Cần Chuẩn Bị Gì Trước Khi Mang Thai?
Có rất nhiều hướng dẫn về việc cần chuẩn bị gì trước khi mang thai, những điều nên làm và không nên làm để có thai kỳ khỏe mạnh. Hầu hết các chuyên gia sinh sản sẽ khuyến khích bạn thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, giữ sức khỏe thể chất và tinh thần để cơ thể ở trạng thái tốt nhất khi mang thai.
Phụ nữ cần chuẩn bị gì trước khi mang thai?
Nếu bạn có kế hoạch mang thai, bạn có nhiều việc cần chuẩn bị trước khi mang thai để bản thân khỏe mạnh nhất có thể khi thụ thai và mang thai trong suốt 10 tháng. Dưới đây là một số hướng dẫn cho phụ nữ về việc cần chuẩn bị gì trước khi mang thai, bạn có thể tham khảo.
1. Kiểm tra sức khỏe
Việc đầu tiên để chuẩn bị trước khi mang thai đó chính là kiểm tra sức khoẻ, bạn cần đặt lịch khám với bác sĩ để đảm bảo cơ thể có sự chuẩn bị tốt nhất. Nếu bạn có bất cứ vấn đề sức khỏe nào có thể ảnh hưởng đến cơ hội thụ thai thành công, bác sĩ có thể đề nghị kế hoạch điều trị phù hợp.
Bác sĩ có thể cần kiểm tra sức khỏe tổng thể bằng cách lấy các tiền sử y tế đầy đủ của bạn và bạn tình của bạn. Bạn cũng có thể cần thực hiện một số xét nghiệm, chẳng hạn như xét nghiệm máu và phết tế bào cổ tử cung, để đảm bảo rằng bạn không có bất cứ bệnh lý nào gây ảnh hưởng đến việc mang thai, chẳng hạn như:
- Bệnh sởi
- Bệnh thủy đậu
- HIV
- Viên gan B
- Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia, giang mai và bệnh lậu
- Các vấn đề về tuyến giáp
Các vấn đề về ung thư di truyền như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Do đó, nếu trong gia đình có tiền sử ung thư, hãy thông báo với bác sĩ.
Một số vấn đề sức khỏe khác cũng gây ảnh hưởng đến thai kỳ cần được chăm sóc phù hợp bao gồm:
- Bệnh tiểu đường
- Tăng huyết áp
- Rối loạn đông máu
- Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm
- Thalassemia (một dạng thiếu máu di truyền)
Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn đến nha khoa để kiểm tra sức khỏe răng miệng. Có một mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và thai kỳ khỏe mạnh. Bệnh nướu răng có thể làm tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân hoặc sinh non. Do đó, bạn nên đến gặp bác sĩ nha khoa để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Sau khi xác định các vấn đề sức khỏe đủ điều kiện để mang thai, bác sĩ có thể đề nghị các loại vắc xin cần thiết trước khi mang thai. Một số loại vắc xin cụ thể, chẳng hạn như sởi – quai bị – rubella, bệnh thủy đậu hoặc viêm gan A, là cần thiết để tránh các rủi ro liên quan đến dị tật bẩm sinh. Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên đợi ít nhất 28 ngày sau khi tiêm vắc xin để mang thai an toàn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cần tiêm một số loại vắc xin trong thai kỳ, chẳng hạn như vắc xin phòng bệnh ho gà, do đó, hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
2. Thay đổi phong cách sống
Có một phong cách sống lành mạnh là điều trước khi mang thai cần chuẩn bị để có thai kỳ khỏe mạnh. Như bạn đã biết, thuốc lá và rượu gần như bị nghiêm cấm sử dụng trong thai kỳ. Các sản phẩm này không tốt cho sự phát triển của thai nhi và dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khi thai nhi lớn lên.
Ngay cả khi chưa mang thai, hút thuốc lá và uống rượu cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản cũng như làm tăng nguy cơ sẩy thai. Do đó, nếu có kế hoạch mang thai, bạn nên tránh những thói quen xấu này.
Tiêu thụ quá nhiều caffeine trong ngày cũng làm giảm khả năng thụ thai và tăng khả năng sảy thai. Do đó, nếu chuẩn bị mang thai, bạn nên uống ít hơn 2 tách cà phê hoặc ít hơn 5 lon nước ngọt mỗi ngày để thai kỳ phát triển khỏe mạnh.
3. Chế độ ăn uống phù hợp để chuẩn bị trước khi mang thai
Thực hiện chế độ ăn uống khoa học là điều cần thiết khi bạn thắc mắc trước khi mang thai cần chuẩn bị gì. Một số xu hướng ăn uống lành mạnh để chuẩn bị cho việc mang thai gồm:
- Giảm lượng carbohydrate
- Tăng protein và chất béo lành mạnh
- Bổ sung nhiều trái cây và rau quả
- Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc mỗi ngày
Một chế độ ăn uống lành mạnh trước khi thụ thai có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, một loại bệnh ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai.
Ngoài ra, có một số lưu ý khác trong chế độ ăn uống trước khi mang thai, bao gồm:
- Bổ sung axit folic: Các loại thực phẩm có chứa axit folic bao gồm một số loại rau lá xanh, chẳng hạn như bông cải xanh hoặc rau bina.
- Hạn chế hải sản: Các loại hải sản có thể chứa nhiều thủy ngân, gây ảnh hưởng đến quá trình mang thai và sinh con. Bạn có thể ăn cá hai lần một tuần, nhưng hãy ăn các loại cá ít thủy ngân như cá nước ngọt và các loại cá béo.
Ngoài ra, bạn nên hạn chế tiêu thụ các sản phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn như thịt nguội, xúc xích, pate, thịt động vật quý hiếm, trứng sống và thức ăn quá mặn. Các loại thực phẩm này có thể gây kích thích cơ thể và ảnh hưởng đến quá trình mang thai.
4. Tránh kiểm soát sinh sản
Có một số quan niệm sai lầm phổ biến là bạn cần ngừng biện pháp tránh thai trước một thời gian trước khi cố gắng mang thai. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết, điều này có thể không cần thiết và bạn có thể mang thai tương đối nhanh chóng ngay sau khi ngừng các biện pháp tránh thai.
Về lý thuyết bạn có thể mang thai trong những ngày ngừng biện pháp tránh thai. Do đó, bạn không cần ngừng các biện pháp kiểm soát sinh sản cho đến khi bạn khỏe mạnh và nắm rõ cần chuẩn bị gì trước khi mang thai để có thai kỳ an toàn.
5. Theo dõi chu kỳ rụng trứng
Theo dõi chu kỳ rụng trứng là cách tốt nhất để tính ngày thụ thai. Quan hệ vào ngày rụng trứng sẽ làm tăng cơ hội thụ thai thành công. Có nhiều cách khác nhau để theo dõi ngày rụng trứng, chẳng hạn như:
- Ứng dụng điện thoại: Có một số ứng thư điện thoại có thể xác định thời điểm rụng trứng dựa theo dữ liệu của chu kỳ kinh nguyệt.
- Que thử rụng trứng: Các loại que thử rụng trứng có thể dự báo thời gian rụng trứng thông qua nước tiểu. Theo thống kê que thử rụng trứng chính xác đến 80%.
- Theo dõi nhiệt độ cơ thể cơ bản: Sử dụng nhiệt kế chuyên dụng đo nhiệt độ cơ thể vào mỗi buổi sáng có thể giúp bạn xác định và theo dõi nhiệt độ cơ bản. Nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên 0.3 – 0.5 độ C vào ngày rụng trứng, do đó hãy quan hệ vào ngày này để tăng cơ hội thụ thai.
6. Uống vitamin trước sinh
Tạo thói quen uống vitamin trước sinh là một trong những điều cần thực hiện khi bạn thắc mắc chuẩn bị mang thai cần bổ sung gì. Một trong những loại vitamin cần thiết trong thai kỳ là folate hoặc axit folic. Loại vitamin này có tác dụng giúp cột sống thai nhi đóng lại đúng cách và ngăn ngừa tật nứt đốt sống.
Các loại vitamin và chất dinh dưỡng khác, chẳng hạn như canxi, vitamin D, magie, kali hoặc sắt, cần thiết để duy trì sức khỏe của mẹ và nuôi dưỡng thai nhi. Do đó, khi có kế hoạch mang thai, bạn nên tìm hiểu các loại vitamin cần thiết và bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
7. Giảm căng thẳng
Giảm căng thẳng không liên quan trực tiếp đến việc cải thiện tỷ lệ mang thai, tuy nhiên có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tổng thể của bạn cũng như khả năng sinh sản.
Giảm căng thẳng sẽ giúp bạn giữ được sự tỉnh táo cần thiết, tự tin hơn khi đưa ra các quyết định trong việc mang thai. Mức độ căng thẳng cao cũng có thể tác động trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt, khiến bạn bị ngừng kinh, thậm chí có kinh quá thường xuyên. Điều này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngày rụng trứng và khả năng mang thai.
Ngoài ra, giữ một tinh thần thoải mái có thể ngăn ngừa các vấn đề trầm khi mang thai và sau khi sinh con. Điều này cũng giúp bạn có thời gian phục hồi sau sinh nhanh chóng hơn.
8. Tập thể dục là điều cần chuẩn bị trước khi mang thai
Di chuyển và duy trì các hoạt động thể chất, ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, kiểm soát cân nặng và giảm căng thẳng. Điều này dẫn đến tinh thần tích cực nói chung, đặc biệt là khi bạn có kế hoạch mang thai.
