Mổ Thoái Hóa Đốt Sống Cổ
Mổ thoái hóa đốt sống cổ là phương pháp được chỉ định khi tình trạng bệnh lý của người bệnh đã quá nghiêm trọng kèm theo các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Vậy thoái hóa đốt sống cổ có mổ được không, khi nào cần mổ và chi phí cho một lần phẫu thuật là bao nhiêu? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn thông qua bài viết dưới đây.
Thoái hóa đốt sống cổ có mổ được không? Khi nào nên mổ?
Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến người bệnh. Do đó, việc phát hiện và chữa bệnh kịp thời là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, còn khá nhiều người do không nhận biết được khiến bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng, kéo theo đó là những biến chứng vô cùng nguy hiểm.
Trong những trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh tiến hành phẫu thuật thoái hóa đốt sống cổ để có thể điều trị bệnh một cách triệt để.
Vậy người bệnh thoái hóa đốt sống cổ có mổ được không? Bệnh nhân hoàn toàn có thể tiến hành phẫu thuật khi rơi vào các trường hợp sau:
- Vùng cổ, gáy đau nhức quá mức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng ngày.
- Dùng thuốc không đem lại hiệu quả, các cơn đau nhức ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ gây ra các cơn đau dữ dội lan ra các khu vực lân cận, dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng.
- Thoái hóa gây biến chứng nguy hiểm đó là phần tủy ở cổ bị chèn ép gây biến chứng làm tê liệt cánh tay. Ngoài ra nó cũng gây ra tình trạng rối loạn chức năng sinh lý và tiểu tiện không kiểm soát.
- Gây tổn thương dây thần kinh nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến chức năng của nhiều bộ phận khác.
Những phương pháp mổ thoái hóa đốt sống cổ
Có rất nhiều phương pháp phẫu thuật được đưa ra để điều trị có hiệu quả bệnh lý này. Tùy vào từng tình trạng bệnh lý cũng như cơ địa của người bệnh, chúng ta có những phương pháp mổ sau đây:
1. Mổ nội soi
Bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường ngắn ngay tại vị trí đốt sống bị thoái hóa, sau đó dùng ống banh nội soi đưa vào trong cơ thể người bệnh. Thiết bị này sẽ giúp bác sĩ nhìn rõ các cấu trúc bên trong, từ đó đưa ra được các phương pháp xử lý phù hợp.
2. Mổ thường
Bác sĩ sẽ tiến hành mổ ngay tại vị trí cổ bị thoái hóa để giải phóng các dây thần kinh bị chèn ép, từ đó cải thiện sự linh hoạt của xương khớp và loại bỏ các cơn đau cho người bệnh.
3. Phương pháp mổ và cố định cột sống cổ
Bác sĩ sẽ mổ và cố định cột sống, từ đó giúp các đĩa đệm bị lệch quay trở về vị trí ban đầu. Phương pháp này sẽ giúp người bệnh đẩy lùi nhanh chóng các cơn đau vùng cột sống và xương khớp di chuyển dễ dàng hơn.
4. Phương pháp thay thế đĩa đệm nhân tạo
Với cách này, bác sĩ sẽ mổ và cấy ghép thêm thiết bị vào vùng cột sống cổ để hỗ trợ hoạt động cho vùng bị tổn thương. Nhưng bạn cần lưu ý, phương pháp này có thời gian phục hồi khá lâu.
Chi phí mổ thoái hóa đốt sống cổ là bao nhiêu?
Tùy từng phương pháp mổ mà người bệnh lựa chọn, chi phí phải trả cũng sẽ khác nhau. Với người áp dụng cách mổ nội soi, chi phí sẽ dao động trong khoảng 20 – 40 triệu đồng cho một lần phẫu thuật.
Còn với những bệnh nhân mổ thường, chi phí cho một lần mổ sẽ trong khoảng 15 – 20 triệu. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống cổ kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm, phẫu thuật đòi hỏi các kỹ thuật cao thì chi phí có thể lên tới 40 – 50 triệu đồng.
Những biến chứng có thể gặp phải khi mổ thoái hóa đốt sống cổ?
Sau khi phẫu thuật, nếu chế độ chăm sóc sức khỏe không đảm bảo, người bệnh có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm như:
- Chảy máu và nhiễm trùng vết thương
- Các mô mềm bị ảnh hưởng trong quá trình phẫu thuật khó phục hồi dẫn đến những tác động có hại đến sức khỏe người bệnh.
- Sốc phản vệ sau mổ
- Tăng sinh mô sợi xơ, làm dính các rễ thần kinh thậm chí còn có thể dẫn đến tình trạng bại liệt
- Thoát vị đĩa đệm và suy giảm chức năng cột sống
- Bệnh tái phát sau 1 – 3 năm với mức độ nghiêm trọng hơn.
Mổ thoái hóa đốt sống cổ có tỷ lệ thành công cao nhưng đồng thời tỷ lệ tái phát cũng cao. Do đó người bệnh cần có cho mình chế độ chăm sóc sau phẫu thuật phù hợp để hạn chế tối đa những rủi ro này.
Người bệnh cần làm gì sau khi mổ thoái hóa đốt sống cổ?
Sau khi phẫu thuật, người bệnh cần lưu ý thực hiện tốt một số điều sau:
- Nghỉ ngơi tại bệnh viện cho đến khi tình trạng có chuyển biến tốt (khoảng 1 – 2 tuần) đồng thời cũng để bác sĩ theo dõi các biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật.
- Không vận động mạnh và tránh va chạm vào vết mổ.
- Nên đi tái khám định kỳ thường xuyên để theo dõi tình trạng phục hồi của cột sống.
- Tập luyện các bài tập vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ để rút ngắn thời gian phục hồi chức năng
- Có thể đi massage hoặc xông hơi để thư giãn cơ thể một cách tốt nhất.
- Sử dụng các loại thực phẩm có tác dụng tăng cường sức đề kháng và tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, thuốc lá cũng như các chất kích thích có hại khác.
Trên đây là những thông tin cần biết về phương pháp mổ thoái hóa đốt sống cổ. Mong rằng bài viết có thể khiến người bệnh hiểu rõ hơn về cách trị bệnh này. Nếu còn điều gì thắc mắc, người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ y khoa để đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị.
Wiki Bác sĩ không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hoặc các phương pháp điều trị y khoa.