Thụ Tinh Nhân Tạo
Thụ tinh nhân tạo (IUI) là phương pháp bơm tinh trùng đã được làm sạch vào tử cung tại thời điểm rụng trứng. Điều này giúp tinh trùng khỏe mạnh đến gần trứng hơn để quá trình thụ tinh, tạo hợp tử diễn ra bình thường. Đây là một phương pháp điều trị khả năng sinh sản phổ biến ở các cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc các cá nhân muốn thụ thai.
Thụ tinh nhân tạo (IUI) là gì?
Thụ tinh trong tử cung (IUI) còn được gọi là kỹ thuật bơm tinh trùng vào tử cung, là một loại thụ tinh nhân tạo được thực hiện bằng cách bơm tinh trùng trực tiếp vào tử cung của người phụ nữ.
Trong quá trình thụ thai tự nhiên, tinh trùng sẽ phải đi từ âm đạo và cổ tử cung, đến tử cung và ống dẫn trứng. Chỉ có 5% tinh trùng khỏe mạnh có thể đi từ âm đạo đến tử cung. Khi buồng trứng giải phóng trứng, trứng sẽ di chuyển đến ống dẫn trứng. Đây là nơi tinh trùng và trứng gặp nhau, dẫn đến quá trình thụ tinh.
Trong phương pháp thụ tinh nhân tạo (IUI), tinh trùng sẽ được thu thập, làm sạch và cô đặc để thu được những tinh trùng khỏe mạnh, chất lượng tốt nhất. Tinh trùng này sẽ được đặt trực tiếp vào tử cung thông qua một ống mỏng, đưa tinh trùng đến gần trứng hơn. IUI sẽ giúp tinh trùng gặp trứng dễ dàng hơn, vì tinh trùng không cần mất thời gian để di chuyển từ âm đạo. Điều này sẽ làm tăng cơ hội mang thai.
IUI là phương pháp thụ tinh nhân tạo được chỉ định đầu tiên để điều trị hiếm muộn. Nếu IUI không thành công, các phương pháp điều trị xâm lấn khác sẽ được chỉ định. IUI có thể được thực hiện bằng tinh trùng của bạn đời hoặc của một người hiến tặng. Người mang thai sẽ được sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản để đảm bảo trứng sẽ được phóng thích trong thời kỳ rụng trứng.
Khi nào cần thực hiện thụ tinh nhân tạo?
Có nhiều lý do khác nhau để thực hiện thụ tinh nhân tạo IUI, chẳng hạn như vô sinh, hiếm muộn, các cặp đôi đồng giới hoặc phụ nữ muốn sinh con mà không có bạn tình có thể sử dụng tinh trùng được hiến tặng.
Trong hầu hết các trường hợp, thụ tinh nhân tạo IUI được thực hiện khi có các điều kiện sau:
- Có vấn đề về chất nhầy ở cổ tử cung hoặc các vấn đề khác ở cổ tử cung: Cổ tử cung là bộ phận ngăn cách tử cung và âm đạo. Chất nhầy do cổ tử cung tạo ra sẽ giúp tinh trùng di chuyển từ âm đạo, đi qua tử cung và đến ống dẫn trứng. Tuy nhiên, chất nhầy cổ tử cung quá đặc sẽ khiến tinh trùng khó di chuyển và làm giảm hiệu suất thụ thai thành công. Với IUI, tinh trùng sẽ đi qua cổ tử cung và đi thẳng đến tử cung, giúp quá trình thụ tinh diễn ra nhanh chóng.
- Số lượng tinh trùng thấp hoặc suy giảm tinh trùng: Trong quá trình điều trị vô sinh, hiếm muộn, bác sĩ sẽ đề nghị phân tích tinh dịch. Phương pháp này có thể cho thấy tinh trùng ít, yếu, chậm hoặc có hình dạng kỳ lạ. Nếu tinh trùng có vấn đề, IUI có thể chọn ra những tinh trùng khỏe mạnh, chất lượng nhất để đưa vào tử cung cho quá trình thụ tinh.
- Rối loạn chức năng xuất tinh hoặc cương cứng: IUI có thể được đề nghị nếu nam giới không thể đạt được hoặc duy trì sự cương cứng cần thiết hoặc không thể xuất tinh.
- Dị ứng tinh dịch: Mặc dù rất hiếm, tuy nhiên trong một số trường hợp hợp, người phụ nữ có thể bị dị ứng với tinh dịch của bạn tình. Điều này có thể gây bỏng rát, sưng tấy hoặc tấy đỏ ở âm đạo. IUI có thể mang lại hiệu quả trong trường hợp này, bởi vì các protein gây dị ứng sẽ được loại bỏ trong quá trình lọc rửa tinh trùng.
- Vô sinh không rõ nguyên nhân: Khi các bác sĩ không xác định được nguyên nhân dẫn đến vô sinh, hiếm muộn, thụ tinh nhân tạo IUI sẽ được chỉ định để giúp quá trình mang thai diễn ra.
- Mang thai khi không có bạn tình: IUI có thể được chỉ định cho những người muốn sinh con nhưng không có bạn tình, không muốn kết hôn hoặc người đồng giới muôn mang thai. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định tinh trùng của người hiến tặng khi thực hiện IUI.
Khi nào không nên thực hiện thụ tinh nhân tạo IUI?
Thụ tinh nhân tạo IUI là phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến và hiệu quả cao. Tuy nhiên phương pháp này có thể không phù hợp với một số trường hợp, chẳng hạn như:
- Nam giới có số lượng tinh trùng ít, dị dạng hoặc di động kém.
- Nữ giới bị tắc 2 ống dẫn trứng hoặc bị tổn thương nghiêm trọng.
- Nữ giới bị suy buồng trứng, ung thư buồng trứng hoặc có những vấn đề bất thường khác ở buồng trứng.
- Phụ nữ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng.
Quy trình thực hiện thụ tinh nhân tạo IUI
Mỗi quy trình thụ tinh nhân tạo IUI được thực hiện theo một quy trình khác nhau, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, IUI được thực hiện theo các bước như sau:
1. Khám sức khỏe
Khi có dự định thụ tinh nhân tạo, bác sĩ sẽ tiến hành các bước thăm khám ban đầu, thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu cần thiết để xác định tình trạng hiếm muộn. Nếu nguyên nhân liên quan đến các bệnh lý có thể điều trị hoặc vấn đề tâm lý, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị khác phù hợp.
Nếu tình trạng hiếm muộn có thể giải quyết bằng phương pháp IUI, bác sĩ sẽ đề nghị kế hoạch thụ thai, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe và lên kế hoạch cho quy trình thụ tinh nhân tạo.
2. Kích thích buồng trứng
Bác sĩ sẽ trao đổi về thời điểm rụng trứng chính xác để đảm bảo tinh trung được tiêm vào đúng thời điểm. Việc xác định thời điểm rụng trứng có thể được thực hiện bằng cách sử dụng bộ dụng cụ dự đoán rụng trứng tại nhà phát hiện hormone tạo hoàng thể (LH). Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để phát hiện hoàng thể hoặc siêu âm qua ngã âm đạo để tìm dấu hiệu trứng đã trưởng thành.
Đôi khi, người phụ nữ sẽ được tiêm gonadotropin màng đệm ở người (hCG) hoặc các loại thuốc hỗ trợ sinh sản khác để giúp rụng một hoặc nhiều trứng. Quá trình rụng trứng thường xảy ra vào khoảng 10 đến 16 ngày sau ngày đầu tiên của kỳ kinh.
Quá trình thụ tinh (bơm tinh trùng vào tử cung) sẽ được thực hiện trong vòng 24 – 36 giờ sau khi LH được phát hiện (trong máu hoặc nước tiểu) hoặc sau khi tiêm hCG.
3. Chuẩn bị mẫu tinh dịch
Nam giới sẽ cung cấp mẫu tinh trùng vào ngày làm thủ tục thụ tinh nhân tạo. Trong một số trường hợp, nam giới có thể cung cấp mẫu tinh dịch trước đó và bác sĩ sẽ thực hiện đông lạnh mẫu tinh dịch cho đến khi sử dụng. Nếu sử dụng mẫu tinh trùng hiến tặng, mẫu sẽ được cung cấp bởi bệnh viện hoặc đơn vị bảo quản tinh trùng hiến tặng.
Tinh dịch sẽ trải qua một quá trình làm sạch để tập trung những tinh trùng khỏe mạnh nhất. Nếu sử dụng tinh trùng hiến tặng, ngân hàng tinh trùng thường gửi các mẫu đã được làm sạch.
4. Thụ tinh nhân tạo
Thủ tục thụ tinh nhân tạo IUI rất đơn giản và thường chỉ mất vài phút. Người phụ nữ sẽ được yêu cầu nằm lên giường kiểm tra. Bác sĩ sẽ đưa một mỏ vịt vào âm đạo, tiếp theo một ống thông mỏng sẽ được đưa qua cổ tử cung để vào tử cung. Cuối cùng bác sĩ sẽ bơm mẫu tinh trùng đã được làm sạch vào tử cung.
Sau quá trình thụ tinh, người phụ nữ sẽ được yêu cầu nằm nghỉ trong 10 – 30 phút. Thai kỳ sẽ diễn ra nếu trứng và tinh trùng gặp nhau, thụ tinh và làm tổ trong niêm mạc tử cung.
Sau khi thực hiện thụ tinh nhân tạo IUI, người phụ nữ có thể được cung cấp progesterone. Progesterone sẽ giúp duy trì niêm mạc tử cung và cải thiện cơ hội thụ thai thành công.
5. Thử thai
Sau hai tuần thực hiện thụ tinh nhân tạo IUI, bạn có thể thử thai bằng que tại nhà. Bạn cũng có thể để bệnh viện thực hiện xét nghiệm nếu có dấu hiệu thụ thai thành công.
Nếu kết quả thụ tinh nhân tạo thành công, người phụ nữ sẽ được hướng dẫn các bước thử thai cũng như tuân thủ các mốc khám thai định kỳ để đảm bảo thai kỳ diễn ra an toàn, khỏe mạnh.
Nếu kết quả thụ thai thất bại, bác sĩ có thể đánh quá lại quy trình, thực hiện các kiểm tra sức khỏe liên quan. Sau đó, thụ tinh nhân tạo IUI có thể được thực hiện lại hoặc tiến hành các phương pháp điều trị sinh sản khác.
Tỷ lệ thành công của phương pháp IUI
Thụ tinh nhân tạo IUI là phương pháp đơn giản và có tỷ lệ thành công tương đối cao. Tuy nhiên các vấn đề tuổi tác và vô sinh có thể gây ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của phương pháp. Hầu hết các bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện IUI trước năm 40 tuổi để tăng cơ hội mang thai.
Khi cơ thể lão hóa, số lượng trứng sẽ ít hơn và chất lượng trứng cũng sẽ thay đổi. Tỷ lệ mang thai thành công của IUI sẽ giảm theo độ tuổi, như sau:
- Tuổi từ 20 đến 30: 17.6%
- Tuổi từ 31 đến 35: 13.3%
- Tuổi từ 36 đến 38: 13.4%
- Tuổi từ 39 đến 40: 10.6%
- Trên 40 tuổi: 5.4%
Tỷ lệ thành công sẽ giảm dần theo đổi tuổi của người phụ nữ, do đó nếu hiếm muộn hoặc có dự định làm mẹ đơn thân, bạn nên thực hiện thụ tinh nhân tạo trước 35 tuổi để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh cũng như ngăn ngừa các rối loạn di truyền.
Ưu điểm và rủi ro của phương pháp thụ tinh nhân tạo IUI
Thụ tinh nhân tạo IUI có thể giúp các cặp đôi vô sinh hiếm muộn có con thành công. Mặc dù có tỷ lệ thành công cao, tuy nhiên phương pháp này cũng có nhiều rủi ro, do đó bạn nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
1. Ưu điểm
Một số ưu điểm của phương pháp thụ tinh nhân tạo IUI bao gồm:
- Tỷ lệ thành công cao: IUI là phương pháp tương đối đơn giản, dễ thực hiện và có tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo, bạn nên thực hiện thụ tinh nhân tạo trước năm 35 tuổi hoặc muộn nhất là vào năm 40 tuổi để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.
- Ít xâm lấn: IUI thực hiện bơm tinh trùng vào tử cung thông qua ống thông mỏng, điều này ít gây đau đớn và bạn thường không cần gây mê trong suốt quá trình. Toàn bộ quá trình chỉ mất vài phút, sau đó bạn sẽ được nằm nghỉ trong 10 – 30 phút trước khi ra về.
- Chi phí phù hợp: Hiện tại thụ tinh nhân tạo IUI chỉ mất khoảng 3 – 8 triệu đồng cho mỗi lần thực hiện. Mức phí này tương đối phù hợp và có thể giúp nhiều đối tượng tiếp cận với phương pháp này.
- Phù hợp cho tinh trùng yếu: Một trong những lý do phổ biến khiến phụ nữ không thể thụ thai là do tinh trùng yếu, di chuyển kém. Do đó IUI sẽ giúp tinh trùng tiến đến gần trứng hơn mà không cần tốn thời gian di chuyển.
2. Rủi ro
Một số người có thể gặp tác dụng phụ nhẹ khi sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản. Tác dụng phụ phổ biến nhất sau khi thụ tinh là đau nhẹ hoặc chuột rút.
IUI có thể gây rối loạn về mặt tinh thần và thể chất. Các cặp vợ chồng hoặc mẹ đơn thân thực hiện các phương pháp thụ tinh nhân tạo thường dễ bị trầm cảm hoặc rối loạn cảm xúc. Hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn phù hợp nếu bạn cảm thấy thất vọng hoặc chán nản.
Thụ tinh nhân tạo IUI là phương pháp điều trị sinh sản có rủi ro thấp khi so với các phương pháp xâm lấn khác, chẳng hạn như thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên IUI cũng có thể dẫn đến một số rủi ro, chẳng hạn như:
- Sinh nhiều con: Bạn có thể rụng nhiều trứng nếu sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản. Điều này làm tăng khả năng mang thai đôi, thai ba hoặc nhiều hơn. Mang thai nhiều có thể làm tăng nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân.
- Chảy máu âm đạo: Quá trình bơm tinh trùng vào tử cung có thể gây chảy máu âm đạo.
- Nhiễm trùng: Mặc dù rất hiếm khi xảy ra, tuy nhiên tinh trùng có thể không được làm sạch hoàn toàn trước khi đưa vào tử cung. Điều này sẽ dẫn đến nhiễm trùng và lạc nội mạc tử cung. Các dấu hiệu bao gồm đau bụng, sốt, xuất huyết và tiết dịch từ âm đạo.
- Hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS): Đây là một tác dụng phụ khá hiếm gặp do sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản. OHSS sẽ làm cho buồng trứng sưng lên, gây đau đớn, khó chịu và nhiều vấn đề khác.
- Thụ tinh thất bại: Thụ tinh nhân tạo IUI có thể thất bại hoặc làm tăng nguy cơ sinh con dị tật. Nếu thất bại, phương pháp này có thể được thực hiện lặp lại 3 – 6 lần trước khi chuyển sang các phương pháp khác.
Các bước chuẩn bị trước khi thụ tinh nhân tạo IUI
Trước khi bắt đầu thực hiện thụ tinh nhân tạo IUI, các cặp đôi hoặc mẹ đơn thân sẽ được khám sức khỏe tổng thể và làm các xét nghiệm về khả năng sinh sản. Bạn tình cũng sẽ được kiểm tra và xét nghiệm tinh dịch cũng như các vấn đề di truyền để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.
Các bước chuẩn bị cho IUI bao gồm:
- Khám tử cung
- Siêu âm tử cung
- Phân tích tinh dịch
- Tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) và các bệnh truyền nhiễm khác
- Xét nghiệm máu
Bác sĩ có thể khuyến khích sử dụng axit folic (có trong hầu hết các loại vitamin trước khi sinh) ít nhất ba tháng trước khi thụ thai (hoặc điều trị IUI). Ngoài ra, bạn cần có chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt để đảm bảo sức khỏe tổng thể.
Các câu hỏi thường gặp trong phương pháp IUI
1. Quy trình IUI mất bao lâu?
Thời gian cho quy trình thụ tinh nhân tạo IUI khoảng bốn tuần (khoảng 28 ngày). Quy trình này có độ dài tương đương với một chu kỳ kinh nguyệt bình thường.
Trước khi thực hiện quy trình, bạn và bạn đời sẽ được kiểm tra, bao gồm xét nghiệm máu, phân tích tinh dịch, siêu âm và các chẩn đoán khác. Một số người sẽ được sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sinh trong năm ngày hoặc sử dụng thuốc tiêm trong tối đa 2 tuần. Điều này sẽ làm tăng cơ hội rụng trứng và thụ tinh thành công.
Thụ tinh IUI là quá trình nhanh chóng, chỉ mất vài phút để bơm tinh trùng vào tử cung. Sau 2 tuần bạn có thể thử thai.
2. IUI có hiệu quả không?
Hiệu quả của phương pháp IUI phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản của vô sinh. IUI mang lại hiệu quả tốt ở những người bị vô sinh không rõ nguyên nhân và những người có vấn đề chất nhầy ở cổ tử cung hoặc các vấn đề về xuất tinh.
Các tình trạng như rối loạn ống dẫn trứng, lạc nội mạc tử cung hoặc suy giảm tinh trùng nghiêm trọng, phương pháp IUI thường không mang lại hiệu quả tốt. Trong trường hợp này, IVF – thụ tinh trong ống nghiệm, có thể được chỉ định để tăng cơ hội mang thai.
3. Thụ tinh nhân tạo có đau không?
Thụ tinh nhân tạo IUI không đau và không cần gây mê. Tuy nhiên, sau khi thụ tinh, bạn có thể bị chuột rút nhẹ hoặc khó chịu trong và sau ngày thụ tinh.
4. Có thể quan hệ tình dục sau IUI không?
Bạn có thể quan hệ tình dục trước và sau khi thực hiện thụ tinh nhân tạo IUI. Ngoài ra, quan hệ tình dục vào ngày IUI hoặc ngày hôm sau có thể làm tăng cơ hội mang thai.
5. Chi phí thụ tinh nhân tạo là bao nhiêu?
Chi phí thực hiện thụ tinh nhân tạo IUI thay đổi tùy thuộc vào bệnh viện và các xét nghiệm trước sinh, tiền sử sức khỏe và các vấn đề liên quan khác. Tuy nhiên IUI ít tốn kém hơn các phương pháp khác.
Chi phí cho mỗi lần thực hiện IUI rơi vào khoảng 3 – 8 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí sẽ thay đổi tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thụ thai, hãy trao đổi với bác sĩ về phương pháp thụ tinh nhân tạo. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe và đề nghị kế hoạch mang thai phù hợp, an toàn.
Tham khảo thêm: