Viêm Đại Tràng
Viêm đại tràng là một trong những căn bệnh thường bị mắc phải nhất bởi đại tràng là cơ quan dễ gặp phải những tổn thương nghiêm trọng bởi nhiều nguyên do khác nhau khiến người bệnh gặp khó khăn trong cuộc sống cá nhân và công việc. Vì vậy mà việc nắm rõ những thông tin về căn bệnh này là vô cùng cần thiết và cấp bách.
Viêm đại tràng là gì?
Viêm đại tràng là tình trạng niêm mạc đại tràng bị viêm nhiễm, có thể do tác động của vi khuẩn, nhiễm trùng đường ruột, thiếu máu… Người mắc bệnh thường xuyên có cảm giác khó chịu và đau bụng kèm theo là tiêu chảy, đầy hơi.
Đại tràng (ruột già) là một bộ phận quan trọng trong hệ tiêu hoá, nằm ở cuối của ống tiêu hoá, xử lý các chất thải trong quá trình tiêu hoá từ ruột non và thải ra ngoài các chất có hại còn lại dưới dạng phân. Đại tràng là nơi dễ mắc các bệnh lý khác nhau vì nơi đây chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh sinh sống. Một trong những bệnh phổ biến nhất là bệnh viêm đại tràng.
Viêm đại tràng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của người bệnh. Lâu ngày có thể phát triển nặng thành ung thư làm tăng nguy cơ tử vong. Một số biến chứng thường gặp là:
- Thủng hoặc vỡ ruột
- Viêm đại tràng mãn tính
- Megacolon độc
- Ung thư đại tràng…
Viêm đại tràng được chia làm 2 giai đoạn là cấp tính và mãn tính:
- Viêm đại tràng cấp tính: Là cấp độ nhẹ nhất của bệnh, hình thành do bị nhiễm độc hoặc nhiễm khuẩn đường ruột. Nếu để lâu ngày không điều trị, bệnh có thể chuyển sang mãn tính cực kì nguy hiểm.
- Viêm đại tràng mãn tính: Đây là giai đoạn mà các ổ viêm đã phát triển mạnh ở vùng niêm mạc gây tổn thương đại tràng với nhiều mức độ khác nhau. Nếu nhẹ thì niêm mạc đại tràng dễ chảy máu, nặng hơn có thể xuất huyết hoặc áp xe.
Nguyên nhân gây bệnh viêm đại tràng
Có 5 loại viêm đại tràng phổ biến là:
- Viêm đại tràng do nhiễm trùng
- Viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ
- Bệnh viêm ruột (IDB)
- Viêm đại tràng vi thể
- Viêm đại tràng dị ứng ở trẻ sơ sinh
Với từng loại lại có những nguyên nhân khác nhau. Cụ thể như sau:
Viêm đại tràng do nhiễm trùng
Đại tràng bị viêm do nhiễm trùng (còn có tên gọi là viêm đại tràng giả mạc) xảy ra do có nhiều vi khuẩn ở bên trong đại tràng. Một số vi khuẩn gây viêm đại tràng phổ biến là E. Coli, Shigella,… đặc biệt nhất là C. Diff (tên khoa học là Clostridium Difficile).
C. Diff thường sẽ không gây ra các vấn đề ảnh hưởng đến ruột bởi nó cùng sống chung với các vi khuẩn “tốt”. Nhưng khi một người đã sử dụng thuốc kháng sinh, sự cân bằng giữa các vi khuẩn “tốt” và vi khuẩn C. Diff trong đại tràng có thể mất đi do ảnh hưởng của thuốc, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển gây viêm đại tràng.
Viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ
Đại tràng luôn đòi hỏi một nguồn cung cấp máu ổn định để điều phối oxi cũng như chất dinh dưỡng cho các cơ được hoạt động bình thường. Khi lượng máu đến đại tràng mất ổn định hoặc bị thiếu đột ngột sẽ dễ dẫn đến bệnh viêm đại tràng. Tình trạng này xảy ra khiến cho người bệnh đau bụng, sốt và tiêu chảy (đi ngoài có thể kèm theo máu).
Viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ cũng có thể từ các loại bệnh lý mà người bệnh đã mắc phải trước đây như: viêm mạch máu, tiểu đường, ung thư đại tràng, mất máu và nước, suy tim…
Bệnh viêm ruột (IBD – Inflammatory Bowel Disease)
Bệnh viêm ruột được phân thành 2 loại đó là Viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Chúng được coi là bệnh tự miễn dịch.
- Viêm loét đại tràng: gây viêm loét và chảy máu bên trong niêm mạc ruột già. Thường bắt đầu từ trực tràng và lan đến hết đại tràng gây ra các cơn đau bụng, tiêu chảy kèm theo cả đi tiêu ra máu.
- Bệnh Crohn: xảy ra ở bất kì nơi nào trong đường tiêu hoá trong đó có cả đại tràng.
Viêm đại tràng vi thể
Đây là loại bệnh khá khó để xác định bởi bác sĩ cần phải xem xét một mẫu mô của đại tràng ở dưới kính hiển vi, nơi đó mới có thể tìm ra các dấu hiệu của bệnh. Có hai loại viêm đại tràng vi thể đó là:
- Viêm đại tràng Collagen
- Viêm đại tràng Lympho
Hai tế bào bạch cầu Collagen và Lympho này sẽ tấn công vào thành đại tràng, gây nên các vết viêm loét tại đây khiến người bệnh bị tiêu chảy kèm theo nước nhưng không có máu trong phân. Những người thường xuyên hút thuốc, phụ nữ khi sinh, có tiền sử bị rối loạn miễn dịch hoặc đang sử dụng một số loại thuốc kháng sinh cũng có nguy cơ cao bị viêm đại tràng vi thể.
Viêm đại tràng dị ứng ở trẻ sơ sinh
Viêm đại tràng dị ứng thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, còn trong quá trình bú sữa mẹ để phát triển. Nguyên nhân chủ yếu thường là do dị ứng với sữa bò hoặc sữa đậu nành khi người mẹ uống và truyền chất đạm vào cho con qua sữa mẹ. Loại bệnh này khiến cho trẻ nhỏ bị trào ngược, khạc nhổ nhiều kèm theo đó có thể có máu trong phân của em bé.
Triệu chứng bệnh viêm đại tràng
Thông thường người bệnh sẽ bắt gặp các biểu hiện sau:
- Đau bụng: Đây có lẽ là biểu hiện dễ thấy và đặc trưng nhất của viêm đại tràng. Tuy nhiên với các nguyên nhân khác nhau thì cơn đau bụng cũng sẽ có các tính chất khác nhau như: đau quặn thắt, đau từng cơn hoặc cũng có thể đau từng đoạn riêng biệt…
- Tiêu chảy: Đây cũng là tỉnh trạng phổ biến ở các bệnh nhân bị viêm đại tràng. Người bệnh có thể đi ngoài liên tục nhiều lần trong ngày với tình trạng phân ở dạng lỏng, có nước và có thể lẫn cả máu.
- Suy nhược cơ thể: bị bệnh lâu dài khiến cơ thể ảnh hưởng nghiêm trọng trong quá trình tiêu hoá và hấp thụ dưỡng chất. Khi đó cơ thể sẽ bị suy nhược, mệt mỏi thiếu năng lượng hoạt động, cân nặng bị giảm sút và gây ảnh hưởng đến công việc cũng như cuộc sống cá nhân….
Ngoài ra cũng có một số triệu chứng khác đi kèm tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh viêm đại tràng có thể kể đến như: sốt, mệt mỏi, mất nước, nôn mửa…
Các loại bệnh viêm ruột (IDB) còn có thể gây ra các triệu chứng bên ngoài đại tràng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh như:
- Sưng khớp
- Viêm mắt
- Viêm, loét khoang miệng
- Viêm da
Chuẩn đoán bệnh viêm đại tràng
Việc kết hợp giữa thăm khám và hỏi tình hình cũng như lịch sử của bệnh nhân là bước quan trọng trong việc định hướng để chuẩn đoán bệnh viêm đại tràng. Sau đó bệnh nhân có thể được bác sĩ cho thực hiện một số xét nghiệm cụ thể và cần thiết để chuẩn đoán chính xác nhất:
- Xét nghiệm máu: đánh giá tình trạng thiếu máu gây ra do tình trạng viêm nhiễm, thiếu máu hoặc chảy máu đại tràng.
- Xét nghiệm mẫu phân: giúp loại trừ các bệnh lý viêm nhiễm do vi khuẩn, siêu vi hay ký sinh trùng gây ra. Hồng cầu và bạch cầu trong phân giúp việc chuẩn đoán bệnh chính xác hơn.
- Nội soi đại tràng: cách này cho phép bác sĩ xem xét được toàn bộ ruột. Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy các mẫu sinh thiết để chuẩn đoán chính xác hơn.
- Chụp X – quang: kiểm tra vùng bụng và các cơ quan lân cận để loại trừ các biến chứng nguy hiểm thủng ruột kết hay thủng ruột.
- Chụp CT ruột non và cộng hưởng từ (MR) ruột: đây là một trong các xét nghiệm không xâm lấn giúp bác sĩ có thể loại trừ các chứng viêm trong ruột non. Các xét nghiệm này nhạy cảm hơn so với các xét nghiệm hình ảnh thông thường.
Cách điều trị bệnh viêm đại tràng
Điều trị viêm đại tràng phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên bệnh, mức độ bệnh, giai đoạn bệnh, tuổi tác, tình trạng thể chất… Với những trường hợp bệnh nhẹ, chỉ cần sử dụng thuốc để kiểm soát cơn đau và chống viêm. Còn với các trường hợp mãn tính nặng hơn thì cần truyền dịch và các biện pháp y tế khác.
Điều trị nội khoa
Hiện nay vẫn chưa có loại thuốc đặc trị dành cho căn bệnh viêm đại tràng. Hầu hết các thuốc được kê đơn đều chỉ nhằm mục đích giúp giảm các triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh và hạn chế tình trạng bệnh nặng hơn. Một số loại thuốc thường được sử dụng điều trị viêm đại tràng như:
- Các loại kháng sinh thông thường hay các loại thuốc chống viêm như Sulfasalazine, Mesalamine, Balsalazide…
- Thuốc Corticoid dành cho tình trạng viêm loét đại tràng từ vừa đến nặng và không đáp ứng các phương pháp điều trị khác.
- Các thuốc ức chế hệ thống miễn dịch như Azathioprine, Mercaptopurine, Cyclosporine…
- Các loại sinh học được sử dụng để điều trị viêm loét đại tràng như: Infliximab, Adalimumab, Vedolizumab, Ustekinumab…
Cung cấp nước và các chất điện giải cho cơ thể là hết sức cần thiết nhằm mục đích không để truỵ tim mạch cho bệnh nhân, cung cấp năng lượng vượt qua bệnh tật.
Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật cắt bỏ một đoạn đại tràng bị viêm hay nhiều hơn là cả đại tràng có thể là lựa chọn cuối cùng trong trường hợp bệnh diễn tiến nặng và các loại thuốc điều trị không đem lại hiệu quả cho bệnh nhân. Hai phương pháp chính trong phẫu thuật điều trị viêm đại tràng đó là mổ mở và phẫu thuật nội soi. Tuy nhiên việc cắt bỏ sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng ruột và tâm lý của người bệnh.
Các phẫu thuật này bao gồm:
- Nối hồi tràng và hậu môn: khi đó, hồi tràng sẽ được biến thành một túi sau đó nối với hậu môn.
- Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng, đôi khi là cả trực tràng nếu diễn tiến bệnh nặng.
- Cắt hồi tràng lục địa: đây là phương pháp có thể thực hiện nhưng không được phổ biến với căn bệnh viêm đại tràng.
Một số biện pháp khắc phục tại nhà
Viêm đại tràng kéo dài khiến cho người bệnh mệt mỏi, khó chịu gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy nếu bệnh còn nhẹ, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng các cách sau đây:
- Dùng nha đam: tác dụng chính của nha đam là giải nhiệt, giải độc và làm mát gan. Chính vì thế mà được ứng dụng rất nhiều trong đời sống như nước uống, dưỡng da… hoặc thuốc trị bệnh.
- Dùng lá ổi: các thành phần hoạt chất trong lá ổi sẽ giúp kích thích cơ trơn của ruột, giúp giảm đau hiệu quả và cầm tiêu chảy. Nó còn có khả năng kháng khuẩn, loại bỏ các tác nhân gây bệnh trong ruột.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: với một chế độ tập luyện hiệu quả và đều đặn sẽ giúp người bệnh kiểm soát và làm giảm các triệu chứng bệnh như: căng thẳng, tăng cân, táo bón…
- Chế độ ăn uống lành mạnh: việc có một chế độ ăn lành mạnh kết hợp với thuốc điều trị sẽ giúp hạn chế các tổn thương của bệnh, cải thiện sức đề kháng để bản thân chống lại bệnh tật.
Phòng ngừa bệnh viêm đại tràng hiệu quả
Viêm đại tràng có nguy cơ cao dễ tái phát và biến chứng nên khi phát hiện bệnh cần gặp ngay bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Song song với việc kết hợp điều trị bệnh bằng các phương pháp nội khoa hay ngoại khoa thì người bệnh cũng cần thực hiện các biện pháp sau để phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả:
- Có chế độ ăn uống hợp lý vì đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm đại tràng. Nên ăn chín, uống sôi, không uống sữa bò tươi không tiệt trùng. Ăn nhiều chất xơ có trong rau xanh, trái cây…Nên ăn nhẹ và chia làm nhiều bữa, không ăn quá no vào buổi tối. Hạn chế ăn các thực phẩm có chứa lưu huỳnh hoặc Sunfat, đồ ăn cay nóng, một số sản phẩm có chứa Sorbitol như kẹo cao su, …
- Thực hiện lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, hạn chế đồ uống có cồn như rượu, bia, thốc lá…, làm việc cân bằng để tránh cơ thể căng thẳng và mệt mỏi.
- Nên tiến hành thăm khám theo định kì 6 tháng/lần để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó cũng nên tẩy giun sán 6 tháng/lần.
Một số câu hỏi thường gặp về bệnh viêm đại tràng
Viêm đại tràng là một căn bệnh khá phổ biến ở Việt Nam cũng như một số nước đang phát triển trên thế giới. Tuy nhiên đa số mọi người vẫn chưa hiểu rõ về căn bệnh này cũng như sự nguy hiểm của nó. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp nhất về căn bệnh này:
1. Bệnh viêm đại tràng có nguy hiểm không?
Đây là bệnh lý lành tính, tuy nhiên lại không thể điều trị dứt điểm và bệnh rất dễ tái phát. Nặng nhất có thể phát triển thành ung thư đại tràng gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời.
2. Viêm đại tràng có chữa khỏi được không?
Viêm đại tràng không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể điều trị nhằm ngăn chặn sự phát triển và làm giảm các triệu chứng cũng như biến chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát.
3. Bệnh viêm đại tràng có lây không?
Bệnh không lây nhiễm nhưng một số trường hợp nếu người mắc bệnh viêm đại tràng từ các chủng lỵ Amip, lậu, tả… thì nguy cơ lây nhiễm cũng có thể xảy ra khi dùng chung các vật dụng cá nhân hoặc qua đường tình dục.
4. Viêm đại tràng và hội chứng ruột kích thích có giống nhau không?
Viêm đại tràng và hội chứng ruột kích thích (hay còn gọi là viêm đại tràng co thắt) là hai bệnh khác nhau về đại tràng. Tuy nhiên, trong thực tế mọi người khó phân biệt được sự khác nhau giữa chúng nên có thể chọn cách điều trị chưa đúng.
- Viêm đại tràng: là tình trạng viêm trong niêm mạc đại tràng. Xảy ra do nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm, thiếu máu hoặc do tổn thương dạ dày gây tổn thương đến vùng niêm mạc của đại tràng.
- Viêm đại tràng co thắt: là một rối loạn chức năng của đại tràng, không gây tổn thương thực thể đại tràng. Bệnh nhân có thể tiêu chảy xen kẽ táo bón thường xảy ra sau khi ăn. Triệu chứng đau bụng và khó chịu ở bụng thường hết sau khi đi ngoài.
5. Khi nào cần đi thăm khám?
Viêm đại tràng khi còn nhẹ chúng ta có thể tự chăm sóc cho bản thân, ăn uống điều độ và nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp giảm tình trạng bệnh. Nhưng nếu có các biểu hiện sau chứng tỏ bạn cần phải đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám:
- Tình trạng tiêu chảy kéo dài 2 – 3 tuần, có máu trong phân và người bệnh bị mất nước.
- Sốt cao đi kèm với tiêu chảy cảnh báo có thể bạn bị nhiễm trùng nặng.
- Đau bụng liên tục với cường độ ngày càng tăng.
Viêm đại tràng là bệnh lý thường gặp, tuy là bệnh lành tính nhưng nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi diễn biến nặng bệnh cũng có thể làm tăng khả năng mắc ung thư. Bài viết vừa rồi hi vọng đã cung cấp cho mọi người những thông tin cần thiết nhất về bệnh để giúp hỗ trợ phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, giúp cải thiện sức khỏe và cuộc sống.