Thuốc Điều Trị Viêm Khớp Dạng Thấp
Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp đóng một vai trò thiết yếu trong việc kiểm soát sự tiến triển của các triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Bắt đầu sử dụng thuốc điều trị sớm ngay sau khi được chẩn đoán được cho là hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể đề nghị các biện pháp chăm sóc y tế khác, thay đổi lối sống và cải thiện sức khỏe tâm thần để hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp.
Top 9 thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh viêm tiến triển gây tổn thương các khớp trong cơ thể. Tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm gây tổn thương nội tạng, ảnh hưởng đến da, mắt và tăng nguy cơ tàn tật.
Bắt đầu điều trị sớm bằng các loại thuốc và chăm sóc y tế theo hướng dẫn của bác sĩ là cách tốt nhất để cải thiện các triệu chứng cũng như ngăn ngừa viêm khớp dạng thấp trở nên nghiêm trọng hơn. Người bệnh có thể sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp độc lập, tuy nhiên việc kết hợp các loại thuốc thường mang lại hiệu quả tốt hơn.
Dưới đây là một số thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả nhất, người bệnh có thể tham khảo.
1. Hydroxychloroquine điều trị viêm khớp dạng thấp
Hydroxychloroquine thuộc nhóm chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) theo toa được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa một số loại bệnh tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus ban đỏ hệ thống. Thuốc có thể làm giảm các vấn đề về da ở bệnh nhân RA, ngăn ngừa tình trạng sưng đau khớp. Thuốc hoạt động bằng cách ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, từ đó ức chế các phản ứng gây viêm, sưng và tổn thương khớp.
Cách sử dụng Hydroxychloroquine:
- Thuốc được sử dụng thông qua đường uống theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn. Có thể uống thuốc cùng với thức ăn hoặc sữa để ngăn ngừa các vấn đề dạ dày, chẳng hạn như đau dạ dày hoặc viêm loét dạ dày.
- Nuốt toàn bộ viêm thuốc, không nghiền, bẻ viên thuốc, điều này có thể dẫn đến hấp thụ thuốc không đồng nhất và tăng nguy cơ tác dụng phụ.
Liều lượng sử dụng:
Liều khởi đầu: 400 – 600 mg mỗi ngày, có thể sử dụng một lần hoặc chia thành 2 lần.
Liều lượng duy trì:
- Khi cơ thể đáp ứng tốt với thuốc, bác sĩ có thể đề nghị giảm liều xuống còn 200 – 400 mg mỗi ngày, dưới dạng một liều hoặc chia thành 2 lần.
- Người bệnh có thể cần sử dụng thuốc đến vài tháng để nhận thấy hiệu quả điều trị viêm khớp dạng thấp.
- Không dùng quá 600 mg mỗi ngày hoặc 6.5 mg / kg mỗi ngày. Nếu sử dụng quá liều có thể dẫn đến các biến chứng ở mắt.
Tác dụng phụ:
- Buồn nôn, nôn, chán ăn, tiêu chảy, chóng mặt hoặc nhức đầu. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức.
- Các tác dụng phụ nghiêm trọng cần được điều trị y tế ngay lập tức bao gồm nhịp tim chậm, mệt mỏi bất thường, tăng cân đột ngột, thay đổi tâm trạng, thay đổi thính giác, các dấu hiệu của bệnh gan, rụng tóc, thay đổi màu tóc hoặc màu da.
Loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp này có thể dẫn đến lượng đường trong máu thấp. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đổ mồ hôi, run rẩy, đói, mờ mắt, chóng mắt, ngứa bàn tay, bàn chân. Gọi bác sĩ sĩ hoặc cấp cứu ngay khi bị co giật, ngất xỉu, nhịp tim không đều.
2. Thuốc chống thấp khớp Leflunomide
Leflunomide là thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp được kê đơn cho người lớn. Thuốc được sử dụng để giảm đau ở các khớp, chống viêm, giảm sưng và hỗ trợ phục hồi các hoạt động bình thường của người bệnh.
Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn một số hoạt động của hệ thống miễn dịch và các protein trong cơ thể. Điều này giúp các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, hạn chế tổn thương đến các khớp và góp phần làm chậm diễn tiến của viêm khớp dạng thấp theo thời gian.
Cách sử dụng thuốc:
- Có thể sử dụng thuốc cùng hoặc không cùng với thức ăn, thường là một lần mỗi ngày hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong 3 ngày đầu, người bệnh có thể sử dụng thuốc với liều cao. Sau đó liều lượng sẽ được điều chỉnh phụ thuộc vào phản ứng của cơ thể.
- Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp sử dụng với liều lượng 20 mg, uống một lần mỗi ngày.
- Nếu có tác dụng phụ không mong muốn, bác sĩ có thể giảm liều lượng xuống còn 10 mg mỗi ngày.
- Sau thời gian điều trị, bác sĩ có thể chỉ định ngừng thuốc Leflunomide khỏi cơ thể. Bác sĩ có thể chỉ định một loại thuốc khác, chẳng hạn như cholestyramine, để thay thế.
Tác dụng phụ:
- Tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt. Nếu các phản ứng này kéo dài, hãy thông báo cho bác sĩ.
- Các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm ho, tê ngứa ran ở bàn tay, bàn chân, rụng tóc, đau ngực, tim đập nhanh, chuột rút, đau cơ, thay đổi tâm trạng, chảy máu, mệt mỏi bất thường.
- Leflunomide thường có thể gây phát ban nhẹ, nhưng thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên đôi khi phát ban có thể là dấu hiệu dị ứng, không dung nạp thuốc. Do đó, nếu các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
3. Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp Methotrexate
Methotrexate là một loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp mạnh được kê đơn phổ biến và là một trong những loại thuốc điều trị chính. Thuốc không chỉ làm giảm sưng và đau, mà còn có tác dụng làm chậm quá trình tổn thương khớp và các biến chứng theo thời gian. Nhiều bác sĩ sử dụng Methotrexate như liệu pháp đầu tiên cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến và viêm khớp tự phát vị thành niên (JIA).
Cách sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp Methotrexate:
- Methotrexate là một loại thuốc mạnh. Do đó, liều lượng và tần suất sử dụng được chỉ định dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh, phản ứng với phương pháp điều trị. Sử dụng thuốc sai cách có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm tử vong.
- Liều lượng khởi đầu thường là 7.5 – 10 mg, tương đương với 3 – 4 viên thuốc mỗi tuần. Nếu các triệu chứng không được cải thiện, bác sĩ có thể chỉ định 20 – 25 mg mỗi tuần hoặc liều cao nhất mà người bệnh có thể chịu đựng được.
Khi thuốc đường uống không thể làm dịu các triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định các mũi tiêm dưới da. Tiêm thuốc dưới da sẽ đưa nhiều thuốc vào hệ thống mà không làm tăng các tác dụng phụ. Tuy nhiên, thuốc được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng không mong muốn.
Tác dụng phụ:
Methotrexate được nhiều người coi là một trong những loại thuốc an toàn nhất trong số các loại thuốc trị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên thuốc vẫn tiềm ẩn một số tác dụng phụ, chẳng hạn như:
- Buồn nôn, rối loạn tiêu hóa
- Các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm rụng tóc, lở miệng, khó thở, nhức đầu, mệt mỏi, buồn ngủ và chóng mặt.
Sử dụng các chất bổ sung axit folic hàng ngày có thể giúp cải thiện hầu hết các tác dụng phụ. Tuy nhiên nếu các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Đôi khi thuốc Methotrexate có thể gây ảnh hưởng đến các xét nghiệm chức năng gan, đặc biệt là khi dùng với liều lượng cao hơn. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể đề nghị theo dõi chức năng gan để tránh các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Một số người bệnh, đặc biệt là phụ nữ đang hoặc nghi ngờ mang thai, không nên dùng methotrexate. Trao đổi với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn cụ thể.
4. Abatacept – Thuốc sinh học trị viêm khớp dạng thấp
Abatacept là một loại thuốc sinh học điều trị viêm khớp dạng thấp. Thuốc nhắm vào các nguyên nhân gây ra chứng viêm và làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch, từ đó cải thiện tình trạng sưng, viêm, giúp giảm đau và ngăn ngừa các biến chứng của viêm khớp dạng thấp.
Thông thường, hệ thống miễn dịch tạo ra chứng viêm để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Tuy nhiên, ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, một nhóm tế bào trong hệ thống miễn dịch, được gọi là tế bào T, có thể gây ra chứng viêm không cần thiết và dẫn đến tổn thương các mô khỏe mạnh của cơ thể. Thuốc Abatacept hoạt động bằng cách giảm hoạt động của các tế bào T, do đó làm giảm viêm, đau, sưng và tổn thương khớp.
Các loại thuốc sinh học, bao gồm Abatacept được chỉ định khi các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp khác không mang lại hiệu quả. Abatacept có thể là liệu pháp sinh học đầu tiên bạn được kê đơn.
Trước khi kê đơn Abatacept, bác sĩ có thể sử dụng một hệ thống để xác định mức độ của bệnh viêm khớp để chỉ định liều lượng phù hợp. Người bệnh cũng có thể cần xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng và tiên đoán hiệu quả của thuốc.
Bác sĩ có thể không kê đơn Abatacept trong các trường hợp:
- Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú
- Đang dùng một loại thuốc sinh học khác
- Nhiễm HIV
- Bệnh nhân ung thư
Abatacept có thể được sử dụng qua các dạng như:
- Qua đường truyền vào tĩnh mạch, một lần mỗi tháng tại bệnh viện. Sẽ mất từ một đến hai giờ để truyền thuốc.
- Mũi tiêm dưới da mỗi tuần một lần bằng cách sử dụng ống tiêm hoặc bút tiêm mỗi tuần một lần.
Abatacept là một liệu pháp lâu dài và không thể có hiệu quả ngay lập tức. Một số bệnh nhân có thể mất từ 6 – 12 tuần để bắt đầu cảm thấy tốt hơn. Do đó, người bệnh cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Tác dụng phụ:
Hầu hết mọi người không gặp tác dụng phụ khi sử dụng Abatacept. Tuy nhiên đôi khi người bệnh có thể gặp một số phản ứng không mong muốn, chẳng hạn như:
- Chóng mặt
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn hoặc nôn
- Tiêu chảy
Trong một số trường hợp rất hiếm, mọi người có thể bị dị ứng với Abatacept. Tình trạng này dẫn đến nổi mề đay, phù mạch, sưng tấy hoặc cảm thấy khó thở. Điều này rất hiếm khi xảy ra, tuy nhiên nếu xuất hiện các triệu chứng không mong muốn, người bệnh nên đến bệnh viện ngay lập tức.
5. Thuốc điều chỉnh phản ứng sinh học Etanercept
Etanercept là một loại thuốc sinh học, được chỉ định để điều trị viêm khớp dạng thấp. Trong bệnh viêm khớp dạng thấp và một số tình trạng viêm khác, hệ thống miễn dịch sản xuất quá nhiều protein TNF. Điều này gây ra viêm, đau và tổn thương khớp. Các loại thuốc chống TNF, chẳng hạn như Etanercept, có tác dụng ngăn chặn TNF và giúp giảm viêm.
Etanercept không phải là thuốc giảm đau tuy nhiên có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng chung của bệnh viêm khớp dạng thấp, bao gồm viêm khớp, sưng và đau. Các triệu chứng sẽ bắt đầu cải thiện từ 2 – 12 tuần sau khi bắt đầu sử dụng thuốc.
Etanercept thường được sử dụng kết hợp với methotrexate để tăng cường hiệu quả. Tuy nhiên thuốc cũng có thể sử dụng độc lập.
Cách sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp Etanercept:
- Etanercept được sử dụng liều một hoặc hai lần mỗi tuần dưới dạng tiêm dưới da.
- Có thể sử dụng Etanercept bằng ống tiêm hoặc bút tự tiêm.
- Etanercept có thể không hoạt động ngay lập tức, do đó điều quan trọng là tiếp tục sử dụng thuốc ngay cả khi thuốc không mang lại tác dụng. Trao đổi với bác sĩ để được tư vấn phù hợp nhất.
Bác sĩ của bạn có thể không kê toa Etanercept trong các trường hợp:
- Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú
- Bệnh nhân HIV
- Có vấn đề nghiêm trọng về tim
- Ung thư
- Bệnh nhân đa xơ cứng hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh đa xơ cứng
- Có vấn đề về phổi
Hầu hết mọi người sẽ được chỉ định xét nghiệm máu thường xuyên trong khi dùng Etanercept. Ngoài ra, trước khi chỉ định sử dụng thuốc, bác sĩ có thể đề nghị chụp X – quang phổi và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra bệnh lao để tránh các rủi ro không mong muốn.
Tác dụng phụ:
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
- Đau họng
- Sốt nhẹ
- Đau đầu
- Buồn nôn và nôn
- Đau đầu, chóng mặt
- Phát ban
- Đau bụng
Vì Etanercept ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, do đó người bệnh có thể thường xuyên bị cảm lạnh, nhiễm trùng. Tuy nhiên hãy đến bệnh viện ngay khi có các triệu chứng sau:
- Ho kéo dài
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Sốt
Ngoài ra, người bệnh cũng nên thông báo cho bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ vết bầm tím hoặc chảy máu không rõ nguyên nhân.
6. Thuốc ức chế phản ứng miễn dịch Prednisone
Prednisone là một loại corticosteroid, có tác dụng chống viêm mạnh, giúp ngăn ngừa các phản ứng miễn dịch. Thuốc có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp, ngừng hoặc làm chậm tổn thương khớp.
Do nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng, do đó loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp này chỉ được khuyến cáo sử dụng trong một thời gian ngắn. Prednisone thường được chỉ định sử dụng kết hợp với thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) và sẽ được ngừng khi thuốc DMARD bắt đầu phát huy tác dụng. Nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng, người bệnh sẽ được khuyến khích ngừng thuốc dần dần để tránh các rủi ro liên quan. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Cách sử dụng Prednisone:
- Thuốc được sử dụng thông qua đường uống, có thể sử dụng kết hợp với thức ăn hoặc sữa để ngăn ngừa đau dạ dày.
- Uống thuốc dạng viên nén với một cốc nước đầy. Nếu sử dụng thuốc dưới dạng hỗn dịch uống hoặc dạng lỏng khác, hãy đo thuốc cẩn thận bằng thìa đo đặc biệt để đảm bảo đúng liều lượng.
- Nếu bạn chỉ được kê đơn một liều mỗi ngày, hãy uống vào buổi sáng trước 9 giờ sáng.
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Sử dụng thuốc cẩn thận để đạt hiệu quả tốt nhất.
Tác dụng phụ:
Buồn nôn, nôn, chán ăn, ợ chua, khó ngủ, tăng tiết mồ hôi hoặc nổi mụn ẩn, mụn mủ hoặc các dạng mụn trứng cá khác. Nếu các tác dụng phụ kéo dài hoặc trở nên trầm trọng, hãy thông báo cho bác sĩ điều trị.
Tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm đau cơ, chuột rút, nhịp tim không đều, suy nhược cơ thể, sung bàn tay, mắt cá chân, bàn chân, tăng cân bất thường, có vấn đề về thị lực, vết thương chậm lành, da mỏng, đau nhức xương khớp, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, dễ bị co giật, chảy máu.
7. Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp Methylprednisolone
Methylprednisolone là một loại corticosteroid, tương tự như một loại hormone tự nhiên được sản xuất bởi tuyến thượng thận. Thuốc thường được sử dụng để thay thế hóa chất này khi cơ thể không tạo ra đủ, giúp giảm viêm (sưng, nóng, đỏ và đau đớn) và cũng được sử dụng như một loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, phong thấp, rối loạn da, mắt, tuyến giáp và ruột. Methylprednisolone cũng được sử dụng để điều trị một số loại ung thư.
Cách sử dụng Methylprednisolone:
- Thuốc được sử dụng dưới dạng viên nén. Bác sĩ có thể chỉ định liều lượng phù hợp với tình trạng bệnh và sức khỏe tổng thể của người bệnh.
- Đừng ngừng dùng methylprednisolone mà không thông báo với bác sĩ. Ngừng thuốc đột ngột có thể dẫn đến chán ăn, đau bụng, nôn mửa, buồn ngủ, lý lẫn, đau đầu, đau khớp và đau cơ. Nếu sử dụng thuốc trong thời gian dài, bác sĩ có thể giảm dần liều lượng trước khi ngưng sử dụng.
Tác dụng phụ:
- Đau bụng
- Kích ứng dạ dày
- Nôn mửa
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Lo lắng
- Nổi mụn
- Dễ bầm tím
- Kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt
Đôi khi thuốc cũng dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng, có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, người bệnh cần đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các dấu hiệu như:
- Phát ban da
- Sưng mặt, cẳng chân hoặc mắt cá chân
- Có vấn đề về thị lực
- Cảm lạnh hoặc nhiễm trùng kéo dài
- Yếu cơ
- Phân đen hoặc hắc ín
8. Thuốc chống viêm không steroid
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường được sử dụng để giảm đau và viêm liên quan đến viêm khớp dạng thấp. NSAID được sử dụng kết hợp với các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp khác để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Các loại thuốc NSAID điều trị viêm khớp dạng thấp phổ biến bao gồm:
- Ibuprofen: Ibuprofen là loại thuốc giảm đau phổ biến, có sẵn dưới dạng không kê đơn và kê đơn. Bác sĩ có thể chỉ định các dạng thuốc phù hợp với các triệu chứng và tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh.
- Naproxen: Thuốc được sử dụng để làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp, chẳng hạn như viêm, sưng, cứng và đau đớn. Thuốc có dạng viên nén, có thể giảm đau ngay lập tức sau khi sử dụng.
- Celecoxib: Đây là một NSAID theo toa thường được kê đơn điều trị viêm khớp dạng thấp và nhiều loại viêm khớp khác.
- Cataflam: Thuốc được sử dụng để điều trị các cơn đau từ nhẹ đến trung bình. Đây là một phương pháp điều trị ngắn hạn do đó người bệnh cần sử dụng thuốc cẩn thận để đạt hiệu quả tốt nhất.
Phản ứng phụ của NSAID:
- Đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy
- Nhức đầu, chóng mặt
- Phản ứng dị ứng
- Loét dạ dày, có thể chảy máu và dẫn đến thiếu máu
- Các vấn đề về tim và tuần hoàn bao gồm suy tim, đau tim và đột quỵ
Sử dụng quá nhiều NSAID hoặc sử dụng trong thời gian dài có thể dẫn đến quá liều và các phản ứng phụ nghiêm trọng. Do đó, hãy sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Đến bệnh viện ngay khi cảm thấy buồn nôn, nôn, buồn ngủ hoặc đau bụng dữ dội.
9. Thuốc ức chế JAK Tofacitinib
Các enzym JAK là hóa chất trung gian trong quá trình viêm của hệ thống miễn dịch. Khi các enzym JAK liên kết với các tế bào khác sẽ kích hoạt tình trạng viêm trong cơ thể. Các chất ức chế Janus Kinase (JAK) được sử dụng để ngăn không cho JAK liên kết với các tế bào và ngăn chặn quá trình viêm.
Chất ức chế JAK đầu tiên được FDA chấp thuận là Tofacitinib và được sử dụng như một loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp. Tofacitinib là một phương pháp điều trị lâu dài. Hầu hết các trường hợp, loại thuốc này sẽ phát huy tác dụng trong 12 tuần đầu tiên bắt đầu điều trị.
Bác sĩ có thể không kê đơn thuốc ức chế JAK Tofacitinib nếu:
- Người bệnh có một bệnh lý nhiễm trùng đang hoạt động
- Nhiễm trùng lặp lại hoặc trở nên nghiêm trọng hơn
- Bệnh giời leo hoặc zona thần kinh
- Bệnh phổi, gan hoặc thận
- Có các vấn đề về tim, huyết áp cao, cholesterol cao hoặc cục máu đông
- Bệnh nhân ung thư
Tofacitinib có chứa lactose, vì vậy người bệnh nên thông báo với bác sĩ nếu không dung nạp lactose. Người bệnh cũng sẽ được xét nghiệm máu trước khi bắt đầu sử dụng thuốc để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Cách sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp:
- Tofacitinib được dùng dưới dạng viên nén, có thể sử dụng cùng với thức ăn hoặc không.
- Liều dùng thông thường là một đến hai viên mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối. Tuy nhiên bác sĩ có thể chỉ định liều lượng chỉ một viên mỗi ngày.
Tác dụng phụ:
- Tác dụng phụ phổ biến bao gồm đau đầu, tiêu chảy. Các triệu chứng này thường không nghiêm trọng và thường được cải thiện ngay sau đó.
Vì Tofacitinib ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, do đó người bệnh thường dễ bị nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng cổ họng, mũi, ngực, đường tiết niệu và rối loạn dạ dày. Một số người có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng hơn bao gồm bệnh zona và nhiễm trùng da, được gọi là viêm mô tế bào.
Hãy thông báo cho bác sĩ nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài.
Khi kê đơn thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, bác sĩ sẽ kiểm tra độ tuổi của người bệnh, tình trạng bệnh và các vấn đề sức khỏe liên quan khác. Người bệnh có thể cần sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất.
Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp thường mang lại hiệu quả cao, nhanh chóng, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc nếu không nhận được sử chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Trước khi chỉ định thuốc, người bệnh sẽ được kiểm tra sức khỏe tổng thể, xác định tình trạng bệnh cũng như thức hiện các xét nghiệm liên quan. Điều này giúp bác sĩ kê loại thuốc hiệu quả nhất và chỉ định liều lượng phù hợp với từng bệnh nhân. Việc tự ý sử dụng thuốc cũng như ngừng thuốc đột ngột có thể dẫn đến nhiều rủi ro, bao gồm khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây rối loạn hệ thống miễn dịch và các vấn đề sức khỏe khác. Do đó, người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc.
Uống thuốc đúng liều theo hướng dẫn của bác sĩ, cố gắng không bỏ liều. Thông báo với bác sĩ nếu có bất cứ tác dụng phụ hoặc triệu chứng không mong muốn.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, người bệnh cần có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp. Ngay cả khi cơn đau đã được cải thiện, người bệnh nên theo dõi các triệu chứng và tái khám theo lịch hẹn. Điều này giúp bác sĩ điều chỉnh liều lượng thuốc cũng như có kế hoạch điều trị khác, an toàn và hiệu quả hơn.
Người bệnh cũng được khuyến khích thường xuyên tập thể dục, đi bộ, kéo giãn cơ thể, đạp xe, bơi lội và các môn tăng cường sức mạnh, chẳng hạn như tập tạ nhẹ, để cải thiện các triệu chứng. Các bài tập chậm rãi, nhẹ nhàng, chẳng hạn như Pilates, Yoga hoặc Thái cực quyền, có thể tăng khả năng giữ thăng bằng và tăng tính linh hoạt. Điều quan trọng là tập luyện phù hợp, tránh gây ảnh hưởng đến các triệu chứng bệnh. Trao đổi với bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu để được hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần lưu ý một số biện pháp tự chăm sóc viêm khớp dạng thấp tại nhà, chẳng hạn như:
- Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, cân bằng, lành mạnh, nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc. Hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc chất béo bão hòa, cholesterol và đường.
- Giữ cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì.
- Không hút thuốc, uống rượu và sử dụng các chất kích thích khác.
- Giảm căng thẳng. Thường xuyên trò chuyện với người thân, bạn bè hoặc đọc sách, nghe nhạc, đi du lịch để cải thiện sức khỏe tinh thần.
- Chú ý đến tư thế hoạt động hàng ngày, tránh gây mệt mỏi hoặc áp lực lên hệ cơ, xương, khớp. Điều này góp phần giảm viêm, đau và ngăn ngừa các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Người bệnh cần kết hợp sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp và thay đổi lối sống để cải thiện các triệu chứng cũng như làm chậm các tiến triển bệnh. Trong trường hợp các triệu chứng không được cải thiện, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Tham khảo thêm: