Sinh Mổ
Sinh mổ là phương pháp được chỉ định cho các sản phụ và thai nhi có nguy cơ gặp rủi ro nếu sinh thường qua ngã âm đạo. Trước khi làm phẫu thuật, chị em nên tìm hiểu kỹ về quy trình thực hiện, chi phí hay lợi ích và biến chứng có thể gặp khi đẻ mổ để có sự chuẩn bị sẵn sàng cho ca vượt cạn.
Sinh mổ là gì?
Sinh mổ là phương pháp phẫu thuật để đưa thai nhi ra ngoài thông qua một vết cắt trên bụng và thành tử cung của sản phụ. Các bộ phận như nhau hay màng ối cũng được lấy ra cùng với em bé.
Thông thường, những người có thai kỳ khỏe mạnh đều được khuyến cáo sinh thường qua ngã âm đạo để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và em bé. Chỉ các trường hợp không thể sinh tự nhiên mới được sinh mổ. Tuy nhiên, xu hướng sinh mổ đang ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thống kê tại bệnh viện Phụ Sản Trung Ương, tỷ lệ mổ lấy thai chiếm khoảng 50%. Trong khi đó ở các nước khác, con số này có thể lên đến 60-70%, thậm chí là cao hơn.
Sinh mổ được xem là một cuộc phẫu thuật lớn. Chính vì vậy, phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng hơn so với sinh thường. Ngày nay, sự tiến bộ của y học hiện đại với sự kết hợp giữa các phương tiện vô khuẩn kết hợp với gây mê, truyền máu và hồi sức đã giảm thiểu đáng kể tỷ lệ tai biến cho các bà mẹ sinh mổ.
Khi nào cần sinh mổ?
Mổ lấy thai là một chỉ định y khoa. Vì vậy, chỉ có các trường hợp được bác sĩ tiên lượng không thể vượt cạn qua đường âm đạo một cách an toàn thì mới được đề nghị mổ.
Các trường hợp được chỉ định mổ lấy thai bao gồm:
– Đối với người mẹ:
- Lớn tuổi
- Khung xương chậu bị hẹp hoặc lệch gây khó khăn cho quá trình chuyển dạ
- Đường sinh dục của mẹ bị dị dạng
- Cơn co thắt tử cung bất thường
- Tử cung có vết mổ cũ dẫn đến khó sinh
- Mẹ đã từng mổ đẻ trước đó và vết mổ cũ có nguy cơ bị vỡ nếu cố gắng sinh thường.
- Dọa vỡ tử cung
- Quá trình chuyển dạ kéo dài trong khi nước ối đã cạn.
- Mẹ có sức khỏe yếu, không thể sinh con bằng phương pháp tự nhiên.
- Có tiền sử mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, basedown, bệnh ở gan hay bệnh lây truyền qua đường tình dục.
– Thai nhi có vấn đề bất thường:
- Có dấu hiệu bị suy thai khi dùng máy theo dõi tim thai
- Bất thường ở ngôi thai, nhất là các trường hợp có ngôi mông.
- Thai to, phát triển quá nhanh nên không thể ra ngoài theo ngã âm đạo
- Thai quá ngày
- Vô ối
- Thai chậm tăng trưởng khiến mạng sống bị đe dọa.
- Sa dây rốn
- Nhau tiền đạo
- Nhau bong non
- Dây rốn bám màng hoặc dây rốn quấn cổ nhiều vòng.
Vết rạch trong sinh mổ
Khi mổ lấy thai, bác sĩ có thể thực hiện một vết rạch dọc hay vết rạch ngang ở bụng và tử cung. Việc lựa chọn hình thức nào còn tùy thuộc vào sức khỏe của mẹ cũng như thai nhi.
Vết mổ dọc:
- Đường rách kéo dài từ rốn cho đến đường chân lông mu.
- Thời gian hồi phục vết mổ lâu
- Dễ bị lộ vết sẹo mất thẩm mỹ.
Vết mổ ngang:
- Đây là hình thức rạch mổ đang được áp dụng phổ biến nhất hiện nay.
- Đường rạch nằm ngang và kéo dài qua đường chân lông mu.
- Vết mổ ít chảy máu và nhanh lành hơn.
- Do nằm phía dưới bụng nên vết sẹo mổ ngang không bị lộ ra ngoài và khó nhìn thấy nếu không để ý kỹ.
Các hình thức sinh mổ
Lựa chọn sinh mổ sẽ được thực hiện trong 3 trường hợp chính sau:
- Sinh mổ không kế hoạch: Thường áp dụng trong các trường hợp gặp vấn đề với nhau thai. Các bác sĩ khi đó có thể quyết định thực hiện sinh mổ nếu nhau thai che một phần hoặc toàn bộ tử cung người mẹ. Ngoài ra, các bác sĩ sẽ áp dụng một thủ thuật mổ lấy thai trong trường hợp em bé có kích thước quá lớn đi qua xương chậu của mẹ nhưng các cơn co thắt của mẹ không đủ mạnh để mở cổ tử cung giúp bé ra ngoài.
- Sinh mổ khẩn cấp: Một ca sinh mổ khẩn cấp sẽ được thực hiện nếu em bé gặp vấn đề trong quá trình chuyển dạ như nhịp tim của bé giảm nhanh chóng xuống dưới mức bình thường, không quay trở lại, dây rốn đi ra khỏi âm đạo hoặc nếu mẹ đã thực hiện mổ đẻ trước đó và vết sẹo cũ vỡ ra khi họ cố gắng sinh thường.
- Sinh mổ theo lịch trình: Các trường hợp áp dụng đẻ mổ theo lịch trình có tỉ lệ thấp hơn và thường được chỉ định trong các trường hợp bé nằm không đúng vị trí, nằm ngang hoặc ngược (đầu hướng lên).
Những việc cần chuẩn bị trước khi sinh mổ
Các vấn đề cần chuẩn bị trước khi sinh mổ bao gồm:
- Trước khi làm phẫu thuật, thai phụ đều được chỉ định nhập viện và yêu cầu nhịn ăn trong thời gian ít nhất 6 tiếng trước đó. Một số chị em được truyền dịch trong thời gian này để đảm bảo sức khỏe.
- Thai phụ cần nghỉ ngơi và chuẩn bị sẵn sàng về mặt tinh thần trước khi mổ. Tránh lo lắng, căng thẳng quá mức.
- Trong thời gian chờ đợi mổ, y tá sẽ thường xuyên kiểm tra thai phụ và các chỉ số của thai nhi thông qua máy theo dõi tim thai nhằm đảm bảo đáp ứng được điều kiện cho ca mổ.
- Một số bệnh viện có thể yêu cầu thai phụ thụt phân và tắm rửa vệ sinh thân thể trước ca mổ 1 – 2 tiếng.
Sau khi đã hoàn thành các bước chuẩn bị cần thiết, các mẹ được đưa vào phòng mổ và tiến hành ca phẫu thuật theo thời gian đã ấn định.
Quy trình sinh mổ
Quá trình mổ đẻ lấy thai nhi diễn ra khá nhanh, bao gồm các bước sau đây:
Bước 1: Gây tê tủy sống hay gây mê
Nếu như trước đây, phương pháp gây mê toàn thân được áp dụng phổ biến cho các ca sinh mổ thì ngày nay, chị em chỉ yếu được gây tê tủy sống nhằm giảm thiểu các tác dụng phụ của thuốc.
Với phương pháp gây tê tủy sống, các mẹ sẽ hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình mổ. Các y tá có thể treo một tấm màn ngay dưới ngực người mẹ để hạn chế cảnh sản phụ nhìn thấy phẫu thuật. Tuy nhiên cũng có một số bệnh viện dùng màng giấy bóng kính trong suốt cho phép các bà mẹ nhìn thấy em bé bác sĩ nhấc bé ra từ bụng mẹ.
Quá trình gây tê tủy sống hoặc gây mê thường diễn ra trong thời gian từ 5 – 10 phút. Khi gây tê tủy sống, thai phụ được yêu cầu nằm nghiêng người, hai tay ôm sát vào đầu gối và cong người hết mức để bác sĩ dễ dàng tiêm thuốc gây tê ngoài màng cứng.
Đối với các trường hợp được gây mê, sản phụ hoàn toàn mất đi ý thức trong suốt quá trình mổ lấy thai cho đến khi thuốc hết tác dụng. Liều lượng của thuốc gây mê sẽ được bác sĩ cân nhắc cho phù hợp với từng đối tượng. Trong quá trình gây mê, sản phụ được đặt ống thở qua miệng.
Bước 2: Vệ sinh vùng bụng
Vùng bụng của mẹ sẽ được vệ sinh sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng trước khi bác sĩ đặt ống thông tiểu lấy nước tiểu trong quá trình sinh. Một số sản phụ có thể được truyền dịch trong quá trình sinh mổ nhằm tránh mất nước.
Bước 3: Rạch mổ
Các bác sĩ sản sẽ rạch một đường khoảng 20cm trên bụng người mẹ. Đường rạch này nằm ở vị trí thấp và gần đường lông mu. Đây cũng chính là vị trí mà em bé sẽ được lấy ra ngoài.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp khẩn cấp, bé cần ra ngoài ngay, bác sĩ có thể rạch một đường theo chiều dọc từ gần rốn tới phía trên xương mu. Sau đó, một đường rạch tiếp theo đi qua lớp mô mỡ và cơ bắp, cuối cùng rạch tử cung.
Bước 4: Lấy em bé ra ngoài
Em bé sẽ được lấy ra ngoài thông qua vết cắt. Sau khi được làm sạch mắt, mũi, miệng, dây rốn sẽ được kẹp lại. Các bác sĩ cũng sẽ tiến hành loại bỏ nhau thi ngay sau đó và làm sạch tử cung rồi lần lượt khâu các vết rạch.
Toàn bộ quy trình sinh mổ tính từ lúc các bác sĩ tiến hành mổ đến khi đưa thai nhi ra ngoài diễn ra khá nhanh chóng, thường chỉ mất khoảng 15 phút. Tuy nhiên, các trường hợp mổ cấp cứu hoặc xảy ra biến chứng thì mất nhiều thời gian hơn để xử lý.
Ưu nhược điểm của sinh mổ
Phương pháp sinh mổ có những ưu nhược điểm nhất định. Bao gồm:
Ưu điểm:
- Mổ thấy thai là một sự lựa chọn tối ưu dành cho các mẹ không thể sinh thường qua đường âm đạo. Phương pháp này giúp giảm thiểu được các tai biến cho bé, nhất là các trường hợp được tiên lượng có nguy cơ gặp một số tổn thương khi sinh thường như gãy xương, ngạt vị sa dây rốn, chấn thương đám rối dây thần kinh ở cánh tay…
- Giảm nguy cơ bị lây nhiễm bệnh từ mẹ nếu mẹ mắc các bệnh lý phụ khoa như nấm âm đạo, nhiễm virus Herpes simplex…
- Tránh được tổn thương ở tầng sinh môn cho mẹ.
- Ngăn ngừa chảy máu đối với các trường hợp bị nhau cài răng lược, nhau thai bong non hoặc bị nhau tiền đạo.
– Nhược điểm:
- Chi phí sinh mổ cao
- Lâu phục hồi sức khỏe
- Phải kiêng cữ nhiều hơn sau mổ
- Vết rạch có thể để lại sẹo xấu
- Có thể gây biến chứng không tốt cho sức khỏe của sản phụ.
Biến chứng của sinh mổ
Giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật lớn nào, một quy trình mổ đẻ thường đi kèm với một loạt các rủi ro mà các bà mẹ có thể gặp phải. Các biến chứng có thể gặp khi sinh mổ bao gồm:
- Dính ruột
- Tổn thương bàng quang, ruột hay các cơ quan lân cận khác
- Mất nhiều máu dẫn đến thiếu máu
- Nhiễm trùng vết mổ
- Thuyên tắc mạch
- Nhiễm trùng nội mạc tử cung
- Tràn dịch màng phổi hoặc suy hô hấp tạm thời ở bé
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Dị ứng với thuốc gây mê hoặc các loại thuốc khác được sử dụng trong quá trình phẫu thuật.
- Tăng nguy cơ bị nhau tiền đạo, vỡ tử cung, lạc nội mạc tử cung hoặc có thai ngoài tử cung trong các thai kỳ tiếp theo.
Nguy cơ gặp biến chứng sinh mổ cao hơn ở những đối tượng sau:
- Sản phụ từng sinh mổ trước đó
- Có tiền căn làm phẫu thuật ở bụng.
- Béo phì, tăng cân quá nhiều trong thai kỳ.
Sinh mổ có đau không?
Các mẹ sẽ không cảm thấy đau trong quá trình mổ lấy thai do. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể sợ hãi khi bị tiêm thuốc hoặc thấy bụng bị rạch. Trong quá trình sinh mổ bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng, việc chứng kiến toàn bộ các bước khiến nhiều mẹ cảm thấy áp lực, căng thẳng .
Sau phẫu thuật khoảng 12 giờ đầu tiên, một số mẹ có thể cảm thấy đau đớn nhưng không nhất thiết phải dùng thuốc giảm đau nếu cơn đau không quá nghiệm trọng. Thông thường, các bác sĩ có thể tiêm thuốc giảm đau cho những ngày tiếp đó hoặc chị định cho sản phụ uống Ibuprofen hoặc Acetaminophen để mẹ dễ chịu hơn.
Cách chăm sóc sau sinh mổ
Việc chăm sóc sau sinh mổ đúng cách sẽ giúp mẹ nhanh phục hồi sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ gặp biến chứng. Sau sinh, các mẹ có thể được yêu cầu ở lại bệnh viện từ 3 đến 4 ngày, nhưng có thể mất đến 6 tuần để cơ thể hồi phục hoàn toàn.
Một số phụ nữ cũng có thể bị chảy máu trong khoảng 4 đến 6 tuần sau khi sinh phẫu thuật. Họ cũng được khuyên không nên quan hệ tình dục trong vài tuần sau mổ.
Ngoài ra, cần chú ý các vấn đề sau:
- Trong vòng 6 tiếng đầu tiên sau mổ, chị em được khuyến cáo không nên ăn uống bất cứ thứ gì. Sau đó có thể ăn cháo loãng, uống nước ấm. Các trường hợp đã xì hơi có thể ăn cơm. Tuy nhiên, cần hạn chế sử dụng thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, các món ngọt, thực phẩm thô cứng khó tiêu hóa, thức ăn chưa được nấu chín.
- Vận động nhẹ nhàng sau khi ống thông tiểu đã được rút ra. Việc vận động sẽ giúp kích thích lưu thông máu và giảm nguy cơ bị dính ruột.
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi cho đến khi sức khỏe phục hồi hoàn toàn.
- Tránh làm việc nặng.
- Không để cơ thể bị nhiễm lạnh.
- Sát trùng, chăm sóc vết mổ sau sinh đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ và thay băng mỗi ngày. Không để vết mổ bị dính nước khi chưa khép miệng.
- Tắm rửa mỗi ngày bằng nước ấm. Tốt nhất, mẹ chỉ nên dùng khăn lau chùi nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến vết mổ.
Sinh mổ giá bao nhiêu?
Chi phí sinh mổ có thể dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Cơ sở y tế thực hiện
- Gói sinh
- Sinh đơn thai hay đa thai
- Vật tư tiêu hao
- Chi phí thuốc men, xét nghiệm
- Sản phụ có Bảo hiểm y tế hay không…
Trước sinh, chị em có thể tìm đến các bệnh viện phụ sản uy tín để được tư vấn và cung cấp bảng giá sinh mổ chi tiết.
Khả năng sinh mổ trong những thai kỳ sau
Theo báo cáo của Cơ quan phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, một phụ nữ đã thực hiện sinh mổ lần đầu có thể sẽ có khoảng 90% cần thực hiện sinh mổ lần tiếp theo. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ đã sinh mổ nếu cố gắng sinh thường trong các lần tiếp, trường hợp được các nhà nghiên cứu gọi là VBAC (sinh thường sau sinh mổ), có thể có tỉ lệ biến chứng tương đối thấp sau đó, chẳng hạn như phải truyền máu hoặc cắt tử cung không có kế hoạch, so với những phụ nữ đã lên lịch sinh mổ lần tiếp.
Ngoài ra, các vết cắt trên thành tử cung của phụ nữ cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh con âm đạo trong tương lai.
Mặc dù sinh mổ có thể giúp mẹ bớt đau đớn trên bàn đẻ nhưng chỉ khi thực sự cần thiết mới nên áp dụng phương pháp này. Sau sinh, các mẹ cần chú ý nghỉ ngơi nhiều và có chế độ dinh dưỡng hợp lý để sức khỏe nhanh phục hồi.