Tập thể dục thường xuyên cũng giúp bạn đạt được cân nặng hợp lý, giữ vóc dáng tiêu chuẩn và chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ sinh nở tốt nhất. Bạn có thể tập bất cứ môn thể thao nào, bao gồm đi bộ, chạy bộ, yoga hoặc bơi lội.
9. Duy trì cân nặng hợp lý
Duy trì một cân nặng khỏe mạnh có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, do đó hãy trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống, lượng calo thích hợp, tập thể dục cũng như các thói quen lành mạnh khác để đạt và duy trì cân nặng cần thiết khi cố gắng thụ thai.
– Nếu bạn nhẹ cân:
Một số người thiếu cân, đặc biệt là những người rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chán ăn, có thể không rụng trứng và không có kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt không đều. Điều này gây ảnh hưởng đến cách tính ngày rụng trứng và làm giảm khả năng thụ thai thành công.
Ngoài ra, một số người không bị rối loạn ăn uống cũng có thể gặp các vấn đề về rụng trứng, chu kỳ kinh nguyệt, hình thành bào thai, sinh non cũng như sinh con nhẹ cân, khi có cần nặng thấp.
– Nếu bạn thừa cân:
Béo phì có thể gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, bao gồm cả chất lượng trứng và ngày rụng trứng. Cân nặng quá mức cũng có thể dẫn đến một số rủi ro như:
- Sảy thai
- Tăng huyết áp mãn tính
- Tiểu đường thai kỳ
- Tiền sản giật
Các bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân béo phì nên giảm cân trước khi xác định cần chuẩn bị gì trước khi mang thai
10. Thảo luận với bác sĩ về các loại thuốc
Nhiều loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, nếu bạn đang cố gắng mang thai, hãy kiểm tra lại danh sách thuốc, bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn và các sản phẩm bổ sung khác.
Một số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi bao gồm:
- Methotrexate được sử dụng để điều trị viêm khớp.
- Isotretinoin được sử dụng để điều trị mụn trứng cá.
- Axit valproic được sử dụng để điều trị các cơn co giật.
- Warfarin và các loại thuốc làm loãng máu khác.
- Thuốc ức chế men chuyển, được sử dụng để giảm huyết áp và điều trị một số loại bệnh tim.
- Một số thuốc kháng sinh, chẳng hạn như doxycycline và tetracycline.
- Một số loại thuốc chống trầm cảm và thuốc chống lo âu, chẳng hạn như alprazolam, diazepam, lithium và paroxetine.
Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng và ngừng tất cả các loại thuốc cần thiết. Trao đổi với bác sĩ sinh sản để được hướng dẫn phù hợp nhất.
Mang thai và sinh con sẽ gây thay đổi cuộc sống của bạn. Do đó, khi có kế hoạch mang thai, bạn cần có sự chuẩn bị về sức khỏe, tinh thần và cả tài chính cũng như các mối quan hệ xã hội. Điều này sẽ tạo một nền tảng tốt nhất cho em bé phát triển cũng như hạn chế các rủi ro ảnh hưởng đến mẹ.
Chồng cần chuẩn bị gì trước khi mang thai?
Bên cạnh sự chuẩn bị dành cho nữ giới, nam giới cũng nên tìm hiểu cần chuẩn bị gì trước khi mang thai để đảm bảo quá trình thụ thai và sinh con diễn ra thuận lợi nhất. Dưới đây là một số cách để tăng khả năng sinh sản ở nam giới.
1. Bỏ thuốc lá
Thuốc lá có hại cho sức khỏe, bao gồm cả khả năng sinh sản. Các nghiên cứu cho thấy, hút thuốc lá sẽ làm giảm chất lượng tinh trùng, bao gồm giảm số lượng, khả năng di chuyển thấp và có hình dạng bất thường. Do đó, nam giới cần bỏ thuốc lá ngay khi có ý định có con.
Thói quen hút thuốc lá của nam giới cũng gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới. Nhiều nghiên cứu đã cho biết, phụ nữ tiếp xúc với khói thuốc lá có nguy cơ sảy thai cao cũng như sinh con nhẹ cân và dị tật bẩm sinh.
2. Hạn chế rượu
Uống nhiều rượu có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn. Cụ thể, uống nhiều rượu có thể dẫn đến số lượng tinh trùng thấp, ít tinh trùng có hình dạng bình thường hơn và khả năng di chuyển kém hơn. Do đó, nếu muốn tăng khả năng thụ thai, bạn nên cắt giảm thậm chí là ngừng uống rượu.
3. Tránh các hóa chất độc hại
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong vấn đề thụ thai, bạn nên kiểm tra tính chất công việc và các loại hóa chất tiếp xúc hàng ngày. Các nghiên cứu đã chỉ ra, một số nghề nghiệp có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.
Nông dân, thợ sơn là những nhóm vô sinh cao và số lượng tinh trùng thấp đáng kể so với những người đàn ông làm việc trong lĩnh vực khác. Công việc này thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất, như thuốc bảo vệ thực vật hoặc dung môi, điều này khiến tinh trùng di động kém và có hình dạng bất thường. Ngoài ra, thợ kim loại, thợ hàn và nhân viên văn phòng, những người dành nhiều thời gian để ngồi trong ngày cũng có chất lượng tinh trùng thấp hơn.
Tránh tiếp xúc với chất độc và các chất độc hại ở nơi làm việc là điều quan trọng để đảm bảo sức khỏe cũng như khả năng sinh sản. Do đó, hãy mặc quần áo bảo hộ, che chắn cẩn thận và đảm bảo các quy tắc an toàn khi tham gia lao động.
4. Giữ nhiệt độ cơ thể thấp
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, nhiệt độ cơ thể cao có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh trùng. Cơ quan sinh sản của nam giới ở bên ngoài cơ thể, do đó cần được giữ nhiệt độ bình thường, khoảng 37 – 38 độ C.
Một số lưu ý cần thiết cho người chồng cần chuẩn bị gì trước khi mang thai bao gồm:
- Tránh ngâm bồn nước nóng và tắm nước nóng lâu. Điều này có thể tăng nhiệt độ bìu và làm hỏng tinh trùng.
- Tránh ngồi trong thời gian dài, điều này có thể làm giảm sức khỏe tinh trùng. Nếu làm công việc bàn giấy, hãy đứng dậy và đi lại mỗi giờ một lần để tăng cường sức khỏe sinh sản, cũng như phòng ngừa các bệnh xương khớp.
- Không đặt máy tính xách tay lên đùi. Việc giữ chân hai chân để cân bằng máy tính kết hợp với nhiệt lượng do máy tính tỏa ra có thể dẫn đến nhiệt độ bìu cao hơn bình thường và gây ảnh hưởng đến tinh trùng.
- Mặc quần thoáng khí, rộng rãi và có khả năng sinh sản tốt. Mặc đồ lót chật hoặc quần nén khí có thể làm tăng nhiệt độ ở bìu và làm giảm chất lượng tinh trùng.
5. Giữ cân nặng khỏe mạnh
Nam giới thừa cân hoặc thiếu cân có thể làm đảo lộn các hormone trong cơ thể, điều này gây ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng tinh trùng. Ngoài ra, béo phì sẽ làm tăng lượng chất béo không lành mạnh trong cơ thể. Điều này sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gốm tiểu đường, và gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Nếu bạn không có cân nặng phù hợp và gặp khó khăn khi tăng hoặc giảm cân, hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn phù hợp nhất.
6. Ăn nhiều rau xanh
Rau xanh và trái cây đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong các chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt là khi bạn có kế hoạch mang thai. Việc ăn nhiều rau xanh được cho là có lợi cho khả năng sản xuất tinh trùng cũng như tăng chất lượng tinh trùng và giúp quá trình thụ thai diễn ra thuận lợi.
Nam giới được khuyến khích chọn các nguồn protein nạc (như cá và gà), nhiều rau và trái cây tươi, chất béo lành mạnh (như dầu ô liu và các loại hạt), và ngũ cốc nguyên hạt để tăng khả năng thụ thai thành công.
7. Kiểm tra sức khỏe tổng thể
Một số điều kiện y tế và nhiễm trùng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Chẳng hạn như bệnh tiểu đường không được điều trị có thể dẫn đến vô sinh do xuất tinh ngược. Tuy nhiên có ⅓ bệnh nhân tiểu đường không được chẩn đoán và không có kế hoạch điều trị phù hợp.
Do đó, để chuẩn bị cho việc thụ thai và sinh con, nam giới nên tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng thể và điều trị các bệnh lý liên quan.
Ngoài ra, có một số điều kiện y tế khác có thể dẫn đến vô sinh bao gồm:
- Thiếu máu
- Bệnh celiac
- Bệnh Crohn
- Hội chứng Cushing
- Bệnh tuyến giáp
- Các vấn đề sức khỏe răng miệng
Điều quan trọng khi mang thai là giữ sức khỏe của mẹ và đảm bảo sự phát triển của thai nhi. Do đó, bạn nên tìm hiểu thông tin về việc cần chuẩn bị gì trước khi mang thai để có kế hoạch tốt nhất. Nếu có bất cứ thắc mắc hoặc vấn đề nào liên quan thai kỳ, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Tham khảo thêm: