Phụ Nữ Sau Sinh Có Nên Ăn Thịt Gà
Phụ nữ sau sinh có nên ăn thịt gà không là băn khoăn của cả sản phụ sinh thường và sinh mổ. Để có chế độ dinh dưỡng hợp lý, mẹ nên tham khảo thông tin giải đáp trong bài viết sau đây.
Phụ nữ sau sinh có nên ăn thịt gà không?
Sau khi sinh nở, cơ thể mẹ cần một thời gian nhất định để hồi phục lại sức khỏe và các cơ quan trong cơ thể. Để quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi, mẹ sau sinh phải kiêng cữ một số loại thực phẩm, đồ uống và hạn chế nhiều thói quen khi sinh hoạt.
Theo quan niệm dân gian, phụ nữ sau khi sinh nở cần kiêng ăn thịt gà và các loại thực phẩm dễ gây sẹo như rau muống, thịt bò, gạo nếp, lòng trắng trứng,… Tuy nhiên, quan niệm này có đúng trên cơ sở khoa học hay không vẫn là vấn đề chưa rõ ràng. Điều này khiến không ít sản phụ cảm thấy băn khoăn – nhất là với những người yêu thích các món ăn được chế biến từ thịt gà.
Nếu đang băn khoăn “Phụ nữ sau sinh có nên ăn thịt gà không?”, sản phụ nên tham khảo thông tin giải đáp sau để có chế độ ăn uống phù hợp.
1. Trường hợp sinh thường
Đối với những trường hợp sinh thường, sản phụ sẽ nhanh phục hồi hơn so với sinh mổ. Tuy nhiên, trong quá trình sinh, bác sĩ sẽ rạch tầng sinh môn để thai nhi chào đời thuận lợi. Chính vì vậy, mẹ sinh thường vẫn cần kiêng thịt gà cho đến khi vết thương lành hẳn.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, ăn thịt gà trong thời gian đầu sau sinh có thể khiến vết mổ chậm lành, sưng và dễ mưng mủ. Mặc dù chưa có kết luận chính xác nhưng theo kinh nghiệm thực tế, việc kiêng cữ thịt gà sau khi sinh thường là cần thiết.
Khi vết khâu ở tầng sinh môn đã lành hẳn, mẹ có thể bổ sung các món ăn từ thịt gà để cải thiện sức khỏe. Theo Đông y, thịt gà (kê nhục) có vị ngọt, tính ấm, tác dụng bổ tinh tủy, ôn trùng ích khí nên rất tốt cho những người bị suy nhược do mắc bệnh lâu ngày và phụ nữ sau khi sinh nở.
2. Trường hợp sinh mổ
So với sinh thường, mẹ sinh mổ sẽ mất nhiều thời gian hồi phục hơn và phải kiêng cữ nhiều loại thực phẩm khác nhau. Trong đó, thịt gà luôn trong nhóm thực phẩm cần kiêng sau khi sinh mổ. Bởi thực phẩm này có thể khiến vết mổ mưng mủ, sưng đỏ, ngứa ngáy và chậm lành.
Trong 3 – 4 tuần đầu tiên, mẹ sinh mổ cần tránh tuyệt đối các loại thực phẩm có thể để lại sẹo như thịt gà, thịt bò, rau muống, trứng gà,… Sau đó, có thể bổ sung thịt gà vào chế độ dinh dưỡng nhưng cần ăn với liều lượng phù hợp. Hạn chế ăn quá nhiều thịt gà vì có thể gây ngứa ngáy, khó chịu.
Lợi ích của thịt gà đối với phụ nữ sau sinh
Thịt gà là một trong những loại thịt tốt cho sức khỏe. Thực phẩm này được xếp vào nhóm thịt trắng bên cạnh thịt vịt, cá. Thịt trắng có hàm lượng myoglobin thấp hơn và chứa rất nhiều axit béo không bão hòa. Do đó, thịt trắng thường dễ tiêu hóa, ít gây tăng cân và có thể kiểm soát nồng độ cholesterol trong cơ thể.
Sau vết mổ và vết khâu ở tầng sinh môn đã lành hẳn, sản phụ có thể bổ sung các món ăn từ thịt gà vào chế độ dinh dưỡng. Nếu bổ sung đúng cách, thịt gà có thể mang đến nhiều lợi ích như sau:
- Cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe và thể trạng của mẹ sau sinh
- Kích thích tăng tiết sữa, hỗ trợ cải thiện tình trạng ít sữa, sữa loãng, mất sữa đột ngột,…
- Thịt gà chứa nhiều tryptophan – tiền chất của serotonin (chất dẫn truyền thần kinh có vai trò quan trọng) nên có thể cải thiện tâm trạng, kích thích cảm giác thèm ăn và giảm các rối loạn giấc ngủ ở mẹ sau sinh.
- Với hàm lượng sắt, vitamin B và khoáng chất cần thiết, các món ăn từ thịt gà giúp mẹ cải thiện tình trạng thiếu máu và xanh xao.
Tóm lại, thịt gà là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng tốt cho phụ nữ mang thai và sau khi sinh. Vì vậy, sản phụ vẫn có thể bổ sung các món ăn từ thực phẩm này nhưng cần lựa chọn thời điểm thích hợp.
Sau sinh bao lâu thì có thể ăn thịt gà?
Thịt gà cung cấp nhiều protein, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, mẹ sau sinh không nên dùng các món ăn từ thịt gà quá sớm.
Để tránh tình trạng vết thương chậm lành, dễ mưng mủ, ngứa ngáy và để lại sẹo, mẹ nên đợi từ 6 – 7 tuần cho vết thương lành hẳn trước khi ăn thịt gà. Đối với những sản phụ có cơ địa nhạy cảm, vết thương chậm lành và từng bị nhiễm trùng, nên kiêng thịt gà và các loại thực phẩm dễ gây viêm trong 3 tháng sau sinh.
Một số lưu ý cho mẹ sau sinh khi ăn thịt gà
Thịt gà là loại thực phẩm lành mạnh và mang đến nhiều lợi ích đối với mẹ sau sinh. Tuy nhiên, do có đặc tính mưng mủ và gây ngứa ngáy nên mẹ cần lưu ý một số vấn đề khi ăn.
Những vấn đề cần lưu ý khi ăn thịt gà trong thời gian sau sinh:
- Không nên ăn thịt gà nếu có cơ địa dị ứng, mẫn cảm. Ngoài ra, mẹ sau sinh có tiền sử dị ứng thịt gà không nên dùng loại thực phẩm này – đặc biệt là trong thời gian cho con bú.
- Người bị phong thấp, hen suyễn có nguy cơ dị ứng thịt gà cao. Để hạn chế dị ứng, nên chế biến thịt gà với gừng và các loại gia vị có đặc tính kháng dị ứng.
- Cần lựa chọn thịt gà có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo giá trị dinh dưỡng và hạn chế tình trạng ngộ độc, rối loạn tiêu hóa.
- Khi chế biến thịt gà, nên hạn chế sử dụng nhiều dầu mỡ và gia vị. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ nên ăn gà luộc, hấp và các món ăn hầm để bồi bổ sức khỏe.
- Da gà chứa nhiều chất béo bão hòa có thể gây tăng cân và chướng bụng. Vì vậy, mẹ có thể bỏ da gà, chỉ lấy thịt gà để chế biến.
- Cần đảm bảo ăn chín uống sôi để hạn chế rối loạn tiêu hóa.
- Không nên ăn quá nhiều thịt gà và trứng gà. Thay vào đó, nên đa dạng nguồn đạm bằng cách bổ sung các loại thực phẩm khác như thịt heo, cá, tôm, mực,…
- Ngoài gà ta, mẹ có thể bổ sung các món ăn từ gà ác để bồi bổ và phục hồi sức khỏe. Mỗi tuần nên ăn 1 lần để cải thiện tình trạng thiếu máu và suy nhược sau sinh.
- Sau khi sinh nở, mẹ rất dễ bị táo bón, đầy hơi và chướng bụng. Do đó khi ăn các loại thực phẩm giàu đạm, nên bổ sung kèm theo rau xanh, trái cây và uống nhiều nước để hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
Bài viết đã tổng hợp thông tin giải đáp “Phụ nữ sau sinh có nên ăn thịt gà không?” và những lưu ý khi bổ sung nhóm thực phẩm này. Nếu có thắc mắc về việc kiêng cữ sau khi sinh, sản phụ nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Tham khảo thêm: