3 Tháng Cuối Thai Kỳ Có Nên Uống Nước Dừa
Nước dừa là thức uống có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu và cung cấp cho cơ thể nhiều khoáng chất thiết yếu. Tuy nhiên, thức uống này có tính hàn nên không ít người băn khoăn Bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ có nên uống nước dừa không?. Bài viết sẽ giúp mẹ bầu giải đáp thắc mắc và có thêm kinh nghiệm để trải qua một thai kỳ khỏe mạnh.
Bà bầu 3 tháng cuối có nên uống nước dừa?
Dừa là loại quả đặc biệt với hơn 95% là nước và phần còn lại là cơm dừa. Nước dừa có vị ngọt thanh, tính mát, chứa rất nhiều khoáng chất và vitamin tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, vì nước dừa có tính mát nên không ít bà bầu băn khoăn có nên uống nước dừa vào 3 tháng cuối thai kỳ hay không?.
Theo các bác sĩ Sản phụ khoa, thai phụ hoàn toàn có thể uống nước dừa vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nước dừa sẽ cung cấp cho cơ thể lượng nước dồi dào cùng với vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa tự nhiên. Thực tế, từ tháng thứ 4 trở đi, mẹ có thể uống nước dừa và chỉ cần kiêng cữ trong 3 tháng đầu.
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, sức khỏe của mẹ chưa ổn định nên uống nước dừa sẽ gây lạnh bụng và làm nghiêm trọng tình trạng ốm nghén, nôn ói. Nôn ói liên tục có thể kích thích co thắt tử cung dữ dội dẫn đến nguy cơ sảy thai. Đây là lý do mẹ bầu cần kiêng uống nước dừa trong 3 tháng đầu thai kỳ. Từ tháng thứ 4 trở đi, mẹ có thể bổ sung loại quả này vào chế độ dinh dưỡng để cung cấp vitamin, khoáng chất và nước cho cơ thể.
Lợi ích của nước dừa đối với phụ nữ mang thai
Nước dừa là thức uống thanh nhiệt rất tốt cho sức khỏe. Trung bình 240ml nước dừa chỉ chứa 44 calo nhưng cung cấp cho cơ thể đầy đủ dinh dưỡng như carbohydrate, natri, đường, chất đạm, vitamin C, vitamin B, sắt, kali, kẽm, đồng, canxi, phốt pho, magie,… Uống nước dừa từ tháng thứ 4 trở đi sẽ mang đến nhiều lợi ích đối với bà bầu như:
1. Làm mát cơ thể, lợi tiểu
Nước dừa có vị ngọt dịu, tính mát, tác dụng thanh nhiệt và giải độc. Khi mang thai, thân nhiệt của mẹ sẽ tăng lên đáng kể do ảnh hưởng của hormone progesterone. Hơn nữa, lúc này tuần hoàn máu cũng tăng khiến cho nhiệt độ cơ thể cao hơn từ 0.5 – 1 độ. Do đó, mẹ bầu thường gặp phải tình trạng nóng trong, táo bón, khó tiêu,…
Uống nước dừa có thể làm mát cơ thể và lợi tiểu. Khi cảm thấy cơ thể nóng bức, khó chịu, mẹ nên uống 1 quả dừa để thanh nhiệt. Ngoài ra, với hàm lượng kali cao, nước dừa giúp điều hòa huyết áp và ngăn ngừa tình trạng tăng huyết áp ở thai phụ.
2. Cải thiện trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày là tình trạng khá phổ biến ở phụ nữ mang thai. Nguyên nhân là do sự giãn nở của tử cung và thai nhi chèn ép lên dạ dày – thực quản. Ngoài ra, ăn uống quá mức, tăng cân nhanh và ít vận động cũng là những nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Trào ngược dạ dày đặc trưng bởi tình trạng ợ nóng, ợ chua, trớ thức ăn, đau dạ dày, đầy hơi và chướng bụng. Các triệu chứng này ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tiêu hóa và sức khỏe của mẹ bầu. Để cải thiện chứng trào ngược, mẹ bầu có thể bổ sung nước dừa vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày.
Với độ pH kiềm, nước dừa giúp trung hòa dịch vị dạ dày, từ đó cải thiện tình trạng ợ nóng, ợ chua, giảm đau dạ dày và khắc phục hiện tượng nóng rát thượng vị. Ngoài ra, nước dừa còn giúp dạ dày và đường ruột tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng trong thức ăn một cách dễ dàng hơn.
3. Ngăn ngừa và cải thiện táo bón
Khi mang thai, mẹ bầu khó tránh khỏi tình trạng táo bón do lượng thức ăn tăng lên một cách đột ngột. Ngoài ra, cơ thể nặng nề, ít vận động và sự thay đổi hormone cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tương tự như trào ngược dạ dày, táo bón ảnh hưởng đáng kể đến chức năng tiêu hóa và sức khỏe của mẹ bầu.
Với hàm lượng nước cao, nước dừa có thể cải thiện và phòng ngừa táo bón ở phụ nữ mang thai. Khi thai nhi bắt đầu phát triển (từ tháng 4), mẹ nên uống nước dừa 2 – 3 lần/ tuần kết hợp với bổ sung rau xanh, trái cây và sữa chua để ngăn ngừa táo bón. Đồng thời thúc đẩy hoạt động tiêu hóa và giúp cơ thể hấp thu tốt vitamin, khoáng chất từ thức ăn.
4. Bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu
Nước dừa chứa 94% là nước, 6% còn lại là các khoáng chất và vitamin thiết yếu. Mặc dù ít calo nhưng nước dừa chứa hàm lượng vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa dồi dào hơn so với các loại hoa quả khác. Do đó, mẹ bầu có thể thêm nước dừa vào thực đơn ăn uống để cung cấp dinh dưỡng cho bản thân và thai nhi.
5. Cải thiện lượng nước ối cho thai nhi
Nước ối có vai trò bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi. Để duy trì lượng nước ối, mẹ cần bổ sung đủ 2.5 lít nước/ ngày. Ngoài nước lọc, mẹ cũng có thể uống nước dừa, nước ép từ rau củ và trái cây để cải thiện lượng nước ối cho thai nhi.
Trong trường hợp có nguy cơ thiếu ối, bổ sung nước dừa hằng ngày có thể cải thiện tình trạng này hiệu quả. Tuy nhiên, mẹ bầu nên tránh uống quá nhiều nước dừa để tránh tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
Một số lưu ý khi uống nước dừa cho mẹ bầu
Phụ nữ mang thai có cơ địa nhạy cảm hơn so với bình thường nên cần chú ý một số vấn đề khi bổ sung nước dừa. Uống nước dừa sai cách có thể gây lạnh bụng, đầy hơi, mệt mỏi và thậm chí gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Khi uống nước dừa vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ, bà bầu nên lưu ý một số vấn đề sau:
1. Không uống vào sáng sớm và ban đêm
Nước dừa vốn có tính mát nên cần tránh uống vào sáng sớm và ban đêm. Nhiều người cho rằng, uống nước dừa vào buổi sáng sau khi thức dậy sẽ giúp thanh lọc cơ thể. Tuy nhiên, uống vào thời điểm này dễ gây hạ huyết áp dẫn đến choáng đầu, buồn nôn và mệt mỏi.
Trong khi đó, uống nước dừa vào buổi tối có thể gây lạnh bụng, đầy hơi, khó chịu. Hơn nữa, nước dừa có tác dụng lợi tiểu nên sẽ khiến mẹ bầu tiểu đêm nhiều lần. Thời điểm nên uống nước dừa là vào buổi trưa và buổi chiều. Lúc này, nhiệt độ cơ thể khá cao nên có thể uống nước dừa để làm mát cơ thể. Tuy nhiên, mẹ bầu nên tránh uống khi bụng quá đói do nước dừa có tác dụng hạ áp.
2. Không uống với đá lạnh
Nước dừa có tính mát nên khi uống với đá dễ gây lạnh bụng, đau bụng và khó tiêu. Khi mang thai, mẹ nên uống nước dừa ở nhiệt độ thường, không nên uống với đá hay uống dừa ướp lạnh.
Thứ nhất, uống với đá lạnh dễ gây rối loạn tiêu hóa. Thứ hai, nước dừa thường được uống vào buổi trưa và chiều. Lúc này, thân nhiệt đang cao nên khi uống nước dừa với đá lạnh sẽ gây hạ thân nhiệt đột ngột.
3. Không uống quá nhiều nước dừa
Đối với mẹ bầu, chỉ nên uống tối đa 1 quả dừa/ ngày hoặc ½ quả dừa nếu có thể tạng hàn. Uống nhiều nước dừa sẽ khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn, dễ đau bụng, đầy trướng, ăn uống kém. Hơn nữa, uống nước dừa còn khiến mẹ đi tiểu nhiều lần gây ra tâm lý khó chịu và mệt mỏi.
Khi uống 1 quả dừa/ ngày, mẹ cũng nên giảm lượng nước uống trong ngày. Thay vì uống đủ 2.5 lít, chỉ nên uống từ 2 – 2.2l để tránh tình trạng tiểu nhiều lần.
4. Không uống nước dừa trong một số trường hợp
Dừa chứa nhiều vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Tuy nhiên, loại quả này có tính hàn nên cần tránh uống nước dừa trong những trường hợp sau đây:
- Người có tạng hàn (chân tay lạnh, da tái xanh, ăn uống khó tiêu, ít uống nước, thường xuyên bị tiêu chảy, người mệt mỏi và thiếu sức sống,…)
- Mẹ bầu bị huyết áp thấp, thấp khớp,…
- Người bị dị ứng với dừa
Trong những trường hợp này, tốt nhất mẹ bầu không nên uống nước dừa. Thay vào đó, có thể dùng nước ép từ các loại rau củ, nước hạt chia, trà hoa cúc,… để bù nước và bổ sung vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
5. Chế biến các thức uống và món ăn khác từ dừa
Phụ nữ mang thai dễ gặp phải tình trạng chán ăn, nhất là khi thực đơn ăn uống lặp đi lặp lại. Do đó, mẹ không nên uống nước dừa hằng ngày. Tốt nhất, nên uống nước dừa 1 – 2 lần/ tuần và có thể đa dạng bằng cách chế biến thức uống, món ăn khác từ dừa như rau câu dừa, thạch dừa, nước dừa tắc, mứt dừa, sinh tố dừa,…
Các món ăn từ dừa không chỉ cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin và khoáng chất mà còn có hương vị thơm ngon. Những món ăn này giúp kích thích vị giác và tạo cảm giác ngon miệng hơn khi ăn uống thay vì lặp đi lặp lại thực đơn cũ.
Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ “Bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ có nên uống nước dừa không?” và nắm rõ một số lưu ý khi dùng. Ngoài nước dừa, mẹ cũng nên bổ sung các loại nước ép từ rau củ, trái cây và một số loại trà không chứa caffeine để cải thiện sức khỏe một cách toàn diện.
Tham khảo thêm: