Thuốc Trị Viêm Khớp
Có khá nhiều loại thuốc trị viêm khớp được sử dụng hiện nay như thuốc giảm đau, NSAID, corticoid, thuốc chống thấp khớp,… Mục tiêu chính của việc dùng thuốc là giảm cơn đau, cải thiện tình trạng khớp sưng viêm, nóng đỏ và hỗ trợ làm chậm tiến triển của bệnh.
Các loại thuốc trị viêm khớp phổ biến nhất hiện nay
Viêm khớp là thuật ngữ đề cập đến tất cả các bệnh lý gây viêm ở khớp và tổ chức xung quanh khớp. Viêm khớp có thể xảy ra cấp tính (viêm khớp phản ứng, viêm khớp nhiễm khuẩn) hoặc tiến triển mãn tính (viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm khớp giả gout, bệnh gout,…).
Triệu chứng chung của các bệnh viêm khớp là đau nhức ở khớp, cứng khớp, tê bì và giảm khả năng vận động. Ngoài ra với mỗi loại viêm khớp cụ thể, bệnh nhân sẽ gặp phải các biểu hiện điển hình khác nhau.
Hiện tại, sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị viêm khớp. Dùng thuốc đúng cách giúp kiểm soát cơn đau và ngăn chặn tiến triển của bệnh. Ngoài ra, một số loại thuốc còn giúp phục hồi, tái tạo các mô sụn bị tổn thương và thoái hóa.
Nhìn chung, thuốc điều trị viêm khớp sẽ được chia thành 2 nhóm là thuốc làm giảm triệu chứng và thuốc làm chậm tiến triển bệnh. Dùng thuốc có thể điều trị dứt điểm các dạng viêm khớp cấp. Tuy nhiên, viêm khớp mãn tính không thể điều trị hoàn toàn nên bệnh nhân cần sử dụng thuốc dài hạn kết hợp với vật lý trị liệu và các phương pháp hỗ trợ khác.
Dưới đây là các loại thuốc trị viêm khớp được sử dụng phổ biến hiện nay:
1. Thuốc giảm đau thông thường Paracetamol
Paracetamol là lựa chọn ưu tiên khi điều trị các bệnh viêm khớp. Loại thuốc này có tác dụng giảm đau dựa trên cơ chế ức chế enzyme cyclooxygenase ở hệ thần kinh trung ương. Qua đó làm giảm sinh tổng hợp prostaglandin và cải thiện tình trạng đau nhức hiệu quả.
Paracetamol có hiệu quả trong điều trị cơn đau có mức độ nhẹ đến trung bình. Lý do loại thuốc này được sử dụng phổ biến là độ an toàn cao và ít gây ra tác dụng phụ. Thuốc có thể dùng cho cả trẻ em, người trưởng thành và người cao tuổi.
Chống chỉ định:
- Dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Suy gan, suy thận nặng
- Thiếu máu nhiều lần
- Thiếu hụt G6PD (glucose-6-phosphat dehydrogenase)
Paracetamol thường được dùng với liều 500mg/ 3 – 4 lần/ ngày, mỗi liều cách nhau ít nhất 4 giờ đồng hồ. Mặc dù được đánh giá khá an toàn nhưng loại thuốc này vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn mửa và phát ban.
2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid là nhóm thuốc điều trị viêm khớp thông dụng. Nhóm thuốc này vừa có tác dụng giảm đau vừa có hiệu quả kháng viêm. Do đó, NSAID thường được sử dụng khi Paracetamol không mang lại hiệu quả. Cơ chế của thuốc là ức chế COX (cyclooxygenase) – enzyme tạo ra chất trung gian gây viêm prostaglandin.
Nhờ cơ chế trên, NSAID giúp giảm tình trạng sưng viêm, nóng đỏ và đau nhức do các bệnh viêm khớp gây ra. Nhóm thuốc này mang lại hiệu quả rõ rệt đối với các bệnh viêm khớp gây ra cơn đau cấp như bệnh gout, viêm khớp phản ứng, viêm khớp nhiễm khuẩn,…
Prostaglandin không chỉ gây ra hiện tượng viêm ở cơ quan bị tổn thương mà còn có chức năng cân bằng nội môi, duy trì lưu lượng máu ở thận, tập kết tiểu cầu và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Do đó, việc ức chế prostaglandin của thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể gây ra không ít tác dụng phụ. Cũng vì lý do này mà NSAID chỉ được dùng khi Paracetamol không mang lại hiệu quả và chủ yếu được sử dụng ngắn hạn.
Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường được dùng để điều trị viêm khớp:
- Ibuprofen
- Diclofenac
- Naproxen
- Indomethacin
- Flurbiprofen
- Ketoprofen
Đối với những bệnh nhân bị loét dạ dày và tiền sử xuất huyết tiêu hóa, bác sĩ sẽ chỉ định dùng chất ức chế chọn lọc COX – 2 (cyclooxygenase 2). Đây là nhóm nhỏ của thuốc chống viêm không steroid (NSAID) ít gây hại lên đường tiêu hóa. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến bao gồm Etoricoxib, Celecoxib, Rofecoxib,… Tuy nhiên, chất ức chế chọn lọc COX-2 làm tăng các biến cố tim mạch nên không phải là lựa chọn ưu tiên đối với người cao tuổi.
3. Thuốc giảm đau gây nghiện (opioids)
Thuốc giảm đau gây nghiện thường được sử dụng đối với cơn đau nghiêm trọng, đau nội tạng hoặc sau khi thực hiện phẫu thuật. Đối với cơn đau do viêm khớp, bác sĩ sẽ sử dụng chỉ định các chế phẩm kết hợp Paracetamol + opioid (Tramadol, Codein).
Thuốc giảm đau gây nghiện chỉ được sử dụng trong trường hợp cần thiết, nhất là khi các loại thuốc khác không mang lại hiệu quả. Mặc dù có hiệu quả giảm đau tốt nhưng nhóm thuốc này có thể gây nghiện và gây ra không ít tác dụng phụ.
Để hạn chế tác dụng ngoại ý, các bác sĩ thường ưu tiên dùng chế phẩm kết hợp giữa Paracetamol + opioid. Trường hợp không có hiệu quả sẽ được dùng Tramadol – loại thuốc giảm đau gây nghiện có hoạt tính nhẹ và ít tác dụng phụ nhất.
Chống chỉ định:
- Dị ứng, quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Ngộ độc cấp hoặc tiền sử dùng quá liều các loại thuốc ức chế thần kinh trung ương như thuốc điều trị rối loạn tâm thần, thuốc giảm đau gây nghiện, thuốc an thần,…
- Suy gan, suy hô hấp nặng
- Phụ nữ mang thai
- Người dưới 15 tuổi
- Động kinh chưa được kiểm soát
Thuốc giảm đau gây nghiện hoạt động bằng cách ức chế hệ thần kinh trung ương. Trong thời gian sử dụng thuốc, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như bí tiểu, buồn nôn, nôn mửa, táo bón, an thần, buồn ngủ,…
4. Corticoid
Corticoid là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm cả bệnh viêm khớp. Corticoid được sử dụng để thay thế cho cortisone được vỏ tuyến thượng thận sản xuất. Loại thuốc này có 3 tác dụng chính là kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch.
Đối với các bệnh viêm khớp có biểu hiện viêm nghiêm trọng, bác sĩ sẽ xem xét dùng Corticoid đường uống hoặc đường tiêm. Một số trường hợp có thể được dùng ở đường bôi để giảm thiểu tác dụng phụ.
Cơ chế của Corticoid là ức chế tăng sinh và giảm hoạt động của tế bào lympho T cùng với tế bào NK. Bên cạnh đó, thuốc còn ức chế sản xuất interferon và TNK. Thông qua cơ chế này, Corticoid giúp giảm viêm và đau nhức do viêm khớp hiệu quả.
Corticoid thường được dùng ngắn hạn trong trường hợp viêm quanh khớp vai, viêm khớp phản ứng, viêm khớp vẩy nến, viêm cột sống dính khớp, đau thần kinh tọa,… Ngoài ra, bệnh nhân gout không có đáp ứng với thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và Colchicine cũng sẽ được xem xét dùng Corticoid.
Chống chỉ định:
- Tiểu đường
- Cao huyết áp
- Loét dạ dày tá tràng tiến triển
- Bệnh nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, virus đang tiến triển
- Đục thủy tinh thể
- Phụ nữ mang thai
Mặc dù mang lại hiệu quả cao trong điều trị viêm khớp nhưng Corticoid gây ra nhiều tác dụng ngoại ý. Các tác dụng phụ có thể gặp phải trong thời gian dùng thuốc bao gồm loét dạ dày tá tràng, thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, rạn da, teo da, nổi mụn trứng cá, kích thích trầm cảm bùng phát,… Để giảm tác hại đối với hệ tiêu hóa, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc giảm tiết axit trong thời gian điều trị bằng Corticoid.
5. Các loại thuốc giảm đau tại chỗ
Ngoài các loại thuốc điều trị triệu chứng kể trên, bệnh nhân viêm khớp cũng có thể dùng một số loại thuốc giảm đau tại chỗ. Thuốc sử dụng tại chỗ thường được bào chế dạng bôi, dán hoặc dạng xịt. Thành phần chính của thuốc chủ yếu là Methyl salicylate, Capsaicin, Lidocaine, Benzocaine,… Ngoài ra, có thể dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) dạng bôi để hạn chế tác dụng phụ ở dạ dày và đường tiêu hóa.
Ưu điểm của thuốc giảm đau tại chỗ là an toàn và ít gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, thuốc chỉ mang lại hiệu quả trong trường hợp cơn đau khu trú và mức độ đau không quá nghiêm trọng. Ngoài ra, cần tránh sử dụng thuốc trên vùng da bị trầy xước và có vết thương hở.
6. Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs)
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs) là nhóm thuốc chính trong điều trị các bệnh viêm khớp có liên quan đến rối loạn miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến,… Nhóm thuốc này không có tác dụng giảm đau, kháng viêm mà hiệu quả chính là làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Tùy vào tình trạng sức khỏe cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định dùng DMARDs đơn độc hoặc kết hợp với một số loại thuốc khác. Nhóm thuốc này đã được chứng minh có thể làm chậm quá trình phá hủy sụn khớp và ổn định tình trạng viêm khớp.
Các loại thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm thường được sử dụng:
- Methotrexate
- Sulfasalazine
- Hydroxychloroquine
- Leflunomide
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm chống chỉ định với người bị suy thận nặng, mắc hội chứng suy giảm miễn dịch, rối loạn chức năng gan, suy dinh dưỡng, xơ gan, uống nhiều bia rượu,… Nhóm thuốc này gây độc cho gan và gây ra vô số tác dụng phụ.
Khác với thuốc giảm triệu chứng, thuốc chống thấp khớp phải được dùng dài hạn để cho kết quả rõ rệt. Chính vì vậy, bệnh nhân cần dùng thuốc theo chỉ định và phải khám định kỳ để được đánh giá chức năng gan, thận trong suốt quá trình điều trị.
7. Colchicine – Thuốc trị viêm khớp tinh thể
Colchicine thường được sử dụng trong điều trị bệnh viêm khớp tinh thể (bệnh gout, bệnh giả gout). Loại thuốc này chủ yếu được dùng trong giai đoạn cấp nhằm kiểm soát nhanh tình trạng đau nhức và sưng viêm. Tuy nhiên ở bệnh nhân gout, dùng Colchicine liều thấp cũng có hiệu quả trong việc ngăn ngừa cơn đau gout bùng phát.
Colchicine thực chất là alkaloid có trong một số loại thực vật. Cơ chế của thuốc là ức chế sự di chuyển và hoạt động của bạch cầu trung tính tại cơ quan bị viêm. Dựa vào cơ chế này, Colchicine có tác dụng giảm viêm ở khớp và cải thiện cơn đau nhanh chóng. Loại thuốc này thường được sử dụng cho bệnh nhân gout và giả gout trong trường hợp NSAID không mang lại hiệu quả hoặc bệnh nhân chống chỉ định với NSAID.
Chống chỉ định:
- Suy gan, suy thận nặng
- Bị bí tiểu, glaucoma
Colchicine là loại thuốc có độc tính cao và có thể gây tử vong. Do đó, chỉ sử dụng loại thuốc này khi có chỉ định và phải tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng, liều lượng và thời gian sử dụng. Khi dùng Colchicine, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như tiểu ra máu, tiểu khó, buồn nôn, khó thở, mệt mỏi, dễ chảy máu, tê các đầu ngón tay, ngón chân,…
8. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng
Thông thường, triệu chứng đau do viêm khớp gây ra sẽ được cải thiện bằng thuốc giảm đau và thuốc kháng viêm. Tuy nhiên, đối với các bệnh viêm khớp mãn tính gây đau dai dẳng và mãn tính, bệnh nhân có thể được dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng.
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng thường được dùng để điều trị rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn,… Thuốc có tác dụng tăng nồng độ của các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, epinephrine, dopamine,… Những chất dẫn truyền thần kinh này được xem là “morphin nội sinh” với tác dụng thư giãn, nâng cao cảm xúc và giảm đau hiệu quả.
Ở những bệnh nhân bị giảm đau mãn tính, nồng độ các chất dẫn truyền kể trên giảm thấp hơn bình thường. Đây cũng là lý do bệnh nhân bị viêm khớp mãn tính thường bị đau nhức dai dẳng đi kèm với tâm trạng căng thẳng, lo lắng, phiền muộn và thậm chí là trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng được sử dụng để giảm đau và giúp nâng đỡ cảm xúc cho một số bệnh nhân.
Amitriptylin là loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng thường được dùng để điều trị các bệnh viêm khớp hoặc đau do nguyên nhân thần kinh. Thuốc thường được dùng với liều 10 – 25mg/ lần/ ngày trước khi đi ngủ, một số trường hợp có thể tăng lên 75 – 150mg/ ngày sau 2 tuần.
Chống chỉ định:
- Tiền sử dị ứng, quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Đang hoặc đã sử dụng các chất ức chế monoamine oxydase trong vòng 14 ngày
- Giai đoạn phục hồi sau nhồi máu cơ tim
Amitriptylin có thể gây ra một số tác dụng phụ khi dùng như an thần quá mức, đau đầu, chóng mặt, đánh trống ngực, liệt dương, buồn nôn, khô miệng,…
9. Thuốc giãn cơ
Thuốc giãn cơ thường được sử dụng để điều trị viêm quanh khớp vai, hội chứng đốt sống cổ, thắt lưng và chèn ép cơ do thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống. Trong một số trường hợp, cơn đau có thể bùng phát do cơ bị chèn ép dẫn đến co cứng. Lúc này, thuốc giãn cơ sẽ được sử dụng để thư giãn cơ bắp và giảm đau nhức.
Thuốc giãn cơ được chia thành các nhóm khác nhau bao gồm:
- Thuốc giãn cơ vân theo cơ chế trung ương: Tolperisone, Eperisone, Mephenesin, Chlorzoxazone, Methocarbamol,…
- Thuốc an thần có tác dụng giãn cơ: Diazepam, Haloperidol, Rotunda,…
Tuy nhiên, cần tránh dùng thuốc giãn cơ cho người bị nhược cơ và người dị ứng, mẫn cảm với bất cứ thành phần nào trong thuốc. Thuốc giãn cơ mang lại hiệu quả khá tốt trong việc cải thiện triệu chứng của các bệnh viêm khớp. Tuy nhiên, cần lưu ý một số tác dụng phụ có thể gặp phải trong thời gian điều trị bao gồm chóng mặt, buồn ngủ, khô miệng, lo lắng, giảm huyết áp, đau đầu,…
10. Các loại thuốc khác
Ngoài các loại thuốc thông dụng trên, một số nhóm thuốc khác cũng có thể được sử dụng trong điều trị bệnh viêm khớp bao gồm:
- Kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng trong điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn và viêm khớp phản ứng. Nhóm thuốc này được dùng trong 5 – 7 ngày hoặc hơn để tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng. Các loại kháng sinh thường được dùng để điều trị bệnh viêm khớp bao gồm Nafcillin, Oxacillin, Teicoplanin, Vancomycin, Gentamycin,…
- Thuốc hạ axit uric máu: Đối với bệnh gout, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc hạ axit uric máu để phòng ngừa cơn đau gout bùng phát. Trong đó, thuốc giảm sản xuất axit uric (thuốc ức chế men xanthine oxidase) và thuốc tăng thải trừ axit uric qua thận là hai nhóm thuốc được dùng phổ biến nhất. Trường hợp gout kháng trị sẽ được xem xét dùng thuốc hủy urat.
- Viên uống hỗ trợ: Ngoài thuốc điều trị, bệnh nhân bị viêm khớp mãn tính có thể dùng các viên uống hỗ trợ chứa Glucosamine, Chondroitin, MSM,… để phục hồi và tái tạo sụn khớp. Các sản phẩm này mang lại hiệu quả đáng kể đối với bệnh viêm khớp gối do thoái hóa.
Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị viêm khớp
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị bệnh viêm khớp bên cạnh vật lý trị liệu và các biện pháp chăm sóc. Tuy nhiên, dùng thuốc đi kèm với nhiều rủi ro và tác dụng phụ. Chính vì vậy, khi sử dụng thuốc trị viêm khớp, bệnh nhân cần lưu ý một số thông tin quan trọng sau:
- Nếu chưa thể đến bệnh viện, bệnh nhân có thể dùng một số loại thuốc không kê toa như thuốc giảm đau tại chỗ, Paracetamol, thuốc chống viêm không steroid (NSAID),… Tuy nhiên, chỉ nên dùng các loại thuốc này trong tối đa 5 – 7 ngày. Sau thời gian này, nên đến bệnh viện kiểm tra để được đánh giá tình trạng bệnh lý và chỉ định loại thuốc phù hợp.
- Thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng thuốc, lịch sử dùng thuốc trong vòng 15 ngày để được chỉ định loại thuốc an toàn và ít có nguy cơ nhất.
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, liều lượng, thời điểm sử dụng và thời gian dùng thuốc. Không tự ý tăng hoặc giảm liều khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.
- Nếu gặp phải tác dụng phụ trong thời gian điều trị, nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn hướng xử trí. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ thay đổi loại thuốc hoặc điều chỉnh liều.
- Ngoài sử dụng thuốc, cần thực hiện các biện pháp chăm sóc và vật lý trị liệu để kiểm soát bệnh hiệu quả. Đặc biệt với những bệnh nhân bị viêm khớp mãn tính, cần tích cực thực hiện các bài tập phục hồi chức năng để phòng ngừa biến chứng và cải thiện chức năng của khớp.
Có rất nhiều loại thuốc trị viêm khớp được sử dụng trên lâm sàng. Bài viết chỉ tổng hợp những nhóm thuốc được dùng phổ biến nhất hiện nay. Để đạt hiệu quả tốt, bệnh nhân nên trao đổi với dược sĩ/ bác sĩ trước khi sử dụng. Bên cạnh đó, nên có chế độ chăm sóc và tập luyện điều độ để cải thiện chức năng của hệ thống xương khớp.
Tham khảo thêm: