Nấm Candida Âm Đạo
Nấm Candida âm đạo là tình trạng nhiễm trùng nấm men khá phổ biến ở các chị em. Nó gây ra các bệnh lý phụ khoa mãn tính, ảnh hưởng khá lớn đến chức năng sinh sản của nữ giới. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý này, từ đó có các phương pháp phòng trị bệnh hiệu quả.
Nguyên nhân gây nấm Candida âm đạo là gì?
Nấm Candida thường phát triển khá tốt trong điều kiện môi trường nóng ẩm. Khi đó, nó có thể tấn công và hình thành bệnh lý trên cơ thể người. Và với nữ giới, bệnh lý do nấm Candida gây ra phổ biến nhất là các bệnh viêm nấm phụ khoa.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nấm Candida ở bộ phận sinh dục nữ, cụ thể như sau:
- Do việc vệ sinh vùng kín không đúng cách, nhiều chị em có thói quen thụt rửa quá sâu vào âm đạo khiến vi khuẩn tấn công dễ dàng hơn.
- Do mất cân bằng hormone, đây thường là nguyên nhân phổ biến gây nấm Candida ở vùng kín của các nữ giới đang mang thai.
- Do tác dụng phụ của việc dùng thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai gây giảm lượng lợi khuẩn trong cơ thể. Từ đó dẫn đến việc nấm Candida tấn công và gây bệnh nhiễm nấm Candida vùng kín.
- Do bệnh tiểu đường: Đường là môi trường rất tốt cho nấm Candida sinh sôi và phát triển. Do đó, khi bạn có hàm lượng đường trong cơ thể quá cao, nguy cơ bị nhiễm nấm Candida âm đạo của bạn cũng sẽ gia tăng rất nhiều.
Triệu chứng nấm Candida âm đạo điển hình
Việc phát hiện các triệu chứng bệnh lý khi tình trạng nhiễm trùng nấm men còn ở giai đoạn đầu sẽ hỗ trợ rất tốt cho quá trình điều trị bệnh. Do đó, bạn có thể lưu ý một số đặc điểm nhiễm nấm Candida vùng kín sau đây:
- Ngứa ở bên trong và xung quanh vùng da bên ngoài âm đạo. Có thể xuất hiện các nốt đỏ hoặc trắng và gây ngứa dữ dội.
- Nóng rát âm đạo, vùng môi lớn có thể bị sưng tấy nếu bị viêm nhiễm nấm Candida ở vùng kín quá nặng.
- Khí hư vùng kín có màu vàng đậm hoặc trắng đục, đóng thành từng mảng và có mùi hôi.
- Nấm Candida âm đạo gây ảnh hưởng tới đường tiết niệu có thể gây đau rát vùng kín khi tiểu tiện hoặc khi quan hệ tình dục.
Bị nấm Candida ở vùng kín điều trị như thế nào?
Các bệnh lý do nấm Candida ở nữ giới gây ra thường rất khó có thể xác định chính xác. Do đó, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị một cách tốt nhất.
Bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra tổng quan bên ngoài vùng kín để tìm các dấu hiệu bệnh lý lạ thường sau đó mới bắt đầu tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Sau đó, dựa vào tình trạng bệnh lý cũng như nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp.
Với nấm Candida âm đạo, bác sĩ sẽ dùng phương pháp điều trị phổ biến là thuốc uống Fluconazole kết hợp với thuốc đặt âm đạo Miconazole. Các dấu hiệu nhiễm nấm Candida ở âm đạo của bạn có thể giảm đi sau khoảng 2–3 ngày dùng thuốc, tuy nhiên bạn vẫn nên duy trì liệu trình đầy đủ trong khoảng 7–10 ngày để hạn chế bệnh tái phát.
Với trường hợp nữ giới đang mang thai bị nấm Candida âm đạo, bác sĩ sẽ khuyên dùng các loại thuốc bôi ngoài da hoặc các thuốc đặt âm đạo có tác dụng tại chỗ để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Trong quá trình điều trị, bạn cần tuân thủ đúng theo yêu cầu của bác sĩ về liều lượng cũng như thời gian dùng thuốc. Nếu muốn uống thêm thuốc hoặc dừng sử dụng thuốc, bạn cần có sự đồng ý từ bác sĩ phụ trách trực tiếp.
Phòng nấm Candida âm đạo hiệu quả cho nữ giới
Phòng bệnh vô cùng quan trọng. Do đó bên cạnh việc chữa bệnh sao cho tốt, bạn cũng cần ghi nhớ các lưu ý sau đây để ngăn ngừa nấm Candida ở âm đạo:
- Vệ sinh vùng kín đúng cách, không thụt rửa quá sâu vào bên trong âm đạo, không ngâm người khi tắm.
Không dùng các loại dung dịch vệ sinh có chất tẩy rửa cao để tránh bị kích ứng vùng kín.
- Không mặc đồ bó sát, không mặc đồ lót quá chật hoặc bị ẩm ướt.
- Nên lựa chọn các loại trang phục rộng rãi, mặc đồ lót có chất liệu cotton thấm hút mồ hôi tốt để tránh bí bách tại vùng kín.
- Vệ sinh “cô bé” cẩn thận và sạch sẽ trong những ngày “đèn đỏ”, thay băng vệ sinh thường xuyên, dùng các loại băng vệ sinh đảm bảo chất lượng.
- Hạn chế các loại thực phẩm giàu đường, bổ sung nhiều tỏi, sữa chua, các loại hoa quả, rau xanh vào thực đơn hàng ngày.
- Quan hệ tình dục an toàn để tránh mắc phải các bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục.
- Luyện tập thể dục thể thao điều độ nhằm tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể.
Vừa rồi là những thông tin cơ bản về tình trạng nấm Candida âm đạo ở nữ giới. Đây là bệnh lý có thể chữa khỏi được, do đó chị em nên đi khám chữa bệnh ngay khi có các dấu hiệu bệnh lý bất thường. Điều này sẽ giúp bạn tránh xa các bệnh lý không đáng có và duy trì sức khỏe một cách tốt nhất.
Wiki Bác Sĩ không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Xem thêm: Nấm Candida và cách chữa trị cho hiệu quả tốt, an toàn với sức khỏe