dung dịch vệ sinh phù hợp.
- Nhẹ nhàng lau khô khu vực xung quanh bằng giấy vệ sinh. Khi lau bắt đầu ở phía trước và kết thúc ở phía sau để đảm bảo không gây nhiễm trùng từ hậu môn đến âm đạo.
- Sau khi lau khô, sử dụng khăn lau, thuốc xịt hoặc miếng lót để giảm đau. Nếu cần thiết, bạn có thể chườm đá để kiểm soát cơn đau.
- Luôn rửa tay sạch sẽ sau khi vệ sinh tầng sinh môn.
3. Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Trong những ngày đầu sau khi sinh con và chung sống với em bé, có thể dẫn đến vấn đến một số khó chịu về mặt cảm xúc, chẳng hạn như:
- Cảm thấy choáng ngợp khi chăm sóc em bé, bản thân và những khác trong gia đình.
- Cảm thấy cô đơn và bị cô lập, đặc biệt là sau vài tuần đầu tiên, khi bạn bè và người thân ít đến thăm hơn.
- Cảm thấy bị bỏ rơi hoặc tức giận khi không nhận được sự giúp đỡ lúc cần thiết.
- Lo lắng về tài chính và các khoản chi phí để chăm sóc tốt cho trẻ.
- Căng thẳng với bạn đời hoặc những đứa con khác trong gia đình.
Cảm xúc có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và ngược lại. Do đó, những người mẹ sau sinh cần chú ý chăm sóc và phục hồi cảm xúc. Một số lưu ý trong việc cải thiện tinh thần bao gồm:
- Tâm sự với người thân, bạn đời hoặc bạn bè để được chia sẻ và thấu hiểu.
- Nghe nhạc, đọc sách hoặc thiền định để cải thiện sức khỏe tinh thần.
- Thường xuyên đi dạo, tiếp xúc với môi trường bên ngoài để mang đến cảm xúc tích cực.
- Tránh các suy nghĩ và tác động tiêu cực.
4. Ngủ nhiều nhất có thể
Ngủ nhiều là cách tốt nhất để cơ thể phục hồi sau khi sinh con. Tuy nhiên làm sao để ngủ khi con quấy khóc trong đêm hoặc khi bạn cần cho con bú vài giờ một lần.
Khó ngủ khi mới sinh con là điều bình thường, tuy nhiên có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Do đó, hãy cố gắng ngủ nhiều nhất ngay khi có thể để hồi phục sức khỏe tốt nhất.
Một trong những mẹo để ngủ nhiều hơn là nhờ sự giúp đỡ của bạn đời, người thân hoặc bạn bè. Nếu cần thiết, bạn có thể tìm một người giữ trẻ hoặc dịch vụ chăm sóc sau sinh để được hỗ trợ tốt nhất.
Bạn nên chọn một khung giờ ưu tiên để nghỉ ngơi và ngủ, ít nhất là trong 4 giờ liên tục. Hãy ngủ và thức cùng giờ giấc của con để đảm bảo thói quen sinh hoạt hợp lý.
5. Chăm sóc cơ thể sau sinh
Những người mẹ mới sinh có thể cảm thấy đủ loại cảm giác đối với cơ thể, bao gồm tức giận, thất vọng, xấu hổ hoặc thậm chí là chán ghét. Do đó, hãy chăm sóc cơ thể đúng cách để giảm cân sau sinh và quay trở lại vóc dáng như ban đầu và phục hồi sức khỏe tinh thần.
Bạn có thể tham khảo phương pháp chăm sóc sau sinh như:
- Ăn lành mạnh, nhiều trái cây tươi và rau xanh.
- Uống nước khi khát. Hãy thêm một lát chanh hoặc cam vào nước uống để cải thiện hương vị.
- Uống vitamin để phục hồi các chất dinh dưỡng khi mang thai.
- Sử dụng chai xịt đáy chậu hoặc dung dịch vệ sinh phù hợp để giảm đau cho khu vực này.
- Uống thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngay cả khi đang cho con bú, các loại thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc ibuprofen vẫn an toàn và có thể sử dụng trong thời gian ngắn. Đừng đợi đến khi cơn đau tồi tệ rồi mới uống thuốc, bởi vì điều này khiến thuốc kém hiệu quả hơn.
- Không hoạt động mạnh hoặc quá nhanh. Cơ thể cần thời gian để phục hồi sau khi sinh trước khi quay lại cách hoạt động bình thường.
6. Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Cơ thể đã trải qua nhiều thay đổi khi mang thai và sinh con, do đó bạn cần thời gian để hồi phục. Ngoài việc nghỉ ngơi, bạn cần thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng để cơ thể luôn năng động, khỏe mạnh.
Hầu hết các chuyên gia cho rằng bạn nên ăn khi đói. Tuy nhiên nhiều bà mẹ quá mệt mỏi hoặc bận rộn đến mức bỏ quên bữa ăn. Do đó, hãy lên kế hoạch cho các bữa ăn đơn giản, lành mạnh.
Các nhóm thực phẩm tốt cho phụ nữ sau khi sinh bao gồm:
- Ngũ cốc nguyên hạt: Các loại ngũ cốc, hạt như yến mạch, lúa mạch, ngô hoặc gạo lứt rất tốt cho phụ nữ sau sinh.
- Trái cây: Trái cây rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là ở phụ nữ sau khi sinh con. Bạn có thể bổ sung đa dạng các loại trái cây ở dạng tươi, đóng hộp, đông lạnh hoặc sấy khô đều được. Bạn cũng có thể ép lấy nước hoặc xay sinh tố để cải thiện hương vị.
- Rau xanh và củ: Các loại rau có màu xanh đậm, củ có màu đỏ hoặc cam, các loại đậu bao gồm đậu Hà Lan chứa rất nhiều chất xơ, giúp ngăn ngừa táo bón và trĩ sau sinh.
- Sản phẩm bơ, sữa: Các sản phẩm bơ, sữa ít béo hoặc không béo, có hàm lượng canxi cao, phù hợp để cải thiện sức khỏe sau sinh.
- Chất đạm: Ăn nhiều protein, như thịt và gia cầm nạc hoặc ít mỡ để bổ sung lượng protein cần thiết. Ngoài ra, các loại cá, quả hạch, các loại hạt và đậu cũng là nguồn protein lành mạnh cho phụ nữ mang thai.
7. Di chuyển cơ thể nhẹ nhàng
Trong sáu tuần đầu sau khi sinh, bạn có nguy cơ hình thành cục máu đông ở chân hoặc phổi. Nguy cơ này thậm chí còn cao hơn nếu bạn sinh mổ.
Để hạn chế nguy cơ hình thành cục máu đông là di chuyển thường xuyên hơn. Bạn có thể đi bộ ở hành lang, trong sân nhà hoặc xung quanh nhà. Đặt em bé trong một chiếc nôi hoặc xe đẩy và đi dạo cũng là một cách để giới thiệu trẻ với thế giới bên ngoài.
Vận động cơ thể giúp giảm các biến chứng sau sinh. Duy trì hoạt động thể chất, ngay cả khi đi bộ ngắn 5 – 10 phút, cũng có thể tăng cường sức khỏe tinh thần. Nếu có thể, hãy cố gắng đi bộ bên ngoài hoặc ở công viên và ngắm nhìn cây cối trên bầu trời.
Kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh
Bên cạnh các phương pháp chăm sóc sau sinh, bạn cũng nên tìm hiểu cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Nếu sinh con lần đầu, bạn có thể cảm thấy bối rối hoặc lo lắng về cách chăm sóc tốt nhất cho em bé. Tuy nhiên nhu cầu cơ bản của trẻ sơ sinh rất đơn giản, chỉ bao gồm tắm, thay tã, bế, cho ăn và ru ngủ.
Dưới đây là một số lưu ý về cách chăm sóc trẻ sơ sinh, bạn có thể tham khảo.
1. Thay tã
Thay tã có lẽ là việc đáng sợ nhất trong các hoạt động chăm sóc em bé. Tuy nhiên, chỉ cần thực hành một vài lần, các thao tác sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Một số bước cũng như kinh nghiệm thay tã cho bé như sau:
- Chuẩn bị tã, khăn lau, thuốc mỡ hoặc bất cứ thứ gì cần thiết để thay tã cho em bé.
- Đặt em bé xuống giường hoặc bàn thay tã. Cỡi tã cũ nhưng đừng kéo tã ra khỏi mông em bé, điều này có thể giúp đảm bảo an toàn cũng như tránh không khí lạnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
- Đặt bé sang một tấm khăn sạch ở bên cạnh, bắt đầu lau mông cho trẻ.
- Đặt tã mới, sạch sẽ bên dưới em bé và cố định tã. Mặc lại quần áo cho bé sau đó rửa tay sạch sẽ.
2. Tắm cho bé
Tắm là thời gian thư giãn cho bé cũng như giúp bạn kết nối cảm xúc với con. Dưới đây là một số điều cơ bản cần lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh:
- Chuẩn bị đầy đủ khăn tắm, khăn mặt, các loại xà phòng, kem dưỡng, quần áo cần thiết cho em bé.
- Nước tắm cần phải nông và có nhiệt độ vừa phải (khoảng 37 độ). Nếu không có nhiệt kế, bạn có thể thử nước bằng cổ tay hoặc các vùng da nhạy cảm khác để đảm bảo nước không quá nóng. Ngoài ra, hãy đóng tất cả các cửa và cửa sổ để tránh gió lùa.
- Nói chuyện với con trong khi cởi quần áo của bé và giữ bé ở gần bạn để trẻ cảm thấy an toàn.
- Đặt bé vào bồn tắm nhưng luôn giữ bé bằng một tay để đảm bảo an toàn. Bắt đầu vệ sinh mặt, cổ, tay, cơ thể và vùng quấn tã. Có thể sử dụng nhiều loại xà phòng khác nhau trên tóc và cơ thể, tuy nhiên hãy đảm bảo loại xà phòng phù hợp với làn da mỏng manh của trẻ.
- Sau khi tắm rửa sạch sẽ, hay lau khô người bé và quấn bé trong một chiếc khăn lớn. Nếu muốn, bạn có thể sử dụng kem dưỡng da, mặc dù điều này không cần thiết cho hầu hết trẻ sơ sinh. Mặc tã và quần áo sạch cho trẻ.
3. Cho con bú
Cho con bú không chỉ là vấn đề dinh dưỡng, mà còn là khoảng thời gian tốt nhất để giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương. Tận dụng thời gian cho con bú để ôm, giao tiếp bằng mắt để tăng sự gắn bó.
Bạn có thể chọn các tư thế cho con bú phù hợp và thoải mái nhất. Sử dụng gối kê lưng khi bế em bé để giảm căng thẳng ở lưng và tránh các rủi ro sau sinh.
4. Cách bế em bé
Bế em bé là một công việc cực kỳ thú vị và nhiều người có thể ôm con hàng giờ liền. Bước quan trọng nhất khi bế trẻ sơ sinh là đỡ đầu và cổ của trẻ. Em bé sẽ không phát triển khả năng kiểm soát đầu cho đến khi được khoảng 4 tháng tuổi, vì vậy khi bế bé cần đảm bảo rằng đầu của trẻ không bị nghiêng từ bên này sang bên kia hoặc bị hất từ trước ra sau.
Khi bế bé ra khỏi nôi hãy nâng đỡ đầu và cổ, chú ý cẩn thận ở các điểm xung quanh thóp (các điểm mềm). Khi bế trẻ, hãy luồn một tay xuống dưới đầu và cổ của trẻ, đồng thời đặt tay kia của bạn dưới mông trẻ. Nhấc em bé lên và áp sát vào ngực trong khi duỗi thẳng chân và đứng dậy.
Chăm sóc em bé sơ sinh có thể là một công việc mệt mỏi, tuy nhiên chăm sóc người mẹ mới sinh cũng là một việc cần được quan tâm. Sau sinh cơ thể bạn thường rất yếu ớt và cần thời gian để phục hồi. Do đó, hãy tham khảo các phương pháp chăm sóc sau sinh để cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất.
Nếu gặp khó khăn trong việc chăm sóc em bé hoặc chính bản thân, hãy nhờ sự giúp đỡ. Cân nhắc trao đổi với bác sĩ hoặc liên hệ với dịch vụ chăm sóc để được hỗ trợ phù hợp nhất.
Tham khảo thêm: