Lá Xông Cho Bà Đẻ Sau Sinh
Nấu nước lá xông cho bà đẻ là một phương pháp chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ sau sinh đã được áp dụng từ lâu đời. Việc xông hơi không chỉ giúp đào thải độc tố, thúc đẩy quá trình phục hồi sức khỏe, làm nhanh hết sản dịch mà còn có tác dụng làm đẹp da, giảm căng thẳng, mệt mỏi cho mẹ. Tuy nhiên, chị em cần lựa chọn được đúng loại lá và biết cách xông hơi để đạt được hiệu quả tối ưu.
Lợi ích của xông lá với bà đẻ sau sinh
Phụ nữ sau sinh thường được xông hơi bằng nước nấu từ các loại lá cây hay thảo dược. Theo kinh nghiệm của các bà, các mẹ, việc nấu nước lá xông hơi cho sản phụ mang lại nhiều tác dụng như:
- Giúp cơ thể thư giãn, giảm căng thẳng, mệt mỏi cho mẹ.
- Thúc đẩy quá trình lưu thông máu và chuyển hóa chất dinh dưỡng để sức khỏe nhanh phục hồi.
- Hỗ trợ giảm cân, làm đẹp da, giúp da săn chắc và mịn màng hơn.
- Làm nhanh hết sản dịch.
- Bài trừ độc tố trong cơ thể ra ngoài theo tuyến mồ hôi
- Giảm đau mỏi xương khớp
- Khôi phục sự cân bằng trong cơ thể.
9 loại lá xông cho bà đẻ sau sinh
Các loại lá xông tốt nhất cho bà đẻ bao gồm:
1. Lá tía tô
Lá tía tô vừa được sử dụng trong ẩm thực, vừa là vị thuốc chữa bệnh tự nhiên, an toàn cho sức khỏe. Dân gian còn nấu lá tía tô lấy nước xông hơi cho bà đẻ sau sinh.
Theo y học cổ truyền, lá tía tô có tính ấm. Thảo dược này có tính ấm, giúp sát trùng, hoạt huyết, chống viêm. Xông hơi bằng nước nấu từ lá mang đến nhiều lợi ích cho phụ nữ sau sinh như:
- Tăng cường lưu thông không khí trong phổi, cải thiện tình trạng hụt hơi, khó thở ở một số bà đẻ.
- Đào thải độc tố, giảm mệt mỏi cho mẹ.
- Ức chế vi khuẩn, virus gây bệnh ở đường hô hấp. Qua đó ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh lý như cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, ho…
- Hoạt chất aldehyde được tìm thấy trong lá tía tô có tác dụng chống oxy hóa, làm đẹp da, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị mụn.
- Làm thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng cho mẹ bỉm.
2. Xông hơi cho bà đẻ sau sinh bằng lá chanh
Lá chanh là một trong những loại lá xông cho bà đẻ sau sinh thường được dân gian sử dụng, giúp mẹ nhanh khỏe. Trong lá chứa nhiều tinh dầu với thành phần chủ yếu là vitamin C, axit citric, dầu limonene, flavonoid và các dưỡng chất khác. Khi nấu nước xông hơi, các chất này sẽ được giải phóng vào trong nước và theo hơi nước bốc lên tiếp xúc với da cũng như đi vào cơ thể thông qua đường hô hấp. Chúng mang đến nhiều tác dụng tuyệt vời cho bà đẻ như:
- Làm sạch da, giúp da săn chắc hơn
- Hỗ trợ điều trị mụn trứng cá, nám chân đinh, tàn nhang sau sinh
- Kích thích bài tiết mồ hôi để đào thải độc tố cho cơ thể, giúp chị em nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
- Làm tăng tuần hoàn máu
- Đốt cháy các mô mỡ tích tụ dưới da, tạo điều kiện để mẹ bỉm khôi phục vóc dáng thon gọn như xưa.
- Kháng khuẩn, tiêu viêm, ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp.
- Giải cảm
- Trị đau đầu.
3. Lá kinh giới
Tiếp theo, bà đẻ có thể dùng lá kinh giới để xông hơi sau sinh. Theo y học cổ truyền, loại lá này có vị cay, tính ấm giúp cầm máu, sát khuẩn, tiêu độc, kháng viêm, chống dị ứng da, khu phong, lợi tiểu, giảm sốt. Trong lá còn chứa các thành phần Menthone và d- Limonene giúp giảm đau, tiêu diệt vi khuẩn, virus gây bệnh.
Lợi ích khi xông hơi bằng lá tía tô cho bà đẻ sau sinh:
- Tăng cường lưu thông máu đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể để sức khỏe nhanh phục hồi.
- Giảm đau nhức xương khớp
- Cải thiện tình trạng mệt mỏi, ê ẩm người.
- Giải cảm
- Làm tăng tiết mồ hôi giúp đào thải độc tố dưới da
- Làm đẹp da, ngăn ngừa nổi mụn, viêm da hay ngứa da, nổi mề đay sau sinh.
- Giảm căng thẳng thần kinh, giúp mẹ thư giãn và thoải mái tinh thần.
4. Dùng lá ngải cứu xông hơi cho bà đẻ
Ngải cứu là lá xông hơi cho bà đẻ dễ kiếm và đang được sử dụng rộng rãi . Thảo dược này có tính ấm, vị đắng, quy vào 3 kinh gồm Can, Tỳ, Thận. Dân gian thường thu hái cây về bào chế thuốc điều trị các bệnh lý như xuất huyết tử cung, rối loạn kinh nguyệt, lạnh tử cung, viêm khớp, thoái hóa cột sống, đau nhức xương khớp, bong gân, đau đầu, thoát vị đĩa đệm…
Đặc biệt, phụ nữ sau sinh có thể nấu nước lá ngải cứu để xông hơi da mặt hoặc xông toàn thân. Phương pháp này có nhiều tác dụng tốt cho bà đẻ như:
- Trị lạnh bụng, lạnh tử cung
- Chống suy nhược cơ thể sau sinh
- An thần, giảm căng thẳng thần kinh
- Tăng cường đào thải độc tố qua da, làm sạch mụn, giúp da đẹp hơn
- Kích thích lưu thông máu
- Giảm đau nhức cơ thể, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các vấn đề về xương khớp sau sinh.
5. Lá bưởi
Xông lá bưởi là bí quyết phục hồi sức khỏe nhanh đang được nhiều chị em áp dụng khi mới sinh. Lá bưởi chứa nhiều tinh dầu cùng các hoạt chất quý mang đến những tác dụng như sau:
- Sát khuẩn, giảm ngứa, dưỡng ẩm cho da
- Trị cảm lạnh, cảm cúm
- Giảm ho, sổ mũi, hắt hơi
- Giảm đau đầu, đau nhức xương khớp
- Kích thích máu lưu thông
- Giảm rụng tóc
- Thúc đẩy quá trình phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau sinh.
6. Xông hơi cho bà đẻ bằng lá sả
Lá sả là thành phần không thể thiếu trong nhiều bài thuốc xông cho bà đẻ. Đây là một phương pháp làm đẹp da, ngăn ngừa và điều trị bệnh, phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau sinh khá rẻ tiền.
Công dụng khi xông hơi cho bà đẻ bằng lá sả:
- Ngăn ngừa và cải thiện các triệu chứng của bệnh cảm cúm, cảm lạnh
- Làm sạch vi khuẩn, bụi bẩn và chất cặn bã tích tụ dưới da, ngăn ngừa mụn cho phụ nữ sau sinh.
- Tẩy tế bào chết
- Làm đẹp da toàn thân
- Đào thải độc tố cho cơ thể thông qua hoạt động tăng tiết mồ hôi
- Giảm căng thẳng, mệt mỏi.
- Ngăn ngừa nhiễm trùng, cải thiện sức khỏe cho đường hô hấp.
7. Lá trà xanh
Nếu đang tìm kiếm một loại lá xông cho bà đẻ an toàn, tốt cho sức khỏe, phụ nữ sau sinh có thể cân nhắc sử dụng lá trà xanh. Thảo dược này cung cấp nhiều vitamin nhóm A, B, C, E và EGCG. Chúng có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, tiêu viêm, kích thích sản sinh collagen. Điều này mang đến nhiều lợi ích cho việc chăm sóc sức khỏe và làn da của phụ nữ sau sinh.
Tác dụng của xông lá trà xanh với bà đẻ:
- Làm đẹp da
- Xóa mờ các vết thâm nám, tàn nhang
- Ngăn ngừa viêm da, ngứa da sau sinh
- Đào thải độc tố cho cơ thể
- Nâng cao sức khỏe đường hô hấp.
8. Lá trầu không
Lá trầu không thuộc họ cây hồ tiêu, thường được người dân trồng để ăn kèm với cau và vôi tôi hoặc thu hái làm thuốc. Thảo dược này có tác dụng trị táo bón, khó tiêu, đầy hơi, viêm phế quản, vảy nến, viêm da cơ địa và nhiều bệnh lý khác.
Bên cạnh đó, lá trầu không còn được sử dụng để nấu nước xông hơi cho bà đẻ. Liệu pháp này mang đến những tác dụng như sau:
- Làm se khít vùng kín
- Ngăn ngừa nhiễm trùng phụ khoa
- Chống ngứa da
- Làm mờ các vết rạn da sau sinh.
9. Lá bạc hà
Nằm cuối cùng trong danh sách các loại lá xông cho bà đẻ sau sinh tốt nhất đó là lá bạc hà. Thảo dược này chứa tinh dầu với hương thơm the mát, mang đến cảm giác thư giãn, sảng khoái cho chị em.
Bên cạnh đó, việc xông lá bạc hà sau sinh còn mang đến một số lợi ích cho bà đẻ như:
- Sát trùng ngoài da, chống viêm da, giảm ngứa
- Làm sạch đường hô hấp
- Hỗ trợ điều trị viêm họng, cảm lạnh, sốt không ra mồ hôi, viêm xoang, ho, nghẹt mũi, đau đầu, đau bụng, đau dây thần kinh tọa.
Cách xông lá cho bà đẻ sau sinh
Việc sử dụng các loại lá xông cho bà đẻ chỉ mang lại hiệu quả tốt nhất khi thực hiện đúng cách. Chị em có thể sử dụng các loại lá trên ở dạng tươi hoặc khô. Dùng một loại lá đơn độc hai phối hợp chúng với nhau đều được.
Mỗi lần nấu nước xông chỉ cần một nắm lá to là được. Nếu không có sẵn lá tươi, chị em có thể chuẩn bị trước các gói lá xông mua sẵn ngoài tiệm thuốc Bắc để sử dụng sau sinh. Tuy nhiên, cần đảm bảo lá xông có chất lượng tốt, không bị ẩm mốc, hư thối làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tùy theo mục đích sử dụng mà bà đẻ có thể dùng lá để xông hơi da mặt, xông vùng kín hay xông toàn thân. Cách thực hiện như sau:
Cách xông mặt sau sinh bằng lá cây:
- Dùng 1 nắm lá cây rửa sạch, ngâm khoảng 15 phút trong nước muối loãng
- Bỏ lá vào nồi và đổ thêm một tô nước vào
- Bật bếp đun cho nước trong nồi sôi và vặn nhỏ lửa, tiếp tục nấu thêm khoảng 5 phút nữa.
- Gạn nước vừa nấu ra tô khi còn nóng. Sau đó, trùm khăn kín đầu và đưa mặt lại gần để xông hơi. Khoảng cách từ mặt đến tô nước ít nhất là 20cm để tránh bị bỏng.
- Thực hiện trong khoảng 5 – 10 phút rồi lấy khăn mềm thấm khô nước trên mặt
- Cuối cùng rửa lại bằng nước mát để các lỗ chân lông được se khít.
Xông hơi vùng kín bằng lá cây:
Xông lá cây sẽ giúp vùng kín được se khít. Một số loại lá còn chứa chất kháng viêm, diệt khuẩn tự nhiên, giúp giảm ngứa, ngăn ngừa phát sinh mùi hôi khó chịu và giảm nguy cơ bị viêm nhiễm phụ khoa sau sinh.
- Chuẩn bị 1 bó lá, 1 cái bô sạch hay chậu nhỏ
- Lá cây sau khi rửa sạch thì bỏ vào nồi nấu chung với 500ml nước
- Đun nồi trên bếp cho sôi khoảng 10 phút để các hoạt chất trong lá giải phóng hết vào trong nước.
- Sau đó, đổ nước vừa nấu ra bô hoặc ra chậu nhỏ. Sản phụ mắc váy rộng và ngồi lên phía trên để hơi nước bay lên vùng kín.
- Khi nước nguội còn hơi âm ấm, hãy lấy rửa lại vùng tam giác cho sạch và thấm khô. Chú ý thay đồ mới sau khi xông.
Xông hơi toàn thân:
- Bỏ lá vào nồi, đổ ngập nước
- Đun sôi trong 10 phút là được.
- Khi xông, bạn đặt nồi nước nơi kín gió, dùng chăn trùm kín toàn thân rồi từ từ hé mở vung nồi cho hơi nước bay ra.
- Sau khoảng 5 – 10 phút, khi hơi nóng đã hạ nhiệt và mồ hôi ra nhiều thì mẹ có thể ngừng xông.
- Lau khô người rồi thay đồ mới.
Khi nào có thể dùng lá xông cho bà đẻ sau sinh?
Phương pháp xông hơi bằng lá cây không được khuyến cáo thực hiện trong vài ngày đầu sau sinh. Lúc này, trải qua quá trình vượt cạn, cơ thể chị em còn rất yếu nên cần nghỉ ngơi. Hơn nữa, việc xông hơi ngay sau sinh có thể làm tăng thân nhiệt khiến cho vết mổ hay vết rạch ở tầng sinh môn lâu lành.
Thời điểm thích hợp cho bà đẻ xông hơi lá cây còn tùy thuộc vào hình thức sinh:
- Sinh thường: Chị em có thể xông hơi sau khi sinh khoảng 4 ngày.
- Sinh mổ: Các mẹ nên để vết mổ khô hẳn rồi mới xông hơi. Thời điểm tốt nhất là sau khi sinh khoảng 1 tuần.
Tần suất xông hơi
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe bà đẻ nhưng nếu xông hơi quá nhiều lại gây phản tác dụng. Sản phụ được khuyến cáo chỉ nên xông lá cây mỗi tuần một lần trong 1 tháng ở cữ đầu tiên. Thời gian xông mỗi lần cũng chỉ nên kéo dài từ 5 – 10 phút.
Việc xông hơi quá nhiều hoặc xông trong thời gian kéo dài có thể gây tăng huyết áp hoặc khiến cơ thể bị mất nước không tốt cho sức khỏe.
Kiêng kị khi dùng lá xông cho bà đẻ sau sinh
Để đạt được hiệu quả tối ưu, khi dùng lá xông cho bà bầu cần lưu ý các vấn đề sau:
- Xông hơi ở nơi kín gió để cơ thể không bị nhiễm lạnh.
- Thời gian xông mỗi lần tối đa là 10 phút.
- Trường hợp xông toàn thân, mẹ nên trùm kín chăn. Hé mở vung nồi để hơi nước thoát ra ngoài từ từ. Nếu mở hết vung ra ngay, hơi nước thoát ra ngoài quá nhiều với nhiệt độ cao sẽ gây bỏng, sốc nhiệt.
- Khi nước xông không còn bốc hơi mạnh thì nên ngừng ngay, tránh để nhiễm lạnh.
- Sau khi xông xong, bà đẻ nên đôi khoảng 6 tiếng sau hãy tắm lại bằng nước ấm. Nếu tắm ngay sau khi xông, lỗ chân lông vừa mới giãn nở to dễ dẫn đến tính trạng trữ nước trong da.
- Uống nước ấm trước và sau khi xông hơi để bù đắp lại lượng nước bị mất thông qua hoạt động tiết mồ hôi, ngăn ngừa mất nước.
- Trong quá trình xông lá, nếu thấy cơ thể mệt mỏi, đầu óc choáng váng thì chị em nên ngừng ngay.
- Lau khô người và tóc sau mỗi lần xông.
- Chống chỉ định xông lá cho bà đẻ bị cao huyết áp, tiền ung thư âm đạo, người đang có kinh trở lại. Thời điểm mới ăn no xong cũng không thích hợp để xông hơi.
Bạn nên tìm hiểu thêm