Mang Thai 3 Tháng Đầu
Mang thai 3 tháng đầu là khoảng thời gian rất nhạy cảm mẹ bầu cần đặc biệt chú ý. Nếu chăm sóc sức khỏe không tốt thì có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự hình thành và phát triển của thai nhi, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ sẩy thai. Bài viết sẽ tổng hợp những điều quan trọng cần biết trong tam cá nguyệt đầu tiên.
Dấu hiệu nhận biết mang thai 3 tháng đầu
Khi mang thai 3 tháng đầu, mẹ bầu sẽ có những dấu hiệu khác thường so với trước đây. Tốt nhất nên có sự tìm hiểu trước để trang bị các mẹo chăm sóc sức khỏe phù hợp để có một thai kỳ khỏe mạnh.
Dưới đây là các dấu hiệu thường gặp trong tam cá nguyệt đầu tiên:
1. Ốm nghén
Số liệu thống kê cho thấy, có đến 85% các mẹ bầu trải qua tình trạng buồn nôn và nôn ói khi mang thai 3 tháng đầu. Mặc dù nguyên nhân không rõ ràng nhưng hormone thai kỳ chorionic gonadotropin được xem là thủ phạm chính.
Khi cơ thể sản sinh càng nhiều hormone này thì cảm giác buồn nôn sẽ tăng lên. Tuy nhiên đây không hẳn là dấu hiệu tồi tệ bởi nó báo hiệu cho mẹ biết rằng thai nhi đang phát triển tốt. Hơn nữa một số chuyên gia cho rằng, càng hay nôn nao thì lại càng ít nguy cơ sẩy thai.
2. Nhạy cảm với mùi hương
Rất nhiều mẹ bầu cho biết, khứu giác của họ đặc biệt nhạy bén khi mang thai. Nhất là giai đoạn đầu của thai kỳ. Một giả thiết cho rằng, chính sự nhạy bén này giúp mẹ bầu tránh xa khỏi chất độc tự nhiên hoặc các thực phẩm chứa nhiều vi khuẩn. Tuy nhiên giác quan quá nhạy cảm này thường có xu hướng dịu đi sau khoảng vài tháng.
3. Tiểu tiện nhiều khi mang thai 3 tháng đầu
Ngay cả khi bạn chưa nhìn thấy rõ sự phát triển của bụng thì tử cung vẫn đang giãn ra và gây chèn ép lên bàng quang. Thêm vào đó, khi mang thai 3 tháng đầu thì thận của mẹ bầu cũng làm việc tích cực hơn để đẩy chất thải ra khỏi cơ thể.
Kết quả của những vấn đề này là nhu cầu tiểu tiện sẽ trở nên thường xuyên hơn, bất kể là ngày hay đêm. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc mẹ bầu nên uống ít nước hơn. Và đồng thời cũng không được nhịn tiểu. Bởi những điều này có thể dẫn tới nhiễm trùng đường tiểu.
4. Mệt mỏi
Luôn cảm thấy mệt mỏi suốt cả ngày là một tác dụng phụ thường gặp của thai kỳ. Bởi lúc này cơ thể của mẹ bầu đang phải vận hành quá tải nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của thai nhi. Lưu lượng máu có thể tăng lên đến 50% để cung cấp đủ máu cho thai nhi. Một thủ phạm thường thấy cho sự mệt mỏi quá mức khi mang thai 3 tháng đầu chính là chứng thiếu máu.
5. Căng tức bầu ngực
Mặc dù khi mang thai 3 tháng đầu thì kích thước của thai nhi còn rất bé nhưng bầu ngực của mẹ bầu đã sẵn sàng để nuôi dưỡng bé. Sự thay đổi nội tiết và tăng trưởng các tuyến sữa thường sẽ diễn ra vào khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ. Nó sẽ khiến cho bầu ngực của mẹ bầu căng tức và trở nên nhạy cảm hơn.
6. Bị mụn nhọt khi mang thai 3 tháng đầu
Vào khoảng thời gian đầu mang thai, mẹ bầu có thể bị nổi mụn nhọt do các hormone nội tiết tố hoạt động quá mức khiến da sản sinh nhiều dầu thừa hơn. Mụn có thể sẽ biến mất sau thời gian mang thai nhưng để làm giảm sự khó chịu và giữ cho tinh thần thoải mái thì mẹ bầu nên tìm hiểu các giải pháp trị mụn an toàn trong thai kỳ.
7. Khó thở
Khi mang thai, mẹ bầu cần hít thở sâu hơn và cũng cần hấp thụ oxy vào máu tốt hơn. Cả khi bạn lấy rất nhiều không khí thì cũng đừng ngạc nhiên khi bản thân bị khó thở. Bởi một phần có thể do em bé đang trao đổi CO2 trở lại cơ thể bạn.
8. Đau đầu
Đường huyết tháp, lưu lượng máu lên não giảm và nội tiết tố tăng có thể khiến cho mẹ bầu gặp phải những cơn đau đầu tồi tệ. Lúc này, mẹ bầu có thể thử chườm nóng hoặc lạnh, massage nhẹ thái dương hoặc tập hít thở sâu để hỗ trợ cải thiện.
9. Khô mắt và thay đổi thị lực
Sự gia tăng lưu thông máu thường khiến cho cả cơ thể bạn có cảm giác sưng phồng lên. Điều này xảy ra với cả đôi mắt, giác mạc trở nên dày và cong hơn. Từ đó khiến cho khúc xạ hình ảnh thay đổi. Nếu mẹ bầu sử dụng kính áp tròng thì có thể sẽ gặp vấn đề do sự tiếp xúc giữa mắt và kính. Ngoài ra, biến động nội tiết tố còn khiến cho mắt bị khô hơn.
Mang thai 3 tháng đầu: Sự phát triển của em bé
Những thay đổi và phát triển mạnh mẽ nhất của thai nhi sẽ xảy ra trong tam cá nguyệt đầu tiên. Sau khi phôi tự làm tổ trong tử cung của bạn thì quá trình phát triển của bào thai sẽ diễn ra.
Biểu đồ dưới đây sẽ giúp bạn biết được các tiêu chuẩn cho hầu hết các trường hợp mang thai bình thường. Tuy nhiên, mỗi thai nhi lại có quá trình phát triển không hoàn toàn giống nhau:
– Đến cuối 4 tuần:
- Tất cả các hệ thống và cơ quan chính bắt đầu hình thành
- Phôi thai lúc này trông giống như một con nòng nọc
- Ống thần kinh (não và tủy sống), hệ tiêu hóa, tim và hệ tuần hoàn bắt đầu hình thành
- Sự hình thành và phát triển của mắt và tai
- Các chồi chi nhỏ xíu xuất hiện (sẽ phát triển thành tay và chân)
- Trái tim đang đập
– Đến cuối 8 tuần:
- Tất cả các hệ thống chính của cơ thể tiếp tục phát triển và hoạt động. Bao gồm cả hệ tuần hoàn, tiêu hóa, tiết niệu và thần kinh
- Phôi thai mang hình dáng con người, mặc dù lúc này phần đầu lớn hơn so với phần còn lại của cơ thể
- Miệng đang phát triển các chồi răng, sau này chúng sẽ trở thành răng sữa
- Mắt, mũi, miệng và tai ngày càng có sự khác biệt
- Có thể dễ dàng nhìn thấy cánh tay và chân
- Các ngón tay và ngón chân vẫn có màng nhưng có thể phân biệt rõ ràng
- Các cơ quan chính tiếp tục phát triển, bạn có thể nghe thấy nhịp tim của con bằng một thiết bị gọi là Doppler
- Xương bắt đầu phát triển, mũi và hàm cũng có sự phát triển nhanh chóng
- Phôi thai chuyển động liên tục nhưng mẹ chưa thể cảm nhận được
– Từ phôi thai đến bào thai:
- Sau 8 tuần thì phôi thai lúc này được gọi là bào thai
- Mặc dù lúc này thai nhi chỉ dài từ 1 – 1.5 inch nhưng tất cả các cơ quan và hệ thống chính đã được hình thành
– Trong các tuần từ 9 – 12:
- Các cơ quan sinh dục ngoài được phát triển
- Móng tay và móng chân xuất hiện
- Mí mắt được hình thành
- Chuyển động của thai nhi tăng lên
- Tay và chân đã được hình thành đầy đủ
- Hộp thoại (thanh quản) bắt đầu hình thành trong khí quản
Các chuyên gia cho biết, thai nhi dễ bị tổn thương nhất trong 12 tuần đầu tiên. Do đó, khi mang thai 3 tháng đầu tiên nếu thai nhi tiếp xúc với thuốc, bức xạ, thuốc lá, các chất độc hại và tác nhân truyền nhiễm thì tất cả các cơ quan chính và hệ thống cơ thể đang hình thành có thể bị tổn thương. Mặc dù các cơ quan và hệ thống cơ thể đã hình thành đầy đủ vào cuối 12 tuần nhưng lúc này thai nhi vẫn không thể tồn tại một cách độc lập.
Dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng đầu cần đi khám ngay
Như đã đề cập, mang thai 3 tháng đầu là giai đoạn rất nhạy cảm. Do đó ngoài quan tâm đến các dấu hiệu cho thấy thai nhi đang phát triển tốt thì mẹ bầu cũng cần chú ý đến những dấu hiệu bất thường của cơ thể.
Nếu nhận thấy các dấu hiệu dưới đây thì mẹ bầu cần chủ động đi khám bác sĩ ngay:
- Nghén nặng: Ốm nghén chứng tỏ rằng thai nhi đang phát triển tốt. Tuy nhiên nếu mẹ bị mệt mỏi hay nôn quá nhiều thì quá trình phát triển của em bé cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, khi nôn nhiều thì mẹ bầu nên tới các cơ sở y tế để thăm khám.
- Đau bụng và ra máu: Nếu chỉ bị đau bụng đơn thuần không kèm theo ra máu thì mẹ bầu chỉ cần nghỉ ngơi và hạn chế vận động. Tuy nhiên nếu vừa bị đau bụng vừa bị ra máu thì mẹ bầu cần đặc biệt cẩn trọng. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, mẹ bầu cần đến cở sở y tế ngay. Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của thai nhi và sức khỏe của mẹ.
- Ra khí hư và ngứa âm đạo: Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo mẹ bầu đang bị viêm âm đạo do thay đổi nội tiết tố. Mặc dù không nguy hiểm nhưng nếu bệnh tình kéo dài thì mẹ có thể bị sảy thai. Tốt nhất nên tìm gặp bác sĩ để được hướng dẫn cách điều trị.
- Tiểu buốt, tiểu rắt: Dấu hiệu này cho thấy có thể mẹ bầu đang bị viêm đường tiết niệu. Điều cần làm lúc này là chú ý vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ. Đồng thời chủ động thăm khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Cách chăm sóc sức khỏe khi mang thai 3 tháng đầu
Tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ chính là thời điểm mà em bé của bạn phát triển nhanh nhất. vào cuối tuần thứ 12 thì xương, cơ và các cơ quan của bé đã hình thành, lúc này nó được coi là một bào thai.
Trong 3 tháng đầu mang thai, các mẹ bầu được khuyến cáo là cần chú ý chăm sóc sức khỏe thật tốt. Điều này giúp đảm bảo bé yêu phát triển khỏe mạnh và hạn chế nguy cơ sảy thai (điều này xảy ra ở khoảng 10% các trường hợp mang thai).
Các vấn đề cần chú ý hàng đầu bao gồm:
1. Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống cho mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu cần đảm bảo cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho thai kỳ. Hãy đặc biệt tập trung vào việc bổ sung acid folic, protein, canxi, sắt, vitamin C, kali và DHA.
Dưới đây là một số thực phẩm mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng:
- Thịt nạc: Đây là một nguồn cung cấp protein và chất sắt rất dồi dào. Các loại thịt nạc được nấu chín kỹ như bít tết, thịt thăn, gà tây và thịt gà cung cấp tất cả các acid amin đóng vai trò như các khối xây dựng cho tế bào.
- Sữa chua: Canxi và protein trong sữa chua có thể hỗ trợ cấu trúc xương cho thai nhi.
- Đậu Edamame: Loại đậu nành non chứa một lượng lớn protein thực vật, cùng với đó là rất nhiều canxi, sắt và folate.
- Cải xoăn: Loại rau màu xanh lá cây đậm này cung cấp rất nhiều dưỡng chất cho sức khỏe thai kỳ. Phải kể đến như canxi, chất xơ, sắt, vitamin A, folate, vitamin C, vitamin E và vitamin K.
- Chuối: Đây là được cho là một trong những nguồn cung cấp kali tốt nhất cho cơ thể.
- Đậu và đậu lăng: Sắt, folate, chất xơ và protein đều rất dồi dào trong các nhóm thực phẩm này.
- Gừng: Các sản phẩm từ gừng như trà gừng hoặc kéo gừng có thể giúp bà bầu chống lại cảm giác buồn nôn khi mang thai 3 tháng đầu.
Trên thực tế, có khoảng 75% phụ nữ mang thai cảm thấy đau bụng, buồn nôn hoặc các triệu chứng ốm nghén khác trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng này.
Mẹ bầu nên nạp năng lượng bằng các bữa ăn nhỏ thường xuyên sau mỗi vài ba giờ. Cần tránh thức ăn cay và nhiều chất béo. Ngoài ra nên ăn các bữa ăn dạng lỏng hoặc có kết cấu mềm. Nếu muốn ăn vặt có thể lựa chọn bánh quy giòn hoặc ngũ cốc khô ít đường.
Bên cạnh đó, việc bổ sung đủ nước cho cơ thể là rất quan trọng. Mẹ bầu nên uống đủ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày. Nếu cảm thấy uống nước lọc không ngon miệng thì có thể thêm vào 1 lát chanh, dưa leo hoặc quả mọng tươi.
2. Hoạt động thể chất
Theo nhận định từ các chuyên gia, tập thể dục trong thời kỳ đầu mang thai là hoàn toàn an toàn đối với hầu hết mọi người. Hoạt động thể chất đúng cách thực sự có thể làm dịu nhiều cơn đau nhức và khó chịu khi mang thai 3 thai.
Tuy nhiên cần nhớ rằng một số điều kiện nhất định có thể khiến bạn và con gặp rủi ro. Do đó cần tham khảo bác sĩ trước khi bắt đầu bất cứ thói quen tập thể dục nào. Bạn cần ngừng tập thể dục và tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu gặp phải các dấu hiệu sau đây:
- Chảy máu âm đạo
- Các cơn co thắt thường xuyên gây đau đớn
- Rò rỉ nước ối
- Khó thở trước khi bắt đầu tập luyện
- Đau đầu, đau ngực, chóng mặt
- Đau cơ và sưng hoặc đau bắp chân
Tập thể dục trong 3 tháng đầu mang thai thường có xu hướng khó khăn. Thể tích máu được tim bơm ra mỗi phút tăng lên khi thai nhi được 5 – 6 tuần. Sự thay đổi này có thể gây ra các triệu chứng như nhịp tim nhanh, chóng mặt và cảm giác không thể hít thở sâu. Tuy nhiên nếu bạn có thể quản lý nó thì bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng khi hoạt động thể chất.
Trong tam cá nguyệt đầu tiên, bạn nên hoạt động thể chất với cường độ nhẹ và các bài tập nhẹ nhàng. Có thể tập pilates cường độ thấp, đi bộ, yoga cho bà bầu, bơi lội và thể dục nhịp điệu dưới nước. Bà bầu chỉ nên tập khoảng 30 phút/ ngày và cố gắng duy trì khoảng 3 – 5 lần/ tuần.
3. Các vấn đề cần tránh
Dưới đây là những điều kiêng kỵ khi mang thai 3 tháng đầu mẹ bầu cần đặc biệt chú ý:
- Nói không với các loại thức ăn chưa được nấu chín như rau sống, salad, gỏi cá sống, sushi, thịt tái, trứng ốp la,…
- Kiêng tắm trong bồn
- Tuyệt đối không được hút thuốc lá
- Kiêng xông hơi
- Không tiếp xúc với phân chó, mèo
- Không sử dụng hóa mỹ phẩm
- Thận trọng khi massage
- Kiêng mang giày cao gót
- Tránh lao động nặng nhọc hoặc hoạt động mạnh
- Tránh suy nghĩ “ăn cho 2 người”
- Kiêng các chất kích thích như nước chè đặc, cà phê, trà sữa, rượu bia và các loại đồ uống có cồn khác
- Kiêng quan hệ tình dục mạnh hoặc liên tục
- Kiêng tiêu thụ các loại đồ ăn cay nóng
- Tránh xa căng thẳng, áp lực
- Tránh đến những nơi đông người
- Không nên thức khuya
Lần khám tiền sản đầu tiên khi mang thai 3 tháng đầu
Lần khám tiền sản đầu tiên đối với bà bầu được cho là kỹ lưỡng nhất. Một bệnh sử đầy đủ sẽ được thực hiện. Bác sĩ thường khám sức khỏe cũng như thực hiện một số xét nghiệm và thủ tục nhằm đánh giá sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi.
Lần khám tiền sản đầu tiên của bạn có thể bao gồm:
– Bệnh sử cá nhân:
- Tình trạng y tế trước đây và hiện tại, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, huyết áp cao, thiếu máu hoặc dị ứng
- Thuốc hiện tại (kê đơn, không kê đơn và viên uống bổ sung)
- Các cuộc phẫu thuật trước đây
– Tiền sử y tế của mẹ bầu và người thân trong gia đình: Điều này có thể bao gồm bệnh tật, chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ và rối loạn di truyền.
– Tiền sử sản khoa và phụ khoa cá nhân: Bao gồm những lần mang thai trong quá khứ (sẩy thai, thai chết lưu, bỏ thai, sinh nở) và tiền sử kinh nguyệt (bao gồm độ dài và thời gian của chu kỳ kinh nguyệt).
– Khám vùng chậu:
- Cần lưu ý kích thuốc và vị trí của tử cung
- Xác định tuổi của thai nhi
- Kiểm tra kích thước và cấu trúc xương
- Thực hiện xét nghiệm Pap để tìm sự hiện diện của các tế bào bất thường
– Các bài kiểm tra trong phòng thí nghiệm:
- Xét nghiệm nước tiểu được thực hiện để sàng lọc vi khuẩn, protein và glucose.
- Xét nghiệm máu được thực hiện để xác định nhóm máu và kiểm tra yếu tố Rh.
– Các xét nghiệm sàng lọc máu: Được thực hiện để tìm ra các bệnh lý có thể ảnh hưởng tới thai kỳ. Chẳng hạn như một bệnh truyền nhiễm còn được gọi là rubella hay bệnh sởi Đức.
– Các xét nghiệm di truyền: Được thực hiện để tìm các bệnh di truyền, chẳng hạn như bệnh Tay-Sachs hoặc bệnh hồng cầu hình liềm.
– Các xét nghiệm sàng lọc khác: Được thực hiện để tìm các bệnh truyền nhiễm. Thường là nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Lần khám tiền sản đầu tiên khi mang thai 3 tháng đầu cũng chính là cơ hội để mẹ bầu hỏi bất cứ câu hỏi nào hoặc thảo luận về bất cứ mối quan tâm nào đối với sức khỏe thai kỳ. Mẹ bầu có thể chủ động chuẩn bị càng câu hỏi và vấn đề cần bác sĩ giải đáp trước khi đi thăm khám.
Mang thai 3 tháng đầu là khoảng thời gian nhạy cảm, mẹ bầu cần cẩn trọng trong mọi hoạt động. Hãy chú ý đến biểu hiện của cơ thể, ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất đúng cách và không quên việc đi khám thai. Điều này sẽ giúp mẹ bầu có được thai kỳ phát triển khỏe mạnh và an toàn.
Tham khảo thêm: