Dị Ứng Cơ Địa
Dị ứng cơ địa là căn bệnh da liễu tương đối phổ biến liên quan đến rất nguyên nhân khác nhau. Bệnh có thể khiến da bị nổi mẩn, tổn thương kèm theo ngứa ngáy rất khó chịu. Cần tìm hiểu căn nguyên và triệu chứng để có biện pháp khắc phục phù hợp.
Dị ứng cơ địa là gì?
Dị ứng cơ địa là một dạng phổ biến của dị ứng da. Thuật ngữ này đề cập đến phản ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với một số tác nhân ngoài môi trường. Kháng thể IgE trong cơ thể khi gặp phải các tác nhân gây hại sẽ tăng cường phóng thích histamin. Từ đó làm kích hoạt các triệu chứng qua da và niêm mạc.
Dị ứng cơ địa được xác định là căn bệnh da liễu rất phổ biến. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ Bộ Y tế cho biết, có khoảng 20% dân số nước ta có nguy cơ mắc phải bệnh lý này. Điều đáng nói là bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Trong đó, phổ biến hơn cả vẫn là ở trẻ em (nhất là trẻ sơ sinh), phụ nữ mang thai hoặc sau sinh.
Căn bệnh da liễu này có thể khiến cho da bị tổn thương, nổi mẩn đỏ kèm theo ngứa ngáy và nóng rát khó chịu. Nếu cào gãi hay chà xát mạnh tổn thương có thể lan rộng, chảy máu, trầy xước và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bên cạnh triệu chứng trên da thì người bệnh còn có thể gặp phải các triệu chứng cơ năng đi kèm.
Bệnh dị ứng cơ địa thường có xu hướng tái phát nhiều lần và rất khó điều trị dứt điểm. Nếu không can thiệp kịp thời thì bệnh không chỉ làm tổn thương da và làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Dấu hiệu nhận biết dị ứng cơ địa
Căn cứ vào tiến triển của bệnh, các chuyên gia chia dị ứng cơ địa ra thành 3 dạng. Bao gồm cấp tính, bán cấp và mãn tính. Ở mỗi giai đoạn của bệnh, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng khác nhau.
Trong một số trường hợp, triệu chứng của bệnh có thể không xuất hiện ngay lập tức khi tiếp xúc với các yếu tố dị ứng mà phải mất một thời gian ngắn sau đó mới có biểu hiện. Điều này còn tùy thuộc vào độ mẫn cảm của cơ thể.
Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp của bệnh dị ứng cơ địa:
- Nổi mẩn đỏ: Các nốt mẩn đỏ với kích thước và hình dạng khác nhau sẽ xuất hiện trên da. Khi sờ vào có thể cảm thấy hơi sần sùi và thô ráp. Tình trạng này có thể xuất hiện khu trú ở một vài vị trí nhưng cũng có thể ảnh hưởng trên phạm vi rộng.
- Ngứa ngáy: Những nốt mẩn đỏ trên da ngoài gây mất thẩm mỹ thì còn đi kèm với tình trạng ngứa ngáy rất khó chịu. Cơn ngứa có thể âm ỉ, bứt rứt nhưng cũng có khi dữ dội và kích hoạt phản ứng cào gãi, chà xát.
- Da bị phù nề: Các nốt mẩn có thể tụ thành từng đám lớn khiến cho vùng da tổn thương phù nề và dày cộm lên. Đi kèm với đó là cảm giác sưng nóng và căng tức.
- Các triệu chứng khác: Ngoài các triệu chứng trên da thì những người bị dị ứng nặng còn gặp phải các triệu chứng toàn thân đi kèm. Điển hình như chán ăn, mệt mỏi, mất ngủ,… khiến chất lượng cuộc sống giảm sút.
Nguyên nhân gây dị ứng cơ địa
Mặc dù đã có nhiều nguyên cứu, tuy nhiên đến nay nguyên nhân cụ thể gây bệnh dị ứng cơ địa vẫn chưa được biết rõ. Bệnh có liên quan tới các yếu tố cơ địa, di truyền, hệ miễn dịch,… nên rất khó xác định. Hơn nữa việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn do bệnh có xu hướng tái phát thường xuyên.
Một số nguyên nhân chính có liên quan đến bệnh dị ứng cơ địa bao gồm:
1. Yếu tố di truyền
Mặc dù chưa xác định được kiểu gen quy định bệnh dị ứng cơ địa nhưng theo nghiên cứu, các chuyên gia cho biết yếu tố di truyền đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh.
Trường hợp cả cha và mẹ có tiền sử mắc bệnh thì có đến 60% những đứa trẻ sinh ra có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Trong khi đó nếu cha và mẹ không mắc bệnh thì nguy cơ mắc bệnh ở trẻ chỉ ở khoảng 15%.
2. Dị ứng cơ địa do thuốc
Các loại thuốc Tây thường tiềm ẩn một số tác dụng phụ nhất định. Tuy nhiên tùy thuộc vào từng loại thuốc và đối tượng sử dụng mà phản ứng phụ sẽ khác nhau. Trong một số trường hợp việc dùng thuốc có thể kích hoạt các triệu chứng dị ứng.
Dị ứng cơ địa do thuốc có thể biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Phần lớn là những phản ứng dị ứng thông thường xuất hiện trên da như mẩn đỏ, sẩn ngứa,… Thuốc kháng sinh, paracetamol, thuốc nội tiết,… thường có nhiều nguy cơ gây dị ứng.
3. Dị ứng thời tiết
Dị ứng cơ địa là tình trạng có thể xảy ra do ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết, trường hợp này còn được gọi là dị ứng thời tiết. Đây thực chất là tình trạng xảy ra đối với cơ thể vào những thời gian chuyển mùa do thay đổi nhiệt độ và độ ẩm đột ngột.
Đối với dị ứng thời tiết nóng, cơ thể vào thời điểm nắng nóng sẽ tiết nhiều mồ hôi, khiến da luôn ở trong trạng thái ẩm ướt. Điều này có thể dẫn tới tình trạng viêm nhiễm và khiến bệnh dị ứng ngày càng nặng hơn.
Còn dị ứng thời tiết lạnh nổi mẩn đỏ thì xảy ra vào mùa đông khi nhiệt độ hạ thấp và không khí trở nên khô hơn. Ngoài ra những lúc trời mưa hay có gió thì cũng có thể khiến cho tình trạng dị ứng xảy ra.
4. Dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm là phản ứng miễn dịch quá mức đối với một số thành phần có trong thực phẩm, thường là các protein. Các biểu hiện khác nhau có thể bao gồm phát ban, nổi mề đay, mẩn ngứa, triệu chứng tiêu hóa, các triệu chứng hô hấp hoặc nguy hiểm hơn là sốc phản vệ.
Tình trạng dị ứng thực phẩm phổ biến ở trẻ em hơn là người lớn, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Căn bệnh này rất dễ bị nhầm với hiện tượng không dung nạp thức ăn. Do đó cần kịp thời thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và can thiệp điều trị đúng cách.
5. Dị ứng mỹ phẩm
Dị ứng mỹ phẩm là tình trạng xảy ra phổ biến, đặc biệt là ở nữ giới do có xu hướng dùng nhiều mỹ phẩm hơn nam giới. Một số thành phần trong mỹ phẩm thường tiềm ẩn nguy cơ gây dị ứng bao gồm hương thơm tổng hợp, các chất bảo quản, phụ gia tạo màu, chiết xuất thảo dược họ cúc,…
Dị ứng cơ địa do mỹ phẩm thường xuất hiện triệu chứng sau hơn 24 giờ kể từ khi sử dụng mỹ phẩm. Tuy nhiên nếu bạn bị dị ứng với một sản phẩm mới thì có thể sẽ mất vài ngày hoặc thậm chí là vài tuần để xuất hiện phát ban.
6. Các yếu tố khác
Ngoài các nguyên nhân nêu trên thì một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ bị dị ứng cơ địa. Chẳng hạn như:
- Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi
- Tiếp xúc với vật liệu gây kích ứng
- Căng thẳng, áp lực kéo dài
- Hệ miễn dịch suy yếu
- Tiếp xúc với mạt bụi, nấm mốc, lông thú,…
- Tiếp xúc với nhựa mủ thực vật hoặc nọc độc côn trùng
Dị ứng cơ địa có nguy hiểm không?
Theo đánh giá từ các chuyên gia, dị ứng cơ địa là tình trạng phổ biến. Nếu sớm phát hiện và can thiệp điều trị kịp thời, đúng cách thì căn bệnh này hoàn toàn không nguy hiểm. Các triệu chứng trên da có thể thuyên giảm một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên nếu chủ quan không điều trị sớm thì tổn thương trên da có thể ảnh hưởng trên phạm vi rộng. Hơn nữa còn gây ngứa ngáy dữ dội làm kích hoạt phản ứng cào gãi. Lúc này, tổn thương có thể bị chảy máu, trầy xước và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, bội nhiễm.
Trên thực tế, bệnh dị ứng cơ địa có xu hướng tiến triển dai dẳng, khó điều trị dứt điểm và rất dễ tái phát. Tổn thương do bệnh gây ra ngoài làm mất thẩm mỹ thì còn kích hoạt các triệu chứng toàn thân khiến chất lượng cuộc sống suy giảm.
Cách điều trị dị ứng cơ địa
Bệnh dị ứng cơ địa rất khó để điều trị dứt điểm nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát tốt nếu sớm phát hiện và điều trị. Bên cạnh việc dùng thuốc thì người bệnh có thể tận dụng các loại thảo dược tự nhiên và chú ý đến vấn đề chăm sóc tại nhà.
Dưới đây là một số phương pháp điều trị dị ứng cơ địa hiệu quả:
1. Sử dụng thuốc Tây
Dùng thuốc được xác định là phương pháp điều trị chính, được áp dụng phổ biến cho bệnh dị ứng cơ địa. Tuy nhiên, cần căn cứ vào biểu hiện của tổn thương da và các triệu chứng liên quan để lựa chọn loại thuốc phù hợp.
Một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê toa bao gồm:
- Thuốc kháng Histamin: Các thuốc Histamin được dùng rất phổ biến trong điều trị các bệnh về dị ứng. Thuốc có sẵn ở nhiều dạng khác nhau như thuốc tiêm, viên nén, thuốc nhỏ mắt, thuốc xịt mũi. Nhóm thuốc này có công dụng ức chế và làm giảm phóng thích histamin qua da. Từ đó cải thiện các triệu chứng dị ứng cơ địa.
- Thuốc bôi ngoài da: Được sử dụng cho các trường hợp bệnh nhẹ. Một số loại thuốc bôi sẽ giúp làm giảm ngứa ngáy, ngăn ngừa nhiễm trùng và thúc đẩy tổn thương da chóng lành.
- Thuốc chứa thành phần Corticoid: Nhóm thuốc này được dùng trong các trường hợp tổn thương da ở mức độ vừa và nặng. Thuốc có chứa Corticoid sẽ giúp kháng khuẩn, giảm viêm và giảm tình trạng sưng phù.
- Thuốc chống xung huyết: Nhóm thuốc này được kê toa cho các trường hợp bị dị ứng cơ địa kèm theo các triệu chứng có liên quan tới đường hô hấp. Chẳng hạn như hen suyễn hay những người đã từng mắc bệnh về đường hô hấp.
- Thuốc giải mẫn cảm: Trong một số trường hợp bác sĩ có thể kê toa cho người bệnh sử dụng thuốc giải mẫn cảm. Chẳng hạn như thuốc kháng IgE, các thuốc kháng thromboxan A2 hoặc nhóm tổng hợp omalizumab.
- Thuốc kháng sinh: Trường hợp người bệnh có nguy cơ cao bị nhiễm trùng thì bác sĩ có thể kê toa một số loại kháng sinh để giúp kháng khuẩn và ngăn ngừa tổn thương da tiến triển nặng. Erythromycin và Tetracyclin là hai loại kháng sinh được dùng phổ biến nhất trong điều trị dị ứng cơ địa.
Tất cả các loại thuốc Tây chữa dị ứng cơ địa cần được dùng đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về điều trị hoặc tăng/ giảm liều dùng khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ. Nếu gặp phải các triệu chứng bất thường trong quá trình điều trị bằng thuốc, hãy báo ngay với bác sĩ để được xử lý kịp thời.
2. Tận dụng thảo dược
Với các trường hợp tổn thương trên da chỉ khu trú ở một vài vị trí hoặc chỉ ở mức độ nhẹ thì người bệnh có thể không cần dùng đến thuốc Tây. Lúc này có thể tận dụng một số loại thảo dược tự nhiên để làm giảm ngứa và thúc đẩy tổn thương da chóng lành.
Một số mẹo chữa dị ứng cơ địa từ thảo dược tự nhiên rất hiệu nghiệm bao gồm:
– Sử dụng lá chè xanh:
Lá chè có chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ như epigallocatechin gallate (EGCG), epicatechin gallate (ECG), polyphenol, catechin,… Chúng có tác dụng chống viêm, giảm ngứa và tăng cường hàng rào bảo vệ da. Hơn nữa còn thúc đẩy các tổn thương trên da nhanh chóng hồi phục.
Người bệnh cần chuẩn bị 1 nắm lá chè tươi rửa sạch với nước muối pha loãng. Sau đó cho vào nồi đun sôi cùng 2 lít nước trong 10 phút. Vớt bỏ bã, đổ nước ra chậu pha thêm nước lạnh cho nguội bớt. Sau đó dùng để ngâm vùng da tổn thương hoặc tắm. Thực hiện đều đặn 3 – 4 lần/ tuần.
– Dùng nha đam:
Nha đam có chứa nhiều thành phần giúp cấp ẩm, làm dịu da và giảm ngứa hiệu quả. Ngoài ra gel nha đam còn có tác dụng chống viêm và hỗ trợ làm lành vết thương. Sử dụng nha đam đúng cách sẽ giúp khắc phục nhanh chóng các triệu chứng dị ứng cơ địa.
Chuẩn bị 1 lá nha đam tươi đem rửa sạch rồi loại bỏ hết nhựa mủ. Lấy lớp gel trong suốt thoa lên vùng da bị tổn thương. Để nguyên khoảng 20 phút rồi dùng nước mát rửa sạch. Trước khi thoa gel nha đam cần chú ý vệ sinh và lau khô vùng da bệnh.
– Sử dụng lá khế:
Lá khế có tính mát với các tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm và sát trùng. Các nghiên cứu khoa học cũng đã phân tích thấy trong lá khế có nhiều thành phần giúp chống viêm, kháng khuẩn và làm giảm ngứa. Do đó có thể tận dụng thảo dược này để chữa bệnh dị ứng cơ địa.
Chuẩn bị 1 nắm lá khế tươi đem rửa sạch với nước muối loãng rồi vò nát. Cho vào nồi đun sôi cùng 2 lít nước. Chờ nước sắc lá khế nguội bớt rồi lấy ngâm rửa vùng da tổn thương. Có thể tận dụng bã lá khế để chà nhẹ lên da. Kiên trì áp dụng 1 lần/ ngày trong liên tục 1 tuần.
3. Chăm sóc và dự phòng
Dị ứng cơ địa có liên quan đến yếu tố cơ địa và hệ miễn dịch suy giảm. Ngoài việc sử dụng thuốc và tận dụng các loại thảo dược tự nhiên thì người bệnh nên chú ý thực hiện kết hợp các biện pháp chăm sóc tại nhà.
Chăm sóc tốt có thể giúp cải thiện triệu chứng, tăng cường sức khỏe cho làn da nói riêng và hệ miễn dịch cũng như sức khỏe tổng thể nói chung. Hơn nữa còn giúp làm giảm nguy cơ tái phát của bệnh dị ứng cơ địa trong tương lai.
Các vấn đề cần chú ý bao gồm:
- Cách ly với các tác nhân gây dị ứng thường gặp như lông chó mèo, phấn hoa, mủ thực vật, niken, coban, nọc độc côn trùng,…
- Không nên tiêu thụ các loại thực phẩm dễ gây dị ứng. Chẳng hạn như đậu phộng, trứng, sữa, hải sản, thịt bò,…
- Thận trọng khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Nên trao đổi với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro trước khi dùng thuốc. Điều này đặc biệt quan trọng với những người có cơ địa nhạy cảm.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để cải thiện sức đề kháng. Nên tăng cường các thực phẩm giàu kẽm, vitamin C,… nhằm thúc đẩy tốc độ phục hồi da.
- Tâm lý căng thẳng quá mức cũng là yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị dị ứng cơ địa. Người bệnh cần kết hợp thực hiện các biện pháp thư giãn như massage, tắm nước ấm, nghe nhạc,… Ngoài ra nên tư vấn tâm lý trong các trường hợp cần thiết.
- Nghỉ ngơi hợp lý, chú ý ngủ đủ giấc và hạn chế tình trạng thức khuya. Giấc ngủ được đảm bảo cũng giúp cho hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn.
- Chú ý đến bảng thành phần của các sản phẩm chăm sóc da, đồ trang điểm, xịt dưỡng tóc,… Tuyệt đối không lựa chọn các sản phẩm có chứa những thành phần dễ gây dị ứng.
Dị ứng cơ địa là căn bệnh da liễu rất phổ biến thường xảy ra sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Người bệnh nên chủ động thăm khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị đúng cách.
Tham khảo thêm: