Cách Tính Ngày Dự Sinh
Tính ngày dự sinh sẽ giúp mẹ bầu và gia đình có sự chuẩn bị kỹ càng hơn để chào đón sự ra đời của thiên thần nhỏ. Hiện tại, có rất nhiều cách tính ngày dự sinh và dưới đây là 8 cách đơn giản, chính xác nhất.
Ngày dự sinh là gì? Có đúng không?
Thông thường, thai nhi sẽ phát triển trong bụng mẹ 9 tháng 10 ngày mới chào đời. Tuy nhiên, con số này chỉ có tính chất tương đối vì thời gian mang thai sẽ có sự khác biệt ở từng thai phụ. Trong trường hợp sinh đúng tháng, trẻ sẽ chào đời vào tuần thứ 39 – 40. Một số trẻ có thể chào đời sớm hơn từ 37 – 38 tuần hoặc sau muộn hơn vào tuần thứ 41 – 42.
Ngày dự sinh (Estimated Date Of Delivery – EDD) là thời gian dự đoán mẹ sẽ chuyển dạ và sinh nở. Ngày dự sinh thường được tính toán dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như ngày rụng trứng, chu kỳ kinh nguyệt, ngày quan hệ,… Ngoài ra, thời điểm dự sinh cũng sẽ có sự thay đổi trong suốt thai kỳ tùy theo sự phát triển của thai nhi.
Dự đoán được ngày sinh sẽ giúp mẹ bầu và gia đình có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đón thiên thần nhỏ chào đời. Theo đánh giá của các bác sĩ, tính ngày dự sinh có độ chính xác khá cao. Nhiều trường hợp không chính xác hoàn toàn nhưng chỉ chênh lệch vài ngày cho đến 1 – 2 tuần.
Như vậy, ngày dự sinh có thể dự đoán được khoảng thời gian trẻ chào đời ở mức độ tương đối. Điều này sẽ giúp bố mẹ và những người thân khác có sự chuẩn bị về tâm lý, tài chính để chào đón con với tâm thế thoải mái hoàn toàn. Thực tế, ngày dự sinh có thể tính ngay từ đầu thai kỳ. Tuy nhiên, lúc này độ chính xác không cao. Do đó, các bác sĩ thường sẽ tính ngày dự sinh từ tháng 3 thai kỳ trở đi.
8 Cách tính ngày dự sinh chính xác mẹ nên biết
Tính ngày dự sinh là điều mà các mẹ bầu quan tâm. Dưới đây là một số cách tính ngày dự sinh đơn giản và chính xác nhất:
1. Tính ngày dự sinh theo chu kỳ kinh nguyệt
Tính ngày dự sinh theo chu kỳ kinh nguyệt là một trong những cách đơn giản nhất. Mẹ bầu hoàn toàn có thể tự tính thời điểm dự sinh dựa trên chu kỳ kinh nguyệt của bản thân. Đối với cách này, lấy ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng (tương ứng với ngày hành kinh đầu tiên), cộng thêm 7 ngày rồi cộng thêm 9 tháng.
Ví dụ: Ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối là 1.1.2022, đem cộng cho 7 ngày là ngày 7.1.2022 và cộng thêm cho 9 tháng sẽ ra ngày 7.10.2022 (ngày dự sinh).
Tính ngày dự sinh theo chu kỳ kinh nguyệt tương đối chính xác. Tuy nhiên, cách này chỉ áp dụng cho nữ giới có vòng kinh chuẩn 28 ngày. Những trường hợp rối loạn kinh nguyệt, vòng kinh mau hoặc thưa khi tính theo cách này sẽ không có độ chính xác cao.
2. Cách tính ngày dự sinh chuẩn theo siêu âm
Có thể nói, tính ngày dự sinh theo siêu âm là cách tính có độ chính xác cao nhất hiện nay. Vào tháng thứ 3 thai kỳ, mẹ bầu có thể siêu âm để bác sĩ đo đạc kích thước thai nhi và ước tính tuổi thai. Qua đó, bác sĩ sẽ dự đoán được ngày dự sinh rơi vào ngày thai tròn 40 tuần tuổi.
Dù vậy, ngày dự sinh theo kết quả siêu âm vẫn sẽ có sai số nhưng mức độ chênh lệch không nhiều (từ vài ngày cho đến một tuần). Tuy nhiên, sự chênh lệch có thể nhiều hơn nếu thai phụ sinh non do bị tai nạn, chấn thương hoặc do ảnh hưởng của một số vấn đề sức khỏe.
Đối với cách tính ngày dự sinh bằng siêu âm, mẹ không cần xác định ngày rụng trứng hay chu kỳ kinh nguyệt. Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả siêu âm để xác định tuổi thai và dự đoán ngày dự sinh chính xác. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể nhập tuổi thai và một số thông tin cần thiết vào các ứng dụng để dự đoán thời điểm sinh nở.
3. Hướng dẫn tính ngày dự sinh theo ngày quan hệ
Tính ngày dự sinh theo ngày quan hệ là cách tính truyền thống. Cách này có độ chính xác thấp hơn so với siêu âm nhưng có thể tự tính tại nhà. Thực tế, rất khó để có thể xác định lần quan hệ nào có hiện tượng thụ thai và cho hợp tử. Do đó, cách này chỉ được áp dụng cho những trường hợp chỉ quan hệ duy nhất 1 lần và có thai.
Tuổi thai sẽ bắt đầu được tính từ ngày giao hợp. Sau đó, cộng thêm cho 9 tháng 10 ngày sẽ ra được ngày dự sinh.
4. Tính ngày dự sinh theo ngày rụng trứng
Ngoài những cách tính trên, mẹ bầu cũng có thể tính ngày dự sinh dựa trên ngày rụng trứng. Tuy nhiên, cách này chỉ có thể áp dụng nếu mẹ bầu đã sử dụng que thử rụng trứng để xác định thời điểm quan hệ có cơ hội mang thai cao. Như vậy, mới xác định cụ thể ngày rụng trứng và dự đoán được thời điểm dự sinh chính xác.
Đối với những trường hợp biết rõ ngày rụng trứng, cộng thêm 38 tuần sẽ ra được ngày dự sinh. Thực tế, ngày rụng trứng chính là thời điểm xảy ra thụ tinh hoặc muộn hơn 1 ngày. Vì vậy, thời điểm sinh sẽ diễn ra sau đó từ 38 – 40 tuần vì lúc này thai nhi đã đủ tháng nên có thể chào đời.
5. Cách tính ngày dự sinh sau chuyển phôi trong IVF
Đối với những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tính ngày dự sinh sẽ dựa vào ngày chuyển phôi. Thông thường, bác sĩ sẽ chuyển phôi vào tử cung của mẹ sau 3 – 5 ngày.
Lúc này, tuổi thai sẽ được mặc định là 14 ngày + thêm thời gian phôi được nuôi cấy (tức là 3 – 5 ngày). Cứ như vậy, mẹ bầu cộng thêm 38 tuần nữa sẽ ra thời điểm dự sinh.
6. Tính ngày dự sinh thai IUI
Ngoài IVF, IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) cũng là phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến hiện nay. Đối với phương pháp này, tinh trùng sẽ được bơm vào thời điểm trứng chuẩn bị rụng. Tuổi thai sẽ được tính từ thời điểm bơm IUI cộng thêm 2 tuần, sau đó mẹ cộng thêm 38 tuần để ra thời điểm dự sinh.
7. Tính ngày dự sinh khi mang thai đôi
Trường hợp thai đôi thường sẽ chuyển dạ sớm hơn so với mang thai đơn. Để tính ngày dự sinh trong trường hợp này, mẹ bầu lấy ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng cộng cho 9 tháng 7 ngày và trừ đi 2 tuần. Nói một cách dễ hiểu hơn thì ngày dự sinh khi mang thai đôi là 273 ngày tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng.
Trong trường hợp mang song thai nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, ngày dự sinh sẽ là ngày thứ 252 kể từ khi chuyển phôi.
8. Cách tính ngày dự sinh theo một số quy tắc khác
Để thuận tiện cho việc dự đoán thời điểm chuyển dạ, đã có khá nhiều quy tắc ra đời nhằm giúp mẹ bầu dễ dàng tính ngày dự sinh:
- Quy tắc Naegele: Đối với quy tắc Naegele, bạn sẽ lấy ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng cộng cho 7 ngày, sau đó cộng thêm 9 tháng.
- Quy tắc Mittendorf-Williams: Quy tắc này cho rằng, những phụ nữ mang thai lần đầu sẽ có thai kỳ dài 288 ngày và từ lần 2 trở đi chỉ có 283 ngày. Ngày dự sinh sẽ rơi vào ngày 283 – 288 kể từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng.
- Quy tắc Wood: Quy tắc Wood cho rằng thai phụ sẽ chuyển dạ vào tuần thứ 41 kể từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng.
Cách tính ngày dự sinh không thể cho kết quả chính xác 100%. Tuy nhiên, phép tính này phần nào có thể xác định được khoảng thời gian chuyển dạ. Để dự đoán chính xác nhất ngày dự sinh, mẹ bầu nên siêu âm thai 12 tuần. Những cách tính khác tuy đơn giản hơn nhưng độ chính xác không cao và có chênh lệch khá lớn so với ngày dự sinh thực tế.
Tham khảo thêm: